fbpx

Những trùm tài phiệt “đến từ hư không” làm khuynh đảo nước Nga – Kỳ 2: Bàn tay phù phép giấy lộn thành tiền tỷ

Những chiêu trò trên thị trường tài chính đã giúp các tài phiệt Nga thâu tóm được lượng tài sản với tốc độ nhanh chưa từng có.

Những trùm tài phiệt "đến từ hư không" làm khuynh đảo nước Nga – Kỳ 2: Bàn tay phù phép giấy lộn thành tiền tỷ

Cái gọi là tỷ phú đến từ hư không (billionaire from nowhere) có thể giải thích một cách thô thiển theo kiểu Việt Nam là tay không bắt giặc, không bột mà vẫn gột nên hồ.

Nếu như ở các thị trường tài chính phát triển có hệ thống văn bản pháp luật rõ ràng, các mánh khỏe kiểu này sẽ bị phát hiện ngay. Khi đó thì các trùm lừa đảo sẽ nhanh chóng được cơ quan chức năng hỏi thăm và vào tù đếm gián. Tuy nhiên, nước Nga trong thời kỳ đó lại không có các điều kiện như vậy.

Bán giấy lộn rồi trốn tránh trách nhiệm

Ví dụ điển hình nổi tiếng về cách móc túi của người Nga vào giai đoạn 1993-1994 chính là AVVA. Đây chính là sản phẩm của Berezovsky và Nikolai Glushkov, giám đốc tài chính của AvtoVAZ.

Berezovsky hợp tác với tập đoàn AvtoVAZ thành lập Công ty cổ phần AVVA. Cấu trúc này do Berezovski chế biến thành. Công ty này được mô tả như là một liên doanh thần thánh với dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại đột phá giữa AvtoVAZ và General Motors. Thậm chí nó còn được thổi phồng một cách quá đáng lên khi so sánh với Volkswagen, tập đoàn trở thành biểu trưng của sự kỳ diệu của nền kinh Đức sau thế chiến thứ II. AVVA được khoác lên mình sứ mạng cao cả là phải trở thành cánh chim đầu đàn cho sự phục hồi nền kinh tế Nga. Ngoài ra, theo quảng cáo của Berezovsky thì nó sẽ thổi sức sống mới cho nền kinh tế Nga và sự ấm no của dân chúng toàn đất nước phụ thuộc nhiều vào đó.

Chiến dịch quảng cáo rầm rộ bắt đầu vào tháng 10/1993 và AVVA nhận được những ưu đãi thuế đáng kể. Tuy nhiên, đọan sau của câu chuyện trở nên khá cay đắng cho nhiều người. Với đề án phát triển khoảng 800-900 triệu USD, AVVA phát hành 300 triệu ngân phiếu.

Berezovsky và Nikolai Glushkov. Nguồn: Fox News
Berezovsky và Nikolai Glushkov. Nguồn: Fox News

Tháng 12/1993, công ty AVVA bắt đầu bán ngân phiếu của mình cho dân chúng. Đó là những chứng chỉ giá 7 USD (tương đương 10,000 RUB). Chứng chỉ của AVVA là vô thời hạn và chỉ cần nhà máy ôtô mới được xây dựng xong là có thể đổi chúng ra tiền mặt hoặc cổ phiếu. Những người giữ chứng chỉ cũng được hứa hẹn sẽ tham dự xổ số mà giải thưởng sẽ là hàng nghìn ôtô AvtoVAZ mới trị giá khoảng 5,000-7,000 USD.

Chiến dịch quảng cáo đã mê hoặc người dân tin rằng nhà máy sẽ được xây dựng trong nay mai nên hăng hái tham gia. Hàng chục nghìn người Nga mua chứng chỉ của AVVA.

Tuy nhiên, đến năm 1994, General Motors tách ra khỏi đề án AVVA vì phát hiện nguy tham nhũng tại AvtoVAZ. Lúc này đã có 50 triệu USD ngân phiếu được bán ra. Số tiền đã không đủ để khởi công xây dựng nhà máy. Đến cuối năm 1994, chứng chỉ của AVVA mất đi hầu như toàn bộ giá trị.

Đầu năm 1995, Berezovsky trơ trẽn tuyên bố: ”AVVA không thu thập đủ số tiền cần thiết để xây dựng dây chuyền lắp ráp mới và sẽ giải thể”. Thế là mấy chục triệu USD của các nhà đầu tư nhẹ nhàng tan biến như bong bóng xà phòng. Trong khi đó, Berezovsky và Nikolai Glushkov đã bí mật thụt két công ty AVVA trong quá trình họat động nên kiếm được những khoản tiền rất lớn để bắt đầu xây dựng đế chế. Trong kế hoạch này Nikolai Glushkov đóng vai trò là tay trong của Berezovsky “nằm vùng” trong AvtoVAZ. Sau khi vụ lừa đảo này thực hiện xong thì Glushkov cũng chuyển sang công ty khác.

Roman Abramovich, học trò cưng của Berezovsky, từng hỏi một nữ nhà báo: “Theo cô đâu là sự khác biệt giữa một con chuột cống và một con Hamster?” Nữ nhà báo không biết. Ông ta lại nói: “Chúng chẳng khác nhau gì đâu. Chỉ là vấn đề PR thôi”. Trong trường hợp AVVA, con chuột cống chẳng có giá trị gì đã trở thành con Hamster giá 20-50 USD trong các cửa hàng thú cưng.

Không sở hữu nhưng vẫn kiểm soát

John D. Rockefeller, một trong những nhà tư bản giàu có nhất lịch sử, có một câu nói cực kỳ nổi tiếng: “Own nothing, control everything”. Berezovsky có lẽ đã thấm nhuần tư tưởng này khi lập ra các quỹ đầu tư ma quỷ của mình.

Ông này lập ra khá nhiều quỹ đầu tư để huy động tiền từ các nhà đầu tư nhỏ trong dân chúng. Sau đó, ông dùng những khoản tiền này đi mua cổ phần của các công ty nhà nước dang được thanh lý với giá thấp đến nực cười.

Nói một cách nôm na là ông dùng tiền của thiên hạ đi mua các công ty nhà nước thanh lý làm ăn tốt. Sau khi nắm quyền kiểm soát công ty thì ông có toàn quyền quyết định với nguồn tài chính của nó. Khi đó tình trạng tham nhũng thụt két sẽ diễn ra và tiền lại chảy vào túi của Berezovsky và đám đàn em.

Để làm được điều này một cách thuận lợi thì Berezovsky cần hậu thuẫn về mặt chính trị. Trên thực tế, hầu như mỗi nhà doanh nghiệp dù muốn hay không đều buộc phải kiếm cho mình một “cái ô”. Đối với những người làm ăn nhỏ, họ thường tìm đến sự bảo kê của các băng mafia địa phương. Còn các tập đoàn lớn thì ô dù là các quan chức nhà nước.

Ô dù của Berezovsky là Alexander Korzhakov, sếp của cơ quan an ninh của Tổng thống Boris Yeltsin (Presidential Security Service – PSB). Korzhakov là người thân cận nhất với Yeltsin và thậm chí còn được gọi là “cái bóng của Tổng thống”. Ông góp phần kìm hãm tiến trình điều tra cảnh sát đối với vụ ám sát nhà báo kiêm đạo diễn nổi tiếng Vladislav Listyev của Berezovsky. Thậm chí, vào cuối năm 1994, Korzhakov còn phái người của mình đến “làm thịt” đối thủ cạnh tranh chính của Berezovsky là Vladimir Gusinsky.

Alexander Korzhakov trong một cuộc phỏng vấn. Nguồn: BBC
Alexander Korzhakov trong một cuộc phỏng vấn. Nguồn: BBC

Công thức làm giàu kiểu Nga

Không có ví dụ nào hoàn hảo hơn, sống động hơn và chân thực hơn Sibneft trong trường hợp này. Hàng đống tỷ phú đã được sinh ra từ không khí nhờ phi vụ này.

Vào năm 1995 có khá nhiều thương vụ lớn trong ngành dầu khí xảy ra ở Nga. Ngân hàng Menatep của Mikhail Khodorkovsky vận động hậu trường để mua Công ty Yukos và cặp bài trùng Berezovsky-Abramovich mua Sibneft. Khi đó, Sibneft là công ty dầu khí lớn thứ sáu tại Nga.

Vấn đề của các ông trùm mới nổi chính là chữ “mới nổi”. Nghĩa là họ không có sự tích lũy tiền bạc trong suốt hàng trăm năm kiểu như gia tộc Rothschild ở châu Âu hay gia tộc Rockefeller ở châu Mỹ. Họ chỉ có quyết tâm làm giàu và dựa vào thời thế, quan hệ mà thôi. Chính vì vậy, việc thiếu tiền cho các thương vụ luôn xảy ra. Một khi đã thiếu thì các tài phiệt phải đi vay thôi.

Rất may cho họ là giám đốc các ngân hàng quốc doanh ở Nga đều là những người rất “dễ mến”. Với mức lương thấp nhưng lại có quyền quyết định các nguồn tài chính khổng lồ nên tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp luôn xảy ra. Chỉ cần có cái phong bì dày cộm là Berezovsky đã có thể vay được thêm tài chính để bổ sung cho các vụ làm ăn.

Điều tiếp theo cần làm là đi “quan hệ” với các quan chức phụ trách việc thanh lý tài sản nhà nước. Có lẽ Berezovsky phải cảm ơn ông nào đã phát minh ra cái phong bì. Vì cũng với chiêu tặng phong bì mà ông ta đã mua được các doanh nghiệp hùng mạnh với giá rẻ mạt. Dù vậy, Berezovsky kết hợp với Smolensky và Abramovich đã thành công khi mua lại Sibneft với giá chỉ tầm 100 triệu USD. Berezovsky thậm chí còn không phải trả tiền cho ngân hàng vì cổ tức của Sibneft trong 3 năm đầu tiên đã vượt quá 100 triệu USD!

Smolensky là đối tác của Berezovsky và Abramovich trong vụ Sibneft. Nguồn: Russia Today
Smolensky là đối tác của Berezovsky và Abramovich trong vụ Sibneft. Nguồn: Russia Today

Để hình dung được mức độ “rẻ” mà Berezovsky mua được thì mọi người cần biết rằng, Gazprom của Chính phủ Nga phải chi hơn 13 tỷ USD để mua lại Sibneft từ Abramovich năm 2005. Ông trùm dầu mỏ đã bán hết 73% cổ phần trong công ty Sibneft và trở thành người giàu nhất nước Nga thời điểm đó.

Nói một cách ngắn gọn, các tài phiệt Nga vay tiền của nhà nước (ở đây là các ngân hàng quốc doanh) rồi mua lại tài sản của nhà nước. Cuối cùng bán lại nó cho chính nhà nước. Thế là kiếm hàng tỷ USD dễ như chơi!

Yeltsin trao quyền lực cho Putin

Tình trạng lộn xộn và hỗn loạn trên kéo dài khá lâu. Đã có không biết bao nhiêu tài sản công bị các tài phiệt tham lam và trơ trẽn xâu xé. Nhưng tất cả những thứ đó đều phải dừng lại khi một cựu điệp viên KGB lên nắm quyền Tổng thống Nga.

Có thể nói, cuộc đời cố Tổng thống Boris Yeltsin đã phạm phải vô số sai lầm. Nhưng có khá nhiều người đã tha thứ cho ông vì ông đã làm được một việc vô cùng đúng đắn. Đó là tiến cử Vladimir Putin lên đỉnh cao quyền lực.

Nguồn: Vietstock (Lược dịch từ Godfather of the Kremlin và The Billionaire from Nowhere)

Những trùm tài phiệt “đến từ hư không” làm khuynh đảo nước Nga – Kỳ 1: Trùm băng đảng

Những trùm tài phiệt “đến từ hư không” làm khuynh đảo nước Nga – Kỳ 3: Đòn rắn của Putin

Những trùm tài phiệt “đến từ hư không” làm khuynh đảo nước Nga – Kỳ 4: Chống đối hay quay đầu

Để khai thông hảo vận, phát tài phát lộc hãy “tậu” ngay:

Cặp Bò Vàng Phố Wall Lộc Phát – Thịnh Vượng

https://drive.google.com/drive/u/0/folders/1IxG6Lx9IJ9arR-bIqMkKDnzU7Kf5VugJ

ĐẶT NGAY

Các viết cùng chủ đề