fbpx

Bài học vỡ lòng về đầu tư của Nicolas Darvas: Bịt ngay các lỗ rò – Chi phí môi giới

Bài viết được trích từ sách Wall Street – The Other Las Vegas của nhà đầu tư Nicolas Darvas (1920-1977)

Mục đích chủ yếu của họ (công ty quảng cáo) là phải thu hút nhiều “con bạc” hơn đến “sòng bạc”, mua bán, trao đổi nhiều cổ phiếu hơn, từ đó, sẽ có nhiều khoản phí môi giới hơn cho các chuyên viên môi giới – các ông chủ và là người điều hành thực sự của sòng bạc phố Wall.

>>Xem them phần 1: Những bài học cho con bạc tập tễnh trên TTCK 

môi giới chứng khoán

Sau khi trừ đi hai khoản phí trên, cộng thêm một khoản thuế nhỏ nữa, và như vậy, tôi gần như – tất nhiên là không đến nỗi – khánh kiệt, chỉ vì “muốn kiếm chút lời”.

Thực sự mà nói, chỉ mỗi mình anh chàng môi giới của tôi kiếm được lời trong vụ đó với 100 đô la mà chỉ phải thực hiện hai cuộc điện thoại giao dịch. Anh ta chẳng mất mát gì cả, bởi lẽ những khách hàng như tôi sẽ phải trả tiền công cho anh ta.

Tôi mất một khoảng thời gian khá dài mới tìm được cách để không mất phí tổn đều đặn này từ nguồn vốn của mình, đó là những phí tổn nhỏ nhưng liên tục bao gồm phí môi giới, thuế chuyển khoản… trong rất nhiều các vụ giao dịch nhỏ của tôi với những khoản lời khiêm tốn (hay là những thiệt hại nhỏ).

Thậm chí sau khi đã chuyển phạm vi hoạt động tới New York và Phố Wall (Tuyệt vời! giai đoạn thịnh vượng cuối cùng cũng đến!), tôi tiếp tục tham gia rồi lại rút lui khỏi thị trường, tựa như một ngôi sao biểu diễn ở rạp xiếc nhỏ. Và tất nhiên, mỗi một lần biểu diễn, tôi lại nhận được tràng vỗ tay tuy dè dặt song hoàn toàn chân thành từ người môi giới của mình, anh chàng có mọi lý lẽ khả thi để tôi chấp nhận.

Bản báo cáo vào tháng tháng 7 năm 1954 của tôi, chỉ một năm rưỡi sau vụ mạo hiểm với cổ phiếu của KAYRAND MINES, đã chỉ ra những vấn đề khó khăn mà tôi tiếp tục phải đối mặt khi muốn lái sự nghiệp của mình theo hướng đầu cơ không chuyên ở Phố Wall. Bản báo cáo đã đưa ra số lượng mua vào và lượng bán ra sau đó của cổ phiếu thuộc 4 tập đoàn lớn sau:

ĐÀI TRUYỀN HÌNH TRUNG ƯƠNG HOA KỲ

ĐƯỜNG SẮT TRUNG TÂM NEW YORK

TỔNG CÔNG TY VẬT LIỆU CHỊU LỬA

HÀNG KHÔNG HOA KỲ

Cổ phiếu của hai tập đoàn đầu tiên lên được khoảng gần một điểm, và tôi đã bán ngay để thu lời nhanh hơn.

Cổ phiếu của hai tập đoàn còn lại có xu hướng giảm nhẹ, và tôi cũng bán ngay lập tức, đề phòng trường hợp chúng tiếp tục giảm nữa, và nếu vậy tôi sẽ thiệt hại khá lớn.

Cả bốn vụ giao dịch này cộng lại tiêu tốn của tôi tất cả là 19.311 đô la. Cho đến giờ phút này, tôi đã lún sâu vào thị trường với số tiền lớn hơn hẳn con số 3 nghìn đô la ban đầu, khi vô tình mua các cổ phiếu của BRILUND và vụ đó đã mang về cho khoản lợi nhuận gần 8 nghìn đô la, khiến tôi tưởng như đã tìm được đường đến đỉnh cao giàu sang. Nhưng sự thật là giờ đây, tôi đã tiêu tốn hết sạch số tiền mình có, chỉ còn lại hai bàn tay trắng. Tổng số tiền chi cho bốn loại cổ phiếu lên đến 19.311 đô la. Sau khi hoàn thành bản cân đối cộng và trừ lời lãi, tôi nhận ra rằng, tổng số lãi ròng của tôi chỉ vẻn vẹn có 1,89 đô la!

Trong khi đó, anh chàng môi giới cho tôi lại bỏ túi tổng cộng số tiền phí môi giới lên đến 236 đô la.

Thôi vậy, lãi tất nhiên lúc nào cũng hơn lỗ, mặc dù chỉ lãi có 1,89 đô la mà thôi. Thực tế là, tôi đang ngày càng lún sâu vào ván bài này, bởi vì giờ đây, tôi mới học được bài học quan trọng đầu tiên về thị trường chứng khoán. Đó chính là nguyên tắc hoạt động của tôi từ đó đến nay, tất cả gói gọn trong vài từ ngắn ngủi!

Bịt ngay các lỗ rò!

Nói cách khác, những từ đó có nghĩa là phải giảm các khoản phí trả cho môi giới bằng cách tránh ngay những kiểu đầu tư như “gây tai nạn rồi bỏ trốn”, hay những vụ đầu tư mang lại những khoản lời nhỏ mà chỉ các thành viên của sàn giao dịch chứng khoán – những người không phải trả bất kỳ một khoản phí môi giới nào, mới có khả năng áp dụng.

Tôi vừa nghe một nhà đầu tư trên sàn giao dịch Hoa Kỳ nói về việc “lấy 1 phần 8 ở chỗ này, rồi lấy thêm 1 phần 8 nữa ở chỗ kia”, nghĩa là 1/8 của một điểm, tương đương với 25 cent một cổ phiếu từ các vụ giao dịch mua vào và bán ra ngắn hạn đối với số lượng nhỏ các cổ phiếu giá thấp.

Vậy nhưng chỉ các thành viên của các sàn giao dịch mới có thể làm như vậy. Tôi thì không thể. Tôi phải trả một khoản phí môi giới khi mua vào, và một khoản môi giới nữa khi bán ra. Thêm vào đó, tôi còn phải đóng các khoản thuế chuyển khoản. Nếu tôi mua bán các “lô lẻ” thì vẫn sẽ có các nhân viên môi giới lô lẻ với mức phí là 1/8 hay 1/4 lợi nhuận từ cổ phiếu của tôi dựa trên giá được kê khai trên bảng. Tất cả đều sẽ được cộng vào. Tôi càng tham gia vào nhiều vụ giao dịch thì anh chàng môi giới cho tôi sẽ càng vui mừng – và tất nhiên, số tiền tôi kiếm được sẽ lại càng ít đi, dù rằng thị trường có đang ở trong giai đoạn tăng giá tốt nhất đi chăng nữa. Dù rằng khoản phí môi giới không cao lắm – theo sàn giao dịch New York thì trung bình chỉ khoảng 1%, song nó lại là một trong các yếu tố khiến tôi có thể bị “lột sạch túi” và trên thị trường chứng khoán, điều này diễn ra còn nhanh hơn tôi đã tưởng tượng.

Tôi vẫn luôn nói rằng thị trường chứng khoán nói chung giống như một trò may rủi, một sòng bạc chính hiệu. Đây không phải là cách sử dụng từ ngữ để hấp dẫn người đọc đơn thuần, đó cũng không phải là một hình tượng ngôn từ. Bất cứ một người đọc bình thường nào cũng có thể nói rằng, vâng, chắc chắn rồi, chúng tôi luôn hiểu rõ một điều rằng, luôn có các yếu tố rủi ro khi mua các cổ phiếu, thậm chí cả các chuyên gia môi giới cũng phải thừa nhận điều này.

Nhưng không – cái tôi đề cập đến không chỉ là các yếu tố rủi ro. Điều tôi thực sự muốn nói đến là “đánh bạc” với đầy đủ nghĩa đen và nghĩa bóng của nó – đó chính là thứ cờ bạc mà bạn vẫn luôn thấy ở Las Vegas. Ở đó, bạn đặt cược vào sự thay đổi của các lá bài, sự di chuyển của những viên bi màu ngà quay xung quanh các vòng quay, hay là khi bạn đặt 5 đô la hay 50 đô la vào các bàn chơi xóc đĩa.

Ở Las Vegas, ông chủ của các sòng bạc luôn có những khoản lãi trực tiếp từ mỗi vòng quay của các bàn chơi hay từ mỗi lá bài. Họ luôn đặt cược ngược với bạn. Tất nhiên xác suất thắng bạc lớn hơn luôn thuộc về phía họ; nếu không họ đã phá sản từ lâu rồi.

Và đây là những gì tôi khám phá ra. Thị trường chứng khoán không khác mấy so với các sòng bạc, ngoại trừ một đặc điểm riêng vô cùng quan trọng: chủ nhân của sòng bạc Phố Wall chính là các nhân viên môi giới, các hãng môi giới của thị trường chứng khoán. Và mặc dù một vài người trong số họ cũng tham gia đặt cược ngược lại so với cộng đồng các nhà đầu tư, song hầu hết các khoản lời của cộng đồng môi giới lại đến từ những khoản phí môi giới chứ không phải từ việc “đánh bạc”.

Các chi phí môi giới là lý do cơ bản cho sự tồn tại của các sàn giao dịch chứng khoán có tổ chức chặt chẽ; nếu không có những khoản phí môi giới này, sòng bạc Phố Wall sẽ không tồn tại.

Tôi đã sớm nhận ra quy luật này của ván bài, và tôi không hề bị lừa bịp bởi những lời tuyên truyền cho “các vụ đầu tư hoàn hảo và an toàn”, “cổ phần trong các doanh nghiệp Hoa Kỳ”, và những điều tương tự được các phóng viên, nhà báo, tác giả sách… nhắc đến thường xuyên và liên tục.

Tôi phải công nhận rằng, những anh chàng cơ hội ở đại lộ Madison (tượng trưng cho nền công nghiệp quảng cáo của Hoa Kỳ) đã hoàn thành xuất sắc một công việc, đó là “rao bán” thành công Phố Wall cho Main Street vì một mục đích rất chính đáng. Họ muốn công chúng nhìn Phố Wall như một mỏ vàng mà ai đến đó cũng sẽ dễ dàng trở thành triệu phú. Song tôi hoàn toàn hiểu rõ dã tâm của họ. Mục đích thực sự của họ là: Thực ra, có rất ít việc cho họ làm với các loại cổ phiếu thuộc các doanh nghiệp Hoa Kỳ; Mục đích chủ yếu của họ là phải thu hút nhiều “con bạc” hơn đến “sòng bạc”, mua bán, trao đổi nhiều cổ phiếu hơn, từ đó, sẽ có nhiều khoản phí môi giới hơn cho các chuyên viên môi giới – các ông chủ và là người điều hành thực sự của sòng bạc phố Wall...

Nếu như bạn thấy rằng tôi có vẻ nhắc nhiều đến cờ bạc và thị trường chứng khoán, thì bạn hãy hiểu cho rằng, đó không phải là vì một mục đích nào quá ư to tát, tôi chỉ đơn giản muốn nhấn mạnh thực tế quan trọng của vấn đề. Kinh nghiệm của tôi trên thị trường đã dạy tôi rằng chỉ có một con đường đúng đắn duy nhất để tiếp cận với việc mua, bán cổ phiếu kiếm lời; và con đường đó là, đầu tiên phải hiểu thấu đáo về loại cổ phiếu mà bạn sẽ mua, và bạn hy vọng sẽ bán được nó với giá nào.

Bài học vỡ lòng ABC trên Phố Wall mà tôi có được là:

A. Khi tôi mua cổ phiếu chính là tôi đang mua các đồng “xèng” trong các sòng bạc.

B. Mục tiêu của tôi là phải lợi dụng sự thay đổi của giá cả do sự đầu cơ của các “anh bạn” cùng tham gia đánh bạc với tôi để kiếm được nhiều “xèng” hơn so với số tiền mà tôi đã bỏ ra để mua.

C. Nhưng vì đó cũng là mục tiêu của rất nhiều tay cờ bạc khác nên tôi phải chắc chắn rằng tôi phải chơi thật tỉnh táo.

Tôi đã kể với bạn về bài học đầu tiên mà tôi học được trên thị trường chứng khoán, khi tôi mạo hiểm đầu tư vào cổ phiếu của KAYRAND MINES. Vấn đề ở đây là, ngược lại với câu châm ngôn quen thuộc ở Phố Wall, tôi hoàn toàn có thể bị khánh kiệt chỉ vì muốn kiếm một khoản lời nếu tôi mua nó sớm và liên tục. Và rõ ràng nguyên nhân của nó chính là khoản phí môi giới – điều tồi tệ sau khi các vụ giao dịch kết thúc dù rằng tôi có thắng hay thua.

Thiệt hại này tuy có vẻ là nhỏ nếu xét trên số phần trăm, song nó là khoản cố định, liên tục, và do đó, nó luôn là một khoản lớn khi xét trên tổng số tiền. Và nó cũng là khoản “tiền vào cửa” mà tôi phải bỏ ra để được vào chơi tại sòng bạc Phố Wall.

Và khi ngày càng lún sâu sâu hơn vào thị trường chứng khoán, tôi nhận ra rằng, các nhân viên môi giới được uỷ nhiệm chính là những người tráo bài – những người vô cùng khéo léo, thành thạo, thông minh – trong sòng bạc Phố Wall.

Nguồn: Sách Wall Street – The Other Las Vegas, Nicolas Darvas 

 

Có thể bạn quan tâm: Người Đàn Ông Đánh Bại Mọi Thị Trường: từ sòng bạc Las Vegas tới phố WallEdward Thorp

Edward Thorp, Người Đàn Ông Đánh Bại Mọi Thị Trường: từ sòng bạc Las Vegas tới phố Wall, a man for all markets: from las vegas to wall street

ĐẶT SÁCH

 

Các viết cùng chủ đề