Nỗi niềm NĐT chứng khoán những ngày cuối năm: Từ buồn ngủ chuyển sang… mất ngủ
Tâm lý giao dịch trên thị trường chứng khoán trở nên tiêu cực khi đà giảm kéo dài những phiên gần đây, VN-Index về sát 1.200 điểm. Những khoản lỗ lớn dần trong khi thời điểm cuối năm, tết đến cận kề khiến không ít nhà đầu tư trở nên lo lắng.
Thùy Linh, sinh năm 1997, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán từ năm ngoái.
Cô kể: “Ban đầu tôi thử mua 30 triệu đồng theo lời khuyên của bạn bè, và chỉ mua một mã ngân hàng. Sau khoảng hai tháng thấy có lời hơn 10%, tôi bán ra rồi mua mã khác. Đồng thời số vốn rót vào tài khoản cũng tăng dần lên gần 200 triệu đồng.
Cuối năm, tổng kết lời được khoảng 20%. Nhờ đó, tôi khỏi phải lo nghĩ vấn đề tiền bạc khi về quê ăn tết, đồng thời tự thưởng cho bản thân một chuyến du lịch.”
Lúc bấy giờ, Thùy Linh mong muốn kiếm lời nhiều hơn, để tạo thêm dòng tiền, không phải phụ thuộc vào công việc văn phòng với mức lương 12 triệu/tháng. Cô thậm chí mượn thêm tiền tiết kiệm của bố mẹ sau khi thuyết phục rằng mức lãi suất huy động 5-6%/năm là quá thấp.
Tình hình vẫn ổn qua 3 tháng đầu năm nay. Chỉ số tăng, danh mục cũng lời thêm vài phần trăm. Tuy nhiên, Thùy Linh nhận thấy diễn biến sau đó dần không đúng như kỳ vọng.
“Chứng khoán từ tháng 4 đến tháng 11 ‘lạ lắm’. VN-Index mỗi lần lên đến tầm 1.300 lại giảm trở lại. Thị trường giao dịch khá… buồn ngủ, cổ phiếu không tăng giảm bao nhiêu. Việc mua đi bán lại cổ phiếu không còn dễ kiếm lời như trước.
Nhìn lại tài khoản, tôi bất ngờ khi khoản lời lúc đầu năm đã biến mất, thay vào đó tài khoản đã bắt đầu lỗ 25%. Rà soát lại toàn bộ các giao dịch, đa phần là lỗ, thêm phí, thuế tổng cộng khá đáng kể”, Thùy Linh chia sẻ.
Từ “buồn ngủ”, cô nhân viên văn phòng trở nên suy tư hơn khi chỉ còn hai tháng nữa là đến tết Âm lịch, phải chi tiêu rất nhiều và báo cáo tình hình đầu tư cho bố mẹ.
Tương tự, Đình Vũ, sinh năm 1996, kỹ sư xây dựng tại TP HCM, cũng khó hiểu trước diễn biến thị trường năm nay.
Anh kể: “Vợ chồng tôi mới cưới cuối năm ngoái, được gia đình hai bên cho ít vàng trị giá khoảng vài trăm triệu đồng lúc đó để làm vốn. Do cả hai đều không có ‘máu’ kinh doanh, cũng chưa thấy thị trường bất động sản tiềm năng, nên quyết định bỏ vào kênh chứng khoán.
Tôi bắt đầu tham gia từ tháng 3, chủ yếu mua dàn trải theo danh sách khuyến nghị từ một nhân viên tư vấn của công ty chứng khoán (broker). Tình hình kém suôn sẻ ngày từ đầu khi dù lướt sóng hay nắm giữ, ít khi nào tôi thấy danh mục đạt lãi quá 10%, chủ yếu là lỗ.
Hỏi han đồng nghiệp, người quen đều ghi nhận tâm lý chung là năm nay giao dịch ‘chán, buồn ngủ, khó ăn’. Bạn broker cho biết thị trường đang thiếu thanh khoản, không có lực đẩy mạnh; trong khi danh mục của tôi mua lại phân bổ nhiều vốn vào các mã yếu hơn thị trường, ngược lại tỷ trọng thấp tại các mã tăng giá. Xu hướng thị trường này còn kéo dài đến bao giờ cũng không đoán định được, có thể phải chờ qua 2025.
Nhìn lại gần một năm, tài khoản đầu tư cổ phiếu đang lỗ gần 20%, trong khi giá vàng đã tăng đáng kể khoảng 40%. Hai vợ chồng không khỏi lục đục mỗi khi nhắc đến hai chữ chứng khoán. Mỗi tối, tôi lại trằn trọc nằm suy nghĩ về sai lầm khi vội đổ hết vốn liếng để ‘đánh chứng’ khi còn thiếu sót hiểu biết.”
Nỗi băn khoăn, bi quan của Thùy Linh và Đình Vũ dường như phản ánh phần nào tâm trạng chung của nhà đầu tư cá nhân năm nay, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư mới tham gia.
Đã rất lâu thị trường không còn xuất hiện những thông tin dạng như người mẫu, diễn viên, ca sĩ nổi tiếng… khoe lãi từ chứng khoán, khác với giai đoạn lạc quan cuối 2023 đến đầu năm nay. Thị trường kém sôi động dù thỉnh thoảng vẫn có những thông tin tích cực như Fed hạ lãi suất, vĩ mô, kết quả kinh doanh khởi sắc, hay triển vọng nâng hạng. Những phiên giao dịch trị giá tỷ USD (khoảng 25.000 tỷ đồng) dần vắng bóng.
Đến tháng 11, chứng khoán vẫn chưa thoát khỏi xu hướng đi ngang hình thành từ tháng 4. Tình hình có phần tiêu cực hơn khi đà giảm gần đây đã kéo dài hơn một tháng. Không những chưa vượt được 1.300 điểm, VN-Index còn lao dốc về lại gần 1.200 điểm (đến 19/11), cùng với đó là tài khoản của nhà đầu tư bị thu hẹp. Nếu gia tăng vốn ở vùng giá cao hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính cao, thiệt hại có thể còn lớn hơn.
Nhịp giảm sâu xuất hiện sau chuỗi đi ngang cùng thanh khoản èo uột như giọt nước làm tràn ly. Trên các diễn đàn, mạng xã hội, nhóm chứng khoán, không khó để bắt gặp trường hợp nhà đầu tư chia sẻ góc nhìn tiêu cực về thị trường, cổ phiếu, thậm chí lãnh đạo doanh nghiệp…
Một số trường hợp nhà đầu tư cá nhân còn kháo nhau cắt lỗ, xóa app (ứng dụng giao dịch trên điện thoại), tắt bảng điện.
Rút kinh nghiệm từ những cú vấp
Sau kết quả lỗ lần này, Thùy Linh nhận thấy chỉ nên tự dùng tiền của bản thân để đầu tư và rút ra bài học dần dần. Cô cho biết sẽ hạ tỷ trọng danh mục để lấy tiền trả bố mẹ, vì vay tiền người thân cũng là sử dụng đòn bẩy tài chính.
Đầu tư nên chậm chứ không thể nhanh. Cô bắt đầu tìm hiểu về chứng khoán bài bản hơn, đặc biệt thích đọc thông tin về các nhà đầu tư nổi tiếng, tâm đắc câu nói của Warren Buffett: “Dù bạn có tài năng hay nỗ lực đến mức nào đi nữa thì một số việc vẫn phải cần có thời gian. Bạn không thể sinh một em bé trong vòng một tháng bằng cách làm 9 người phụ nữ mang thai”.
Nữ nhân viên văn phòng thừa nhận đã xao nhãng về vấn đề sức khỏe, cuộc sống ủa mình. Thùy Linh bắt đầu tập yoga, ăn uống lành mạnh, hạn chế ngồi máy tính hơn trước. Cô cũng chú tâm trong công việc để nắm bắt cơ hội thăng tiến trong tương lai.
“Không được thử độ sâu của một dòng sông bằng cả hai chân” là bài học lớn nhất đối với Đình Vũ. Từ thất bại tài chính lần này, anh nhận thấy tài sản đầu tư cần chia nhiều phần vào các kênh khác nhau để hạn chế rủi ro về biến động giá.
Bản thân là người chịu trách nhiệm cao nhất đối với tài sản. Theo Đình Vũ, lời “phím” của người quen hay tư vấn của nhân viên đều chỉ mang tính chất tham khảo. Anh cần trau dồi hiểu biết, kinh nghiệm, quan sát bất kể thị trường nào trước và trong khi đầu tư. Trong đó, việc lựa chọn những cổ phiếu mạnh với tỷ trọng phù hợp mới mang lại hiệu quả tăng trưởng cho cả danh mục.
Hài hòa giữa đầu tư và cuộc sống là yếu tố rất quan trọng. Anh chia sẻ hai vợ chồng có kế hoạch sinh em bé vào năm sau. Cho nên hiện tại, bên cạnh học hỏi thêm về đầu tư, việc đảm bảo an toàn tài chính và hạnh phúc gia đình vẫn là ưu tiên hàng đầu của Đình Vũ.
*Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Happy Live team sưu tầm/vietnambiz
Có thể bạn quan tâm