fbpx

Nữ hầu gái nhờ nghe lỏm các ông chủ nói chuyện mà trở thành triệu phú, ai ngờ cuối đời vì một người phản bội mà không xu dính túi

Sở hữu khối tài sản lên đến 800 triệu USD (tính theo mức lạm phát hiện nay), bà Mary Ellen Pleasant vẫn qua đời trong cảnh nghèo khó ở những năm tháng cuối đời vì bị phản bội.

Mary Ellen Pleasant có thể không phải là một cái tên quen thuộc nhưng câu chuyện trở thành triệu phú của bà sánh ngang bất kỳ doanh nhân vĩ đại nào của Mỹ. Vào những năm 1800, Pleasant trở thành một trong những nữ triệu phú tự thân người Mỹ gốc Phi đầu tiên ở Mỹ, bất chấp trở ngại đáng kể mà bà phải đối mặt khi là phụ nữ da đen.

Thời điểm đó, bà sử dụng vốn hiểu biết của mình để xây dựng một danh mục đầu tư khổng lồ được cho là có giá trị lên đến 30 triệu USD. Nếu quy đổi theo giá trị hiện nay, khối tài sản này có thể giúp bà trở thành tỷ phú ở mức 800 triệu USD.

Nữ hầu gái nhờ nghe lỏm các ông chủ nói chuyện mà trở thành triệu phú, ai ngờ cuối đời vì một người phản bội mà không xu dính túi - Ảnh 1.

Mary Ellen Pleasant

Làm giàu nhờ “nghe lỏm” các ông chủ nói chuyện

Sinh năm 1814, Pleasant bị chia cắt khỏi bố mẹ ngay từ khi còn rất nhỏ. Bà phải tới làm người giúp việc cho một gia đình người da trắng ở Massachusetts – nơi việc sử dụng nô lệ đã bị cấm từ thế kỷ 18. Trong quãng thời gian ở đây làm việc, bà đã tự học đọc và viết nhưng chưa từng trải qua bất cứ trường lớp chính thức nào.

Khi Cơn sốt vàng California nổi lên (nhiều người đổ xô đến California để tìm vàng), Pleasant cũng “tây tiến”. Năm 1852, bà chuyển đến San Francisco và được nhận làm giúp việc gia đình và đầu bếp cho các doanh nhân giàu có.

Vào thời điểm đó, đàn ông da trắng giàu có thường không để ý đến phụ nữ da màu như Pleasant, do đó bà coi đây là lợi thế của mình. Tận dụng sự gần gũi và vô danh của mình, bà đã thu thập được vô số mẹo đầu tư của các ông trùm.

Bà nghe lỏm các cuộc hội thoại làm ăn của chủ nhà, chủ yếu là những trùm khai thác mỏ và nhà tài chính giàu có, khi đang nấu ăn và phục vụ gia đình họ. Bà tiếp thu kiến thức để đầu tư tiền một cách khôn ngoan. Sau đó, bà sử dụng lợi nhuận thu được từ các khoản đầu tư để mua lại các tiệm giặt là và nhà trọ.

Một nhà sử học đã nghi ngờ rằng, bà chọn công việc là có mục đích nhằm thu nhập các bí mật đầu tư.

“Rất có thể bà ấy đã chọn nghề giúp việc làm vỏ bọc bởi đã kiếm đủ tiền từ các khoản đầu tư”, Lynn Hudson – người viết cuốn hồi ký “The Making of ‘Mammy Pleasant’” – cho biết.

Giàu lên nhờ đầu tư bất động sản

Ở tuổi 38, Pleasant được cho là kiếm được tới 500 USD/tháng bằng nghề đầu bếp khi mới đến San Francisco. Bà đã đầu tư phần lớn tiền lương và tiền tiết kiệm của mình vào lĩnh vực bất động sản và bất cứ cơ hội nào mà bà nghe tới, bao gồm cả khai thác mỏ vàng và mỏ bạc.

Bà cũng mua lại nhiều doanh nghiệp địa phương khác nhau, bắt đầu từ tiệm giặt là. Đến những năm 1860, Pleasant là chủ sở hữu của một chuỗi kinh doanh giặt là và một loạt nhà trọ – nơi bà vẫn thường cải trang là một người hầu để dễ bị bỏ qua.

Vào lúc này, bà gặp được một nhân viên ngân hàng có tên Thomas Bell, người đã giúp bà tiếp tục đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác. Cả hai đã thiết lập mối quan hệ đối tác dài lâu với mục đích làm giàu cho cả 2 bên. Pleasant thậm chí đã rất tin tưởng Thomas Bell đến mức để ông đứng tên một số nguồn vốn đáng kể, nhằm tránh bị phân biệt chủng tộc hoặc bị nghi ngờ.

Cả hai đã mua cổ phần của các tiệm giặt là, cửa hàng sữa, nhà hàng và thậm chí là Ngân hàng Wells Fargo, được thành lập ở San Francisco vào năm 1852. Một số nhà sử học ước tính tổng tài sản của họ phải lên tới 30 triệu USD (một số tiền tương đương khoảng 864 triệu USD ngày nay, dựa trên lạm phát).

Là một người Mỹ gốc Phi giàu có vào những năm 1800, Pleasant không dám phô trương. Song bà cũng không hề giấu giếm điều này. Bà đã xây một biệt thự 30 phòng trị giá 100.000 USD vào thời điểm đó (tương đương 2,4 triệu USD ngày nay) tại San Francisco. Trong cuốn hồi ký về bà, nhà sử học Lynn Hudson đã miêu tả khối bất động sản như một “biệt phủ thời Victoria nhiều tầng cực kỳ sang trọng với sân vườn rất rộng”.

Nữ hầu gái nhờ nghe lỏm các ông chủ nói chuyện mà trở thành triệu phú, ai ngờ cuối đời vì một người phản bội mà không xu dính túi - Ảnh 2.

Trang trại của Pleasant ngày nay.

Pleasant sống trong biệt thự cùng với gia đình của Bell, mặc dù bà có nhiều tòa nhà khác như trang trại rộng gần 400ha tại Thung lũng Sonoma ở phía Đông Bắc San Francisco. Vì thế, bà phải đối mặt với nhiều tin đồn cay nghiệt, chẳng hạn như bà là tình nhân của Bell, nhà trọ bà xây thật ra là nhà thổ hoặc bà dùng tà thuật.

Không xu dính túi những năm cuối đời vì bị phản bội

Trong suốt cuộc đời mình, Pleasant đã ủng hộ các mục tiêu nhằm chấm dứt chế độ nô lệ. Bà dùng tài sản của mình để giúp các nô lệ chạy trốn và tạo công ăn việc làm cho họ. Khi tài sản đủ lớn và có chỗ đứng trong xã hội, Pleasant công khai giải quyết các vấn đề về quyền công dân.

Bà đã góp 30.000 USD để hỗ trợ John Brown nổi dậy chống lại ách nô lệ năm 1859 – sự kiện mở đầu cho một cuộc đấu tranh vũ trang giải phóng nô lệ lớn sau đó. Nhờ đó, danh tiếng của Pleasant càng được nhiều người biết đến.

Tuy nhiên, đáng buồn thay là người phụ nữ tài giỏi này không giữ được khối tài sản đồ sộ của mình cho đến cuối đời. Sau khi Bell – đối tác lâu năm của Pleasant – qua đời năm 1892, vợ ông ta đã kiện Pleasant, cho rằng bà đã độc chiếm khối tài sản chung trị giá hàng trăm triệu USD của cả hai.

Pleasant đã phải chịu thua một cách cay đắng trước pháp luật bởi khối tài sản của bà có mối liên hệ quá chặt chẽ đến Bell, tới mức bà không thể chứng minh cái gì là của riêng mình. Chưa kể, danh tiếng của bà còn bị hủy hoại bởi những lời buộc tội, những bài báo lá cải địa phương, cũng như tin đồn dùng tà thuật để hãm hại người cộng sự lâu năm.

Nữ hầu gái nhờ nghe lỏm các ông chủ nói chuyện mà trở thành triệu phú, ai ngờ cuối đời vì một người phản bội mà không xu dính túi - Ảnh 3.

Bà Pleasant những năm cuối đời.

Vì thế, Pleasant đã mất hết toàn bộ tài sản mà mình dày công tích lũy bao năm. Bà cũng bị đuổi khỏi căn biệt thự ở San Francisco, dù đã đưa ra bằng chứng trước tòa cho thấy mình thiết kế và trả tiền xây căn nhà.

Không xu dính túi, bà lại quay trở về cuộc sống nghèo khó và phải sống với bạn bè cho đến khi trút hơi thở cuối vào năm 1904, khi đã gần 90 tuổi.

Hoai An Le (Theo CafeF)

Có thể bạn quan tâm

396 lời khuyên đắt giá về đầu tư

1 phút 8 với các nhà đầu tư huyền thoại

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề