fbpx

Nữ tướng VinaCapital và khát vọng trở về quê hương phát triển thị trường tài chính Việt Nam xuyên suốt 2 thập kỷ

nu-tuong-vinacapital-va-khat-vong-tro-ve-que-huong-phat-trien-thi-truong-tai-chinh-viet-nam-xuyen-suot-2-thap-ky-happy-live-1

Bà Nguyễn Hoài Thu có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thị trường vốn tại châu Á, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại ngân hàng đầu tư DBS Bank – Singapore, quản lý quỹ đầu tư tại DBS Asset Management – Singapore cũng như Tập đoàn BankInvest – Đan Mạch.

Nhưng trên hết, bà Thu là người con yêu nước với khát vọng mãnh liệt trở về quê hương cống hiến cho thị trường tài chính nói chung và ngành nghề đam mê là quản lý quỹ. Kể từ khi gia nhập VinaCapital vào năm 2015, bà Nguyễn Hoài Thu đã đóng vai trò then chốt trong quá trình phát triển các giải pháp đầu tư hiệu quả dành cho nhà đầu tư Việt Nam.

Tại talk show The Investors (Người Đầu Tư), bà Nguyễn Hoài Thu cùng Host Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán VNDirect sẽ chiêm nghiệm sự trưởng thành của thị trường chứng khoán Việt Nam sau gần 2 thập kỷ cũng như gợi mở chìa khóa cho các doanh nghiệp hướng tới sự bền vững của nền kinh tế Việt Nam nói chung.

nu-tuong-vinacapital-va-khat-vong-tro-ve-que-huong-phat-trien-thi-truong-tai-chinh-viet-nam-xuyen-suot-2-thap-ky-happy-live-2

Host Phạm Minh HươngĐiều gì đã khiến một người trẻ như Thu quyết định quay trở về quê hương từ rất sớm, khi môi trường đầu tư nước nhà khi đó vẫn còn khá sơ khai?

Bà Nguyễn Hoài Thu: Quyết định quay về Việt Nam vào năm 2007 đã mất của tôi cả năm trời để suy nghĩ và chuẩn bị. Mong muốn được làm việc tại quê hương trong lĩnh vực yêu thích đã thúc đẩy tôi trở về. Thời điểm đó, thị trường chứng khoán Việt Nam rất sơ khai nhưng ẩn chứa nhiều tiềm năng. Dù mới hình thành và đang trên đà phát triển, tiềm năng dài hạn của thị trường là rất rõ ràng.

Tôi cùng cộng sự đã đồng sáng lập Vietnam Asset Management, phải thuyết phục rất nhiều nhà đầu tư quen biết ở Singapore rót tiền vào để mình quản lý, xem như là khoản “vốn khởi nghiệp”. Quá trình đầu tư sau đó tuy gặp rất nhiều khó khăn và ngay cả thị trường cũng chưa thực sự phát triển như kỳ vọng, tuy nhiên bù lại tôi có thêm những bài học thú vị cho bản thân.

Host Phạm Minh Hương: Có cú sốc nào khiến Thu phải suy nghĩ lại về quyết định về nước không?

Bà Nguyễn Hoài Thu: Chắc chắn là có. Ban đầu, nhiều kiến thức mà tôi được đào tạo gần như không thể áp dụng tại Việt Nam. Các doanh nghiệp niêm yết khi đó không chỉ ít về số lượng mà việc cung cấp thông tin cũng khá hạn chế. Tôi nhớ có những bộ hồ sơ đấu giá cổ phần doanh nghiệp Nhà nước để IPO chỉ vỏn vẹn vài trang A4. Ngay cả khi gặp gỡ doanh nghiệp, họ cũng không thực sự cởi mở với nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, do thiếu nguồn hàng trên thị trường niêm yết, tôi buộc phải tìm hiểu thêm về các thương vụ liên quan đến công ty chưa niêm yết hoặc sắp niêm yết. Khi tiếp cận, tôi nhận thấy sự khác biệt rất lớn giữa Việt Nam và thế giới, đặc biệt về tính chuyên nghiệp và mức độ hiểu biết về thị trường tài chính. Đây là những cú sốc ban đầu mà tôi phải vượt qua, nhưng may mắn là lúc đó có đồng nghiệp đồng hành và chia sẻ.

nu-tuong-vinacapital-va-khat-vong-tro-ve-que-huong-phat-trien-thi-truong-tai-chinh-viet-nam-xuyen-suot-2-thap-ky-happy-live-2

Host Phạm Minh Hương: Vậy sau 17 năm, Thu thấy thị trường tài chính Việt Nam đã trưởng thành ra sao?

Bà Nguyễn Hoài Thu: Khi mới trở về Việt Nam, qua các cuộc trao đổi với các chủ doanh nghiệp lớn, tôi nhận thấy họ chưa hiểu đầy đủ về chu kỳ kinh tế. Nhiều lãnh đạo chỉ tập trung vào những giai đoạn thuận lợi mà quên mất rằng nền kinh tế sẽ trải qua cả những thời kỳ khó khăn.

Sau 17 năm, chắc chắn các lãnh đạo doanh nghiệp đã rút ra được nhiều bài học. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã có sự phát triển đáng kể, và những vấn đề trước đây như cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước hay việc công bố thông tin đã được cải thiện rất nhiều.

 

Host Phạm Minh HươngLà một trong những người tiên phong trong ngành quản lý quỹ tại Việt Nam, Thu thấy ngành này đã thay đổi như thế nào so với thuở sơ khai?

Bà Nguyễn Hoài Thu: Thị trường đã có nhiều biến chuyển theo hướng tích cực, nhưng tốc độ vẫn còn hơi chậm. Theo thống kê của UBCKNN, chỉ có khoảng 0,26% dân số có tài khoản đầu tư vào chứng chỉ quỹ trong khi số lượng tài khoản chứng khoán lên tới 8,7 triệu tài khoản – tương đương gần 9% dân số. Có nghĩa là nhà đầu tư tham gia trực tiếp vào TTCK nhiều hơn số người nắm giữ chứng khoán thông qua các quỹ, khác với các thị trường phát triển trên thế giới.

Nhà đầu tư Việt Nam thích tự làm chủ và muốn có thêm nguồn thu nhập, nhưng tự đầu tư chứng khoán tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sau hơn 20 năm trong nghề, tôi nhận thấy để tham gia thị trường, cần có hiểu biết, kinh nghiệm và đặc biệt là thời gian. Thêm nữa, nhà đầu tư cá nhân thường thiếu tư duy quản trị rủi ro trong khi chứng khoán là lớp tài sản ẩn chứa nhiều rủi ro tiềm tàng.

Tại VinaCapital, chúng tôi luôn đặt vấn đề quản trị rủi ro lên hàng đầu. Điều này không chỉ diễn ra sau khi mua cổ phiếu mà là yếu tố xuyên suốt trong suốt quá trình đầu tư, ví dụ đánh giá đúng rủi ro sẽ góp phần vào quyết định mua, hay chọn đúng thời điểm bán ra cũng quan trọng vì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến lợi nhuận

Điều tôi cho rằng có thể cải thiện hơn là việc giáo dục cộng đồng với các nhà đầu tư, để họ biết đến ngoài việc đầu tư trực tiếp còn có kênh tham gia vào thị trường thông qua các quỹ mở. Các quỹ này được quản lý bởi các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, có tư duy quản trị rủi ro xuyên suốt, dưới sự giám sát chặt chẽ của UBCKNN.

nu-tuong-vinacapital-va-khat-vong-tro-ve-que-huong-phat-trien-thi-truong-tai-chinh-viet-nam-xuyen-suot-2-thap-ky-happy-live-3

Host Phạm Minh Hương: Hiện nay VinaCapital đang huy động tổng vốn nước ngoài là bao nhiêu và việc phát triển sản phẩm chứng chỉ quỹ tại Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn như thế nào?

Bà Nguyễn Hoài Thu: VinaCapital đang quản lý 4 tỷ USD, bao gồm nhiều mảng như cổ phần tư nhân, chứng khoán niêm yết, chứng khoán có thu nhập cố định, bất động sản, năng lượng sạch và tín chỉ carbon là mảng vừa mới được thành lập.

Chúng tôi không có quá nhiều khó khăn khi phát triển sản phẩm. Quan sát trên thị trường sẽ phát hiện ra được những mảng sản phẩm nào phù hợp với số đông của các nhà đầu tư. VinaCapital đang cung cấp tới thị trường 4 quỹ đầu tư về cổ phiếu, 2 quỹ về trái phiếu và 1 quỹ cân bằng, ngoài ra có thêm 1 quỹ chỉ số nhưng quỹ này hợp khẩu vị nhà đầu tư nước ngoài hơn.

Đáng tiếc mức độ tiếp cận của các nhà đầu tư nội với các sản phẩm chứng chỉ quỹ còn ít. Hiện cũng có nhiều công ty cung cấp các sản phẩm đầu tư đa dạng. Song việc lựa chọn các đơn vị quản lý đứng sau rất quan trọng. Nhà đầu tư nên “chọn mặt gửi vàng” để không cần theo dõi thị trường hàng ngày. Quan trọng nhất là tìm hiểu về đội ngũ cũng như hiệu suất đầu tư qua nhiều năm, có quy trình đầu tư nhất quán hay không, hay có liên tục chiến thắng thị trường hay không chẳng hạn.

Host Phạm Minh HươngĐội ngũ nhân sự VinaCapital đang đầu tư khá tốt, đem lại hiệu suất ổn định trong quãng thời gian quaThu có chia sẻ gì thêm về việc xây dựng đội ngũ nhân sự đầu tư?

Bà Nguyễn Hoài Thu: Tôi đam mê đầu tư và muốn tạo ra giá trị cho các nhà đầu tư tin tưởng mình. Do đó, sau khi trở về nước, tôi đã tập trung tạo ra đội ngũ đạt đến chuẩn mực quốc tế. Điều tôi khá tự hào là ở hai tổ chức đã làm tại Việt Nam cho tới hiện tại, không ít người đã đạt thành công nhất định trong nghề đầu tư.

Hiệu suất đầu tư tốt của VinaCapital trong thời gian qua là nhờ đội ngũ có tính chuyên nghiệp cao. Đây là tiêu chí cao nhất khi tôi tuyển chọn nhân sự. Nhóm đầu tư của VinaCapital ngoài kiến thức chuyên sâu về thị trường tài chính là nền tảng tất yếu, thì cũng cần chứng tỏ tính chuyên nghiệp, tầm nhìn dài hạn cũng như đặt lợi ích của nhà đầu tư lên hàng đầu. Đây là những yếu tố có thể nhỏ bé nhưng sẽ góp phần thay đổi tư duy của thị trường khi nhìn nhận về các quỹ đầu tư.

Host Phạm Minh Hương: Theo Thu tại sao nhà đầu tư Việt Nam không đầu tư theo các chỉ số? Phải chăng lý do vì VN-Index chủ yếu loanh quanh ngưỡng 1.200 điểm nên không hấp dẫn?

Bà Nguyễn Hoài Thu: Các quỹ chỉ số có vẻ phù hợp với các nhà đầu tư nước ngoài vì khi rót vốn vào Việt Nam, họ không muốn phải đi chọn lọc cổ phiếu mà chỉ cần có “một chút Việt Nam” trong danh mục nên sẽ mua theo một quỹ chỉ số. Ngoài ra, các quỹ chỉ số Việt Nam sẽ được coi là quỹ nội, do đó không bị vướng về FOL (tỷ lệ sở hữu NĐTNN trực tiếp), dẫn đến khối ngoại xem đó là một sự lựa chọn tiện lợi.

Host Phạm Minh Hương: Khi đi huy động vốn nước ngoài, Thu thấy lợi thế cạnh tranh của thương hiệu vốn Việt Nam có đang bị giảm sút trong những năm gần đây không?

Bà Nguyễn Hoài Thu: Nhà đầu tư nước ngoài luôn yêu thích câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam vì quá rõ ràng, nhưng điều họ trăn trở nhiều hơn là làm thế nào để tiếp cận được vào thị trường chứng khoán. Trước đây, room ngoại đã gây cản trở cho dòng vốn ngoại. Hiện điều này đã không còn là cản trở quá lớn bởi nhiều công ty đã “hở room” sau khi khối ngoại bán ròng liên tục. Tuy nhiên, việc chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi cũng làm cho nhiều nhà đầu tư băn khoăn. Ngoài ra, một số còn xem xét tới tiêu chí xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Một khi Việt Nam từng bước đạt được những cột mốc mới như nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi, cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức đầu tư thì sẽ có uy tín hơn trong mắt giới đầu tư.

nu-tuong-vinacapital-va-khat-vong-tro-ve-que-huong-phat-trien-thi-truong-tai-chinh-viet-nam-xuyen-suot-2-thap-ky-happy-live-8

Host Phạm Minh Hương: Hàng tỷ USD vốn ngoại được kỳ vọng sẽ chảy vào TTCK Việt Nam nếu được nâng hạng liệu có phải con số quá lạc quan khi chứng khoán Việt Nam thực tế không có nhiều cổ phiếu đủ tiêu chuẩn lọt các rổ chỉ số tham chiếu của các quỹ chuyên đầu tư vào thị trường mới nổi?

Bà Nguyễn Hoài Thu: Việt Nam đang có tỷ trọng lên tới 28% trong rổ cận biên, nếu đi sang rổ mới nổi thì chỉ chiếm dưới 1%. Tuy nhiên theo VinaCapital tính toán, nếu thị trường Việt Nam được nâng hạng, lượng vốn có thể hút ròng lên tới 5 đến 8 tỷ USD – con số rất lớn cho một thị trường quy mô đang khoảng 275 tỷ USD như Việt Nam.

Mốc 5 – 8 tỷ USD bao gồm việc được nâng hạng của cả 2 tổ chức FTSE Russell và MSCI. Trước mắt chúng ta đang kỳ vọng FTSE Russell sẽ nâng hạng thị trường vào năm 2025, còn những điều kiện của MSCI vẫn rất khó, dự phóng phải tới 2027 thậm chí trễ hơn mới được xem xét nâng hạng từ tổ chức này.

Tuy nhiên, chỉ riêng việc Russell nâng hạng Việt Nam sẽ kéo theo dòng vốn khoảng 1 tỷ USD kèm theo nhiều hệ quả tích cực. Đó là những nhà đầu tư lẽ ra đầu tư theo chỉ số MSCI cũng có thể cho phép “đi trước một bước” nhằm đón sóng nâng hạng. Điều này xảy ra khá phổ biến tại những thị trường khác đã đi qua quá trình này.

Về mặt dài hạn, việc nâng hạng sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều nhà đầu tư tổ chức hơn để cân bằng với lực lượng nhà đầu tư cá nhân đang chiếm quá lớn – tới 90% thị trường. Đây sẽ bước mang tính bản lề đối với nền kinh tế của Việt Nam, không chỉ giúp dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán mà còn giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng huy động vốn từ thị trường quốc tế hơn.

Host Phạm Minh Hương: Lãi suất ngân hàng Việt Nam tương đối cao, do đó không dễ để tiền chảy từ kênh tiết kiệm sang các hình thức đầu tư khác. Ngoài cổ phiếu, VinaCapital cũng có những quỹ đầu tư vào trái phiếu khá lớn. Với góc nhìn của người đã có kinh nghiệm ở thị trường quốc tế cũng như trong nước, theo Thu, để phát triển được một thị trường trái phiếu đa dạng và lớn mạnh hơn sẽ cần những điều kiện gì?

Bà Nguyễn Hoài Thu: VinaCapital rất tâm huyết với sự phát triển của thị trường trái phiếu khi nền kinh tế Việt Nam hiện đang phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng. Thị trường trái phiếu vừa trải qua một giai đoạn phát triển khá “nóng”. Trước năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 3% GDP, tuy nhiên tới thời kỳ đỉnh cao đã chiếm tới 18% quy mô nền kinh tế, tương ứng giá trị 350.000 tỷ đồng. Hiện con số này đã co lại còn khoảng 9,6%. Khung pháp lý chưa phát triển kịp thời đã dẫn đến một số sự việc đáng tiếc và nhiều nhà đầu tư cá nhân phải gánh chịu thiệt hại nặng nề.

Theo tôi, điều đầu tiên có thể làm để giúp cho thị trường trái phiếu phát triển bền vững trong tương lai là cần hướng đến việc giáo dục cộng đồng để nâng cao hiểu biết của nhà đầu tư cá nhân về mức độ rủi ro khi tham gia vào thị trường trái phiếu. Bởi đây không phải là kênh an toàn như lầm tưởng trước đây.

Ngoài ra, tôi hoàn toàn đồng thuận với việc cần phải nâng cao khung pháp lý để phù hợp hơn với thời cuộc. Tuy nhiên nếu quy định siết quá chặt sẽ làm thị trường trái phiếu không có dư địa để phát triển. Điều đó thật đáng tiếc bởi tại các nước phát triển hơn, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể phải đến với 100% GDP, trong khi Việt Nam hiện chỉ dưới 10%. Cần tìm ra công thức để phát triển một cách phù hợp và bền vững, các chế tài cần được xem xét theo hướng phù hợp hơn với thị trường Việt Nam.

nu-tuong-vinacapital-va-khat-vong-tro-ve-que-huong-phat-trien-thi-truong-tai-chinh-viet-nam-xuyen-suot-2-thap-ky-happy-live-10

Host Phạm Minh Hương: Nhiều nước trong khu vực đã tiếp cận trái phiếu xanh một cách nghiêm túc và sâu sắc, trong khi Việt Nam chỉ mới chạm tới khái niệm và chưa có nhiều hành động cụ thể. Liệu điều này sẽ gây ra khó khăn gì đối với doanh nghiệp Việt Nam trong các đơn hàng xuất khẩu hay tiếp cận vốn?

Bà Nguyễn Hoài Thu: Sự dịch chuyển của nền kinh tế xanh, nhu cầu về trái phiếu xanh đang diễn ra một cách mạnh mẽ, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam có thể nói hiện đang cuốn vào thay vì chủ động lao lên phía trước.

Nếu chủ động lao lên phía trước thì phải thỏa mãn hết được những tiêu chí, thậm chí có những sáng kiến dẫn đầu, nhưng khi nói chuyện với các doanh nghiệp, tôi cảm thấy rằng họ còn đang gặp rất nhiều khó khăn để có thể phát hành được trái phiếu xanh. Kể cả những doanh nghiệp sản xuất cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thỏa mãn được các yêu cầu của người mua hàng.

Thế giới đã đi một bước rất xa trong lĩnh vực ESG, dẫn đến nhiều yêu cầu về mặt môi trường, xã hội hay quản trị rất cao. Chúng ta chỉ đang bị cuốn vào và cố gắng đi theo nhằm hợp hơn với thời cuộc.

Host Phạm Minh Hương: Có vẻ như các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa cảm được sức nóng. Liệu áp lực đối với doanh nghiệp Việt Nam có phải là chi phí chuyển đổi không rẻ?

Bà Nguyễn Hoài Thu: Đúng là như vậy. Khi chúng tôi trao đổi với những doanh nghiệp sản xuất hay xuất khẩu, ban lãnh đạo cũng chia sẻ về những khó khăn khi đã có sự cam kết nhưng chi phí phải bỏ ra cũng là một bài toán cần phải cân nhắc. Bởi vì sử dụng đồng vốn thuộc về cổ đông thì doanh nghiệp phải tính toán lợi nhuận thực tế về mặt lâu dài cho nhà đầu tư.

Tại VinaCapital, chúng tôi luôn khuyến khích các doanh nghiệp hội nhập càng sớm càng tốt, càng nhanh càng tốt bởi vì xu hướng này là tất yếu của tương lai, không cưỡng lại được. Điều này sẽ mất thời gian, công sức cũng như vốn nhưng chúng tôi đã nhìn thấy cam kết của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp để đi theo hướng chuyển đổi này.

Host Phạm Minh Hương: Theo Thu, thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam còn là gì ngoài câu chuyện về vốn?

Bà Nguyễn Hoài Thu: Một khó khăn nữa của các doanh nghiệp Việt Nam là chưa thu hút được lực lượng lao động thực sự chuyên nghiệp. Khi nền kinh tế ngày càng hội nhập, Việt Nam sẽ tiếp xúc nhiều hơn với các đối tác về kinh doanh và đầu tư. Các công ty niêm yết sẽ cần bộ phận quan hệ đầu tư được chuyên nghiệp hóa theo chuẩn quốc tế.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, tính chuyên nghiệp càng quan trọng nhằm phát triển bền vững trong tương lai. Một doanh nghiệp sản xuất nhưng muốn có thêm nguồn thu nhập thông qua đầu tư chứng khoán cũng là một biểu hiện của việc thiếu chuyên nghiệp. Bởi, không nên tự đặt mình vào thế rủi ro, có thể mất hoàn toàn vốn nếu thị trường chứng khoán biến động trong ngắn hạn. VinaCapital khi tiếp xúc với các doanh nghiệp cũng thường đặt ra các câu hỏi nhằm đo lường tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp đó.

Host Phạm Minh Hương: Đúng là khi làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam, tôi cũng nhận thấy rằng các doanh nghiệp đang thiếu đi sức bền. Sức bền ở đây không chỉ nằm ở ý chí của người chủ doanh nghiệp mà đôi khi nằm ở tính kiên cường vượt khó mà chỉ dân chuyên nghiệp mới vượt qua được. Nói cách khác, “thưởng thức” khó khăn mới giúp cho nghề của mình rèn luyện lên. Nhưng hiện nay lực lượng lao động Việt Nam có vẻ vẫn may mắn vì trong một chu kỳ phát triển dài và chưa phải trải qua nhiều thách thức. Dường như các doanh nghiệp Việt Nam hay nhìn vào cơ hội kiếm tiền, còn việc định hình, xây dựng điều kiện kinh doanh cơ bản tốt hơn lại không được lựa chọn?

Bà Nguyễn Hoài Thu: Nền kinh tế cơ bản của Việt Nam có thể sẽ duy trì được mức tăng trưởng khoảng 6% – 7% trong 5 hay 10 năm tới. Nước ta vẫn có lực lượng lao động tốt, kết cấu dân số vàng với lực lượng lao động chiếm tỷ lệ rất cao.

Tuy nhiên, càng lúc càng có nhiều cơ hội kinh doanh mới. Để nắm bắt được những cơ hội đó cũng cần phải có những nỗ lực từ phía Chính phủ để đưa ra được những chương trình đặc thù, lời khuyên cho doanh nghiệp trong những lĩnh vực lân cận để họ có thể nghiên cứu, phát triển, mở rộng hoạt động của họ vào những lĩnh vực mới đó. Bởi vì chúng ta sẽ cần những lĩnh vực mới đó cho sự phát triển kinh tế trong 5 hay 10 năm tiếp theo.

Host Phạm Minh HươngCác doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có vẻ chưa ý thức được việc xây được năng lực cạnh tranh và đang bị chậm chân mất cơ hội so với các doanh nghiệp FDI. Bao nhiêu năm phát triển nhưng lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp vẫn khiêm tốn vào nền kinh tế. Bạn nghĩ sao về điều này?

Bà Nguyễn Hoài Thu: Còn nhiều dư địa để khối tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên chúng ta cũng có một số yếu điểm nhất định, ví dụ lực lượng lao động chưa đủ cạnh tranh trong một số lĩnh vực nhất là những lĩnh vực mới. Ngoài ra chúng ta cũng chưa thực sự giỏi trong những lĩnh vực cơ bản như kỹ thuật, cơ khí chế tạo…

Hiện tại ngành có thể phát triển chính là dịch vụ. Tiềm năng về du lịch của Việt Nam mới được khai thác một phần nhỏ, đất nước của mình rất đẹp nhưng số người tới thăm Việt Nam so với các nước khác lân cận tương đối khiêm tốn.

Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ tài chính cũng còn rất nhiều dư địa để phát triển. Ngành quỹ còn có thể phát triển lên quy mô lớn hơn rất nhiều lần so với hiện tại. Chưa có ngành quản lý tài sản được đào tạo một cách bài bản để có thể cung cấp dịch vụ giúp cho từng người trong 100 triệu dân của Việt Nam biết đến hoạch định tài chính. Nhiều người gần đến tuổi về hưu rồi nhưng chưa có chuẩn bị tốt về tài chính.

Host Phạm Minh Hương: Khá ít doanh nghiệp Việt Nam tập trung vào chiến lược tăng cung với chi phí cạnh tranh, bạn có quan điểm nào về vấn đề này không?

Bà Nguyễn Hoài Thu: Tôi có một ý kiến hơi khác một chút. Khi tiếp cận với doanh nghiệp, tôi nhận thấy tư duy về quản trị chi phí rất hiện hữu. Thậm chí trong giai đoạn khó khăn vừa rồi, khó để có lượng cầu cao do mọi thứ đều suy giảm, các doanh nghiệp đã nhanh chóng xoay qua siết chặt chi phí, tạo ra mô hình kinh doanh hiệu quả nhất. “Cái khó ló cái khôn”, khi mọi thứ đang tốt không ai nhìn thấy được khó khăn hoặc rủi ro; chỉ khi vấp ngã rồi họ mới thấy được tầm quan trọng của việc quản trị rủi ro và cả quản trị chi phí.

Host Phạm Minh Hương: Tất cả chúng ta ngồi đây chỉ mong các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được rủi ro, thách thức để có thêm nhiều hàng hóa ra thị trường. Nhà đầu tư cũng bình tĩnh rèn luyện bài học của thất bại, kể cả như doanh nghiệp cũng vậy. Mong rằng là sẽ có rất nhiều những người yêu nước như Thu, mang tri thức, kinh nghiệm quốc tế để về phụng sự cho người Việt Nam!

Happy Live team sưu tầm/cafef

Có thể bạn quan tâm: Bộ sách được chọn lọc tinh gọn dành riêng cho những F0 “chập chững”

gia nhập phương pháp đầu tư Kungfu Chứng Khoán

ĐẶT SÁCH NGAY

 

Các viết cùng chủ đề