Phản ứng 10 giây của Mark Twain khi bị “dội nước lạnh”
Chỉ với chừng 10 giây ngắn ngủi, nhà văn Mark Twain đã khiến người phụ nữ từ chỗ cao ngạo rơi thẳng xuống vực sâu của sự xấu hổ, ngượng ngùng.
Trong một lần đi dự tiệc, nhà văn Mark Twain có ngồi đối diện với một người phụ nữ. Theo phép lịch sự, ông cất lời, nói với người này rằng: “Cô thật là xinh đẹp!”.
Thế nhưng, trái với phép lịch sự tối thiểu, người phụ nữ kia không hề tỏ ra cảm kích hay có một lời cảm ơn cho có, cô ta cao ngạo đáp: “Rất tiếc là tôi không thể nói lời khen tương tự như thế với ông!”.
Trước thái độ đó, Mark Twain vẫn rất bình thản, thủng thẳng đáp: “Không sao, cô có thể làm như tôi, nói một lời nói dối là được rồi”.
Câu nói rất ngắn gọn, vỏn vẹn chỉ chừng 10 giây đã khiến người phụ nữ “cứng họng” cúi gằm mặt vì quá xấu hổ.
Lời bình
Đạo Phật dạy rằng, lời hay ý đẹp là chính ngữ. Mà chính ngữ không phải dùng để vì người mà chính là vì bản thân mình. Thế nhưng trong cuộc sống, dường như chưa nhiều người hiểu thấu đạo lý tốt đẹp này.
Bởi thế mà con người ta đôi khi vẫn cứ thích dùng những lời cay nghiệt, mạt sát nhau để đổi lấy cái hả hê nhất thời mà không nhận ra rằng, điều đó tùy vào từng mức độ khác nhau mà sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
Đơn cử như tình huống trên của nhà văn Mark Twain.
Người phụ nữ đã phải nhận ngay “trái đắng” trong lúc còn chưa kịp hả hê khi buông những lời thiếu sự tử tế, xuất phát từ một trái tim ngạo mạn.
Nói như vậy không có nghĩa là chỉ mình cô ta phải chịu tổn thương vì lời nói của mình, mà người nghe cũng chẳng vui vẻ gì.
Là người thông thái, hẳn Mark Twain sẽ chẳng để ý đến những lời cay nghiệt của người phụ nữ cao ngạo kia, nhưng nếu vào người khác, hẳn nó sẽ gây ra một sự tổn thương về tinh thần không hề nhẹ.
Cổ ngữ nói “đao sang dị một, ác ngữ nan tiêu”, ý nói rằng, vết thương do đao kiếm gây ra có thể sẽ mai một phôi pha theo thời gian nhưng những lời ác ý sẽ mãi găm sâu trong lòng người khác, chẳng thể nào gạt bỏ.
Lại có câu: “Lời ác lạnh người sáu tháng ròng”, ý nói rằng, những lời nói gây tổn thương thực sự ám ảnh người ta rất lâu, như là vết sẹo, cái dằm vẫn găm vào trái tim họ.
Lời nói, trong một số thời điểm sẽ gây sát thương mạnh tương đương với những thứ vũ khí nguy hiểm, thậm chí, nó có thể đoạt mạng con người. Bởi thế, hãy cẩn thận với từng lời nói, bởi rất có thể chúng sẽ khiến ai đó bị tổn thương, dù vô tình hay hữu ý.
Miệng có thể nhả ra hoa hồng, cũng có thể nhả ra loài cây gai góc xấu xí và để miệng nhả ra hoa hồng, con người có khi cần phải tu cả đời.
Chẳng thế mà Mạnh Tử từng nói rằng, sống ở đời, điều khó tu nhất chính là “khẩu nghiệp”.
Ông cho rằng, khi dùng những lời miệt thị, mạt sát, hạ thấp, chà đạp lên người khác để thỏa mãn bản thân một cách tức thời, hay nghiêm trọng hơn nữa là “bóc mẽ” người khác dù vô tình hay cố ý, chúng ta vô tình biến mình trở thành kẻ thù của đối phương, khiến người khác tổn thương, thậm chí là hằn học, thù hằn… đề rồi từ đó, họa lại sinh họa.
Và theo luật nhân – quả ở đời, làm tổn thương người thì bạn cũng phải đối mặt với việc bị người làm tổn thương lại, cuộc đời là có vay có trả.
Để tránh gặp phải mối họa từ miệng mà ra, mỗi người buộc phải chú ý lời ăn tiếng nói của mình, phải tu khẩu đức hay nói rộng hơn, đó là tu tính khí của bản thân.
Khẩu đức có tốt, vận thế mới hanh thông, vận thế hanh thông mới không phải đi đường vòng, thành tựu nhờ đó mà có được một cách dễ dàng thuận lợi.
Trong khi đó, một lời nói thiếu sự suy nghĩ, tứ mã khó đuổi, gây tổn thương cho người, cho mình, vận thế ắt sẽ ngày càng xấu. Những lời không hay tốt nhất đừng nên nói ra, đó chính là sự tu dưỡng mà chúng ta cần phải có.
Nguồn: Diệp Anh – vnwriter.net