fbpx

Phía Sau Màn Ảnh: Một Bộ Phim “Sống Sót” Bao Lâu Ở Rạp?

Có một sự thật đó là cũng tương tự như việc sắp xếp suất chiếu, yếu tố quyết định thời gian “sống sót” của một bộ phim ở rạp không phải do chất lượng hay – dở mà chính là phụ thuộc vào khả năng kiếm tiền của tác phẩm đó.

Ở Việt Nam, trung bình một bộ phim được chiếu ở rạp khoảng 2 tuần. Tuy vậy vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Với những bom tấn quốc tế hàng đầu (ví dụ như Avengers: Endgame), những dự án đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận (ví dụ như Mắt Biếc)… thì thời gian có thể kéo dài lên đến 1 tháng hoặc thậm chí là hơn. Tất nhiên càng về sau độ hot của các bộ phim này cũng không còn cao như khoảng thời gian đầu mới công chiếu.

Vì thế để có thể “hâm nóng” lại tên tuổi của nó, đồng thời kích cầu xem phim của khán giả, các rạp có thể tung ra một số chương trình khuyến mãi đi kèm như mua 1 vé tặng 1 vé, đồng giá 49k, đồng giá 50k… hoặc thực hiện phương pháp “bình cũ rượu mới” – tung ra phiên bản mới của phim với cái kết khác như cách mà Chị Trợ Lý Của Anh – tác phẩm điện ảnh đầu tay của ca sỹ Mỹ Tâm đã làm. 

Ngoài ra còn có một số trường hợp được chiếu lại sau khi phim đạt được giải thưởng điện ảnh quốc tế danh giá. Gần đây nhất có thể kể đến trường hợp của Parasite chẳng hạn. 

Phía Sau Màn Ảnh: Một Bộ Phim “Sống Sót” Bao Lâu Ở Rạp?

Có những phim “sống sót” lâu dài thì cũng có những trường hợp bị loại khá sớm. Dễ hiểu đây là “số phận” của những phim bán được rất ít vé vì không hợp nhu cầu của thị trường, chất lượng quá kém, không được đầu tư về quảng bá… 

Bên cạnh đó thì còn có một số lý do khác khiến các tác phẩm phải ngưng chiếu sớm như: vấn đề pháp lý (phim Vợ Ba ngưng chiếu chỉ sau 4 ngày ra mắt vì những tranh cãi xung quanh việc để diễn viên chỉ mới 13 tuổi đóng cảnh nóng; dự án hoạt hình Abominable rút khỏi các rạp trên toàn quốc sau 9 ngày công chiếu vì trong phim xuất hiện hình ảnh bản đồ có đường lưỡi bò); Yếu tố thiên tai, bệnh dịch (vì dịch bệnh Corona, Sonic the Hedgehog và Bloodshot phải tạm ngừng chiếu vô thời hạn ở Trung Quốc – bỏ lỡ cơ hội “cá kiếm” vô cùng lớn tại thị trường tỷ dân trong khi trước đó, cả 2 bộ phim đều có doanh thu khá ấn tượng ở Mỹ và nhiều quốc gia khác)…

Phía Sau Màn Ảnh: Một Bộ Phim “Sống Sót” Bao Lâu Ở Rạp?

Một yếu tố nữa ảnh hưởng tới thời gian bám trụ ở rạp của các phim đó chính là thời điểm. Ví dụ như ở nước ta, vào thời điểm trước khi có quyết định các rạp chiếu phim trên toàn quốc phải đóng cửa để tránh dịch Corona, nhiều phim đã dời lịch công chiếu vì lo lắng doanh thu sụt giảm, dẫn đến một thực trạng đó là dù một số tác phẩm không ăn khách nhưng vẫn trụ được rạp khá lâu vì không có phim mới nào.  

Hoặc ở Mỹ, Onward được đánh giá khá cao về cả chất lượng lẫn tính thương mại. Tuy nhiên, công chiếu chưa được bao lâu, Disney đã ngưng các hoạt động quảng bá cho phim và thay vào đó là tập trung nguồn lực để đẩy mạnh Mulan. Rõ ràng rằng, dù chưa phải ngưng chiếu nhưng việc làm này vẫn có những tác động nhất định đến tình hình bán vé cũng như “tuổi đời” của Onward ở rạp. Đây cũng là hiện trạng chung dễ gặp vào mùa phim cao điểm. Theo đó, một bộ phim dù đang kiếm tiền khá tốt nhưng nếu có một dự án bom tấn khác chuẩn bị ra mắt liền kề, các quản lý rạp cũng buộc phải điều chỉnh lại số lượng suất chiếu của nó để nhường “đất” cho cái tên tiềm năng hơn. 

Phía Sau Màn Ảnh: Một Bộ Phim “Sống Sót” Bao Lâu Ở Rạp?

Tựu chung lại, yếu tố lớn nhất quyết định đến thời gian sống sót của một bộ phim ở rạp vẫn chính là khán giả. 

Phim càng có nhiều người xem thì tồn tại càng lâu ở rạp chiếu phim, và ngược lại. Đây cũng là nguyên do gây ra nhiều tình trạng đáng tiếc khi các phẩm điện ảnh giàu tính nghệ thuật – hàn lâm thường phải rời rạp sớm hơn nhiều bộ phim không có chất lượng bằng.

Công bằng mà nói, dù nắm quyền quyết định nhưng kết quả như vậy không thể đổ lỗi phía các rạp chiếu phim. Đúng là mỗi dự án điện ảnh đều là tâm huyết, công sức của một tập thể nhưng nhìn nhận từ vị trí của các quản lý rạp – họ là những người kinh doanh, khi những sản phẩm không thể đem lại lợi nhuận như mong muốn thì rõ ràng họ hoàn toàn có quyền từ bỏ. Có lẽ trên tất cả, tạo ra một bộ phim có chất lượng, đồng thời phù hợp với thị hiếu chung của thị trường là biện pháp tốt nhất để giải cứu các nhà sản xuất phim ngay lúc này. 

Nguồn: Galaxy Cinema

Có thể bạn quan tâm: Marketing giỏi phải kiếm được tiền – Cựu CEO Marketing Coca Cola Segio Zyman

Marketing giỏi phải kiếm được tiền

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề