fbpx

Philip Fisher: “Tôi không muốn có nhiều khoản đầu tư tốt, tôi chỉ cần một số khoản đầu tư xuất sắc”

“Tôi không muốn có nhiều khoản đầu tư tốt, tôi chỉ cần một số khoản đầu tư xuất sắc” – Philip Fisher

Tại bài viết trước, chúng ta đã tìm hiểu khái quát về cha đẻ của trường phải đầu tư tăng trưởng Philip Fisher cùng những đặc điểm của một công ty tốt có tiềm năng tăng trưởng mạnh theo quan điểm của Fisher. Hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về những lời khuyên ông nhấn mạnh trong sách nổi tiếng nhất của ông “Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường” nhé!

Philip Fisher: “Tôi không muốn có nhiều khoản đầu tư tốt, tôi chỉ cần một số khoản đầu tư xuất sắc”
“Công việc của tôi là tìm ra những công ty đặc biệt và đánh giá xem giá của chúng có quá cao hay không.”

1. Lời khuyên dành cho các nhà đầu tư của Philip Fisher

“Tôi không muốn có nhiều khoản đầu tư tốt, tôi chỉ cần một số khoản đầu tư xuất sắc”

Ông duy trì quan điểm lựa chọn kỹ lưỡng cổ phiếu một cách xuyên suốt và thống nhất trong đầu tư. Dựa trên quan điểm này, ông đã đề xuất và duy trì thực hành những phương pháp và 15 tiêu chí lựa chọn công ty rất cẩn thận và kỹ lưỡng. Không chỉ trong đầu tư, ông đã áp dụng nguyên tắc lựa chọn kỹ lưỡng trong cả cuộc sống. Cụ thể, ông là người rất kín tiếng, ít tham gia phỏng vấn, và rất kén chọn khách hàng.

Lời đồn đại

“Lời đồn đại” là một phương pháp đã được ông nhắc đến nhiều lần trong cuốn sách của mình. Ông khuyên nhà đầu tư (NĐT) không nên chỉ tập trung vào các báo cáo, con số mà còn cần dành thời gian để nghiên cứu, nói chuyện với những người có liên quan đến công ty mục tiêu (Ví dụ như đối thủ cạnh tranh, người bán hàng, khách hàng, nhân viên cũ, …) để có thể thu thập tối đa thông tin có thể về công ty, từ đó hình thành bức tranh tổng thể đầy đủ nhất và đưa ra quyết định sáng suốt nhất.

Đầu tư chuyên môn, nghiên cứu

Ông cho rằng “Việc đầu tư cần tính chuyên môn và phức tạp đến nỗi mà các nhà đầu tư phải hoàn toàn tập trung thời gian cho nó chứ không thể bị xao nhãng vì cố gắng trở thành chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nữa.” Do đó, ông luôn khuyến khích việc trau dồi chuyên môn, nghiên cứu cẩn thận, kỹ lưỡng và độc lập những thương vụ đầu tư mục tiêu.

Khi tìm hiểu các công ty, yếu tố nghiên cứu và phát triển sản phẩm là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong quá trình Fisher đưa ra quyết định đầu tư của mình.

Lưu ý khi mua cổ phiếu

Mấu chốt quan trọng trong phong cách đầu tư của ông nằm ở việc: Tìm ra những công ty tốt, với năng lực cạnh tranh, biên lợi nhuận tốt, chú trọng công tác nghiên cứu&phát triển sản phẩm, với ban quản lý giỏi và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Sau đó, nắm giữ cổ phiếu lâu dài.

Theo ông, NĐT có thể đạt lợi nhuận tốt khi đầu tư dài hạn vào:

– Công ty nhỏ và mới;

– Có sản phẩm hứa hẹn đột phát;

– Bộ máy quản lý kinh doanh xuất sắc và đội ngũ nhà khoa học tài năng;

– Mua khi những yếu tố tốt, tiềm năng chưa phản ánh vào giá.

Công ty có các điều kiện cơ bản tốt nhưng gặp khó khăn tạm thời thì đó là cơ hội chứ không phải là rủi ro, song cần đảm bảo rắc rối đó là tạm thời chứ không phải lâu dài.

Ngoài ra, khi mua cổ phiếu, NĐT cũng cần chú ý tới:

– Chu kỳ kinh doanh của ngành/ công ty;

– Lãi suất;

– Quan điểm của chính phủ về đầu tư và doanh nghiệp tư nhân;

– Lạm phát;

– Phát minh, công nghệ mới tác động đến ngành.

Khoản đầu tư nên được xem xét, đánh giá trong thời gian tối thiếu 3 năm chứ không phải ngắn hạn 6 tháng – 1 năm.

Thời điểm bán cổ phiếu

NĐT chỉ nên bán cổ phiếu khi những yếu tố tốt, tiềm năng không còn nữa. Do đó, cần theo sát công ty để có thể nắm rõ tình hình và đối chiếu với 15 tiêu chí ông đã nêu ra.

Một số lý do phổ biến để bán bao gồm:

– Đội ngũ quản lý kém cỏi hoặc;

– Công ty không có khả năng phát triển;

– Nếu có cơ hội đầu tư khác hấp dẫn hơn.

Trên thực tế, khi lựa chọn đúng cổ phiếu, sẽ ít khi xuất hiện lí do để bán. Với Philip Fisher, có rất nhiều thương vụ ông thậm chí đã nắm giữ đến cuối đời.

Cổ tức

NĐT lớn có thể sống bằng cổ tức (bằng tiền hay bằng cổ phiếu) song đối với hầu hết NĐT nhỏ, cổ tức không đủ duy trì cuộc sống. Một số người lầm tưởng cổ tức là thu nhập NĐT có được từ cổ phiếu, thực chất khi NĐT được nhận được cổ tức, mức giá cổ phiếu và số lượng cổ phiếu của họ cũng bị điều chỉnh và thuế cũng bị tính tương ứng. Do đó, về bản chất, NĐT cơ bản không được hưởng lợi trực tiếp từ cổ tức được chia cho họ.

Khi NĐT đem tiền mua lại cổ phiếu, họ còn mất thêm chi phí cho công ty chứng khoán. Tuy nhiên, điều mà NĐT có thể kỳ vọng từ cổ tức đó là lợi nhuận từ sự tăng trưởng của cổ phiếu và sự minh bạch của Ban lãnh đạo Công ty cũng được đánh giá qua việc chia cổ tức cho NĐT.

Philip Fisher: “Tôi không muốn có nhiều khoản đầu tư tốt, tôi chỉ cần một số khoản đầu tư xuất sắc”
“Tôi đã đưa ra một trong những quyết định mà tôi tin là quý giá nhất trong sự nghiệp kinh doanh của mình: Đó là tập trung toàn bộ nỗ lực vào việc đạt được những khoản lợi nhuận lớn trong dài hạn.”

2. Mười (10) điều nhà đầu tư nên tránh

1/ Không nên mua cổ phiếu ở những công ty đang trong quá trình hình thành và phát triển do công ty cần có thời gian hoạt động trên thị trường để đánh giá công ty được đầy đủ hơn.

2/ Không nên bỏ qua các cổ phiếu tốt chỉ vì chúng chưa dược niêm yết chính thức trên các sàn giao dịch .

3/ Không nên mua cổ phiếu chỉ bởi vì bạn thích các báo cáo hàng năm của nó. BCTC có thể được trình bày tốt, đẹp song nếu chỉ dựa vào BCTC thì chưa đủ để mua cổ phiếu.

4/ Không nên lo lắng khi chỉ số P/E quá cao. Nó có thể là một dấu hiệu cơ bản chỉ ra rằng mức tăng cao hơn của khoản thu nhập trong tương lai phần lớn đã được phản ánh ở mức giá hiện tại. Một số cổ phiếu có P/E cao song còn tiềm năng phát triển thì khả năng tăng giá của cổ phiếu vẫn cao.

5/ Không nên quá quan trọng bước giá nhỏ nhặt như ½ hay ¼. Đôi khi chỉ vì muốn tiết kiệm vài đồng mà bạn có thể lỡ cả một con sóng.

6/ Không nên da dạng quá mức các khoản mục đầu tư.

7/ Đừng e sợ chiến tranh. Chiến tranh có thể ảnh hưởng đến TTCK trong ngắn hạn song về lâu dài TTCK vẫn phát triển. Do đó, khi có nguy cơ chiến tranh, NĐT có thể chia từng phần để mua dần cổ phiếu mục tiêu, bắt đầu mua quy mô nhỏ, mua chậm, theo dõi để giải ngân nốt.

8/ Không nên sa vào những vấn đề không thật sư quan trọng (ví dụ BCTC năm trước, giá bán năm trước); thay vào đó, NĐT cần chú trọng hơn vào triển vọng tương lai.

9/ Đừng quên xem xét thời điểm cũng như giá khi mua một cổ phiếu tăng trưởng thật sự. Đối với 1 cổ phiếu tốt, nếu giá đang quá cao thì cũng cần cân nhắc thời điểm mua cho hợp lý.

10/ Đừng chạy theo đám đông. Nhận định của giới tài chính về các sự kiện cũng như các ngành, các công ty trong ngành cũng không ngừng thay đổi. Do đó, bạn cần có năng lực tư duy, suy nghĩ độc lập, tránh bị ảnh hưởng bởi đám đông xung quanh.

3. Hai thương vụ lớn của Philip Fisher

Motorola

Fisher đã đầu tư vào Motorola vào năm 1955, khi công ty này chủ yếu sản xuất tivi và radio. Ông nhận thấy tiềm năng tăng trưởng của công ty trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ không dây. Đầu tư của Fisher vào Motorola đã chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng, lên đến hơn 68% sau khi ông đầu tư. Motorola sau đó đã trở thành một trong những tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới, và nếu Fisher giữ cổ phiếu đến năm 2000, ông có thể đã lãi 6.000% từ khoản đầu tư này.

Texas Instruments

Fisher cũng được biết đến với việc đầu tư vào Texas Instruments, một công ty công nghệ cao khác. Ông đã áp dụng cùng một chiến lược đầu tư tăng trưởng, tập trung vào công ty có tiềm năng tăng trưởng lớn và quản lý chất lượng cao.

Fisher đã mua cổ phiếu của Texas Instruments trước khi công ty này niêm yết công khai vào năm 1970. Giá cổ phiếu khi đó chỉ khoảng $2.70 và sau đó đã tăng lên đến $200, tương đương với mức tăng 7,400%, chưa kể đến cổ tức. Đây là một ví dụ điển hình về việc áp dụng chiến lược đầu tư dài hạn và tập trung vào chất lượng doanh nghiệp cũng như khả năng quản lý của công ty.

Thương vụ này không chỉ chứng minh khả năng phân tích và đánh giá doanh nghiệp của Fisher mà còn là minh chứng cho chiến lược đầu tư “mua và giữ” – một phương pháp đã được ông ủng hộ và thực hiện thành công trong suốt sự nghiệp đầu tư của mình. Đây là một bài học quý giá cho những nhà đầu tư muốn theo đuổi phương pháp đầu tư giá trị và tìm kiếm những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng lâu dài.

Những thương vụ này cho thấy khả năng nhìn xa trông rộng của Fisher trong việc chọn lựa công ty có tiềm năng tăng trưởng đồng thời phản ánh triết lý đầu tư của ông, đó là tập trung vào các công ty có sản phẩm hoặc dịch vụ độc đáo, quản lý xuất sắc, và cam kết mạnh mẽ với nghiên cứu và phát triển. Đây là những yếu tố quan trọng mà Fisher tin rằng sẽ dẫn đến thành công lâu dài và tăng trưởng đáng kể trong tương lai.

Philip Fisher: “Tôi không muốn có nhiều khoản đầu tư tốt, tôi chỉ cần một số khoản đầu tư xuất sắc”
“Trên thị trường chứng khoán, một hệ thần kinh vững vàng còn quan trọng hơn cả một cái đầu thông minh.”

Lời kết

Bài viết kết thúc bằng một câu nói mà Philip Fisher luôn tâm đắc và là nguồn động viên của ông trong những ngày tháng còn khó khăn: “Đời ai cũng có một vận may mà nếu ai biết tận dụng tốt sẽ trở nên giàu có” – Shakespeare. Fisher đã luôn luôn nỗ lực để tìm ra và tận dụng những cơ hội như thế.

Chúng ta hãy nỗ lực, chăm chỉ tìm kiếm những vận may như vậy nhé!

Hoai An Le (Theo Moneytime21st)

Có thể bạn quan tâm

Bộ sách Trí Tuệ Tỷ Đô Của Các Bậc Thầy Đầu Tư 2022

ĐẶT SÁCH NGAY

 

 

Các viết cùng chủ đề