Phù thủy Eddie Brown: Săn tìm các công ty nhỏ doanh thu dưới 250 triệu USD
Nếu người da trắng có Warren Buffett thì người da màu tự hào với Eddie Brown. Bạn đã bao giờ nghe đến những cái tên như Balchem, Bio-Techne, Veera Systems… chưa? Chúng là những cổ phiếu đem lại mức lợi nhuận dài hạn chẳng kém gì Apple và đang được nắm giữ bởi quỹ đầu tư Brown Capital Management.
Đây là một quỹ đầu tư rất kỳ lạ khi chỉ tập trung vào những công ty có doanh thu hàng năm dưới 250 triệu USD. Phương pháp của quỹ rất đơn giản: tìm những mối làm ăn tiết kiệm thời gian, tiền bạc, ít rắc rối và có khả năng phát triển. Sau đó Brown Capital sẽ xác định xem ban giám đốc của doanh nghiệp có đủ trình độ để thực hiện chiến lược phát triển, qua đó đưa sản phẩm hay dịch vụ của mình ra các thị trường mới hay không. Nếu những yếu tố trên phù hợp, họ sẽ mua vào cổ phiếu và ngồi chờ.
Tính bình quân, mỗi khoản đầu tư vào các công ty nhỏ của Brown Capital sẽ chỉ đem về lợi nhuận thực trong vòng 10 năm. Ví dụ hãng Cognex Corp, một công ty sản xuất thiết bị quang học được thành lập vào năm 1992 với tổng giá trị thị trường chưa đến 200 triệu USD, thì nay tổng giá trị lên tới gần 8 tỷ USD, đem về 5% tổng lợi nhuận cho Brown Capital.
Từ đầu năm đến nay, Brown Capital đã tăng trưởng 21% và có tỷ suất lợi nhuận bình quân 19%/năm trong suốt 10 năm qua. Kể từ khi thành lập vào năm 1992, quỹ đầu tư này đã tăng trưởng 22 lần.
Nhắc đến quỹ Brown Capital, không thể không nói đến nhà sáng lập Eddie Brown, một trong những huyền thoại người Mỹ gốc Phi hiếm hoi của Phố Wall.
Sinh năm 1940 bởi một người mẹ đơn thân tại Apopka-bang Florida-Mỹ, cậu bé Brown được nuôi dạy bởi ông bà trong một thị trấn nghèo nàn, chả có đường xi măng hay điện nước, hệ thống xả thải tử tế. Mẹ của ông sau khi sinh con đã bỏ lên Pennsylvania để sống cùng bạn trai mới.
Ông của Brown phải làm công nhân hái quýt trong trang trại gần đó còn chính bản thân Brown cũng phải tham gia làm việc tại cánh đồng từ bé. Bà của Brown làm lao công cho một vườn ươm.
Mặc dù cuộc sống khốn khó nhưng ông bà Brown luôn nhắc nhở cháu mình phải học hành tử tế. Bà của Brown thậm chí thường dắt cháu mình đi xem những nhân viên văn phòng làm việc gần Orlando với lời dạy: “Nếu cháu đến trường và học hành chăm chỉ, một ngày nào đó cháu cũng sẽ được ngồi sau những chiếc bàn văn phòng như thế kia với áo dơ mi trắng và cà vạt. Cháu sẽ không phải ra ngoài cánh đồng nắng nóng nữa.”
Bên cạnh đó, người cậu Jake của Brown cũng cho thấy việc kiếm tiền mà chẳng phải đi làm công là không khó. Cậu Jake có một đội xe chuyên chở quýt thuê cho những cánh đồng quanh vùng.
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là chính sự giáo dục của các giáo viên với Brown mới gây tác động mạnh lên con đường sự nghiệp sau này.
“Họ khắc sâu vào tâm trí chúng tôi rằng với tư cách là người da đen, bạn phải cố gắng gấp đôi nếu muốn thành công như người da trắng”, ông Brown, năm nay đã 78 tuổi, nhớ lại.
Năm 1955, bà của Brown mất khi ông mới 15 tuổi. Chú Jake của Brown thì phải vào tù. Những người thân của Brown lo sợ ông sẽ sa ngã theo con đường của Jake nên đã gọi mẹ ông từ Pennsylvania đón về nuôi.
Sau khi chuyển qua sống với mẹ, ngôi trường mới ông theo học cho rằng Brown nên học lại 1 năm mà không hề thông qua một bài kiểm tra nào, nhưng mẹ Brown yêu cầu ông được theo học lớp ôn thi lên đại học như các bạn cùng trang lứa. Sau khi thực hiện bài kiểm tra đánh giá khả năng, Brown cho thấy mình có tài năng trong mảng kỹ thuật và có tiềm năng trở thành kỹ sư. Cậu được trường đại học Howard University nhận học.
Sau khi vào trường đại học, Brown nhận được trợ cấp từ một người phụ nữ giấu tên, từ tiền học cho đến tiền sách vở. Tốt nghiệp với bằng kỹ sư điện năm 1961, Brown làm việc cho Martin Marietta rồi tiếp đó là IBM.
Người da màu tiên phong của Phố Wall
Trong quá trình làm việc, Brown phát hiện ra mình có sở thích đầu tư và kiếm học bổng theo ngành kinh doanh của trường đại học Indiana. Tốt nghiệp văn bằng 2 năm 1970, Brown trở thành chuyên viên phân tích chứng khoán của Irwin Management. Đến năm 1973, tài năng của Brown được Rowe Price để ý và mời ông về làm giám đốc mảng cổ phiếu mới nổi. Brown trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên được làm giám đốc quỹ đầu tư vào thời kỳ đó.
Dần dần, chủ tịch quỹ Rowe Price là ông Charles Shaeffer nghỉ hưu, chuyển dần số khách hàng cho Brown thì danh tiếng của ông mới lan ra. Thời điểm này, Brown nhận ra rằng chẳng quan trọng khách hàng da trắng hay da màu, quản lý da màu gì, miễn có lợi nhuận là mọi người đều vui.
Dẫu vậy, sự nghiệp của Brown chỉ thực sự bùng nổ vào năm 1979 khi ông xuất hiện thường xuyên trên chương trình “Wall Street Week with Louis Rukeyser” của đài PBS, một chương trình tài chính khá nổi tiếng thời đó.
Chính sự nổi tiếng này đã giúp Brown thành lập công ty của mình vào năm 1983 và mối làm ăn đầu tiên trị giá 200.000 USD được gửi qua bức thứ đến chương trình của PBS. Chủ nhân bức thư là cựu thư ký riêng của Cố tổng thống Johnson, ông Geraldine Whittington, người da màu đầu tiên làm thư ký cho tổng thống Mỹ.
“Eddie là một trong những hình tượng kinh điển của thời đó. Người da màu được truyền cảm hứng khi thấy ông ấy xuất hiện trong một chương trình tài chính nổi tiếng được phát sóng vào mỗi chiều thứ 6 hàng tuần”, nhà sáng lập John Rogers của Ariel Investment nhớ lại.
Năm 1992, ông Brown bắt đầu tập trung đầu tư hơn vào những công ty nhỏ, chủ yếu trong lĩnh vực y tế, sức khỏe, công nghệ và dịch vụ. Các mảng như bất động sản, ngân hàng hay có biến động quá lớn bị Brown hạn chế xem xét.
Để có thêm kiến thức trong ngành chăm sóc sức khỏe cho đầu tư, những giám đốc quản lý quỹ của Brown Capital đã thuê các chuyên gia của trường đại học John Hopkins để giảng dạy cũng như để truyền cảm hứng, ý tưởng.
Một trong những thương vụ lớn nhất của Brown Capital là việc mua lại Panera Bread vào năm 1998. Cổ phiếu của chuỗi cửa hàng cà phê bánh này đã tăng 90 lần khi được bán lại vào năm 2012.
Tất nhiên, không phải thương vụ nào cũng thành công. Ví dụ như việc Brown mua lại cổ phiếu của Inogen, một nhà sản xuất bình oxy di động cho những người mắc bệnh đường hô hấp. Công ty này đã thua lỗ và giảm giá cổ phiếu đến 76%. Trong trường hợp này, Brown quyết định chờ đợi và mua thêm gấp 10 lần cổ phiếu đang nắm giữ.
Năm 2013, sau 20 năm có tỷ suất lợi nhuận lên đến 14%, Brown Capital quyết định hướng đến những công ty nhỏ nước ngoài có doanh thu dưới 500 triệu USD. Trong vòng 3 năm qua, quỹ đầu tư nước ngoài của Brown đã cho tỷ suất lợi nhuận bình quân 18%/năm, cao hơn nhiều mức trung bình 10% của ngành.
Khoản đầu tư nổi tiếng nhất của quỹ là Mercado Libre tại Nam Mỹ, một đối thủ sừng sỏ của Amazon. Cổ phiếu của hãng này đã tăng 5 lần kể từ khi nhận đầu tư từ Brown.
Năm 2016, Brown hoàn thành việc cổ phần hóa và bán cổ phiếu cho các công nhân viên đang làm việc trong quỹ. Nói cách khác, khoảng 36 nhân viên của Brown với 70% trong số họ là cổ đông nhỏ đã trở thành những ông chủ thực sự của Brown Capital.
Khi đã được tạp chí Forbes liệt kê trong danh sách những người nổi tiếng, Brown cùng người vợ của mình, bà Sylvia bắt đầu quan tâm hơn đến làm từ thiện và chia sẻ cộng đồng. Trong 25 năm qua, gia đình nhà Brown đã chi tới 39 triệu USD cho các công trình, dự án giáo dục, tôn giáo, nghệ thuật.
“Vấn đề không chỉ là làm giàu mà còn là việc có thể giúp đỡ những người khác”, ông Brown nói.
Nguồn: cafef
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách
Trí tuệ tỷ đô của các bậc thầy đầu tư
Suy nghĩ vượt lên trên đám đông để trở thành
kẻ chiến thắng trong đầu tư