PYN Elite ngược dòng khối ngoại
Trong giai đoạn khối ngoại bán ròng vì đại dịch Covid-19, cái tên PYN Elite được nhắc tới với lực bán mạnh. Tuy nhiên, theo công bố hoạt động nửa đầu năm 2020, hóa ra PYN Elite đã đi ngược chiều.
Mua mạnh VEA, POW, ACV, SCS…
Khối ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị 422 triệu USD, trong khi PYN Elite mua vào với tổng giá trị 39 triệu USD. Đà bán của khối ngoại bắt đầu từ cuối tháng 2 và kéo dài cho tới đầu tháng 5, nhưng đã có sự đảo ngược trong những tuần gần đây.
Với PYN Elite, cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của Quỹ hiện tại là VEA – Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam.
Trong thời điểm đại dịch, PYN Elite đã mua thêm cổ phiếu, đưa mã VEA lên vị trí số 1 trong danh mục nắm giữ với tỷ trọng hơn 11%. VEA được nhận định là doanh nghiệp sản xuất có mối kết nối mạnh với các nhà sản xuất lớn khác như Honda, Toyota và Ford.
“VEA có dòng tiền lớn và ổn định, nhưng hiện chỉ giao dịch tại sàn UPCoM. Chúng tôi kỳ vọng, doanh nghiệp sẽ sớm gia nhập 2 sàn niêm yết”, PYN Elite nói và cho rằng, đây là một trong các cổ phiếu có khả năng tăng giá trị gấp đôi trong 3 năm tới.
Cùng được gia tăng tỷ trọng nắm giữ là nhóm cổ phiếu ngân hàng, hiện chiếm khoảng 31% trong danh mục đầu tư của PYN Elite và theo quỹ này, giá trị có thể tăng gấp đôi trong vài năm tới.
Nhóm ngân hàng vẫn giữ vị thế tốt trong những tuần đầu khi đại dịch xuất hiện, nhưng ngay sau đó lao dốc, mà nguyên nhân chính xuất phát từ mối lo nợ xấu gia tăng và nền kinh tế chung chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Hiện tại, cổ phiếu ngân hàng đã hồi phục và triển vọng tăng trưởng của các nhà băng cũng duy trì tích cực trong năm 2020. Theo đánh giá của PYN Elite, tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng khoảng 10%, trong khi kỳ vọng thông thường mọi năm khoảng 25%.
Một số cổ phiếu được PYN Elite mua mới là POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (tỷ lệ sở hữu từ 0% tăng lên 4,8%). PYN Elite nhận định, doanh thu năm 2020 của ACV sẽ lao dốc, nhưng dòng tiền vẫn tích cực ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng và triển vọng dài hạn là “tuyệt vời”.
“Chúng tôi rót tiền vào ACV trong thời điểm làn sóng bán tháo diễn ra mạnh mẽ và xoay xở để có thể mua được cổ phiếu ở mức giá thấp, sau những cuộc đàm phán khó khăn”, PYN Elite cho biết.
Tương tự là cổ phiếu SCS của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn. 2020 sẽ là một năm khó khăn với SCS, tuy nhiên, nhờ lượng hành khách nội địa, Công ty vẫn có khả năng tạo ra doanh thu và lợi nhuận trong năm nay.
PYN Elite đã nhận chuyển nhượng khoản đầu tư vào SCS từ một quỹ đầu tư quen biết trước đó và để mắt tới cổ phiếu này từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, cho tới khi đà bán tháo vì đại dịch diễn ra, đẩy giá cổ phiếu xuống thấp, PYN Elite mới rót tiền mua lại toàn bộ khoản đầu tư.
Bán ra MWG, CII…
Ở chiều bán ra, các khoản thoái vốn chính của PYN Elite là MWG, giảm tỷ trọng nắm giữ từ 17,1% xuống 5,1%.
Theo PYN Elite, MWG vẫn là một công ty thú vị và chiếm tỷ trọng đáng kể trong danh mục đầu tư, nhưng việc mua lại cổ phiếu không được xem là ưu tiên, ngay cả khi giá ở mức thấp, bởi PYN Elite sẽ phải trả tối thiểu thêm 40% so với giá thị trường, do vướng giới hạn sở hữu tối đa với nhà đầu tư ngoại.
Việc bán bớt cổ phiếu cũng diễn ra với khoản đầu tư vào Công ty cổ phầnĐầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), tỷ trọng nắm giữ giảm từ 6,3% xuống 2,3%.
PYN Elite cho biết, việc bán bớt cổ phiếu CII xuất phát từ những biến động trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như có những cơ hội mới xuất hiện đã thay thế vị trí của cổ phiếu này.
Ngoài ra, PYN Elite bán một số khoản đầu tư nhỏ khác, trong đó có PTB, TNG, VNE, HUT…
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Làm Giàu Từ Chứng Khoán (phiên bản mới) + Hướng Dẫn Thực Hành CANSLIM
(Kết hợp Phân tích cơ bản (FA) và Phân tích kỹ thuật (TA) để tìm kiếm Siêu cổ phiếu)