Quan sát 5 điều này để nhìn thấu bản chất của một người
Người không cùng quan điểm sống và tần số thì khó lòng tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp. Người ta thường nói “lòng người phức tạp, khó đoán”. Đó là một sự thật không cần bàn cãi. Song trên thực tế, chúng ta vẫn có thể phán đoán tính cách của đối phương thông qua những biểu hiện trong cuộc sống. Cách một người đối nhân xử thế, các mối quan hệ xung quanh… đều chứa đựng một phần trong phẩm chất.
1. Nhìn vào ánh mắt
Ánh mắt là loại ngôn ngữ vô hình vô thanh. Đôi mắt của con người cũng biết nói. Qua đó, chúng ta có thể nhìn ra cảm xúc, tính cách và cả suy nghĩ của họ về sự việc phát sinh…
Thật ra, khi giao tiếp, ánh mắt của chúng ta có thể phản ánh chân thật hoạt động nội tâm đang diễn ra. Không phải tự nhiên mà người ta có câu: Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Chúng không biết nói dối, như những đứa trẻ ngây thơ chưa trải sự đời luôn nói thật lòng.
Bất ngờ, đôi mắt mở to. Cười nói vui vẻ, mắt nheo lại thành hàng. Lòng đầy lo lắng, mắt căng thẳng như dây đàn. Làm chuyện sai trái, tâm lo sợ, mắt dáo dác láo liên. Người bình tĩnh như nước tù đọng, mắt mới yên ắng không cảm xúc.
Song trên đời này, có mấy ai học được khả năng “mắt bất động trước mọi tình huống và cảm xúc”?
2. Quan sát nhóm bạn thân của đối phương
Vật họp theo loài, người tụ thành nhóm.
Người kề cận bên bạn thế nào, bạn cũng là người như thế đó. Đây có lẽ xuất phát từ quan niệm “hòa nhập vào cộng đồng”. Hoặc là thay đổi bản thân để phù hợp với nhóm, hoặc là bản thân vốn như thế nên mới phù hợp với cộng đồng.
Thật vậy! Người sống tốt và thành công, bạn bè xung quanh ít ai yếu kém. Nhưng người chẳng mấy tài giỏi thì hiếm khi có bạn bè thân thiết xuất chúng.
Người không cùng quan điểm sống và tần số thì khó lòng tạo dựng mối quan hệ, ngay cả bạn bè bình thường còn không thể, chứ đừng nói đến kết thâm giao.
3. Nhìn vào thứ đối phương ghét bỏ
Con người rất biết giả vờ. Đôi khi, rõ ràng rất thích thứ đồ này nhưng lại tỏ ra không thích, dễ dàng giả vờ đùn đẩy, không chịu nhận, thậm chí thể hiện sự ghét bỏ.
Song với những thứ mình không thích, đặc biệt là ghét cay ghét đắng, chúng ta rất khó giả vờ bản thân rất thích. Điều này đòi hỏi “khả năng diễn xuất và chịu đựng” rất cao.
Đáng chú ý hơn, một thứ mà một người ghét bỏ có thể bộc lộ cả ý thức cá nhân của họ. Ví dụ như người ghét đám đông, chúng ta có thể phán đoán họ là người khá hướng nội, thích sự yên tĩnh, không thích chen lấn và ồn ào. Người ghét sự trễ nải, chứng tỏ họ rất tuân thủ giờ giấc, sống có nguyên tắc, không thích sự chờ đợi, cũng có thể là khả năng nhẫn nại kém.
4. Nghe cách đối phương nói chuyện
Mặc dù lời nói có thể mang ẩn ý che đậy, giả dối, nhưng giấy không gói được lửa, không thể cứ mãi giả vờ hoặc nói dối.
Chỉ cần quan sát cách đối phương giao tiếp và sử dụng ngôn từ, bạn có thể đoán được tính cách và phẩm chất của họ. Thông thường, lời nói là phản ứng tự nhiên của hoạt động nội tâm.
“Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Người thích châm biếm, công kích thường âm hiểm xấu xa. Người nói năng có chừng mực, biết người biết ta thật sự thông minh.
Người thích nói năng hoa mỹ chứng tỏ có thiên hướng nghệ thuật văn học và tâm hồn bay bướm. Người nói chuyện e dè, một là tự ti, hai là sống cẩn thận vì không muốn đắc tội bất cứ ai.
Đương nhiên, muốn nhìn thấu một người từ lời ăn tiếng nói đòi hỏi quá trình quan sát lâu dài. Chúng ta không thể phiến diện phán đoán và đặt điều.
5. Nhìn biểu hiện khi đứng trước lợi ích
Người không vì mình, trời tru đất diệt. Ai lại muốn bản thân bị thiệt thòi?!
Thật vậy! Khi đứng trước lợi ích, con người thường bộc lộ phẩm chất thật sự.
Tìm đủ mọi cách để đoạt lấy lợi ích, chấp nhận cho đi nhường lại hay làm chuyện xấu xa hòng bảo vệ cái lợi cho riêng mình… Tất cả suy cho cùng đều là một sự lựa chọn. Tốt hay xấu còn tùy thuộc vào tình huống và người trong cuộc.
Trên đời này, bạn bè trở mặt thành thù vì tiền bạc, đồng nghiệp tranh đấu lẫn nhau vì chút tiền thưởng và cơ hội… đều là chuyện thường tình. Khi đó, chúng ta có thể nhìn thấu tâm can của đối phương.
Nguồn: Phụ nữ Việt Nam