Lâu nay chúng ta đã bị ‘Quy tắc 10.000 giờ’ qua mặt, hóa ra không cần bằng ấy thời gian luyện tập để trở thành kẻ xuất chúng trong bất kỳ lĩnh vực nào!
Có lẽ quy tắc 10.000 giờ phổ biến vì đề cập nhiều về triển vọng mà nó hứa hẹn hơn là sự chính xác về mặt khoa học.
Trong cuốn sách Outliers (Tạm dịch: Những kẻ xuất chúng) xuất bản năm 2008, tác giả Malcolm Gladwell cho biết 10.000 giờ là “con số kỳ diệu của sự vĩ đại”. Theo ông, để trở thành chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực nào, một người cần 10.000 giờ luyện tập có chủ đích.
Gladwell đưa ra một số ví dụ, trong đó có trường hợp của tỷ phú Bill Gates: Ông bắt đầu lập trình từ khi còn là một thiếu niên trung học và chính cơ hội luyện tập đó đã giúp ông thành công rực rỡ.
Thông điệp mà Gladwell muốn nhắn nhủ là không phải ai sinh ra cũng là thiên tài mà họ thành công phần nhiều là nhờ nỗ lực của bản thân. Sau đó, quy tắc 10.000 giờ đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng mặc dù nó gặp phải rất nhiều phản hồi trái chiều.
Tháng trước, các nhà nghiên cứu vừa công bố một phát hiện liên quan đến quy tắc 10.000 giờ. Họ đã xem xét lại nghiên cứu ban đầu và không thể thu về kết quả như Gladwel từng viết trong Outliers.
Trên thực tế, khái niệm 10.000 giờ của Gladwell chủ yếu dựa trên một nghiên cứu năm 1993, trong đó nói rằng những sinh viên vĩ cầm giỏi nhất tại một học viện âm nhạc ở Berlin đã luyện tập trung bình 10.000 giờ khi họ còn chưa bước sang tuổi 20.
Dù vậy, đã có lỗ hổng trong việc sử dụng nghiên cứu này để hỗ trợ quy tắc 10.000 giờ của Gladwell: Rốt cuộc, những sinh viên này vẫn chỉ là sinh viên không hơn không kém chứ chưa phải thạc sĩ hay đạt được thành tích xuất sắc. Và thậm chí, nhiều người trong số đó còn chưa luyện tập đủ 10.000 giờ.
Thế nhưng, quy tắc trên của Gladwell vẫn được nhiều người biết đến, có lẽ vì triển vọng mà nó vẽ ra: Bất kỳ ai trong chúng ta, chỉ cần luyện tập có chủ đích một cách phù hợp, có thể trở thành một vận động viên chơi cờ vua chuyên nghiệp, một tác giả hay một nghệ sĩ piano.
Một bài báo trích dẫn lại nghiên cứu năm 1993 được xuất bản vào tháng trước đã càng làm lung lay cơ sở về mặt học thuật của quy tắc 10.000 giờ. Trong nghiên cứu mới nhất công bố trên Royal Society Open Science, các nhà nghiên cứu đã theo dõi thói quen luyện tập của ba nhóm gồm 13 nghệ sĩ violon (được đánh giá là xuất sắc, giỏi và trung bình).
Khi kết thúc, họ phát hiện ra rằng những nghệ sĩ trung bình đã luyện tập ít hơn hai nhóm còn lại. Tuy nhiên, dù đều có mức luyện tập là 11.000 giờ, tương đương với nhóm xuất sắc nhưng những người thuộc nhóm giỏi vẫn không thể bứt phá khỏi nhóm hiện tại của mình. Nghiên cứu dường như đã chỉ ra rằng chúng ta có thể làm việc miệt mài nhưng kết quả nhiều khi sẽ không như mong đợi và chỉ dừng ở mức khá tốt mà thôi!
Có lẽ mục đích của quy tắc dựa trên nghiên cứu năm 1993 của Gladwell là làm nổi bật tầm quan trọng của việc chăm chỉ, nỗ lực làm việc và tạo động lực cho mọi người.
Do đó, có thể nói hầu như không con đường nào có khả năng đảm bảo chắc chắn một người sẽ trở thành kẻ xuất chúng. Tuy vậy, làm việc chăm chỉ vẫn có thể đem lại nhiều kết quả tích cực nhất định.
Niềm đam mê không được “phát hiện ra” mà đúng hơn là được “tạo ra”. Điều gì khiến bạn thoải mái hơn việc tạo ra niềm đam mê bằng cách làm việc mà bạn cảm thấy thú vị hơn là vì nó sẽ khiến bạn trở thành kẻ xuất chúng?
Ngay cả sau khi đã luyện tập hàng chục nghìn giờ, chúng ta vẫn có thể học và làm rất nhiều điều khác. Khi thực sự yêu thích công việc của mình, bạn sẽ luôn muốn nó tiếp diễn, bất kể bạn đã thực hành bao lâu và thuần thục ra sao. Có thể, nó sẽ không biến bạn thành ngôi sao nhưng làm một việc và tận hưởng niềm vui từ đó sẽ giúp bạn có được cuộc sống trọn vẹn hơn!
Nguồn: CafeBiz
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Thay thói quen – Đổi vận mệnh