Review sách: Người đàn ông đánh bại mọi thị trường – Edward O.Thorp
Người đàn ông đánh bại mọi thị trường – Edward O.Thorp là một quyển sách không thể thiếu trong tủ sách đầu tư của những nhà giao dịch lựa chọn con đường đầu tư bài bản và có lộ trình.
Sau đây là một bài chia sẻ từ độc giả đã đọc qua quyển sách này:
“Khi nghe giới thiệu về cuốn sách này từ anh Thái Phạm mình nghe thấy khá hấp dẫn với các nội dung như hướng dẫn từ nhà đầu tư huyền thoại, cha đẻ của phương pháp định lượng, thiên tài toán học, đánh bại các sòng bài,… Đặc biệt là các phần như Lãi kép – Kỳ quan thứ 8 của nhân loại, công thức Kelly,…
Điều này hoàn toàn đúng nhưng có lẽ trong đầu mình định hướng nghĩ rằng cuốn sách sẽ giúp mình hướng đến quản trị rủi ro, quản lý vốn,… đó là những điều mình quan tâm nên khi đọc cuốn sách thấy hơi hụt hẫng vì không được như mình nghĩ.
Bản chất cuốn sách là một cuốn tự truyện của Edward O.Thorp thì đúng hơn là cuốn sách hướng dẫn đầu tư. Chúng ta sẽ được nghe kể về cuộc đời của ông từ khi còn trẻ với tài năng khi ông có thể tham gia các giải Toán, Lý, Hóa một cách xuất chúng.
Sau đó, là thăng trầm của cuộc đời từ làm một Tiến sĩ giảng dạy, nghiên cứu tại trường Đại học cho đến vận dụng kiến thức toán học, vật lý nghiên cứu ra cách đánh bại nhà cái trong các trò chơi mà những người khác cho rằng không thể.
Phần đầu cuốn sách mình đọc thấy hơi khô khan do Thorp là một nhà toán học nên ngôn ngữ viết không theo kiểu văn thơ và các dịch giả cũng dịch theo hướng giữ đúng văn phong khô khan như vậy.
Mình không phải là một người đầu tư chứng khoán nên quyển sách này không quá phù hợp. Trước khi mua mình nghĩ rằng sẽ học được các nguyên tắc quản trị rủi ro, quản lý vốn để áp dụng vào đầu tư Forex và Crypto – là 2 lĩnh vực mình quan tâm chính.
Nhiều nội dung trong sách chủ yếu chỉ phù hợp với Chứng khoán. Chính vì vậy mình nói rằng cuốn sách không đáp ứng được kỳ vọng trước khi mua của mình. Nhưng với những nhà đầu tư chứng khoán thì chắc sẽ thích thú với cuốn sách hơn.
Các chương cuối của cuốn sách có vẻ hấp dẫn hơn bởi cung cấp nhiều hơn các kiến thức về lãi, phòng ngừa rủi ro, quan điểm thế nào là giàu?, cho đi,… của Edward Thorp mà mình nghĩ mình có thể học hỏi và áp dụng trong cuộc sống.
Trong cuốn sách này mình thấy có một điều rất hay là Dịch giả rất có tâm ở các phần chú thích về các nội dung trong cuốn sách: không chỉ từ các thuật ngữ mà ngay cả các sự kiện trong cuốn sách cũng được chú thích để người đọc hiểu rõ hơn (có thể trích từ các tài liệu hoặc wikipedia). Mình thấy rất hay giúp người đọc không cần mất công tự tra cứu nữa.
Tuy rằng cuốn sách không như kỳ vọng của mình ban đầu nhưng mình cũng rút ra được khá nhiều bài học từ cuốn sách, như cách giải quyết vấn đề của Thorp, tư tưởng trong đầu tư của Thorp.
Một ví dụ khá hay của ông trong cuốn sách về giá trị so sánh tương đương giữa thời gian, tiền bạc và sức khỏe mà mình xin được phép trích lại:
“Hầu hết những người tôi gặp đều không đoái hoài đến giá trị so sánh tương đương giữa thời gian, tiền bạc và sức khỏe. Hãy nghĩ đến một người lao động độc thân dành hai giờ di chuyển suốt 40 dặm từ Riverside, Califorlia nóng bức và sương mù đến làm việc tại Newport Beach dịu mát với mức lương 25$/giờ.
Nếu người lao động chuyển từ căn hộ 1200$/ tháng ở Riverside tới căn hộ tương đương giá 2500$/tháng ở Newport Beach, tiền thuê của anh ta tăng 1300$/tháng nhưng anh này né được 40 giờ di chuyển từ nhà đến văn phòng.
Nếu thời gian của anh ta đáng giá 25$/giờ, anh ta sẽ tiết kiệm 1000$/tháng (25$ x40 mỗi tháng). Thêm vào đó chi phí lái sẽ thêm 1600 dặm. Nếu tốn chi phí vận hành cho chiếc xe 50 xu/dặm hay 800$/ tháng thì sống ở Newport Beach và tiết kiệm được 40 giờ lái xe mỗi tháng càng giúp anh lợi được 500$ (1000$ + 800$ -1300$).
Trong thực tế, anh ta chỉ kiếm được 12,5$/giờ vì quảng đường đi làm. Người nhân viên của chúng ta có tính tời điều này không? Tôi ngờ rằng anh ta không làm vậy, vì thêm 1300$/tháng tiền thuê là ở Newport Beach là một chi phí rõ ràng trong tầm mắt, khoản tiền vơi đi định kỳ như cắt từng khúc ruột, ngược lại chi phí cho chiếc xe của anh ta ít rõ rệt hơn và có thể trôi dạt khỏi tâm trí.
Báo cáo cho biết người Mỹ dành trung bình 40 giờ một tuần xem Tivi. Những người đó có rất nhiều “thời gian rác”, họ có thể phung phí thay cho một chương trình tập luyện thể dục. Năm giờ tập luyện một tuần có thể kéo dài thêm 5 năm sống đời khỏe mạnh.”
Mình nghĩ rằng câu chuyện này sẽ thay đổi suy nghĩ của cả mình và bạn thay vì chỉ tính những điều rõ rằng trong tầm mắt.
Đó là đánh giá của mình về cuốn sách: “Người đàn ông đánh bại mọi thị trường của Edward O.Thorp”. Hy vọng rằng sẽ cung cấp thêm thông tin để bạn quyết định có đọc cuốn sách này hay không?”
Theo Medio
Có thể bạn quan tâm
Người Đàn Ông Đánh Bại Mọi Thị Trường – Edward Thorp