Sau Viettel Global, ACV, đến lượt “gã khổng lồ” ngành dầu khí BSR trên UPCoM tăng “bốc đầu”, điều gì đang xảy ra?
Chưa bao giờ sàn UPCoM lại được chú ý như hiện nay. Sau khi Viettel Global và ACV làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng các doanh nghiệp giá trị nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng nối gót tăng “bốc đầu”.
Sau một tháng, cổ phiếu này đã tăng hơn 24% thị giá qua đó leo lên mức cao nhất trong vòng 20 tháng kể từ giữa tháng 9/2022. Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng thêm hơn 13.600 tỷ lên mức gần 70.000 tỷ đồng (~2,9 tỷ USD).
Cổ phiếu BSR tăng dựng đứng trong bối cảnh ĐHĐCĐ thường niên 2024 có nhiều đề xuất quan trọng, đặc biệt về công tác thu xếp vốn. Theo đó, công ty đang báo cáo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ 31.000 tỷ lên khoảng 50.000 tỷ đồng, bằng hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Nếu được cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ, BSR đảm bảo đủ nguồn vốn chủ sở hữu từ 40-60% so với tổng mức đầu tư của dự án mở rộng NMLD Dung Quất. Phần vốn vay (dự kiến khoảng 40- 60%) sẽ được thu xếp từ nguồn vay ECA, thương mại trong nước và quốc tế, trái phiếu xanh cũng như các nguồn vốn phù hợp, khả thi khác…
Đầu năm nay, Bộ Tài chính đã có dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 17 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP. Theo đó, công ty cổ phần do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, phần lợi nhuận còn lại được chia cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt; hoặc bằng cổ phiếu để thực đầu tư bổ sung tăng vốn điều lệ, thực hiện các dự án quan trọng quốc gia được cấp có thẩm phê duyệt.
Ngoài câu chuyện cổ tức, việc chuyển 3,1 tỷ cổ phiếu từ thị trường UPCoM sang niêm yết HoSE cũng được giới đầu tư kỳ vọng. BSR cho biết, công ty sẽ tiếp tục triển khai việc này khi có đủ điều kiện, dự kiến trong năm nay. Việc chuyển niêm yết sang HoSE được kỳ vọng sẽ nâng cao tính minh bạch, tăng thanh khoản cũng như giá cổ phiếu và khả năng tiếp cận các nhà đầu tư lớn và tiềm năng thu hút vốn.
Về kết hoạch kinh doanh năm 2024, BSR đặt mục tiêu tổng doanh thu hơn 95.274 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 1.148 tỷ đồng, lần lượt giảm 37% và 87% so với kết quả thực hiện năm ngoái. Quý đầu năm 2024, BSR ghi nhận doanh thu 30.689 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí, BSR lãi sau thuế 1.115 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ 2023. Với kết quả đạt được, công ty gần như đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Dầu khí (PSI) đánh giá biên lợi nhuận lọc dầu vẫn duy trì ở mức cao, tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động của BSR. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận của BSR sẽ có sự cải thiện do nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu máy bay tăng trưởng; Crack Spread các sản phẩm dầu Diesel, nhiên liệu máy bay tại khu vực Châu Á đang ở mức cao, theo đà tăng của các loại dầu thành phẩm.
BSR hiện đang quản lý và vận hành NMLD Dung Quất – NMLD đầu tiên của Việt Nam. NMLD Dung Quất được khởi công xây dựng năm 2005 với tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD, đi vào vận hành từ năm 2009. Nhà máy có công suất 6,5 triệu USD tấn dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh thấp mỗi năm. Theo PSI, dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành trong Quý 1/2028 sẽ mang lại lợi thế trong dài hạn cho BSR.