Singapore lo lắng vì giới trẻ ‘mê’ mua hàng trả góp
Thế hệ Z tại Singapore đang vay mua trả góp quá tự do, khiến ngân hàng trung ương nước này lo lắng.
Starrie Lee, 23 tuổi, mua một màn hình máy tính vào tháng 5. Sau vài cú nhấp chuột, giao dịch của cô được thành ba lượt trả góp. Cô dự kiến góp xong số tiền 500 đôla Singapore (380 USD) vào tháng sau.
“Là một người lập ngân sách chặt chẽ cho các chi phí hàng tháng, việc mua trả góp mang lại sự linh hoạt và hợp lý hơn trong việc quản lý dòng tiền, giúp tôi không bị bội chi”, Lee nói.
Tuy nhiên, nhiều quan chức ở Singapore không cảm thấy cách chi tiêu như Lee hay thế hệ Z (sinh từ 1997 đến 2015) nói chung là khôn ngoan. Sự phổ biến ngày càng cao của các giao dịch mua trước trả sau (Buy Now, Pay Later) trong giới trẻ nước này đang khiến họ lo lắng. Họ cho rằng các ứng dụng mua trả góp đang “săn mồi” những người 20 tuổi ngây thơ về tài chính.
“Thanh niên không có đủ nhận thức về tài chính có thể dùng đến các hạn mức tín dụng được cấp trước khi có đủ khả năng kiếm tiền để trả”, Cheryl Chan, nghị sĩ của Đảng Hành động Nhân dân cầm quyền, đánh giá, “Đây là một xu hướng không lành mạnh”.
Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã phát động một chiến dịch truyền thông cảnh báo các phương thức thanh toán có thể dẫn đến nợ và rủi ro tín dụng tiêu dùng. Trong một bài báo trên tờ Straits Times, MAS khuyến khích mọi người tránh vay mượn để mua sắm thoải mái.
“Bạn nên luôn chi tiêu trong khả năng của mình và không xem các chương trình mua trả góp là một cách để mua các mặt hàng đắt hơn mức bạn có thể chi trả. Đừng trở thành con tin cho thói quen chi tiêu của bạn”, MAS khuyến nghị.
Dịch vụ mua trước, trả sau cho phép người mua chia đều chi phí mua hàng trong vài tháng mà một số trường hợp không tính phí lãi suất, khiến những mặt hàng có giá trị lớn cũng nằm trong tầm tay.
Sau khi phổ biến ở phương Tây, nó đang phát triển mạnh mẽ ở Singapore và các nước Đông Nam Á khác. Theo công ty tư vấn Cohere Market Insights, thị trường dịch vụ mua trả góp này sẽ đạt quy mô khoảng 33,6 tỷ USD vào năm 2027, tăng từ mức 7,3 tỷ USD vào năm 2019.
Theo các công ty dịch vụ mua trước trả sau ở Singapore, hầu hết khách hàng của họ ở độ tuổi 20 đến 35. Điều này cho thấy những người trẻ đang rời bỏ tư duy truyền thống là tránh vay mượn của các thế hệ Đông Nam Á lớn hơn. Các nhà bán lẻ như Sephora và Zara chấp nhận thanh toán trả góp, với người bán phải trả cho các công ty trả góp một khoản phí cho mỗi giao dịch.
“Mọi người muốn có các mẫu thời trang mới nhất và bắt kịp xu hướng. Đó là động lực lớn để họ mua hàng và quyết định trả góp”, Anton Ruddenklau, người đứng đầu bộ phận dịch vụ tài chính của KPMG Singapore cho biết.
Đại dịch đã thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ trả góp ở đảo quốc, khi người bán và người mua phải trực tuyến. Nhờ thế, người mua nhanh chóng tìm kiếm các giá tốt nhất và dễ dàng lựa chọn phương thức thanh toán.
“Nhiều người dùng của chúng tôi rõ ràng đang chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Họ bị ảnh hưởng tiêu cực hoặc gặp phải bất ổn hơn trong thu nhập. Vì vậy, một sản phẩm như của chúng tôi về cơ bản tạo ra sự linh hoạt hơn cho họ”, Ed Chin, Nhà sáng lập OctiFi, một startup về mua trả góp địa phương, cho biết.
Một số gã khổng lồ công nghệ của Đông Nam Á cũng đã lấn sân sang lĩnh vực này. Dịch vụ PayLater của Grab đã ra mắt vào năm 2019, đang hoạt động ở Singapore và các quốc gia khác trong khu vực. Traveloka Indonesia đang tiếp tục mở rộng cung cấp dịch vụ trả góp tập trung vào Thái Lan và Việt Nam.
Hầu hết các dịch vụ thường được sử dụng cho các giao dịch giá trị nhỏ, nhưng 27% người Singapore cho biết gặp khó khăn về tài chính do mua hàng trả góp, theo một báo cáo năm 2020 từ nền tảng so sánh tài chính Finder. 9% cho biết đã bị phạt tiền cho chậm thanh toán.
Không giống như thẻ tín dụng truyền thống yêu cầu kiểm tra toàn diện và thủ tục giấy tờ để xác minh danh tính của một cá nhân, dịch vụ mua trước trả sau cho phép người dùng trên 18 tuổi tạo tài khoản và bắt đầu mua sắm sau khi nhập thông tin cá nhân và liên kết ít nhất một thẻ ghi nợ. Phí trả trễ thường dao động 5-60 đôla Singapore.
Startup trả góp Atome ra mắt vào năm 2019 và làm việc với hơn 2.000 nhà bán lẻ trên toàn khu vực. Theo CEO David Chen, giá trị giao dịch trung bình của công ty tại Singapore vào khoảng 150 đôla Singapore.
“Thẻ tín dụng là một sản phẩm khuyến khích chi tiêu nhưng dịch vụ trả góp thì không, vì một khi bạn quá hạn, chúng tôi sẽ đóng băng tài khoản”, Chen nói. Ông cho biết công ty tiến hành kiểm tra gian lận, đánh giá rủi ro, đồng thời quan sát lịch sử hành vi trả nợ và tỷ lệ thanh toán trễ.
Chủ tịch MAS Tharman Shanmugaratnam cho biết, các dịch vụ mua trước trả sau hiện nằm ngoài các quy định của cơ quan này về tín dụng áp dụng cho các ngân hàng và công ty tài chính. Vì vậy, MAS sẽ xem xét các biện pháp như xác minh thu nhập của người dùng trả góp và tạo một hệ thống tập trung để kiểm tra các khoản tạm ứng được thực hiện giữa thẻ tín dụng và nền tảng trả góp.
Trong lúc này, MAS đang ra sức tuyên truyền về những rủi ro của việc bội chi thông qua các dịch vụ trả góp. “Nếu không cẩn thận, người ta có thể mắc nợ với nhiều gói trả góp và lâm vào cảnh túng quẫn, đặc biệt là với người không có thu nhập ổn định”, cơ quan này cảnh báo.
Tuy nhiên, các dịch vụ này có thể phát triển hơn nữa trong giới trẻ Đông Nam Á. Với mong muốn chiếm thị phần, Atome, OctiFi và Rely có kế hoạch mở rộng ra toàn khu vực.
Khi làm như vậy, họ sẽ nhắm mục tiêu đến những người tiêu dùng như Chang Wei Yue, một giám đốc quan hệ công chúng 26 tuổi, người gần đây đã hoàn tất trả góp 2.000 đôla Singapore mua niềng răng vô hình. “Việc này cực kỳ đơn giản và khiến tôi cảm thấy thoải mái khi biết rằng mình không phải trả trước toàn bộ số tiền ngay lập tức”, cô nói.
(Theo Bloomberg)
Có thể bạn quan tâm:
Combo sách Khai phá sức mạnh tiềm thức – Đánh thức con người phi thường trong bạn