Sợ bị đuổi việc có khiến bạn làm việc tốt hơn?
Một điều không tưởng là đối với một số doanh nghiệp, việc khiến nhân viên có cảm giác sợ bị đuổi việc sẽ khiến nhân viên của họ làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, đây có phải là một cách tối ưu?
Lo sợ mình sẽ trở thành người thừa, cảm thấy bất lực vì sự thay đổi thói quen ở nơi làm việc và sự bất an về vai trò của bạn đều có thể gây ảnh hưởng tới khả năng thể hiện của bạn ở nơi làm việc và tác động tới tinh thần bạn.
Nhưng cố ý tạo ra môi trường làm việc bất an là một chiêu thường được sử dụng trong một số ngành công nghiệp – bằng cách áp đặt thêm các yêu cầu và áp lực lên nhân viên – với niềm tin lệch lạc rằng điều này sẽ khiến nhân viên làm việc tốt hơn.
Có một vài phiên bản của kiểu quản lý này:
Một trong số đó là quy tắc 20 – 70 – 10, nổi tiếng bởi cựu chủ tịch của tập đoàn GE (General Electric) Jack Welch. Quy tắc này ủng hộ việc sa thải những nhân viên nằm trong số 10% làm việc kém hiệu quả nhất.
Một phiên bản khác, nổi tiếng với tên gọi “Tiến lên hoặc phải ra đi”, là một chiến thuật được một số công ty trong ngành luật và tư vấn áp dụng. Tại đây, những người đạt kết quả công việc kém, những người không tiến bộ hoặc leo lên các nấc thang thăng tiến sự nghiệp sẽ bị thay thế.
Nhưng khi buộc nhân viên phải tập trung bằng cách đưa cảm giác bất an vào nơi làm việc, các nhà tuyển dụng thường gây ra nhiều tác hại hơn điều tốt, William Schiemann, lãnh đạo của Metrus Group, một công ty nghiên cứu về các tổ chức ở Somerville, ở bang New Jersy tại Hoa Kỳ nhận định.
“Khi các công ty sử dụng đến sự an toàn trong công việc như cây gậy chống lại củ cà rốt, nó gây ra sự thụt lùi vì [nhân viên] mất cảm giác cam kết,” ông nói. Chiêu này có thể hủy hoại niềm tin ở chốn làm việc, ông cho biết thêm.
Nhưng trong khi nguy cơ mất việc làm chẳng bao giờ vui vẻ gì, thì liệu mức độ tối ưu nào của sự nhận thức về mức độ an toàn của công việc sẽ khiến bạn làm việc tốt nhất? Và liệu có thứ gì bạn có thể làm như một bánh răng trong bộ máy của công ty? Câu trả lời rất phức tạp.
Giải mã sự ổn định việc làm
Trong khi rất nhiều nhân viên lo lắng về sự bất ổn trong công việc, làm thế nào và tại sao nỗi sợ này xảy ra hiện vẫn còn là một vấn đề mang tính chủ quan. Sự lo lắng trong công việc phụ thuộc vào chuyên môn, vai trò của bạn, tình trạng tài chính và thậm chí cả vị trí của bạn.
Chẳng hạn, người lao động ở Châu Âu được bảo vệ rất nghiêm ngặt ở nơi làm việc khi công ty cắt giảm quy mô so với những đồng nghiệp ở Hoa Kỳ. Ở Bỉ, nhân viên đã làm việc ba năm ở vị trí nào đó nào đó cần phải được thông báo trước ba tháng nếu xảy ra việc hủy hợp đồng, trong khi con số này ở Hoa Kỳ có khi chỉ là hai tuần.
Với nhân viên, sự không ổn định việc làm không chỉ có nghĩa là nguy cơ bị sa thải, mà còn là những lo lắng về tương lai của vị trí trong công việc – hay còn gọi là sự bất ổn về chất lượng công việc, theo Tinne Vander Elst, một nhà tâm lý học về tổ chức tại Đại học KU Leuven ở Bỉ.
Tại Bỉ, trong khi chỉ có 6% nhân viên sợ mất việc làm, thì có đến 31% sợ những thay đổi tiêu cực trong công việc. Cả hai điều này đều tác động đến sự thể hiện, Vandder Elst nhận thấy.
Căng thẳng từng chút một
Không nghi ngờ gì, viễn cảnh có thể bị mất việc và sự bất ổn về sự nghiệp khiến ta căng thẳng. Nhưng với hàm lượng nhỏ, cảm giác bất ổn về công việc có thể khiến nhân viên có thêm động lực để làm việc trong thời gian ngắn, Schiemann cho biết.
Một điều bất an gì đó liên quan đến công việc như trong thời gian cắt giảm nhân viên hoặc thu hẹp quy mô – thời kỳ này có thể khiến mọi người làm việc chăm chỉ hơn để chứng tỏ khả năng với ban lãnh đạo, ông cho biết. “Nếu [người lao động] nghĩ việc đó còn trong tầm kiểm soát, họ vẫn sẽ thực sự nỗ lực.” Với các nhà tư vấn, cảm giác không chắc chắn có nắm được dự án kế tiếp hay không có thể khiến họ tăng cường khả năng làm việc, ông nhận định.
Trong khi không có nghiên cứu khoa học nào về hiện tượng đặc thù này, một số nghiên cứu chỉ ra điều này ở mức độ nào đó, như căng thẳng tại nơi làm việc có thể giúp bạn tập trung vào các nhiệm vụ và tăng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, các tình huống công việc quá căng thẳng không bao giờ tốt cho công việc về lâu dài, David Creelman, một nhân viên tư vấn nguồn nhân lực ở Toronto cho biết.
“Bạn không nên đặt ai đó vào kiểu tình huống này nếu bạn có thể tránh được,” ông nói. “Những người bị căng thẳng cao độ có xu hướng bị sa sút về tinh thần và đạo đức, và khó bắt kịp các thành viên khác trong nhóm, so với những người ít căng thẳng hơn.”
Vấn đề về mặt dài hạn
Sự bất ổn liên quan đến công việc không chỉ có tác động đến sức khỏe và thay đổi khả năng làm việc, mà nó còn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe có thể kéo dài nhiều năm sau khi bạn rời vị trí công việc, Vander Elst nói. Trong nghiên cứu gần đây của bà, các nhân viên bị tình trạng bất ổn trong công việc cao độ cảm thấy trầm cảm đến ba năm sau đó, bà cho biết. “Đối diện với sự bấn ổn cao độ trong công việc là điểm bùng phát gây trầm cảm,” bà nói.
Thậm chí nếu ai đó làm việc tốt hơn với một chút bất an, những người cảm thấy không an toàn với công việc thường bị mất ưu thế, Vander Elst cho biết. Ý tưởng cho rằng ở mức độ bất ổn nào đó có thể khiến nhân viên làm việc năng suất hơn là một quan niệm sai lầm, bà nói thêm.
“Sự bất ổn việc làm liên quan đến tình trạng thể hiện kém trong vị trí, mức độ thấp trong các hành vi sáng tạo công việc, mức độ cao của hành vi bắt nạt công sở và tỷ lệ nghỉ việc cao hơn,” bà cho biết. Với những nhân viên muốn cảm thấy thoải mái hơn trong công việc, Schiemann đề nghị tìm kiếm các lãnh đạo và công ty tập trung vào sự công bằng và minh bạch; điều này có thể giúp bạn làm việc tốt hơn trong thời gian bất ổn.
Dù làm trong ngành công nghiệp nào, bạn sẽ cảm thấy gắn bó hơn nếu bạn cảm thấy sếp đối xử với bạn và đồng nghiệp công bằng, Schiemann cho biết. Cuối cùng, không có cách nào đáng tin cậy để khiến bạn chắc chắn là thấy ổn định trong công việc. Và nếu điều này ảnh hưởng đến khả năng làm việc của bạn, vậy thì đã đến lúc phải chú ý.
Nguồn BBC tiếng Việt
Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU