Steve Ballmer: anh hùng hay tội đồ đốt tiền của Microsoft?
Trong hơn 30 năm gắn bó với Microsoft, Ballmer nổi tiếng là một “ông sếp” truyền rất nhiều năng lượng và tình yêu công ty đến các nhân viên của mình. Những cống hiến ông dành cho Microsoft là không có gì bàn cãi, tuy nhiên, trong cuộc đời làm lãnh đạo của mình Ballmer cũng đã phạm phải những sai lầm rất khó chấp nhận.
Steven Anthony Ballmer (sinh ngày 24 tháng 3 năm 1956 tại Detroit, Michigan) là một doanh nhân người Mỹ và là Giám đốc điều hành của Tập đoàn Microsoft từ tháng 1 năm 2000.
Từ bé, tư chất thông minh của Steve đã được bộc lộ với điểm số luôn đứng đầu lớp, vượt xa những đứa trẻ cùng lứa khác. Steve đặc biệt say mê môn toán học, từng đạt kỷ lục môn toán với 800 điểm và kết quả các môn học hầu như đạt điểm tuyệt đối.
Năm 1973, Steve tốt nghiệp trung học và nhận được học bổng vào trường ĐH Harvard. Tại đây, không chỉ nổi bật với các kết quả học tập vượt trội mà Steve còn nổi tiếng trong trường với nhiều bài báo viết về các lĩnh vực toán học, kỹ thuật và cả văn chương… cho tờ Harvard Crimson, tờ tạp chí của trường. Cũng chính tại đây, Steve gặp Bill Gates. Trong khi Bill là một thiên tài về công nghệ thông tin trong khi Steve lại nổi bật về khả năng kinh doanh, nhưng chính những khác biệt đó tạo nên sự kết hợp hoàn hảo giữa hai con người xuất sắc này. Năm 1980, ông quyết định kết thúc chương trình đào tạo thạc sĩ tại Đại học Stanford Graduate để đầu quân cho Microsoft.
Steve Ballmer là người đầu tiên trở thành tỷ phú (đô la) theo giá trị cổ phiếu thu được với vai trò là nhân viên của một tập đoàn mà ông ta không phải là người sáng lập hay là họ hàng của người sáng lập. Trong Bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới năm 2007 của Tạp chí Forbes, Ballmer được xếp là người giàu thứ 31 trên thế giới, với tài sản ước tính trị giá 15 tỷ Đô la Mỹ.
Con đường đi đến vị trí CEO Microsoft
Gia nhập Microsoft vào năm 1980 và trở thành nhà quản lý chuyên nghiệp đầu tiên của công ty, Steve Ballmer dốc sức mình trong hai thập kỷ trên cương vị giám đốc kinh doanh, đưa phần mềm Microsoft có mặt trên 97% máy tính cá nhân trên toàn thế giới. Mức lương ban đầu của Ballmer là 50.000 USD, kèm theo tỷ lệ phần trăm quyền sở hữu của công ty. Suốt gần ba thập niên làm việc tại đây, ông đã lãnh đạo một số bộ phận của Microsoft, bao gồm phòng kế hoạch, phát triển hệ điều hành, kinh doanh và hỗ trợ khách hàng.
Trong những năm đầu, Steve đã bỏ rất nhiều công sức vào việc tiến hành các chương trình nghiên cứu nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng và đưa ra các giải pháp, lên kế hoạch cho các loại sản phẩm công nghệ cao của Microsoft. Trải qua rất nhiều khó khăn, thành quả xứng đáng Steve nhận được chính là mô hình dịch vụ khách hàng rộng lớn và mối quan hệ bền vững, toàn diện của Microsoft với hơn 640.000 đối tác trên khắp thế giới.
Không chỉ thu hút khách hàng, Steve còn là người xuất sắc trong việc lập chiến lược thu hút nhân tài cho Microsoft. Với gần 60.000 nhân viên tại hơn 90 quốc gia, Microsoft đang nắm trong tay những thành phần tinh nhuệ nhất thế giới về lĩnh vực công nghệ thông tin để hằng năm thu về doanh số 40 tỉ USD.
Ngày 13/1/2000, dưới sự tín nhiệm của Bill Gates, Steve Ballmer chính thức trở thành CEO – “thuyền trưởng” chèo lái con thuyền Microsoft.
Thành tích sau khi kế nhiệm
Sau ngày nhậm chức, Ballmer bắt đầu triển khai kế hoạch để tung ra dòng sản phẩm chủ lực của Microsoft: máy chơi game console Xbox 360. Chiếc máy này đã mang lại doanh thu đáng kể cho Microsoft và thậm chí định nghĩa lại khái niệm chơi game trực tuyến, một điều không hề dễ dàng trong thời đại công nghệ.
Năm 2007, Steve Ballmer và Bill Gates cùng tung ra nền tảng Windows Vista thay thế Window XP. Song, không như mong đợi, Vista trở thành “thảm họa” dưới triều đại của Steve Ballmer. Sau thất bại thảm hại của Windows Vista, Ballmer tiếp tục cho ra mắt hệ điều hành Windows 7 và nhận được những phản ứng khá tích cực. Sản phẩm đã nhận được sự ủng hộ từ đông đảo người dùng muốn tìm kiếm sự đổi mới.
Một trong những quyết định mang tầm chiến lược của Ballmer thời còn tại chức là thâu tóm Skype với giá 8,5 tỷ USD. Đây là một trong những thương vụ thành công nhất của hãng. Sau đó, Ballmer đã chuyển gần 250 triệu đô la Mỹ vào Facebook và đóng một vài trò quan trọng trong việc hình thành công ty như ngày nay. Microsoft đã tung ra thị trường những dịch vụ hữu ích như: tìm kiếm Bing, bản đồ, công cụ dịch ngôn ngữ để tạo ra sức mạnh cho nhiều tính năng nổi bật của Facebook.
Năm 2012, hãng liên tiếp tung ra sản phẩm mới như Windows Phone 8 và dòng tablet Surface (bao gồm Surface Pro và Surface RT). Vì ra đời cùng các thiết bị mới, trong đó có Nokia Lumia, Windows Phone 8 được đánh giá là “đòn tấn công” khá mạnh vào các đối thủ.
Tháng 5/2013 đánh dấu sự ra đời của Xbox One – hệ thống chơi game giải trí được cải tiến và hỗ trợ tất cả tính năng trong một – vào ba tháng trước khi Steve Ballmer tuyên bố nghỉ hưu để rộng đường cho công cuộc cải tổ mà hãng đang tiến hành.
Những sai lầm không thể cứu vãn
Ballmer còn được biết đến như một người luôn chỉ trích những công ty và sản phẩm cạnh tranh của họ. Vào năm 2004, ông đã có phát biểu được đưa lên những hàng tít đầu khi cho rằng định dạng âm nhạc phổ biến nhất trên iPod là “đồ ăn cắp”. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Fortune, khi được hỏi có sử dụng iPod không, ông đã trả lời “Không, tôi không xài. Và những đứa con tôi cũng vậy. Các con tôi cũng có nhiều lúc cư xử không đúng mực như bao đứa trẻ khác. Nhưng ít nhất có một nguyên tắc chúng cần tuân theo: Không sử dụng Google, không dùng iPod.”
Trong thời gian làm CEO, Ballmer mắc phải những sai lầm gây thiệt hại tới cả tỷ USD cho Microsoft, đánh mất vị trí thống trị thị trường. Cổ phiếu của hãng trong hơn một thập kỷ qua không vượt được mốc 50 USD, thời điểm đánh dấu cuộc chuyển ngôi quyền lực trong tập đoàn của hai người bạn học: từ Bill Gates sang Steve Ballmer.
Đầu tiên là thương vụ mua lại hãng marketing số aQuantive, mọi chuyện bắt đầu từ năm 2007, Microsoft chi 6,3 tỷ USD để mua lại công ty này nhưng chỉ 5 năm sau đó, hãng phần mềm thừa nhận mất trắng 6,2 tỷ USD vì aQuantive mất giá. Theo GeekWire, Microsoft đã không tập trung phát triển thế mạnh về quảng cáo hiển thị của công ty mình vừa mua về mà chỉ chăm chút cho quảng cáo tìm kiếm (được xem là động thái nhằm cạnh tranh với Google). Những vấn đề nội bộ sau khi sáp nhập cũng khiến nhân tài của aQuantive bỏ việc, nhanh chóng biến doanh nghiệp này thành “cái xác” có giá 100 triệu USD.
Một vụ mua lại khác (lần này bất thành) cũng khiến Ballmer nuối tiếc vì quyết định của mình. Năm 2008, Microsoft sẵn sàng chi 45 tỷ USD để thâu tóm Yahoo. CEO hãng lúc này là Jerry Yang và một số thành viên ban lãnh đạo Yahoo đã không thống nhất khiến Microsoft bỏ cuộc. Lúc đó, Ballmer cho rằng mình may mắn vì Yahoo đang trong cảnh thê thảm khi các mảng kinh doanh lần lượt bị lấn át bởi Google. Nhưng từ khi Marissa Mayer lên nắm quyền điều hành Yahoo, hãng như trải qua một cuộc “lột xác” khiến Steve phải thừa nhận mình sai khi quay lưng bỏ thương vụ này.
Năm 2012, Microsoft cho ra mắt máy tính bảng Surface. Đây được xem là một quyết định đúng của Microsoft trên con đường cạnh tranh và giảm ảnh hưởng của iPad (Apple) lên thị trường. Nhưng câu chuyện đầu tư và điều hành dự án này lại là một sai lầm của Steve. Báo cáo quý II/2013 cho thấy, Microsoft lãi tổng 4,97 tỷ USD nhưng riêng Surface lỗ 900 triệu USD. Đại diện hãng cho biết số tiền “khủng” chi cho Surface (gồm máy và phụ kiện) là phí lưu kho do hàng ế.
Microsoft cũng từng bước chân vào thị trường điện thoại với vai trò là một nhà sản xuất thiết bị đầu cuối. Năm 2008, hãng đã chi 500 triệu USD để mua lại công ty Danger, đơn vị sản xuất nền tảng Sidekick đang thịnh hành cho smartphone thời đó. Hai năm sau, Microsoft tung ra mẫu smartphone của riêng mình với tên Kin. Nhưng chỉ xuất hiện trên thị trường vài tháng, Kin đã bị chính Microsoft “khai tử” vì thất bại nặng nề về doanh thu, không theo kịp được xu hướng điện thoại lúc này.
Vài năm trước đó, khi iPhone ra đời (2007), trong một cuộc phỏng vấn Steve Ballmer đã phá lên cười khi được hỏi đánh giá thế nào về thiết bị này. Ông không tin mẫu điện thoại màn hình cảm ứng không bàn phím, có giá hàng trăm USD sẽ thành công bởi cho rằng điều đó đi ngược với thị hiếu khách hàng.
Không chỉ cạnh tranh về phần cứng, cả thị trường quảng cáo lẫn phần mềm Microsoft đều có một đối thủ “khó chơi” là Google. Theo BI, Ballmer đã chi hàng tỷ USD với một mục đích duy nhất là triệt hạ được Google bằng các dịch vụ trực tuyến (quảng cáo, tìm kiếm…). Bing là công cụ tìm kiếm sinh ra để đối đầu với Google nhưng chưa hoàn thành được sứ mệnh.
Việc cố công vượt qua Google ở mảng kinh doanh trực tuyến tiếp tục là một sai lầm “đốt tiền” của Ballmer. Ông bị ám ảnh bởi công cụ tìm kiếm từ đối thủ quá nhiều mà quên đi hệ điều hành di động Android, sản phẩm dù miễn phí nhưng vẫn mang về tiền tỷ mỗi năm cho “gã khổng lồ tìm kiếm” thông qua quảng cáo và phát triển ứng dụng. Nếu Steve tập trung cho Windows Phone ngay từ đầu thì không trừ khả năng hệ điều hành di động nắm 80% thị phần thế giới chính là của Microsoft (với thế mạnh phần mềm), thay vì chỉ có trong tay vài phần trăm như hiện thời.
Những tính toán sai lầm kể trên khiến Ballmer phải mang tiếng “nhà lãnh đạo thiếu tầm nhìn công nghệ tại Thung lũng Silicon”. Ông bị xem là một người không có khả năng nhìn ra trước những bước ngoặt thay đổi thời thế trong ngành công nghệ. Hệ quả tất yếu là một cuộc thoái vị khiến các nhà đầu tư đồng loạt vỗ tay hưởng ứng và đẩy giá cổ phiếu của Microsoft lên cao.
Hiện bắt đầu xuất hiện một số thông tin về nguyên nhân phía sau tuyên bố rời ghế CEO bất ngờ của Steve Ballmer. Theo AllThingsD, Ballmer bị buộc thôi việc trong vỏ bọc nghỉ hưu. “Có thể ý định ban đầu là của chính Steve nhưng ông lại được cả 9 thành viên ban lãnh đạo công ty đồng ý rằng sẽ tốt hơn nếu ông nghỉ sớm, trong đó có Bill Gates”, một nguồn tin cho hay. Và người duy nhất có thể bãi nhiệm Steve Ballmer trên chiếc ghế số một tại Microsoft không ai khác chính là Gates.
“Chia tay trong nước mắt”
Ngày 01/10/2013, Steve Ballmer đã chính thức gửi lời từ biệt đến nhân viên khi ông tổ chức cuộc họp cuối cùng trong tư cách CEO của Microsoft. Steve Ballmer đã rời Microsoft, nhưng mãi lưu dấu vinh quang trong lịch sử “gã khổng lồ” phần mềm này. Vị CEO của Microsoft cũng nói với các nhân viên của hãng rằng: “Chúng ta sẽ cho ra mắt những thứ lớn lao sắp tới… Và chúng ta sẽ lại thay đổi thế giới”.
Trong buổi chia tay, Ballmer đã bật bài hát “Wanna Be Starting Something” của Michael Jackson, bài hát mà Ballmer đã mở trong cuộc họp đầu tiên của ông tại Microsoft vào năm 1983. Sau đó, Ballmer đã nhảy vòng quanh sân khấu và hét lớn: “Đây là âm thanh của Microsoft!”. Khi bài hát kết thúc, Ballmer đã trầm ngâm “để thưởng thức nó”, và những giọt nước mắt bắt đầu chảy trên khuôn mặt vị CEO của hãng phần mềm lớn nhất thế giới. “Bạn làm việc cho công ty lớn nhất thế giới, hãy hưởng thụ điều đó”.
Trong cuối bài phát biểu, Ballmer cũng cảm hơn hàng ngàn công nhân đang đứng xếp hàng nghe ông nói. “Tôi muốn cảm ơn các bạn… Nó không phải là về một cá nhân cụ thể nào mà là sự quan trọng, sáng tạo và lạc quan của công ty”. Bài phát biểu của Ballmer kết thúc trong bài hát “I’ve had The Time of My Life” của Bill Medley và Jennifer Warnes và ông tiếp tục nhảy và chạy quanh sân khấu. Các nhân viên của Microsoft đã vẫy tay và hét lớn: “Chúng tôi yêu bạn!” khi bài phát biểu của Ballmer kết thúc.
Trong cuốn hồi ký Thế giới khác đi nhờ có bạn, nguyên phó Giám đốc toàn cầu Microsoft, Lý Khai Phục đã viết về Ballmer rằng: “Steve Ballmer không chuyên chú vào công nghệ như Bill Gates. Ông đích thực là một người “cuồng quản lý”. Có thể nói, ông là đội trưởng đội cổ vũ cho Microsoft, vô cùng hăng hái nhiệt tình. Giọng của ông sang sảng đầy sức mạnh, nồng nhiệt và cảm tính, dễ đi vào lòng người.”, “Nhiệt huyết của Ballmer luôn ảnh hưởng tích cực đến nhân viên Microsoft. Giọng nói sang sảng của ông rất nổi tiếng trong giới công nghệ. Ngày 27 tháng 7 năm 1998, trong hội nghị bán hàng được tổ hức mỗi năm một lần của Microsoft tại New Orleand, Ballmer được dịp gào rách giọng: “Tôi yêu Microsoft! Tôi yêu Microsoft!”, khiến hơn 50 nghìn nhân viên bán hàng bên dưới bị kích động, tiếng reo hò vỗ tay dài đến 5 phút. Năng lực lãnh đạo, sự gần gũi và nhiệt tình của Ballmer dành cho Microsoft quả thực vô địch!”
Nguồn: Happy Live tổng hợp từ: Vn Express, Người lao động và worklink.vn