Sự ra đời của FED và sức mạnh “hô mưa gọi gió” khủng khiếp của mình?
Hãy lần theo lịch sử hình thành cơ chế ngân hàng dữ trữ một phần cho đến khi có sự can thiệp của FED (Cục Dự trữ Liên bang) để biết sức ảnh hưởng của nó to lớn đến mức nào.
Sự ra đời của FED và sức mạnh “hô mưa gọi gió”
Từ phương thức làm tăng tổng cung tiền của những người thợ kim hoàn
Trong suốt nhiều thế kỷ, những người thợ kim hoàn đã phải cất giữ kim loại quý mà họ sử dụng để làm đồ trang sức và các vật dụng khác ở một số nơi an toàn. Một khi họ đã thiết lập được một kho cất giữ an toàn, những người khác thường cất giữ số vàng riêng của họ chung với các thợ kim hoàn, thay vì tự chịu chi phí tạo ra một nơi lưu trữ an toàn của riêng họ.
Đương nhiên, các thợ kim hoàn có đưa ra biên lai cho phép chủ sở hữu nhận lại vàng của họ bất cứ khi nào họ muốn. Vì những biên lai này có thể đổi được bằng vàng nên chúng có hiệu lực “tương đương với vàng” và được lưu thông như tiền, được dùng để mua hàng hóa và dịch vụ khi chúng được truyền từ người này sang người khác.
Từ kinh nghiệm của mình, những người thợ kim hoàn đã học được rằng: Họ hiếm khi phải đổi hết tất cả số vàng mà họ cất giữ vào bất kỳ thời điểm nào. Nếu một thợ kim hoàn cảm thấy tự tin rằng anh ta sẽ không bao giờ phải trả lại hơn 1/3 số vàng mà anh ta cất giữ cho người khác vào bất kỳ thời điểm nào, thì anh ta có thể cho người khác vay 2/3 số vàng kia và thu lãi từ việc đó. Lúc này, cả biên lai vàng và 2/3 số vàng được lưu hành cùng một lúc trên thị trường, nên trên thực tế, người thợ kim hoàn này đã làm tăng tổng cung tiền lên.
Các khoản tín dụng giãn nở vượt quá giá trị thực sẽ chịu tổn thương trong trường hợp bất ổn
Bằng cách trên, trong số những đặc điểm chính của ngân hàng hiện đại đã nảy sinh hai điều:
(1) Chỉ nắm giữ một phần nhỏ trong lượng dự trữ cần thiết để chi trả cho các khoản tiền gửi và (2) làm tăng tổng cung tiền lên.
Bởi vì tất cả những người gửi tiền sẽ không cùng lúc muốn rút hết tiền ra, nên ngân hàng cho người khác vay phần lớn số tiền dự trữ để kiếm lãi từ những khoản vay đó. Họ chia một phần lãi này cho người gửi tiền bằng cách trả lãi vào tài khoản ngân hàng của họ. Một lần nữa, khi người gửi tiền viết séc trên tài khoản của họ, trong khi một phần tiền trong các tài khoản đó cũng được luân chuyển dưới dạng cho người khác vay, trên thực tế hệ thống ngân hàng đang bổ sung vào nguồn cung tiền quốc gia, vượt quá và cao hơn lượng tiền do chính phủ in ra.
Một số khoản tín dụng ngân hàng (các khoản cho vay của hệ thống ngân hàng) này đã được gửi lại vào các ngân hàng khác, nên sau đó các đợt mở rộng lượng cung tiền sẽ diễn ra, nhờ vậy tổng lượng tín dụng ngân hàng trong nền kinh tế thường vượt quá lượng tiền mặt do chính phủ phát hành.
Như vậy, một lượng tiền mặt tương đối nhỏ sẽ chấp thuận cho một lượng tín dụng lớn hơn nhiều – thứ được hệ thống ngân hàng tạo ra để hoạt động như tiền trong nền kinh tế. Hệ thống được gọi là “ngân hàng dự trữ một phần” này hoạt động tốt trong những thời điểm bình thường. Nhưng nó rất dễ bị tổn thương khi có nhiều người gửi tiền cùng lúc muốn đổi số tiền của họ thành tiền mặt. Thông thường, đó là những khi người gửi tiền sợ rằng họ sẽ không thể lấy lại được tiền của mình.
Chẳng hạn, một vụ cướp ngân hàng có thể khiến người gửi tiền lo sợ rằng ngân hàng sẽ phải đóng cửa, và do đó tất cả sẽ chạy đến ngân hàng cùng một lúc để cố gắng rút tiền của họ trước khi ngân hàng sụp đổ. Nếu ngân hàng chỉ có sẵn 1/3 trong tổng số tiền mà người gửi tiền được quyền rút, và một nửa số người gửi tiền đang yêu cầu rút tiền, thì ngân hàng này sẽ hết tiền và sụp đổ, những người gửi tiền còn lại sẽ mất tất cả. Số tiền mà bọn cướp ngân hàng lấy đi thường gây thiệt hại ít hơn nhiều so với việc người gửi tiền rút tiền ồ ạt sau đó.
Một ngân hàng có thể hoàn toàn có đủ tài sản để trang trải các khoản nợ của mình, nhưng những tài sản này không thể được bán ngay lập tức để lấy tiền mặt trả lại cho người gửi tiền. Ngân hàng cũng không thể ngay lập tức thu lại tất cả số tiền mà họ đã cho vay thế chấp với thời hạn 30 năm được.
Vì tất cả các tài sản của ngân hàng đều không thể được thanh lý ngay trong một thời điểm bất kỳ, một sự kiện có thể gây ra hoạt động rút tiền từ ngân hàng đều có thể khiến ngân hàng đó sụp đổ. Không chỉ nhiều người gửi tiền sẽ mất tiền tiết kiệm, mà tổng cầu về hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia cũng có thể đột ngột giảm nếu điều này xảy ra với nhiều ngân hàng cùng một lúc.
Sự ra đời của các tổ chức ngăn ngừa thảm họa, trong đó có FED
Xét cho cùng, một phần của cầu tiền tệ bao gồm các khoản tín dụng do hệ thống ngân hàng tạo ra trong quá trình cho vay tiền. Khi khoản tín dụng đó biến mất, sẽ không còn đủ cầu để mua mọi thứ đang được sản xuất – ít nhất là không thể mua ở mức giá đã được ấn định trước đây, khi lượng cung tiền và tín dụng lớn hơn.
Đây chính là điều đã xảy ra trong cuộc Đại suy thoái những năm 1930, khi hàng nghìn ngân hàng ở Mỹ sụp đổ và tổng cầu tiền tệ của đất nước này (bao gồm cả các khoản tín dụng) bị giảm đi 1/3.
Để ngăn chặn thảm họa này lặp lại, Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang đã được thành lập, với mục đích đảm bảo rằng chính phủ sẽ hoàn lại tiền cho những người gửi tiền có tiền trong một ngân hàng được bảo hiểm khi nó sụp đổ.
Trong khi Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang là một loại tường lửa để ngăn chặn sự cố ngân hàng lây lan trong toàn hệ thống, thì một cách kiểm soát nguồn cung tiền và tín dụng quốc gia chỉn chu hơn chính là thông qua Cục Dự trữ Liên bang (FED).
FED là ngân hàng trung ương do chính phủ điều hành để kiểm soát tất cả các ngân hàng tư nhân. Nó có quyền thông báo cho các ngân hàng biết phần tiền gửi nào của họ phải được dự trữ và chỉ có thể cho vay phần còn lại. Nó cũng cho các ngân hàng vay tiền, sau đó các ngân hàng có thể cho công chúng vay lại. Bằng cách ấn định lãi suất đối với khoản tiền mà nó cho các ngân hàng vay, FED đang kiểm soát lãi suất mà các ngân hàng sẽ tính cho công chúng một cách gián tiếp.
Tất cả những điều này cho phép FED kiểm soát tổng lượng tiền và tín dụng trong toàn bộ nền kinh tế, ở mức độ này hay mức độ khác, nhờ đó gián tiếp kiểm soát tổng cầu về hàng hóa và dịch vụ của quốc gia.
Do đòn bẩy mạnh mẽ của FED, nên các tuyên bố công khai của chủ tịch FED thường được các chủ ngân hàng và nhà đầu tư xem xét kỹ lưỡng để tìm hiểu xem việc “Hội” này sắp tăng thêm hay giảm bớt nguồn cung tiền.
Điều mà tạp chí BusinessWeek nói về cựu Chủ tịch FED Alan Greenspan cũng có thể dùng để nói về nhiều người tiền nhiệm của ông đó là: “Phố Wall và Washington đã tiêu tốn hàng triệu tấn năng lượng để cố gắng giải mã những tuyên bố khó hiểu của Alan Greenspan”.
Một tuyên bố không được bảo đảm của chủ tịch FED, hoặc một tuyên bố bị các nhà tài chính hiểu sai, đều có thể gây ra một cơn hoảng loạn ở Phố Wall khiến giá cổ phiếu giảm mạnh. Hoặc, nếu chủ tịch FED có vẻ lạc quan, giá cổ phiếu có thể tăng lên – đến mức không bền vững, và điều này sẽ hủy hoại nhiều nhà đầu tư khi giá giảm trở lại.
Trước những tác động mạnh mẽ có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính trên khắp thế giới như vậy, theo thời gian, các chủ tịch FED đã học cách nói bằng những thuật ngữ có tính bảo đảm cao và thường khiến người nghe bối rối không biết ý họ thực sự là gì.
Nguồn: Happy Live Team, tổng hợp từ “Basic Economics: Kinh tế học cơ bản, a bờ cờ, kinh tế học nhập môn cho nhà đầu tư”
Có thể bạn quan tâm: Basic Economics Kinh tế học cơ bản, a bờ cờ, kinh tế học nhập môn cho nhà đầu tư
“Cuốn sách giúp thay đổi rất nhiều luận điểm còn đang mơ hồ và những lầm tưởng khi nghĩ về kinh tế học”
ĐẶT SÁCH