Sức mê hoặc của việc sử dụng margin cho đến cuộc khủng hoảng tài chính 1929 – NĐT cần lưu ý gì?
Sử dụng margin trong đầu tư là con dao hai lưỡi vì nó có thể mang lại cơ hội lợi nhuận cao, nhưng đồng thời cũng mang theo rủi ro lớn. Không có gì sai khi dùng margin, nhưng nhà đầu tư cần hành động có trách nhiệm.
Sau nhịp điều chỉnh trong tháng 4, thị trường chứng khoán đã hồi phục mạnh mẽ trong phần còn lại của quý 2 cùng với làn sóng nhà đầu tư mới tham gia đông đảo. Tâm lý nhà đầu tư được cải thiện rõ rệt, nhu cầu sử dụng đòn bẩy (margin) cũng theo đó tăng mạnh. Nhà đầu tư cần lưu ý điều gì trong quá trình sử dụng margin?
Vay margin giống như thế chấp cho ngôi nhà của bạn
Hãy hình dung việc vay margin giống như thế chấp cho ngôi nhà của bạn, bạn mượn một số tiền lớn để mua nhà. Ngân hàng sẽ cho bạn một khoản thế chấp, và họ sẽ nhận lấy trách nhiệm hoặc rủi ro xảy ra đối với khoản thế chấp.
Ví dụ, hãy tưởng tượng rằng bạn có 100.000 đô la và vay 900.000 đô la (đòn bẩy 10:1) từ ngân hàng để mua một ngôi nhà trị giá 1.000.000 đô la. Nếu giá căn nhà của bạn lên tới 1.200.000 đô la, bạn vẫn còn nợ ngân hàng 900.000 đô la ban đầu cộng thêm tiền lãi. Như vậy, 200.000 đô la lợi nhuận của bạn thực sự đến từ đòn bẩy. Bạn không thể mua nổi căn nhà mà không cần vay.
Bây giờ hãy tưởng tượng rằng giá của ngôi nhà giảm xuống còn 900.000 đô la. Bạn vẫn còn nợ ngân hàng 900.000 đô la cộng thêm tiền lãi, còn khoản giảm giá kia đã bằng 100.000 đô la, thế là bạn mất đi tất cả số tiền gốc ban đầu.
Đó là mặt trái của đòn bẩy. Do đó, bạn cần chú ý thời điểm và số tiền tận dụng vay ký quỹ.
Sức mê hoặc của margin cho đến cuộc khủng hoảng tài chính 1929
Khi giá cổ phiếu tăng vào thập niên 1920, “các nhà đầu tư” (chủ yếu là tay cờ bạc) bắt đầu tin rằng chúng sẽ tiếp tục tăng lên. Một nhà kinh tế học hàng đầu bấy giờ còn khích động trước tuyên bố các cổ phiếu luôn bồi đắp nên nền giá cao mới. Nhưng chìa khóa của thảm họa sau đó là đồng tiền dễ vay và đòn bẩy.
Các nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu chỉ bằng 10% ký quỹ hay vay margin (chỉ cần bỏ ra 10% giá mua và mượn 90% còn lại). Nghe quen đến lạ lùng vì nó cùng một mối liên quan. Sự sụp đổ giá nhà năm 2008 cũng có nguyên nhân tương tự: nợ xấu không giới hạn tạo ra những người vay nợ sử dụng đòn bẩy cao.
Đây là cách thị trường chứng khoán hoạt động vào năm 1929. Khi cổ phiếu giao dịch giá 100 đô la mỗi cổ phiếu thì người mua bỏ ra 10 đô la và vay mượn 90 đô la mỗi cổ phiếu. Rồi sau đó giá cổ phiếu tăng lên 110 đô la chẳng hạn, nhà đầu tư hạnh phúc sở hữu 20 đô la trên mỗi cổ phiếu (110 đô la trừ đi số tiền 90 đô la ban đầu vay từ người môi giới của mình). Anh ta nâng số tiền lên gấp đôi chỉ trên 10% tăng giá cổ phiếu. Bây giờ, anh này có thể vay mượn 90% đối với cổ phiếu sinh lợi 10 đô la mỗi đơn vị kia để mua thêm 90 đô la giá trị cổ phiếu, nâng tổng giá trị cổ phiếu lên gấp đôi so với khối lượng mua ban đầu.
Nếu nhà đầu tư lặp lại điều này mỗi lần cổ phiếu của mình tăng thêm 10% nữa thì cả vốn sở hữu và khoản vay của anh ta sẽ tăng gấp đôi ở mỗi bước. Sau năm lần tăng 10% so với giá kế trước, cổ phiếu sẽ giao dịch ở 161 đô la mỗi cổ phiếu, tăng 61% lợi nhuận. Đồng thời nhà đầu tư này sẽ tăng gấp đôi vốn sở hữu của mình trong năm lần, tức gấp 32 lần số tiền khởi đầu. Mười nghìn đô la trở thành 320.000 đô la. Sau 10 lần tăng 10%, theo đó vốn của nhà đầu tư trải qua 10 lần nhân đôi, cổ phiếu sẽ có giá 259 đô la và từ việc mua 10.000 đô la giá trị cổ phiếu ban đầu và chỉ sử dụng 1.000 đô la, nhà đầu tư bấy giờ có 10.240.000 đô la trị giá cổ phiếu.
Vốn sở hữu của anh ta là 10% trong số trên. Anh ta thành triệu phú. Đó là tính hấp dẫn mê hoặc của sức mạnh đòn bẩy.
Nhưng điều gì xảy ra nếu sau đấy giá cổ phiếu giảm xuống 10%? Nhà đầu tư lảo đảo mất toàn bộ vốn chủ sở hữu của mình và người môi giới của anh ta phát hành yêu cầu thanh toán call margin. Thanh toán khoản nợ – hiện giờ hơn 9 triệu đô la – hoặc bị bán hết.
Khi giá cổ phiếu tăng vào năm 1929, các nhà đầu tư dùng đòn bẩy theo cách này để mua nhiều hơn, khiến giá tăng cao hơn. Vòng phản hồi tích cực dẫn đến tổng lợi nhuận trung bình trên mỗi cổ phiếu của công ty lớn tăng 193% từ cuối năm 1925 đến cuối tháng 8 năm 1929. Một người mua cổ phiếu trị giá 100 đô la không vay nợ tăng con số sở hữu lên 293 đô la, trong khi nhà đầu tư hình tháp sử dụng tỷ lệ đòn bẩy 10% tăng gấp đôi số tiền của mình trên 10 lần, thu được hơn 1.000 lần vốn đầu tư ban đầu của mình.
Tuy nhiên, đợt giảm giá nhẹ vào tháng 9 và tháng 10 năm 1929 đã xóa sạch vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư lạm dụng đòn bẩy hăng hái nhất. Khi họ không thể đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn cho khoản vay margin, bên môi giới bán đi số cổ phiếu của họ. Việc bán hạ giá này đẩy giá đi xuống, quét sạch các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy cao, dọn đường cho một đợt bán tháo margin (call margin hay là forcesell) và bán ra mới, tiếp tục đẩy giá lún sâu. Khi bong bóng vốn chủ sở hữu nổ, sự suy giảm nặng nề nhất trong lịch sử của thị trường chứng khoán bắt đầu. Cổ phiếu các công ty lớn cuối cùng giảm đi 89% bằng 1/9 của giá đỉnh điểm trước kia của chúng.
Nhằm ngăn tái diễn như năm 1929, Đạo luật Giao dịch Chứng khoán năm 1934 cho phép ban thống đốc Hệ thống Dự trữ Liên bang ấn định lượng tiền ban đầu để một nhà đầu tư phải bỏ vào để mua chứng khoán niêm yết. Anh ta có thể vay mượn một phần hoặc toàn bộ số tiền còn lại. Từ năm 1934, tỷ lệ này dao động từ 40% đến 100%. Từ năm 2009, ký quỹ ban đầu là 50%.
Tóm lại, sử dụng margin trong đầu tư có thể là một cơ hội để tăng cơ hội lợi nhuận, nhưng nó cũng đi kèm với mức độ rủi ro cao. Để sử dụng margin một cách an toàn và hiệu quả, nhà đầu tư cần có kiến thức và kỹ năng giao dịch, đồng thời tạo ra một kế hoạch giao dịch rõ ràng và xác định rõ ngưỡng rủi ro hợp lý.
Nguồn: Happy Live team biên tập và tổng hợp từ Người đàn ông đánh bại mọi thị trường
Có thể bạn quan tâm
Người Đàn Ông Đánh Bại Mọi Thị Trường – Edward Thorp
Từ sòng bạc Las Vegas tới phố Wall