Tại sao lại là 66 ngày để hình thành nên thói quen?
Không thể phủ nhận một sự thật rằng chúng ta là những sinh vật của thói quen. Điều đáng mừng là các nhà khoa học chứng minh được chỉ mất trung bình 66 ngày để thay đổi thói quen và theo đó là thay đổi cuộc sống của bạn, nếu bạn đủ mạnh mẽ.
Tâm trí và cơ thể của chúng ta phụ thuộc vào các tác nhân kích thích, hành động và khuôn mẫu từ đó xác định chúng ta là ai. Mỗi một thói quen được hình thành nó cũng giống như tấm chăn che chở, bảo bọc chúng ta trong sự quen thuộc nhất quán và thoải mái của bản thân.
Chúng ta thực hiện chúng một cách vô thức, như là mút tay, đưa điếu thuốc vào miệng hay bẻ khớp tay nhưng không hề nhớ bắt đầu thói quen này từ khi nào.
Theo Charles Duhigg, tác giả của “Sức mạnh của thói quen”, thói quen không phải sinh ra đã có mà là được tạo thành theo thời gian. Mọi thói quen dù xấu hay tốt đều bắt đầu từ một mô hình tâm lý gọi là “vòng lặp thói quen”.
Duhigg nghiên cứu thấy “vòng lặp thói quen” là quá trình gồm ba phần. Bước đầu tiên là kích hoạt bộ não tiếp nhận một hành vi mới. Bước thứ hai là thiết lập hành vi, hình thành thói quen. Bước thứ ba là phần thưởng, hoặc một thứ gì đó dẫn dụ bộ não của bạn ghi nhớ “vòng lặp thói quen” trong tương lai.
Một khi đã hình thành thói quen, chúng ta khó mà phá vỡ đi bởi vì một cách vô thức chúng ta liên tục thực hiện thói quen mà không hề nhận ra. Nhờ vòng lặp thói quen, chúng ta có thể làm những việc khác mà không cần suy nghĩ về thói quen của mình. Tương tự như việc chúng ta vừa làm một việc gì đó nhưng đồng thời cũng đưa tay lên miệng cắn trong vô thức.
Chúng ta trở thành nô lệ cho thói quen của mình. Những thói quen mà chúng ta không kiểm soát trở thành chất ức chế và một số có thể có khả năng kiểm soát cuộc sống của chúng ta.
Dù một số đồ ăn thức uống mà chúng ta dùng có chất kích thích, gây nghiện khiến chúng ta không thể từ bỏ, nhưng có nhiều cách để thay thế những thói quen xấu đó bằng cách đổi sang chế độ ăn uống hợp lý hơn và… tất cả chỉ mất 66 ngày.
Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý Xã hội Châu Âu, Phillippa Lally và nhóm các nhà nghiên cứu của cô đã khảo sát 96 người trong khoảng thời gian 12 tuần để tìm ra chính xác thời gian cần thiết để bắt đầu một thói quen mới.
Trong 12 tuần, những người tham gia sẽ chọn một thói quen mới và báo cáo vào cuối ngày mỗi ngày để thấy sự thay đổi của bản thân. Vào cuối giai đoạn, Lally đã phân tích kết quả và tìm thấy thời gian trung bình để những người tham gia bắt đầu một thói quen mới là 66 ngày.
Mặc dù kết quả của cô ấy tập trung vào khoảng thời gian cần thiết để thiết lập một thói quen mới, nhưng chúng ta có thể nhìn theo một chiều hướng khác, và đó có thể là khoảng thời gian cần thiết để xóa bỏ thói quen cũ và chọn một thói quen tốt hơn.
Nếu bạn loại bỏ được thói quen cũ đi, nó cũng như cách bạn tạo ra một thói quen mới, khi hành vi được lặp đi lặp lại nhiều lần, một cách vô thức hành vi đó sẽ được thiết lập và trở thành thói quen. Bạn có thể thay thế những thói quen cũ không tốt với những thói quen mới có ích hơn.
Thay vì xem Netflix trước khi đi ngủ, bạn hãy đọc một cuốn sách. Có thể thay vì soda với bữa tối, bạn hãy uống nước trong 66 ngày.
Cảm thấy khó chịu (NGÀY 1-22)
Hô to lên. Nói với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp của bạn rằng bạn đang thực hiện nhiệm vụ. Hãy để họ gia nhập vào nhóm cảnh sát tuần tra khi bạn “ngựa quen đường cũ” hoặc không theo kịp thử thách mới. Nói với họ bạn muốn họ hét vào bạn, để ý đến bạn và liên tục nhắc nhở bạn.
Tạo thêm áp lực cho bản thân. Áp lực làm người khác thất vọng sẽ khiến việc giữ lời hứa còn đỡ khó khăn hơn quay trở lại thói quen cũ.
Bởi vì đôi khi cảm giác chịu đựng còn sướng hơn làm người khác thất vọng.
Tự nhìn nhận (NGÀY 22-44)
Hãy tự nhìn nhận lại bản thân. Đây là thời gian để bạn thực sự đào sâu vào tâm trí của mình để hiểu mình hơn. Bạn muốn điều gì trong cuộc sống? Tại sao bạn làm việc này? Bạn muốn thay đổi để trở thành con người như thế nào?
Cho dù bạn từ bỏ thói quen xấu hay chọn một thói quen lành mạnh hơn, hãy tìm hiểu lý do cốt lõi tại sao bạn làm điều này và nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào.
Nếu bạn tìm thấy lý do từ sâu trong tiềm thức của mình, bạn sẽ có thể thực hiện 66 ngày này dễ dàng hơn nhiều. Bạn sẽ có thêm động lực bên trong thôi thúc và đẩy bạn về phía trước.
Đi tìm ánh sáng (NGÀY 44-66)
Giai đoạn thứ ba là cú hích cuối cùng. Cho đến thời điểm này, bạn vẫn phải duy trì thực hiện những gì bạn làm trong suốt 22 ngày qua. Giai đoạn này rất dễ khiến bạn bùng nổ, mệt mỏi và quên đi lý do tại sao bạn phải thực hiện nó. Thật dễ dàng để trở lại con người cũ của bạn bởi vì, cho đến thời điểm này, bạn vẫn chưa bỏ được thói quen xưa.
Ở giai đoạn này, bạn phải tìm một cái gì đó để làm điểm tựa. Một cái gì đó sẽ đẩy bạn đến mục tiêu cuối cùng. 22 ngày cuối cùng này sẽ chứng tỏ sức mạnh và nỗ lực của bạn như thế nào.
Ngay tại thời điểm này, chúng ta mong chờ nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Và chúng sẽ nhận ra được rằng mặc dù khi bắt đầu chúng ta không thể nhìn thấy điểm đích, nhưng bạn vẫn có thể thấy con đường trước mắt.
Ăn mừng với chính mình (66+)
Cách duy nhất để củng cố sự kết thúc của một thói quen cũ hoặc sự ra đời của một thói quen mới là ăn mừng. Tổ chức một bữa tiệc, có một ít rượu sâm banh, hét to lên từ sân thượng. Hãy tưởng thưởng cho ngày đặc biệt này, hoặc gọi bạn bè của bạn và tổ chức một bữa tối hoành tráng.
Nếu đó là thói quen mọi người hy vọng bạn phá vỡ thì họ sẽ sẵn sàng ăn mừng cùng bạn. Biết đâu được, bạn lại có thể tổ chức tiệc mừng truyền thống hàng năm!
Nguồn: Elitedaily/ Dịch bởi Lê Xuân Đợi – HappyLive team
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Thay thói quen – Đổi vận mệnh