Tầm nhìn dài hạn – Bí quyết đầu tư thành công của Warren Buffett và Gary Vaynerchuk
Một trong những điều thú vị của cuộc sống là chúng ta không bao giờ có thể biết chính xác chuyện gì sẽ xảy ra với mình trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn có những người cố gắng tiên liệu trước sự việc, cố gắng tìm kiếm những thứ sẽ tốt hơn, phát triển hơn để đầu tư vào ở thời điểm hiện tại, nhằm thu lợi trong tương lai. Đó chính là những nhà đầu tư.
Tất nhiên, không nhà đầu tư nào có thể luôn đưa ra những quyết định đúng, nhưng nếu nhìn vào thành quả cuối cùng của một nhà đầu tư, chúng ta cũng có thể biết mức độ thành công của họ, từ đó học được cách đã giúp họ thành công.
Dưới đây là hai bí quyết “tiên tri” của Warren Buffett và Gary Vaynerchuk (người sở hữu khối tài sản ước tính 200 triệu USD, được mệnh danh là nhà đầu tư thiên tài sau hàng loạt vụ đầu tư thành công vào các công ty khởi nghiệp (startup) như Twitter, Tumblr, Facebook và mới đây là Snapchat).
Warren Buffett – Hãy chọn những công ty có thể sống lâu
Cách Warren Buffett đưa ra lời tiên tri, là hãy tìm những công ty có thể tồn tại lâu dài, đầu tư vào từ sớm, đặc biệt chú trọng những thời điểm giá cổ phiếu của chúng bị thị trường đánh giá sai. “Chúng tôi gần như có thể xác định được trước tuổi thọ của một công ty sau khi xem xét và phân tích về nó”, Buffett nói trong hội nghị cổ đông thường niên năm 2017 của Berkshire Hathaway.
“Chúng tôi có thể hình dung được công ty ấy sẽ làm ăn như thế nào trong 5, 10 hay 20 năm tới. Có nhiều cách để xác định điều này, nhưng một trong những cách quan trọng nhất là đánh giá lợi thế cạnh tranh mà công ty có vào thời điểm hiện tại, rồi sau đó đánh giá thật kỹ khả năng duy trì lợi thế ấy trong tương lai”.
Theo đó, năm 1988, Warren Buffett rất thích thú cổ phiếu của Freddie Mac, một hãng bảo hiểm đang bị cả thị trường nghi ngờ vì những khoản thế chấp khổng lồ. Warren chi 108 triệu USD vào cổ phiếu của Freddie Mac, lúc ấy có giá khoảng 4 USD/cổ phiếu. Mười năm sau, giá cổ phiếu Freddie Mac tăng lên 70 USD/cổ phiếu, gấp 17,5 lần.
Tuy nhiên, sau đó vài năm, sau nhiều cuộc trao đổi với giám đốc điều hành của Freddie Mac, Warren nhận ra những sai lầm trong định hướng và đường lối phát triển sắp tới của công ty, nên ông đã bán toàn bộ cổ phiếu của hãng. Quả nhiên, sau hàng loạt sai lầm trong chính sách và cơ cấu, Freddie Mac đã không thể chống chọi lại cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, giá cổ phiếu của hãng rớt xuống chỉ còn 2 USD/cổ phiếu (hiện giá của cổ phiếu Freddie Mac dao động ở 2,47 USD/cổ phiếu).
Gary Vaynerchuk – Đặt mình vào vị trí khách hàng
Không tập trung vào các tiêu chí như Warren, nhưng Gary cũng rất thành công trong việc đưa ra lời tiên tri, thông qua việc đặt mình vào vị trí của mọi người để hiểu giá trị mà một sản phẩm, dịch vụ có thể mang lại.
“Vào thời điểm mười năm trước, rất nhiều người còn chưa hiểu và chưa có khái niệm về mua bán trên mạng, sử dụng internet để kết bạn… Họ cho rằng chẳng có gì thú vị khi mua một quả cà chua qua internet, hay gặp gỡ và tìm người yêu trên mạng. Nhưng tôi thì khác. Tôi gặp vợ mình lần đầu tiên trên JDate.com (dịch vụ hẹn hò qua mạng). Sau đó, tôi gần như nhận ra ngay sức mạnh của internet. Tôi biết mình thích những thay đổi này, những điều mới lạ này và tôi bắt đầu thu thập thông tin để nhận ra rằng có rất nhiều người cùng suy nghĩ như tôi ở thời điểm đó” – Gary Vaynerchuk nhớ lại.
Gary Vaynerchuk gặp Mark Zuckerberg lần đầu tiên ở Palo Alto (thành phố thuộc bang California, Mỹ) năm 2008 và nhanh chóng nhận ra tiềm năng to lớn của Facebook khi ấy cũng như những bước tiến vững chắc của doanh nghiệp mà Mark đang xây dựng. Thế nên, năm 2009, khi Mark Zuckerberg chính thức mời Gary đầu tư vào Facebook, ông nhanh chóng đồng ý.
“Khi Mark hỏi tôi có muốn là một phần của Facebook không, tôi đã nói “có” mà không chút lưỡng lự, và đó thực sự là một quyết định bước ngoặt cho cả hai” – Gary Vaynerchuk nhớ lại. “Sở dĩ tôi có thể liều lĩnh như vậy, bởi trước đó tôi luôn nghĩ về tương lai, về những cơ hội và những thứ sẽ xảy ra trước khi ai đó mời tôi đầu tư vào dự án của họ. Tất nhiên, việc đầu tư vào một công ty khởi nghiệp, đặc biệt là một công ty công nghệ, thì rủi ro là vô cùng lớn. Chúng ta phải xem xét tỉ mỉ đường lối phát triển, năng lực của người điều hành, khả năng sử dụng vốn cũng như khả năng lan tỏa của thương hiệu. Tuy nhiên, điều đầu tiên và quan trọng nhất bạn nên nhớ, đó là hãy đặt mình vào vị trí của những khách hàng, những đối tượng người dùng sản phẩm mà bạn chuẩn bị đầu tư. Mọi người phải thích như cách bạn thích, hoặc ít nhất là mọi người sẽ mua, sử dụng nó khi so sánh trên thị trường, thì bạn mới có cơ may chiến thắng”.
Nguồn: doanhnhanplus
Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town
(đầu tư theo phong cách Warren Buffett, Charlie Munger)