fbpx

Tâm thư của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14: Về tình yêu và lòng trắc ẩn

Bức thư này được trích trong tập sách “Tâm thư nhà lãnh đạo”.

Đạt-lai Lạt-ma là một nhà lãnh đạo tôn giáo, ông dẫn dắt mọi người với những nguyên tắc cao quý, đơn giản và không câu nệ lễ nghi như nhiều tôn giáo khác. Ông quan tâm sâu sắc tới Tây Tạng và luôn thu hút được người nghe. Trong một bữa trưa, ông giải thích với tôi về những bước giác ngộ và khả năng đỉnh cao của ông trong việc truyền đạt suy nghĩ và chữa lành bệnh cho người khác. Với tấm lòng khiêm nhường, nhẹ nhàng, tử tế, ông giải thích trong bức thư của mình rằng, khi lấy hạnh phúc làm mục đích sống, nghe có vẻ như là một sự ích kỉ, thì cách tốt nhất để đạt được mục đích đó là làm mọi việc vì lợi ích của người khác – hành động vô ngã nhất mà chúng ta có thể thực hiện.

Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 là Tenzin Gyatso, là người đứng đầu nhà nước và thủ lĩnh tinh thần của người Tây Tạng. Ông đang sống ở Dharamsala, miền bắc Ấn Độ, nơi đặt chính quyền chính trị Tây Tạng lưu vong. Năm 1989, Đức Đạt-lai Lạt-ma được trao giải Nobel Hòa bình vì đấu tranh giải phóng Tây Tạng theo cách phi bạo động.
Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 là Tenzin Gyatso, là người đứng đầu nhà nước và thủ lĩnh tinh thần của người Tây Tạng. Ông đang sống ở Dharamsala, miền bắc Ấn Độ, nơi đặt chính quyền chính trị Tây Tạng lưu vong. Năm 1989, Đức Đạt-lai Lạt-ma được trao giải Nobel Hòa bình vì đấu tranh giải phóng Tây Tạng theo cách phi bạo động.

Tình yêu và lòng trắc ẩn

Phía sau những trải nghiệm của chúng ta là một câu hỏi lớn, dù chúng ta có ý thức về nó hay không, đó là : Mục đích của cuộc sống là gì ? Tôi tin rằng mục đích của cuộc sống là trở nên hạnh phúc. Niềm tin này có từ khi sinh ra, mọi người đều muốn được hạnh phúc và không hề muốn đau khổ. Niềm tin này đến từ điều cốt lõi của loài người là chỉ đơn giản mong muốn sự hài lòng. Do đó, quan trọng là cần khám phá xem điều gì sẽ mang lại hạnh phúc ở mức độ cao nhất.

Từ kinh nghiệm hạn hẹp của mình, tôi nhận thấy rằng, mức độ cao nhất của bình an trong tâm đến từ việc nuôi dưỡng tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Càng quan tâm nhiều hơn đến hạnh phúc của người khác thì chúng ta càng cảm thấy hạnh phúc. Tạo nên một cảm giác gần gũi, ấm áp cho người khác, tự tâm trí chúng ta sẽ trở nên thoải mái. Điều này giúp chúng ta loại bỏ mọi nỗi sợ hãi hoặc thiếu tự tin và cho chúng ta sức mạnh để đối phó với những trở ngại phía trước. Đây chính là nguồn gốc nền tảng để thành công trong cuộc sống.

Sống trong thế giới này, chúng ta phải đương đầu với nhiều vấn đề. Nếu vào thời điểm nào đó chúng ta mất hi vọng và trở nên nản chí, khả năng đối mặt với khó khăn của chúng ta sẽ giảm xuống. Hãy nhớ rằng, không chỉ bản thân mình mà cả người khác cũng phải đối mặt với khó khăn, dù theo cách này hay cách khác. Suy nghĩ thực tế này sẽ giúp tăng quyết tâm và khả năng vượt qua khó khăn của chúng ta. Thật vậy, với thái độ này, mỗi trở ngại mới có thể được coi là một cơ hội quý giá giúp cải thiện tâm trí của bạn ! Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể phấn đấu từng chút một để trở nên từ bi hơn, hãy nuôi dưỡng tấm lòng đồng cảm chân thành với nỗi đau khổ của người khác và ý chí giúp họ vượt qua. Từ đó, chúng ta sẽ có thêm sự thanh thản và sức mạnh nội tâm.

Tôi tin rằng, để đáp ứng những thách thức của thời đại hiện nay, con người sẽ phải xây dựng ý thức cao hơn về trách nhiệm với tập thể và cả thế giới. Chỉ có ý thức này mới loại bỏ được xu hướng coi bản thân là trên hết – điều làm cho người ta lừa dối và lợi dụng lẫn nhau. Nếu có trái tim chân thành và cởi mở, chúng ta sẽ tự nhiên cảm thấy bản thân mình có giá trị, tự tin và sẽ không phải sợ người khác. Chìa khóa cho một thế giới hạnh phúc hơn chính là nuôi dưỡng lòng trắc ẩn. Chúng ta không cần phải theo một hệ tôn giáo nào, cũng không cần phải tin vào một hệ tư tưởng nào. Điều cần làm là mỗi người đều phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người. Tất cả chúng ta phải học cách làm mọi điều không chỉ vì bản thân, gia đình, hoặc tổ quốc chúng ta, mà vì lợi ích của toàn thể nhân loại.

Nguồn : Tâm thư nhà lãnh đạo

 

 

 

 

Các viết cùng chủ đề