Tập cởi mở với con cái về giá trị của tiền bạc
“Bố mẹ kiếm được bao nhiêu tiền?”, một câu hỏi mà hầu như các bậc cha mẹ đều né tránh hoặc e ngại trả lời. Nhà văn kiêm chuyên gia tài chính Jayne Pearl cho rằng chúng ta nên thẳng thắn nói về vấn đề tiền bạc cho các con, để chúng nắm được những kiến thức cơ bản về tài chính, chi tiêu cho sau này.
Nhà văn Jayne Pearl chia sẻ, bà đã thật sự bất ngờ khi con trai hỏi câu này vào năm tám tuổi. “Tôi lúc đó, phải nói thế nào đây, thật khó diễn tả phản ứng của mình. Tôi viết rất nhiều về tài chính cá nhân nhưng thú thật, tôi chưa sẵn sàng để trả lời câu hỏi này”.
Cuối cùng, Jayne Pearl vẫn giải đáp thắc mắc này cho con trai, nhưng bà không đưa ra một con số cụ thể, mà lại tập trung vào những khoản chi tiêu trong gia đình, nói về số tiền bà dành ra để trả hầu hết các chi phí này và số còn lại sẽ được chuyển vào ngân hàng hoặc trả cho những vấn đề phát sinh.
“Tôi biết nếu nói tôi có thể kiếm được 1.000 đô một năm thì chắc chắn nó sẽ nghĩ gia đình mình giàu có. Một đứa nhóc 8 tuổi thì không thể nào biết cách tham chiếu để biết đó là nhiều hay đủ?” – Jayne nói.
Bà Pearl bên cạnh đó cũng muốn cho con trai nhận thức được đây đều là những thông tin riêng tư, không nên chia sẻ với những người khác.
Câu hỏi này cũng chính một phần lý do để bà quyết định viết một loạt sách nói về trẻ em với tiền bạc và cuốn cho ra mắt gần đây nhất có tên: “Kids, Weatlth and Consequences: Esuring Responsible financial future for the next generattion” (Trẻ em, giàu có và hệ quả: Đảm bảo tài chính tương lai cho thế hệ tiếp theo).
Bà Pearl cho rằng, có hai lý do chính mà cha mẹ không nói cho con mình về tiền bạc hay giúp chúng trong phát triển kỹ năng hiểu biết tài chính quan trọng.
– Thứ nhất, các bậc cha mẹ cho rằng họ không phải một hình mẫu chuẩn mực khi nói về tiền bạc.
“Rất nhiều người trong số chúng ta phạm nhiều sai lầm với bản thân vì tiền, hoặc chi tiêu quá nhiều, hoặc sẽ nói, ‘Mẹ cần mua một đôi giày mới’ mà trong khi đó bạn thật sự không cần đến chúng”.
– Thứ hai, nhiều phụ huynh cảm thấy không đủ tự tin để dạy con mình vì cho rằng bản thân không hiểu biết nhiều.
“Chúng ta luôn mặc niệm một chuyên gia tài chính mới có đủ khả năng đó. Nhưng không, điều đó hoàn toàn không đúng và cũng không phải là cách hay. Tất cả chúng ta đều có thể nói ra ý kiến về những gì đang làm, cũng như những gì sẽ làm với công việc của mình”.
Ví dụ, khi bạn đến cây ATM với những đứa nhỏ, đó chính là cơ hội tuyệt vời để giải thích cách và lý do bạn gửi tiền vào ngân hàng, khi cần thì sẽ luôn có sẵn tiền dự phòng và đặc biệt chỉ có thể rút với số tiền khi gửi vào, không được nhiều hơn.
Cha mẹ cũng có thể học từ chính con cái. “Bạn không thể chỉ nói suông, ‘Bố/mẹ không biết’, mà hãy nói ‘Bố/mẹ cần tìm hiểu thêm về vấn đề này, vậy thì chúng ta hãy cùng ngồi xuống và học thêm về nó nào!’
Tại sao bạn nên nói với con cái về tiền?
Pearl cho rằng, nếu chúng ta vượt qua được nỗi bất an về tiền bạc và quyết định nói chuyện với con thì chắc chắn điều đó sẽ chỉ có lợi. Đến cùng thì trẻ em vẫn cần biết cách kiểm soát tiền bạc khi mà chúng đang dần lớn lên, phải để chúng học được một bài học tốt hơn.
“Rõ ràng chúng nên mắc sai lầm với 20 đô hơn là 20.000 đô khi về già.”
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh vẫn có một số quan niệm sai lầm về tiền bạc, điều này tương tự như chủ đề mà họ vẫn nghĩ nên hạn chế nói đến – tình dục.
Nói chuyện với con cái về tiền cũng giúp bạn gây ấn tượng các giá trị tài chính với con. Những giá trị này quyết định rất nhiều đến cách chúng ta sống và tương tác với thế giới. Trong đó bao gồm hiểu biết sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu, hay học được cách đánh đổi.
“Bạn có thể không có mọi thứ. Bạn chỉ có thứ này hoặc cái kia. Đó chính là cơ hội để bạn có thể dạy con cái cách làm được một việc gì đó mà phải đánh đổi, đưa ra một số quyết định về những gì chúng có thể làm xung quanh những thứ được mua cho”.
Cách nói với con cái về tiền
Vậy chúng ta sẽ bắt đầu cuộc trò chuyện với con cái về tiền bạc như thế nào?
Bà đã thử hỏi một số học sinh tiểu học và trung học ở Caldwell, bang New Jersey, nằm trong một chuỗi video có tựa đề “Nếu con là phụ huynh”, trong những clip này, bà hỏi chúng sẽ xử lý mọi việc và bắt đầu câu chuyện về tiền bạc như thế nào khi trong vai trò là cha mẹ.
Grace Szostak, mới bắt đầu vào trung học, cho rằng cô bé sẽ bắt đầu chuyện này sớm, có thể khi con mình 4 tuổi. Cô bé sẽ mua một cái máy tính tiền để các con chơi trò đóng vai, trao đổi với nhau để nắm bắt được khái niệm về tiền và học được cách đếm chúng.
Lance Jenkins, một cậu nhóc lớp 6, sẽ nghe theo lời khuyên của ông nội, đưa ba chiếc phong bì cho con của mình và nói, “Các con chỉ cần đặt tiền vào đây vào mỗi tuần, như vậy các con đã có một khoản để quyên góp. Bố nghĩ rằng, một phần sẽ để tiêu, một phần để tiết kiệm.”
Toniann Garruto, một học sinh lớp 5, sẽ nói với con về thẻ tín dụng. “Cho dù trong thẻ tín dụng có nhiều tiền như thế nào, nhưng nếu sử dụng thường xuyên và tiêu rất nhiều thì chẳng mấy chốc các con sẽ trắng tay. Và các con sẽ không còn bất cứ đồng nào để tiêu nữa!”.
Chuyên gia tài chính Pearl khuyên các bậc phụ huynh không nên ngần ngại khi nói về những lỗi sai họ mắc phải, bao gồm cả những rủi ro của việc nợ tín dụng. Bản thân bà cũng kể cho con mình về những điều bà học được trong những năm tuổi 20, khi còn là một nhà báo và luôn gặp khó khăn trong việc kiếm tiền.
Bà có sự tin tưởng rất lớn khi đưa tiền trợ cấp cho con cái nhưng lại không đưa theo kiểu hàng tuần, theo độ tuổi hay để khen thưởng. Bà tin rằng, mục đích của khoản tiền này là để bắt đầu dạy trẻ về trách nhiệm tài chính.
“Chúng chắc chắn sẽ để mất một phần trong số tiền đó. Chúng sẽ cảm thấy chật vật trong kiểm soát các khoản chi tiêu, hay đưa ra những quyết định tồi tệ. Chúng sẽ đưa một chút tiền cho bạn bè chỉ đơn giản vì chúng muốn được biết đến nhiều hơn. Chúng sẽ làm ra đủ loại sai lầm có thể nói là điên rồ… Nhưng tốt hơn, con cái nên được nhận khoản tiền đó ngay bây giờ!”
Pearl nói rằng, phụ huynh biết rõ con mình như thế nào và hiểu rõ khi nào chúng sẵn sàng để lắng nghe về vấn đề tài chính.
Nếu con bạn sẵn sàng cho cuộc đối thoại, bạn có thể thử nói với chúng ngay. Nếu không thành, bạn có thể thử lại lần nữa sau một vài tháng hoặc trong năm tới nhưng đừng bao giờ nghĩ thử nói về tiền bạc cho con mình là sớm… Và nếu bạn bỏ lỡ khi chúng còn nhỏ thì khi con bạn 17 tuổi và chuẩn bị học đại học, đến lúc đó bạn mới hối hận và nói ‘Tôi đã bỏ lỡ’. Vì vậy, hãy bắt đầu vào bất cứ lúc nào bạn có thể!
Nguồn: Trí thức trẻ/CNN
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live