Thâm cung bí sử Microsoft – kỳ 2: Khi nhân tài không có đất dụng võ
Sáng sớm hôm sau, cuộc họp tiếp tục theo lịch đã định. Tất cả các phó giám đốc đều đang âm thầm dự đoán, Gates và Ballmer sẽ đưa đến cho cuộc họp câu trả lời ra sao. Sau thời gian chờ đợi trong im lặng, Bill Gates đứng dậy. Ông nói: “Tôi muốn xin mọi người một tiếng đồng hồ. Những chương trình thảo luận khác sẽ dời lại một tiếng, có được không?”
Ở kỳ trước, sau khi Orlando Ayala – phó giám đốc toàn cầu người Columbia, phát biểu tại cuộc họp rằng anh ta cảm thấy thất vọng vì Microsoft đã làm sai nhưng không nhận lỗi và giá trị quan: đặt khách hàng lên hàng đầu chỉ là khẩu hiệu chứ không hề đúng với thực tế. Bill Gates và Ballmer đã dành thời gian trao đổi để cho anh cũng như những giám đốc toàn cầu khác câu trả lời thỏa đáng (Xem lại kỳ 1 tại đây):
“Chúng tôi biết, “thời gian giải đáp” bắt đầu rồi.
“Các bạn có biết tại sao tôi sáng lập ra Microsoft không? Tuyệt đối không phải để cạnh tranh. Mục đích của tôi rất đơn giản. Tôi có một giấc mơ, đó là trên mỗi chiếc bàn đều đặt một máy vi tính, nhưng tôi hiểu rằng, chỉ khi giá thành của chiếc máy vi tính giảm xuống thì giấc mơ này mới thành hiện thực. Tôi càng hiểu rằng, chỉ khi sáng lập được tiêu chuẩn phần mềm thì giá thành mới giảm được. Như vậy, vì tất cả khách hàng, vì ngành công nghiệp này, tôi mới quyết định sáng lập Microsoft. Cho nên, nếu có ai nói rằng Microsoft không đặt người dùng lên hàng đầu, tôi là người đầu tiên phản đối.
Các bạn biết vì sao tôi vẫn tiếp tục làm việc ở công ty không? Rất nhiều người không biết rằng, gia đình tôi sống trong ‘bể cá’ trong suốt, bơi qua bơi lại cho toàn thế giới xem. Các bạn có biết cảm giác đó khó chịu như thế nào không? Con cái tôi tháng nào cũng bị đe dọa bắt cóc. Hai năm trước, tôi nhận được một email nặc danh, kèm theo đó là hình ảnh con tôi bị chụp lén trong mỗi tiếng đồng hồ, bên dưới có hàng chữ: ‘Ông Gates, nếu bây giờ thứ hướng vào con ông không phải là máy ảnh mà là súng thì ông nghĩ sao?’ Sau đó, ngày nào hắn cũng gửi email cho tôi. Cuối cùng, sau một tuần, hắn ra giá 10 triệu đô la. Tôi trả số tiền này rồi báo cảnh sát. Cảnh sát bắt được hắn, nhưng vì hắn không có tiền án, lần này ngoài việc chụp ảnh, gửi mail ra cũng chẳng làm gì khác, nên chỉ bị phán quyết một năm tù. Bây giờ tôi nói với các bạn, hắn vừa được thả ngày hôm qua. Các bạn có biết vợ tôi nghe tin này xong, cả đêm không ngủ được không?
Là chủ tịch hội đồng quản trị của Microsoft, cuộc sống của tôi khổ sở như vậy, tại sao tôi vẫn làm? Bởi vì tôi không cam tâm. Tôi không cam tâm ngành công nghiệp này nhận định là chúng ta bá quyền, chúng ta ích kỷ, chúng ta lừa dối khách hàng. Tại sao họ không đi nghiên cứu thị trường, xem ai đã gây dựng sự nghiệp này, giúp hình thành nên vô số công ty phần mềm, tạo ra lợi ích cho người dùng? Tại sao họ không đi tìm hiểu xem tôi là người như thế nào? Dựa vào đâu mà bảo tôi ngạo mạn, bảo tôi bắt nạt người khác? Tôi chỉ mong sự thấu hiểu. Để được thấu hiểu, tôi hy sinh cuộc sống cá nhân của tôi, hy sinh cả gia đình tôi. Tại sao các bạn còn đối xử với tôi như vậy?”
Nói đến đây, giọng ông nghẹn lại, không thốt nên lời. Ballmer bước lên bục, ôm lấy Gates. Sau đó, lúc Gates tiếp tục bài diễn văn khảng khải hào hùng của mình. Nội bộ công ty, thực ra mọi người đều mang một tình cảm đặc biệt và sự kính trọng dành cho Bill Gates, vì ông là người thẳng thắn, dễ mến, không vòng vo tính toán, luôn đi thẳng vào vấn đề. Lần này, Ballmer đẩy Gates ra trước để trả lời chất vấn của Ayala là một hành động rất thông minh. Những lời nói của Bill đã lay động được hầu hết quản lý cấp cao của công ty.
Vậy là, lần phong ba này cuối cùng cũng kết thúc. Rất nhiều người trong chúng tôi thật tình rất bái phục Ayala, nể trọng thái độ “thách thức cường quyền”, dám nói lên điều mình nghĩ. Chúng tôi gặp và bày tỏ riêng với Ayala lòng cảm mến của mình.
Nhưng cuối cùng, số phận Ayala ra sao? Anh vốn là phó giám đốc phụ trách bán hàng của công ty trên toàn thế giới, được công nhận là nhân vật quan trọng thứ ba trong công ty. Chỉ vài tuần sau cuộc họp, anh bị điều khỏi vị trí đang nắm giữ, giáng cấp thành một trong những người phụ trách bộ phận khách hàng vừa và nhỏ.
.NET yểu mệnh
Cuối tháng 7 năm 2000, tôi quay về Redmond, làm việc tại tổng công ty Microsoft. Nơi đây vẫn bình lặng như xưa. Các kỹ sư vẫn mặc những bộ đồ kỳ cục nhất để đi làm. Trong tòa nhà lớn hình ngôi sao, mọi người đang nghiêm túc suy nghĩ về lần cách mạng công nghệ tiếp theo, vẫn tranh cải đến mặt đỏ tía tai. Riêng về vấn đề văn hóa và giá trị quan ,dưới sự lãnh đạo của Ballmer, bắt đầu được nhân viên Microsoft nhìn nhận lại. Tôi sắp bắt đầu công việc mới của mình, phụ trách giao diện người dùng thuộc bộ phận .NET của Microsoft. Đây là một công việc đầy thử thách.
Mùa hè năm 1999, cùng với việc chia một lượng lớn cổ phiếu cho nhân viên, Bill Gates cũng lao tâm khổ tứ về chiến lược mới cho Microsoft. Microsoft tiếp tục tập trung vào phát triển Windows, hay dồn toàn bộ nền tảng và phần mềm cho mạng Internet? Khi Gates ý thức được Internet chính là xu hướng lớn của thời đại, ông quyết định thành lập bộ phận .NET, tiến hành tìm tòi, khám phá lĩnh vực này.
Chiến lược mới được gọi dưới cái tên .NET chính là “nền tảng mạng viễn thông thế hệ mới”. Đây thực ra chính là “Windows” của thời đại Internet. Windows tương lai sẽ bao gồm thông tin không dây (wireless communication), thiết bị gia dụng thông minh, cũng bao gồm luôn giao diện HMI (giao diện người – máy), mà các thiết bị đầu cuối sẽ có thể tham gia nhiều hơn vào việc thực hiện tính năng của Internet.
Trong quá trình làm quen với công việc, tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng thử thách của công việc này không nằm ở bản thân .NET, mà ở việc tổ chức nhân viên.
Về lại tổng công ty tôi mới nhận ra, lần thay đổi công việc này hoàn toàn khác so với bất kỳ thay đổi nào trong sự nghiệp của tôi trước đó. Tôi không phải tiếp nhận một bộ phận có sẵn, cũng không phải tuyển người từ đầu để lập ra bộ phận mới, mà giống như đang chơi trò xếp hình, phải tìm nhân tài ưu tú nhất trong đội ngũ của Microsoft, rồi lôi kéo họ về bộ phận của mình. Việc này dính đến vấn đề cải tổ trong mỗi bộ phận, phải thông qua tranh luận kịch liệt để thuyết phục lãnh đạo hoặc nhân viên trong trạng thái tâm lý hoàn toàn không giống mình, mà phàm việc gì “liên quan đến con người”, đều khó khăn hơn rất nhiều so với những việc khác. Khi tôi còn chưa bắt đầu công việc, những tranh luận không ngớt đã bắt đầu nổi lên.
Không những vậy, khi bắt đầu vào vai trò mới, tôi thấy rằng các nhân vật lớn khác trong công ty cũng có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Jim Allchin, lão tướng phụ trách Windows của công ty là một người quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ Windows. Ông vào Microsoft năm 1990, lúc bấy giờ phụ trách nghiên cứu hệ điều hành Cairo. Cuối cùng vào năm 1995, Microsoft tập trung đầu tư lớn để tạo ra Windows 95 chấn động toàn thế giới, Cairo bị hủy bỏ, nhưng Allchin lại được đề bạt. Bắt đầu từ năm 1995 trở đi, ông phụ trach phát triển Windows 98 và Windows XP, thành tích ngày càng xuất sắc. Tình yêu của ông đối với Windows đã đạt đến mức độ không thể từ bỏ, không thể thay thế. Ông thường nói: “Máu chảy trong người tôi đã là dòng máu màu (màu của Windows) rồi!”
Allchin có vẻ ngoài rất đặc biệt, da trắng bệch. Ông luôn điềm đạm, thường ngày nói năng ôn hòa, nhưng khi nghiêm khắc thì mỗi lời đều sắc như dao. Có lúc ông tỏ ra lặng lẽ, nhưng rồi thốt ra vài câu công kích khiến người ta không kịp trở tay. Ông yêu quý Microsoft, lại càng yêu quý Windows. Để bảo vệ công ty cũng nhu sản phẩm mà mình yêu quý, ông có thể không tiếc bất kỳ giá nào. Chẳng hạn khi vụ án chống độc quyền của Microsoft xảy ra, một bức thư của ông gửi cho nhân viên từng bị công bố, trong thư rất rõ ràng: “Chúng ta cần phải tàn sát Novell trước khi nó kịp phát triển.”
Tất nhiên, ông cũng có mặt rất đáng yêu. Ông thích đàn ghita, hâm mộ nhóm nhạc Grateful Dead. Trong đại hội nhân viên Microsoft, ông đứng ra biểu diễn, vừa đàn vừa hát, lại còn diễn mọi tư thế với cây đàn ghita như một ca sĩ thực thụ. Allchin dường như là sự kết hợp giữa thiên thần và ác quỷ.
Có thể nói, Allchin là một thiên tài công nghệ, nhưng kỹ năng quản lý của ông lại thua xa trình độ công nghệ. Ông luôn cho rằng, Windows là sự tồn tại và thịnh vượng của Microsoft, là hạng mục kinh doanh cốt lõi, không ai trong công ty có thể lay chuyển. Việc từ bỏ Windows hoặc hy sinh bất cứ tính năng nào của Windows, đối với Allchin, đều là một việc hoang đường không thể tha thứ được.
Nhân vật đại diện cho xu hướng ủng hộ cách mạng thời đại Internet trong công ty là Paul Maritz, ông là người Nam Phi, rất thân thiện dễ gần, ngữ điệu luôn chậm rãi nhưng dễ khiến cho người ta có cảm tình. Tuy ông từng là sếp của Allchin, nhưng ông không quá tỏ ra mình chiếm ưu thế, thậm chí có thể nói ông là người khá nép mình. Tình cách có phần không tranh đoạt với đời này mặc định việc ông vĩnh viễn ở phe yếu thế trong các cuộc tranh luận. Sau này, cực chẳng đã, ông đành rời Microsoft.
Thực ra, lúc đầu, quan điểm của ông rất thú vị và có tiềm năng. Ông nhận định Internet sẽ vượt qua Windows và trình duyệt sẽ trở thành nền tảng. Con người sẽ quen với việc dành thời gian của mình cho trình duyệt, cũng như quen với việc thao tác mọi thứ trên trình duyệt mới. Dự đoán của Paul Maritz vô cùng chính xác. Thế nhưng, Allchin hiếu thắng đã nhạo báng quan điểm này.
Mùa hè năm 2000, Allchin đi nghỉ dài hạn. Kỳ nghỉ của ông kéo dài bốn tháng. Theo thói quen của người Mỹ, đi nghỉ hè kiểu này giống hư bốc hơi khỏi thế giới thường nhật, điện thoại, email hay Blackberry đều không liên lạc được. Trong công ty không ai biết ông đi đâu. Sau khi nhân vật then chốt này biến mất, Paul Maritz liền cùng các chiến hữu và vài vị phó giám đốc khác trong công ty bắt đầu nổ lực kêu gọi về việc thời đại Internet của nhân loại đang đến, thời đại Windows đã qua, thời đại của trình duyệt sẽ tới.
Rất rõ ràng, họ đang truyền bá một thông điệp mới:
“Microsoft phải tiếp nhận sự thật, phả hành động bằng cách tóm lấy Internet, phải dần đưa tính năng Windows ghép vào trình duyệt. Công ty nên ngừng đầu tư vào Windows, dùng tài lực cũng như nhân lực vào trình duyệt. Windows sắp hoàn thành sứ mệnh lịch sử và trong mười năm nữa sẽ tự kết thúc sự sống của mình. Tất cả những sáng tạo mới trong kế hoạch Windows đều nên được ghép vào trình duyệt, khiến nó trở thành siêu trình duyệt.”
Trong tưởng tượng của mọi người, trình duyệt này có thể vận hành tất cả các phần mềm ứng dụng. Đó chính là kế hoạch .NET vĩ đại, nghe có vẻ rất giống “điện toán đám mây” của iCloud mà IBM và Google thực hiện sau này. Điểm khác biệt duy nhất là “siêu trình duyệt” của Microsoft là một nền tảng đơn nhất, còn Google hoặc IBM hy vọng nhìn thấy sự cạnh tranh lẫn nhau của một trình duyệt đa nền tảng. Điều khó hiểu là Bill Gates lại quyết định thành lập bộ phận .NET chính trong lúc “Allchin đi nghỉ dài hạn”. Càng khó hiểu hơn là, Paul Maritz sau khi vẽ xong sơ đồ chi tiết cho kế hoạch, thì cũng lên đường đi nghỉ dài hạn. Còn nhiệm vụ thực hiện kế hoạch .NET này gửi lại cho người tổng phụ trách, cấp trên của tôi, phó giám đốc tập đoàn Microsoft, Bob Muglia cùng ba thuộc hạ đảm trách. Bill Gates tương đối coi trọng hạng mục này. Vì lý lịch khoa học công nghệ của tôi, nên ông thường xuyên tìm riêng tôi, bàn bạc việc làm sao thực thi .NET.
Trong khoảng thời gian này, hầu như cứ hai tuần tôi đều gặp Gates một lần, để trao đổi về quan điểm của mình. Tôi thẳng thắn chia sẻ cách nhìn của tôi về kế hoạch to tát này: “Bill, tôi cho rằng siêu trình duyệt nên có bốn bộ phận. Thứ nhất, nếu đã khai thác một ‘siêu trình duyệt’, nên tập hợp toàn bộ chuyên gia về trình duyệt trong công ty lại, nghiên cứu phát triển nền tảng trình duyệt, khiến tất cả phần mềm ứng dụng đều có thể sử dụng khi vừa mở trình duyệt ra. Như thế, website và phần mềm ứng dụng trong tương lai sẽ không còn sự phân biệt nào nữa. Thứ hai, MSN của Microsoft sẽ chuyển thành hậu đài của ‘điện toán đám mây’, làm ứng dụng đăng nhập, tin tức, email v.v… Những tính năng này đều có thể cung cấp cho ứng dụng của website. Người dùng sẽ phát hiện ra tính năng này, khiến họ sẽ không thể rời ra được. Thứ ba, chúng ta phải đưa Office và Internet, để người dùng có được dịch vụ sao lưu tự động, không bao gờ bị mất văn bản. Còn nữa, có thể cung cấp các dịch vụ trên mạng có thu phí, chẳng hạn in ấn chất lượng cao, dịch tự động hoặc dịch qua người dịch v.v… Thứ tư, chúng ta cần phát triển công nghệ lập trình mới, với tính năng kết hợp mạng Internet với khách hàng.”
Lúc nhận nhiệm vụ tôi vô cùng hưng phấn, vì tôi biết chắc chắn rằng, đây sẽ là công việc làm thay đổi thế giới.
Khoảng thời gian đó thật đẹp và đáng nhớ. Có thể cùng Bill Gates lên kế hoạch chi tiết cho Internet của tương lai là việc khiến người ta vô cùng phấn khích. Gates thường nói về việc tôi quay trở lại tổng công ty Microsoft làm việc khiến ông vui như thế nào. The New York Times có một bài viết về bảy quân sư trong “túi khôn” của Gates thời đại mới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh quan hệ của tôi và Gates, cùng chuyện ông điều tôi từ Trung Quốc về lại tổng công ty. Quả thực, Gates rất đồng tình với quan điểm của tôi, luôn khích lệ, cổ vũ tôi.
Bài trong The New York Times viết:
“Lý Khai Phục khi ấy ở Trung Quốc. Năm 1998, ông đến Trung Quốc sáng lập Viện nghiên cứu của Microsoft ở Trung Quốc. Trong vòng một tháng, Lý Khai Phục, chuyên gia nổi tiếng về nhận dạng tiếng nói, đã quay trở lại Mỹ và trở thành một trong những thành viên thuộc đội ngũ quân sư công nghệ của Gates.
Từ xưa đến nay, Gates chỉ dựa vào một nhóm nhỏ các kỹ sư được cơ cấu nghiêm ngặt, chứ không mời chuyên gia kinh tế hay các trưởng bộ phận khác đến giúp ông thiết kế sản phẩm cho công ty và lên kế hoạch chiến lược phát triển. Mô thức vận hành này bắt đầu từ 20 năm trước, khi Gates mời chuyên gia máy tính Charles Semonyi từ công ty Xerox đến giúp mình phát triển phần mềm xử lý văn bản. Ngày nay, phương thức vận hành này đã trở nên quá quen thuộc.
Tầm quan trọng của nhóm quân sư đối với Bill Gates chưa bao giờ lớn như hiện tại. Rất nhiều người từng giúp Bill Gates ngồi vào vị trí đầu bảng trong ngành công nghiệp, như Nathan Myhrvold phụ trách công việc nghiên cứu trước đây, hay Paul Maritz chủ quản chiến lược phát triển Internet và hệ điều hành của Microsoft, trước sau đều đã rời khỏi công ty. Nhân viên luôn triển khai việc thảo luận minh bạch qua hệ thống thư điện tử nội bộ, có lúc cũng ngồi xuống họp với nhau. Những người được chọn làm cố vấn phải giải quyết vấn đề trong môi trường văn hóa doanh nghiệp như vậy đó.”
Trong qua trình tiếp xúc sâu tại các cuộc họp với từng kỹ sư giàu kinh nghiệm của Microsoft hoặc đôi khi chỉ có một mình Bill Gates, tôi và Gates từng thảo luận rất nhiều vấn đề.
Thế nhưng, khi bắt tay vào làm, tôi mới phát hiện phía sau ước muốn cháy bỏng đó là có quá nhiều ràng buộc không cách nào kiểm soát được. Bên ngoài Microsoft, người ta có thể tưởng tượng Gates là người quyền lực vô song, chỉ cần định ra phương hướng, cây gậy chỉ huy điểm xuống, thì toàn bộ công ty sẽ hoàn toàn quy thuận mà thay đổi. Nhưng trên thực tế, những đầu đá nội bộ trong cơ cấu tổ chức bất kỳ công ty nào cũng là vấn đề quen thuộc, mà Gates không muốn xử lý những vấn đề như thế. Sau khi bàn xong phương hướng công nghệ, ông liền cho tôi cùng cấp trên Bob Muglia đi thực hiện. Mà cứ bắt đầu thực thi là nhận ra để hoàn thành công việc này, chẳng khác nào bốn phía đụng đâu cũng thấy tường vây kín.
Nội bộ công ty có ba bộ phận đang làm về công nghệ trình duyệt: Internet Explorer, MSN Explorer, NetDocs. Nếu theo phương hướng mà Gates và tôi đã định, ba nhóm này phải được họp lại dưới sự chỉ huy của tôi, sau đó lập ra kế hoạch mà mọi người đều chấp thuận. Đồng thời, kế hoạch hiện tại của ba sản phẩm này cũng vẫn tiếp tục tiến hành.
Tôi nhận thấy, vấn đề công nghệ và sản phẩm ở đây không làm khó được tôi, nhưng “vấn đề con người thật vô cùng nan giải”. Đằng sau bất cứ chuyện nhỏ xíu nào cũng là cải vã, tranh đấu không thể giải quyết.
Chẳng hạn như MSN Explorer là trình duyệt được rút ra từ Internet Explorer (IE), vì thế trở thành đối thủ truyền kiếp của Internet Explorer, nhưng các nhóm khác như NetDocs cũng có vấn đề với MSN Explorer vì đôi bên dùng công nghệ khác nhau; mà người hận NetDocs thấu xương chẳng có ai khác chính là nhóm Office, vì sứ mạng của NetDocs là dùng trình duyệt qua mạng để thay thế Office. Các bộ phận ở đây đều rất lớn. IE và NetDocs đều năm, sáu trăm người, Office đến mấy ngàn người, cho nên phải giao lưu với số lượng này thật vô cùng phức tạp. Nhưng ở Microsoft mọi người đều tin tưởng rằng: nếu công ty đã có định hướng làm việc gì, công ty sẽ tái cơ cấu các nguồn tài nguyên và đặt dưới sự chỉ huy của người phụ trách. Hơn nữa, tôi cũng phát hiện ra một công ty nhiều người thông minh như Microsoft luôn luôn tồn tại rất nhiều phe phái, cạnh tranh kịch liệt với nhau. Là một người mới tới, tôi chỉ có thể cực kỳ thận trọng tìm tòi và khám phá từng chút một ở tổng công ty mà thôi.
Tôi nhận ra, các trưởng bộ phận đều không muốn phối hợp, không muốn nhân viên giỏi của mình đi đến bộ phận khác, làm một công việc tương tự. Bốn bộ phận này đều nảy sinh ra những khó khăn riêng. Bộ phận IE rất lớn, việc rút và chuyển người rất khó thực hiện trong thời gian ngắn. Bộ phận Office thì cương quyết không ủng hộ kế hoạch, nguyên nhân rất dễ nhận thấy, là nếu trên mạng có một phần mềm tương tự sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ Office! Cho nên, trong tất cả các bộ phận trên chỉ có MSN Explorer bị ghép vào bộ phận của tôi. Nhưng bộ phận này dù rất mạnh, quân số cũng mới có một trăm người, lại đang gánh quá nhiều nhiệm vụ tồn đọng của MSN, không thể triển khai ngay kế hoạch vĩ đại .NET.
Vào một ngày nọ, có người nói với tôi: “Không hay rồi, Allchin sắp quay lại công ty!”
Rất nhiều nhân viên bắt đầu cảm thấy có chút sợ hãi đối với nhân vật mạnh mẽ này. Nhiều người dự cảm, Allchin thấy bộ phận Windows sắp bị xé ra, chắc chắn sẽ vô cùng tức giận. Quả nhiên, Allchin vừa quay lại đã nổi trận lôi đình, đầu tiên, ông phê phán kế hoạch .NET không ra thể thống gì. Ông nói với chúng tôi: “Các anh có biết ai đang trả lương cho các anh không? Là Windows! Máu của tôi đang chảy là dòng máu bốn màu của Windows. Còn các anh? Chẳng lẽ là loài máu lạnh?”
Ông còn trực tiếp đến gặp Bill Gates, uy hiếp nếu công ty cứ theo ý mình, ông sẽ từ chức. Sau khi uy hiếp áp đảo, Allchin lại trăm phương ngàn kế nghĩ cách thuyết phục Bill, nói rằng tính năng tương lai của Windows sẽ có cơ sở dữ liệu khổng lồ, ngoài ra còn thêm rất nhiều công nghệ vượt trội khác. Nếu bây giờ tách bộ phận, sẽ ảnh hưởng không tốt đến tiến trình thực hiện.
Lúc này, Paul Maritz còn đang thảnh thời trong kỳ nghỉ dài hạn, không thể phản đòn. Mà Paul Maritz vốn dĩ cũng không có cách nào phản đòn Allchin. Không ai chống trả, đương nhiên Allchin giành phần thắng. Gates không thể để tướng tài của mình rời khỏi công ty, đành phải quyết định thu hồi lệnh, hủy bỏ kế hoạch .NET. Cuối cùng Gates và Ballmer triệu tập tất cả các phó giám đốc, thông báo mọi người quyết định hủy bỏ kế hoạch .NET, tương lai sẽ vẫn tập trung vào Windows, tất cả tinh lực sẽ dồn vào việc phát triển Windows Vista.
Bộ phận .NET của chúng tôi bất lực nhìn kế hoạch khai thiên lập địa thay đổi thế giới của mình chưa ra đời đã yểu mệnh. Còn Paul Maritz sau kỳ nghỉ dài cũng không còn quay lại Microsoft nữa. Vậy .NET phải làm sao? Microsoft định nghĩa lại .NET và chuyển hướng thành phát triển ngôn ngữ C#, rồi từ từ thu lại những những kiến nghị và hứa hẹn đã có trước đây.
Allchin quay lại công ty, khiến việc cải tổ quay trở lại với Windows, nhân viên công ty không ngừng kêu ca oán thán, cảm thấy công ty luôn có lý do này lý do khác làm cho phương hướng phát triển quay mòng mòng. Bấy giờ, tôi quyết định mạnh dạn phát biếu ý kiến trong cuộc họp các phó giám đốc. Tôi biết, dù kết quả thế nào, những điều tôi nói ra đến từ đáy lòng tôi, đồng thời là những điều rất nhiều nhân viên khác muốn biểu đạt. Thực ra, khi đã có kinh nghiệm làm việc nhiều năm, biết rõ tầm quan trọng của việc phát biểu chính kiến, nhưng sau khi quay về tổng công ty, đối diện với Gates và Ballmer, tôi phần nhiều chỉ lắng nghe chứ không cố góp ý điều gì. Thực sự, tôi cũng rất sợ những điều mình nói ra sẽ không hợp lẽ. Thế nhưng, lần này, tôi hy vọng có thể bộc lộ điều mình nghĩ một cách chân thành nhất.
Sau đó, công ty khai mạc cuộc họp cải tổ, từ .NET quay trở về Windows, yêu cầu các phó giám đốc tham dự hãy cố gắng đưa ra ý kiến. Đến lượt tôi, tôi hít một hơi dài, nghĩ thầm: “Đã phải nói, thì thôi cứ nói cho hết”. Thế là, tôi lấy hết dũng khí nói: “Trong công ty chúng ta, IQ của nhân viên cao hơn bất kỳ nơi nào khác, nhưng năng suất làm việc của chúng ta lại thấp hơn bất cứ nơi nào khác, vì chúng ta cứ suốt ngày cải tổ, mà không quan tâm đến cảm xúc và suy nghĩ của nhân viên. Ở công ty khác, IQ của nhân viên là điểm cộng cho nhau, nhưng khi chúng ta rơi vào những rắc rối của việc không ngừng thay đổi thế này, IQ của nhân viên thực là điểm trừ lẫn nhau…”
Tôi nói xong, cả phòng hoàn toàn im lặng. Sau cuộc họp, rất nhiều đồng sự gửi email cho tôi: “Khai Phục, anh nói hay lắm, thật hy vọng tôi cũng có gan nói thế.”
Kết quả, Bill Gates không chỉ tiếp nhận ý kiến của tôi, yêu cầu sau này không thường xuyên cải tổ nữa, mà còn phải hết sức tránh lặp lại tình trạng đó. Trong nhiều cuộc họp công ty, ông cũng nhiều lần dẫn lại lời tôi để khuyên mọi người phải bắt đầu để thay đổi vắn hóa công ty. Về sau, khi Gates nhìn thấy mọi người không ngừng tranh luận, chẳng ai nhường ai, ông lại bảo: “Đừng quên, Khai Phục từng nói IQ của chúng ta tạo thành điểm trừ lẫn nhau…”
Phải chăng vì nội bộ có quá nhiều phe phái nên Microsoft đã chậm chân hơn các ông lớn khác về trình duyệt Internet? Còn Windows có phát triển đúng như lời Allchin nói?
Đón xem kỳ cuối: Sẩy chân ở thị phần tìm kiếm, viết lại toàn bộ Windows Vista sau ba năm lập trình!
Nguồn: sách Thế giới khác đi nhờ có bạn
Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU