Thâm cung bí sử Microsoft (Kỳ cuối): Sẩy chân ở thị phần tìm kiếm, viết lại toàn bộ Windows Vista sau ba năm lập trình!
Ngày 4 tháng 6 năm 2009, sau nhiều năm do dự và tính tới tính lui, Microsoft cuối cùng đã tung ra được trang tìm kiếm riêng của mình trên phạm vi toàn thế giới, đó là Bing. Chiến lược tìm kiếm này sinh sau đẻ muộn hơn Google những mười năm. Lúc bấy giờ, thị phần của Google tại Mỹ để đạt đến con số 67,5%.
Thời điểm tác giả cuốn hồi ký “Thế giới khác đi nhờ có bạn” – Lý Khai Phục bắt đầu làm việc tại Microsoft là lúc Microsoft đang chật vật với thành công quá lớn mà công ty này từng tạo nên. Họ cứng đầu và thích hơn hơn thua (như đã nói rõ ở Kỳ một), họ bám chặt vào suy nghĩ Micorssoft là phải làm Windows và trọng dụng những con người trước đây đã làm nên lịch sử (có thể xem lại Kỳ hai). Và kết quả, khi Allchin hứa hẹn rằng phần mềm Microsft trong tương lai sẽ là “thiên hạ vô địch” tích hợp tất cả các tính năng “khủng”, khi Microsoft đầu tư nhân lực, thời gian và tiền bạc, thì đổi lại là thất bại ê chề của Windows Vista.
Nhìn lại cả một chặng đường dài, khi Paul Allen ra đi, khi Bill Gates lui về sau chiến tuyến, Microsoft vẫn như đứa trẻ không chịu lớn, mang chiếc balo “Microsoft là chỉ làm Windows” trên vai, bước đi chậm chạp và chế giễu những đứa trẻ chạy thật nhanh từ tít phía sau mình. Bây giờ, khi những đứa trẻ khác trở thành những ông lớn trong ngành công nghệ, Microsoft mới bắt đầu nghiên cứu lại những điều trước đây họ từng xem nhẹ và cười nhạo:
“THỜI ĐẠI MSN CỦA TÔI
Sau khi kế hoạch .NET bị gác lại, toàn bộ việc nghiên cứu “điện toán đám mây” của Microsoft giậm chân tại chỗ. Trong mấy tháng ngắn ngủi, kế hoạch này dường như chỉ mang lại cho tôi một giấc mộng rực rỡ thoáng quá, khi tỉnh dậy lại vẫn phải quay về với thực tế. Nội bộ Microsoft chẳng qua cũng chỉ như vừa trải qua một trận mưa rào, nhanh chóng đã quay về với sự yên ổn thường ngày.
Không còn .NET, bước tiếp theo tôi phải làm gì? Gates và Ballmer sau khi trưng cầu ý kiến của tôi liền bố trí cho tôi công việc mới: phụ trách hạng mục tìm kiếm của MSN, ngoài ra phụ trách giao diện tự nhiên của công ty, sao đó xem làm cách nào dùng giao diện tự nhiên giúp cho hạng mục tìm kiếm MSN trở nên hoàn thiện hơn.
Vào làm trong lĩnh vực mới, tôi nhanh chóng nhận ra công nghệ tìm kiếm mà Microsoft đang thực hiện có sự cách biệt rất lớn so với việc tìm kiếm với số lượng lớn trên Internet. Bộ phận này không nắm bất kỳ công nghệ tìm kiếm trên Internet nào, mà cho các công ty khác thầu, chẳng hạn ở Mỹ thì hợp tác với công ty Inktomi, ở châu Á thì hợp tác với công ty Alta Vista.
Cuối cùng, tôi phát hiện ra, công nghệ tiếng nói và công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên mà tôi tiếp quản không thể giúp ích gì cho việc tìm kiếm với số lượng lớn trên Internet đang ngày một lớn mạnh. Như tôi thấy, sự phát triển hạng mục tìm kiếm của Microsoft chỉ có hai con đường: Tự mình làm công nghệ tìm kiếm đại trà trên Internet từ đầu, hoặc mua công ty.
Bill Gates từng suy nghĩ đến đề xuất mua lại Google của tôi, nhưng sau khi ông hội đàm với người của Google thì phát hiện ra giá thị trường của công ty này đã vượt qua 500 triệu đô-la. Nếu muốn mua, ít nhất phải mất 1 tỉ đô-la mới thực hiện được. “Một công ty không có thu nhập, lại muốn bán mình với giá 1 tỉ đô-la! Hai thằng nhóc này điên rồi! Chẳng lẽ nhà đầu tư mạo hiểm cũng điên rồi?”
Microsoft coi đề nghị này là trò cười, liền gác sang một bên. Họ không thể ngờ được, chỉ trong sáu năm ngắn ngủi sau đó, công ty này sẽ có giá là 200 tỉ đô-la!
Thậm chí ngay đến việc “tự làm” cũng bị đánh giá là “quá đắt”. Muốn làm công cụ tìm kiếm phải mua đến mấy vạn máy chủ, còn phải lập bộ phận hơn trăm người. Hơn nữa, vị phó giám đốc đề nghị đứng ra thực hiện hạng mục tìm kiếm vốn thuộc bên nghiên cứu phát triển, nhưng khi bị Gates hỏi tới kế hoạch kinh doanh công cụ tìm kiếm, làm thế nào để có lời, bao giờ thu hồi vốn, v.v… thì ông ta chẳng trả lời được vấn đế nào.
Cuối cùng, Gates quyết định không cần triển khai gấp công cụ tìm kiếm, dù sao việc tìm kiếm lúc bấy giờ chỉ là hạng mục thầu trọn gói có giá trị tương đối thấp, mà trong giới đều cho rằng cổng thông tin điện tử mới thật sự đáng quan tâm. Đối thủ cạnh tranh của Microsoft là Yahoo, AOL, chứ không phải Google. Thế là, ông nói với tôi, Microsoft không làm tìm kiếm nữa. Muốn tôi tham gia hạng mục quan trọng nhất của công ty: phát triển Windows Vista. Vậy là, tôi lại bắt đầu chuyển hướng sang một công việc khác tại tổng công ty Microsoft.
Thế nhưng, điều khiến tôi kinh ngạc là một năm sau, tháng 2 năm 2003, Gates sau khi suy nghĩ kỹ, đã phê chuẩn hạng mục tìm kiếm cho MSN, hơn nữa còn mời Christopher Payne, phó giám đốc bán hàng của website Amazon, về phụ trách hạng mục. Payne sau khi đến Microsoft thì thu dụng một đội nhân viên MSN, bắt đầu thực hiện công nghệ tìm kiếm từ đầu.
Tháng 2 năm 2003, bộ phận của Christopher Payne đưa ra một kế hoạch đáng kinh ngạc: trong một năm đuổi kịp Google, sau hai năm vượt qua Google. Điều đáng ngạc nhiên ở đây là: khi bộ phận của họ còn chưa thành lập xong, khẩu hiệu này đã được đưa ra. Nên biết rằng, phó giám đốc phụ trách của họ vốn xuất thân từ công việc bán hàng!
Đầu năm 2003, bộ phận này bắt đầu làm trang web tìm kiếm, huênh hoang rằng trong một năm sẽ đuổi kịp Google. Ấy vậy mà một năm trôi qua, rồi hai năm, bộ phận cuối cùng chỉ đưa ra được bản tìm kiếm đầu tiên của Microsoft. Nhưng bản đầu tiên ra đời năm 2005 bị đánh giá rất thấp.
Đầu năm 2008, thậm chí Microsoft còn sẵn sàng bỏ ra 44,6 tỉ đô-la mua lại Yahoo, hy vọng có thể cộng gộp 10% thị phần của Microsoft vào 23% thị phần Yahoo để quyết đấu với Google, nhưng không ngờ CEO của Yahoo, Dương Trí Viễn (Jerry Yang) bướng bỉnh quật cường, đã từ chối đề nghị này.
Ngày 4 tháng 6 năm 2009, sau nhiều năm do dự và tính tới tính lui, Microsoft cuối cùng đã tung ra được trang tìm kiếm riêng của mình trên phạm vi toàn thế giới, đó là Bing. Chiến lược tìm kiếm này sinh sau đẻ muộn hơn Google những mười năm. Lúc bấy giờ, thị phần của Google tại Mỹ để đạt đến con số 67,5%.
DẤN THÂN KHAI THÁC WINDOWS VISTA
Sản phẩm Windows của công ty Microsoft thực sự là sản phẩm vĩ đại làm thay đổi lịch sử nhân loại. Đặc biệt là vào ngày 24 tháng 8 năm 1995, việc phát hành Windows 95 đã làm chấn động toàn thế giới. Lần phát hành sản phẩm vượt thời đại này tổ chức long trọng chưa từng có, vô số báo chí truyền thông tranh nhau đưa tin.
Trung tâm của buổi lễ ra mắt sản phẩm tất nhiên là Bill Gates. Ông mặc áo sơ mi màu xanh của Microsoft, nở nụ cười có phần ngại ngùng. Khi nói đùa với người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng Jay Leno với chuyên mục The Tonight Show With Jay Leno (Biểu diễn tối nay cùng Jay Leno), ông cố gắng tỏ ra thật thoải mái. Câu nói mắc cười nhất của ông là: “Windows 95 dễ dùng thế đấy, đến người dẫn chương trình của một show truyền hình cũng sử dụng được.”
Để tổ chức hoạt động lần đó, Microsoft đã chi ra số tiền khổng lồ 300 triệu đô la Mỹ, trong đó bao gồm mua bản quyền ca khúc Start Me Up (Bật tôi lên) của nhóm nhạc The Rolling Stones. Microsoft dùng nhạc trong bài hát này làm nhạc hiệu khởi động hệ điều hành Windows 95. Tại lễ ra mắt Windows 95, nhóm The Rolling Stones đã biểu diễn rất nhiệt tình. Một bài viết còn ghi lại: “Rất nhiều khách hàng không có máy tính cũng bị ảnh hưởng bởi truyền thông mà xếp hàng mua phần mềm, nhưng họ thậm chí còn không hề biết Windows 95 là cái gì.”
Có thể nói sản phẩm vượt thời đại này đã hội tụ tâm huyết của hàng vạn người. Trưởng nhóm sản phẩm đã miêu tả sự hoành tráng của công trình này như sau: “Nhân viên công nghệ trong quá trình nghiên cứu Windows 95 đã hao tổn 2.283.600 ly cà phê, cùng khoảng 2,2 tấn bỏng ngô.”
Sau này, chính nhờ tính năng đa phương tiện xuất sắc, thao tác thân thiện, giao diện đẹp mà Windows 95 đã gặt hái được thành công chưa từng có. Sự ra đời của Windows 95 mang tới cho người dùng một giao diện đồ họa và khái niệm sử dụng hoàn hảo, khiến công việc trên mày tính không còn khô khan nữa, cũng khiến việc sử dụng máy tính trở nên thú vị. Sự xuất hiện này được nhận định là sự kiện đánh dấu cột mốc trong lịch sử phát triển khoa học của nhân loại. Từ đó về sau, nổ lực đầu tư vào nghiên cứu khai thác Windows của Microsoft ngày càng lớn hơn, lần lượt cho ra đời các sản phẩm Windows 98, Windows 2000, Windows XP, và sau này là Windows Vista.
Đầu năm 2002, tôi gia nhập dự án Windows Vista, lập ra một bộ phận mới gọi là nhóm phục vụ tương tác tự nhiên. Gates luôn đặc biệt yêu thích giao diện người dùng theo phương thức trợ lý thông minh, ngôn ngữ và tiếng nói. Vì thế ông yêu cầu nhóm làm về phương diện này trong toàn công ty phải tham gia bộ phận của tôi.
Sau khi tất cả tập hợp lại, chúng tôi nhắm vào mục tiêu Windows Vista của Gates, lập kế hoạch chi tiết. Gates định vị ba mục tiêu chính cho Windows Vista:
(1) Ủng hộ ngôn ngữ mới C#, tất cả các phần mềm hệ đều hành đều đổi sang viết bằng C#, vì ngôn ngữ C# vận hành tương đối chậm, nhưng sau khi phát triển thì tốc độ lại rất nhanh, như vậy Microsoft sẽ không thua kém so với rất nhiều người đang tham gia khai thác hệ điều hành Linux mã nguồn mở.
(2) Phát triển WinFS (Windows File System), đây là hệ thống tập tin thế hệ mới, có thể đưa mỗi tập tin văn bản vào thành cơ sở dữ liệu. Nếu WinFS có thể thành công thì dần dần, dữ liệu của toàn thế giới sẽ được lưu vào cơ sở dữ liệu của Microsoft, không những có thể đánh bại cơ sở dữ liệu của Oracle, IBM, và còn có thể phòng tránh việc công ty mạng khác (chẳng hạn Google) nắm được những dữ liệu này.
(3) Phát triển Avalon, hệ thống hiển thị thế hệ mới, giúp người dùng có cảm giác các dịch vụ của Websit thấy được trong trình duyệt giống như phần mềm ứng dụng truyền thống. Nếu dịch vụ của Web site nào đó trông giống như phần mềm khách hàng của Microsoft, thì người dùng sẽ càng khó hiểu ưu điểm có dịch vụ website đó nằm ở đâu.
Ba mục tiêu này về mặt chiến lược mà nói, thật vô cùng sáng suốt. Nếu thực hiện thành công, Microsoft có thể dùng vũ khí Windows mạnh nhất để bắn vào Linux, IBM, Oracle, Google, thậm chí tất cả các website.
Thế nhưng, ba mục tiêu lớn này đều là công nghệ chưa từng có trước đây, chưa bao giờ được chứng nhận rộng rãi trong giới kinh doanh, càng chưa bao giờ trở thành chìa khóa then chốt trong sản phẩm quan trọng như thế này. Có điều, nghiêm trọng nhất là: ba mục tiêu lớn này đều là những vấn đề công nghệ cực kỳ khó, rất có thể dùng gấp mấy lần thời gian cũng không hoàn thành nổi.
Ngưỡng công nghệ đã đến giới hạn cuối cùng, nhiều quản lý nhìn vào những giả định này đã thở hắt ra: “Công nghệ này quá khó! C# chậm như thế sao có thể làm hệ điều hành được? Cơ sở dữ liệu không đủ nhanh? Sao có thể làm hệ thống tập tin?” Đến cả các chuyên gia nghiên cứu về con chip thường nhìn vào kế hoạch chip của Intel và bắt đầu lo lắng: “Nhất định là Microsoft quen với tốc độ không ngừng tăng của chip Intel, mới lạc quan như thế. Nhưng những ngày tốc độ chip của Intel ‘cứ 18 tháng lại nhanh thêm gấp đôi’ đã qua rồi. Đừng nói chuyện năm 2004 tung ra loại chip đó, cứ theo tiến độ này, đến năm 2007, chip của Intel vẫn chưa đủ nhanh.” Họ không ngờ rằng, Windows Vista quả thật muộn mất gần ba năm, đến năm 2007 mới ra mắt.
Bộ phận phát triển dự án này đang phát rầu, thì các nhóm khác gần như đều bắt đầu thử thách cực hạn! Hầu hết các nhóm, giống như nhóm của tôi, đều thuyết phục mình làm một “leap of faith” (bước nhảy vọt của đức tin), tin rằng dưới sự đốc thúc của Gates, ba mục tiêu này sẽ hoàn thành. Chúng tôi bắt đầu dùng nền tảng còn chưa vững chắc để tạo dựng sản phẩm. Tuy có thể tưởng tượng ra đầy rẫy khó khăn, nhưng ai biết được, sản phẩm vĩ đại có phải sẽ được sinh ra từ việc không ngừng đương đầu với những thử thách cực hạn hay không?
Những công việc này làm cho người ta vô cùng phấn chấn. Bộ phận của tôi từ giữa năm 2001 đến cuối năm 2004 đều làm việc với nỗ lực phi thường. Là người đích thân trải nghiệm quá trình nghiên cứu và phát triển Windows Vista, tôi đã nếm trải vô vàn cay đắng gian khổ, từ việc thành lập đội ngũ, đến đột phá từng bước giành lấy thành quả.
TAI NẠN – WINDOWS VISTA VIẾT LẠI TOÀN BỘ!
Sau ba năm phấn đấu hết mình, các kỹ sư bộ phận Windows của Microsoft đã sức cùng lực kiệt. Vậy mà thành công của Windows Vista dường như vẫn mãi ở đâu đâu. Kỳ thực, sự cố vốn đã rình rập từ lâu, vì ngay khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch vĩ đại này, mọi người đều biết sẽ phải trải qua muôn vàn khó khăn cực lớn!
Tuy bộ phận WinFS đã cam kết ba mục tiêu lớn mà Gates đề ra, nhưng trong công việc thực tế luôn cảm thấy rất mông lung. Bộ phận WinFS cho rằng nhiệm vụ của họ là “nhiệm vụ bất khả thi”, nhưng họ không dám báo cáo với Gates. Bất kỳ người nào từng tiếp xúc với bộ phận Vista đều biết rằng mỗi khi bản chạy thử của Vista được đưa ra, đều phát hiện toàn bộ hệ thống lớn không cách nào vận hành được. Là một người trải nghiệm thực tế, tôi chỉ có thể thành thật mà nhớ lại rằng, khi các nhóm chủ chốt thấy nhiệm vụ không thể hoàn thành, họ không còn muốn nổ lưc tiếp tục làm việc, chỉ nghĩ làm sao để đùn đẩy trách nhiệm.
Lúc bấy giờ, dường như bộ phận nào cũng chìm trong bầu không khí ấy. Cảnh tượng chấn động toàn cầu lúc Windows 95 và Windows XP ra mắt dường như đã một đi không trở lại, còn khát vọng thành công đã biến thành nổi sợ thất bại và sự hoài nghi đối với hạng mục. Nhóm của tôi cũng nhiều lần hoài nghi việc Vista có thể ra mắt đúng thời gian dự định, ngoài ra, còn có quá nhiều công việc của nhóm phải dựa vào tiến độ thực hiện của nhóm khác mới hoàn thành. Lúc này, bầu không khí lỏng lẻo rời rạc của bộ phận càng trở nên nặng nề. Tôi luôn phải nhắc nhở mọi người tập trung vào công việc của mình, không nên mất thời gian đi đoán mò thời gian biểu của người khác. Dần dần, cả công ty đều giăng mắc một thứ trạng thái như kiểu “bộ quần áo mới của hoàng đế”, sĩ khí giảm sút trầm trọng.
Ballmer từng nói: “Tại Microsoft, điều duy nhất không bao giờ thay đổi là sự thay đổi.” Thời gian ra mắt của Windows Vista cứ liên tục bị dời lại. Việc thay đổi này đối với Microsoft không phải là việc lạ lùng gì.
Cuối cùng, nhóm quản lý cao nhất của Microsoft cũng ý thức được rằng việc trì hoãn không thể thực sự giải quyết được vấn đề, mà phải lật lại toàn bộ phương án trước đây. Một ngày thứ Bảy mùa thu năm 2004, sếp lớn Windows Vista là Jim Allchin triệu tập toàn bộ phó giám đốc đến công ty, nói với mọi người bằng một vẻ bất lực:
“Chúng ta thật sự không thể hoàn thành sản phẩm này đúng thời gian, vả lại theo tiến độ hiện nay, Windows Vista cũng cũng không biết dự kiến lúc nào mới ra mắt được. Cho nên, chúng ta không còn cách nào khác, phải thiết kế lại toàn bộ sản phẩm. Tôi muốn hỏi mọi người, nếu làm lại từ đầu, hy vọng hai năm sẽ xong, mọi người cho rằng có thể làm được đến đâu?”
Tin xấu này khiến toàn bộ phó giám đốc hồn xiêu phách lạc, dường như điều đầu tiên mà tất cả mọi người nghĩ đến là: “Gates phản ứng như thế nào?” Tiếp theo nghĩ: “Ai sẽ chịu trách nhiệm?” Sau đó, mọi người đều bất giác nghĩ tới bao nhiêu công sức hai năm rưỡi qua đã hóa thành tro bụi, hơn nữa còn chưa biết con đường trước mắt sẽ ra sao, không thể dự đoán kết quả cuối cùng sẽ như thế nào. Tất cả không hẹn mà cùng thở dài sườn sượt.
Allchin nói tiếp: “Tôi hiểu, mọi người muốn biết Bill Gates sẽ phản ứng như thế nào. Hai tuần trước tôi đã báo tin này với Bill, lúc đầu ông ấy không tin. Bill tìm rất nhiều người phụ trách công nghệ để hỏi ý kiến. Tối hôm qua, Bill họp với tôi, nói: ‘Anh tự xem mà giải quyết, tôi không can thiệp nữa.’” Allchin trả lời thắc mắc của mọi người bằng thái độ cực kỳ nghiêm túc, tập trung. Kỳ thực, ông không nói đến việc ông đã vì chuyện này mà mất chức. Không lâu sau, Jim Allchin thông báo kế hoạch về hưu của mình.
Lúc bấy giờ, thông tin thực hiện lại từ đầu toàn bộ dự án Windows Vista, đối với mọi người mà nói, là một cú đánh cực lớn. Mọi người im lặng vài giây, rồi như giật mình tỉnh mộng, bắt đầu rào rào thảo luận những phương án khác nhau. Cuối cùng, chúng ta thảo luận ra được phương án khả thi nhất: “Thay đổi triệt để ba mục tiêu lớn, cách làm cụ thể là: 1. Không được dùng C#; 2. Phải hủy bỏ WinFS, nhưng trước mắt thông báo cho các bên hợp tác; 3. Avalon cũng phải sửa lại, xem có thể giữ lại bao nhiêu.”
Nửa ngày sau, tôi về lại bộ phận của mình, tuyên bố trước bốn, năm trăm người “tin tức trọng đại này”. Tôi cố gắng kìm chế cảm giác đau lòng và kích động của mình và nói: “Hôm nay tôi họp tại hội nghị VP (cấp phó giám đốc) Jim Allhin thông báo cho tôi một tin rất sốc. Dựa trên ba nguyên tắc mới công bố, chúng ta phải lập lại kế hoạch cho công việc chúng ta đang triển khai. Tôi biết, mọi người sẽ rất khó chấp nhận tin này, nhưng nếu dựa trên kế hoạch cũ, chúng ta quả thật không thể cho ra mắt Vista. Vì vậy, lên kế hoạch mới và thực hiện lại từ đầu là lựa chọn khôn ngoan. Hy vọng mọi người có thể phấn chấn lên, đừng bị ảnh hưởng quá lớn.”
Theo kế hoạch mới, chúng tôi bắt đầu “thu dọn chiến trường”, xem cái gì nên vứt đi, cái gì nên giữ lại, điều không may là, khi chúng tôi bắt đầu lên lại kế hoạch thì phát hiện ra gần như tất cả mọi việc đều phải làm lại từ đầu. Hai năm rưỡi! Sự cắt bỏ và vứt đi không thương tiếc này khiến chúng tôi càng đau đớn. Bên cạnh đó, theo kế hoạch mới, tôi phát hiện ra việc chúng tôi có thể tạo ra những thứ có giá trị đối với người dùng hầu như rất ít. Điều đó làm chúng tôi thất vọng. Tuy vậy, cuối cùng, Khi Windows Vista ra mắt, trong mười tính năng lớn nhất có 2 tính năng do bộ phận chúng tôi phụ trách, chẳng qua là do phát huy từ 10% tiềm lực và ý tưởng sáng tạo ban đầu mà thôi.”
…
“Từ năm 1998 đến năm 2005, tôi đã phục vụ ở Microsoft được bảy năm, trong đó hai năm ở Bắc Kinh, năm năm ở tổng công ty. Không thể không nói rằng những ngày cuối cùng làm việc ở tổng công ty khiến tôi vô cùng đau khổ, cảm giác này rất nhiều người từng làm việc cho Microsoft đều từng đã trải qua. Trong một hệ thống khổng lồ, tiếng nói của tôi không thể phát ra được. Những suy nghĩ về phương án phát triển sản phẩm rất ít khi được tổng công ty lắng nghe. Tôi giống như linh kiện bé xíu trong cổ máy khổng lồ,….
“Liệu có cần phải ra đi?”
Tiếng nói “thế giới khác đi nhờ có tôi” đã bắt đầu tỉnh giấc. Âm thanh ấy cứ vang vọng mãi bên tai tôi.
“Làm cho ảnh hưởng của mình trở lên lớn nhất có thể”, “Làm một người ảnh hưởng đối với thế giới”, “Follow my hear” (đi theo trái tim mách bảo)… những suy nghĩ này cứ chập chờn trong đầu tôi. Lúc bấy giờ, tôi biết rõ câu trả lời là “YES!””
Nguồn: sách Thế giới khác đi nhờ có bạn
Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU