Tháng 9 có là khởi đầu cho chu kỳ mới của thị trường chứng khoán?
Thị trường chứng khoán Việt Nam – Theo BSC dự báo một số nhóm đang tăng trưởng khá tốt về kết quả kinh doanh không chỉ của năm nay và thậm chí là sang năm sau như ngành công nghệ thông tin, ngành ngân hàng, ngành bán lẻ, những ngành liên quan đến xuất nhập khẩu và đặc biệt là thủy sản, dệt may hay những ngành hỗ trợ cho nhóm xuất nhập khẩu, logistics, cảng biển, khu công nghiệp.
Thị trường chứng khoán đã có một tháng 8 giao dịch tương đối tích cực trong bối cảnh trùng với tháng “ngâu”. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8/2024, chỉ số VN-Index đạt hơn 1.283 điểm, tương ứng tăng được 2,59%. Bước sang tháng 9, thị trường chứng khoán đã có những phiên điều chỉnh, thanh khoản vẫn ở mức thấp, trong bối cảnh đang có nhiều thông tin được coi là thuận lợi và quan trọng cho thị trường.
Tại Talkshow Phố tài chính trên VTV8, PGS. TS Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp ,và Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) đã có những chia sẻ về triển vọng kinh tế cũng như thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm.
BTV Mùi Khánh Ly: Tháng “ngâu” đã qua đi nhưng thị trường vẫn đang thử thách sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư khi vẫn chưa bứt hẳn qua ngưỡng 1.300 điểm, theo ông vì sao?
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC)
Thông thường vào tháng 9 trong lịch sử giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam thường không có xu hướng gì quá đặc biệt. Một phần nguyên nhân có thể đến từ lý do mà người ta gọi là “vùng trũng thông tin”, là khoảng thời gian sau khi kết quả kinh doanh của quý II/2024, các chương trình liên quan đến đại hội cổ đông cũng như các kế hoạch trả cổ tức được đưa ra…và kết quả kinh doanh quý III chưa đến. Vậy nên như mọi năm, VN-Index có diễn biến đi ngang trong tháng 9. Quay trở lại những yếu tố khác liên quan đến vĩ mô, rất nhiều nhà đầu tư cũng đang để tâm tới các thông tin trên thị trường nước ngoài. Hai yếu tố mà nhà đầu tư đang bàn luận sôi nổi thứ nhất là liên quan đến diễn biến về chính sách tiền tệ của Fed, yếu tố này đang dần trở nên rõ ràng hơn và thị trường cho rằng ba đợt họp sắp tới đây vào tháng 9, tháng 10, tháng 12 đều sẽ có những đợt cắt giảm lãi suất, chỉ là chưa thống nhất về mức độ cắt giảm sẽ là bao nhiêu mà thôi. Gần như các tổ chức quốc tế đều đang dự báo rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra. Yếu tố thứ hai tôi nghĩ cũng rất quan trọng là trong thời gian gần đây, không ít người cho rằng những yếu tố liên quan đến kinh tế vĩ mô của Hoa Kỳ đang cho thấy sự suy yếu nhất định như những diễn biến về thị trường việc làm, diễn biến về nợ của người dân và diễn biến liên quan đến PMI, các chỉ số về lĩnh vực sản xuất ở khu vực đang suy giảm. Điều này kèm với việc FED đang tiến dần đến việc cắt giảm lãi suất, nhưng khả năng của suy thoái vẫn đang hiện hữu. Tuy nhiên, xác suất xảy ra suy thoái của các nhà kinh tế học đang đưa ra theo khảo sát của Bloomberg là khoảng 30%, mức này lại đang thấp hơn so với dự báo hồi đầu năm là khoảng 40%.
PGS. TS Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp
Mốc 1.300 điểm giống như một ngưỡng tâm lý đối với các nhà đầu tư trên thị trường. Nhà đầu tư có phần lạc quan nhưng cũng còn những yếu tố khiến họ lo ngại. Đặc biệt thời gian qua khi các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tục, lý do nhiều khi không phải từ nội tại của thị trường Việt Nam, mà là do họ cơ cấu lại danh mục. Ngoài ra, cũng có nhiều yếu tố mà khiến nhà đầu tư cũng phải cân nhắc trong thời điểm giữa tháng 9 này, nhất là ngày 17 – 18 sắp tới, Fed có một cuộc họp quyết định quan trọng về câu chuyện lãi suất, cùng với đó là bối cảnh về kinh tế khác, ví dụ như tình hình kinh tế của Trung Quốc. Ngoài ra, xét về hiệu suất đầu tư của chỉ số VN-Index so với từ đầu năm đến giờ cũng không có chênh lệch nhiều so với các thị trường khác, các chỉ số lớn của Mỹ như S&P 500 hay NASDAQ. Tuy nhiên, chính vì VN-Index chưa tăng được nhiều nên cũng sẽ là một yếu tố mang lại kỳ vọng cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
FED đã lên tiếng khẳng định đã đến lúc phải giảm lãi suất và dự kiến trong tháng 9 này sẽ có một đợt xem xét, theo ông điều này có khả thi không?
PGS. TS Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp
Theo giới quan sát quốc tế cũng như các nhà phân tích, khả năng FED giảm lãi suất trong lần họp tới này gần như chắc chắn. Vấn đề là sẽ giảm bao nhiêu? Hiện nay có hai khả năng giảm ở mức là 25 điểm và 50 điểm, khả năng sẽ giảm 25 điểm sẽ cao hơn. Bởi vì còn có những yếu tố cũng chưa thực sự rõ ràng để FED có thể ra những quyết định cắt giảm ở mức cao hơn. Một cái khó của kinh tế Mỹ lúc này là nền kinh tế nhiều gam màu trộn lẫn với nhau. Ví dụ chỉ số lạm phát ở Mỹ đã giảm, các ngân hàng trung ương khác cũng bắt đầu cắt giảm lãi suất. Nhưng các con số về việc làm của Mỹ thì ví dụ như tỉ lệ thất nghiệp đang giảm đi nhưng số người yêu cầu giải quyết trợ cấp thất nghiệp trong tháng 8 lại ít hơn kỳ vọng, nên câu chuyện về bức tranh thị trường lao động của Mỹ rất lạ, nhiều gam màu không rõ ràng, vừa có yếu tố tốt đan xen những yếu tố không tốt. Tôi nghĩ rằng là họ vẫn còn thăm dò trong đợt tháng 9 này và sau đấy có thể có quyết định tiếp theo ở tháng 12.
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC)
Nhiều nhà đầu tư sẽ theo dõi kỹ thị trường Hoa Kỳ, khi Fed thay đổi chính sách lãi suất, thông thường họ sẽ căn cứ trên một số những chỉ tiêu kinh tế quan trọng, cũng như một số công bố về thị trường lao động hay lạm phát. Các yếu tố gần đây như lạm phát đã tạo đỉnh cách đây khoảng gần 2 năm khoảng 9,1% và bây giờ gần như tiến sát đến mốc 2% theo mục tiêu dài hạn của Fed.
Thứ hai, nền kinh tế Mỹ vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối tốt so với kỳ vọng của các nhà kinh tế học cũng như thị trường chứng khoán. GDP của Mỹ vẫn đang được kỳ vọng tăng trưởng ở mức khoảng 3%, điều này cho thấy rằng động lực của họ trong việc cắt giảm lãi suất là hoàn toàn có. Tuy nhiên, FED cũng sẽ cân nhắc việc mức độ giảm bao nhiêu và giảm tốc độ như thế nào để phù hợp với tình hình kinh tế hiện tại. Còn theo như khảo sát mới nhất của các tổ chức quốc tế khi dự báo về mức độ cắt giảm lãi suất của Fed trong năm nay là ở mức độ từ 75 điểm cho đến 100 điểm cơ bản và sẽ chia cho ba đợt họp sắp tới của FED.
Sắp diễn ra kỳ đánh giá lại của FTSE Russell, theo ông lần này triển vọng nâng hạng của Việt Nam sẽ ra sao?
PGS. TS Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp
Việc thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng được nâng hạng bởi tổ chức FTSE, tôi nghĩ rằng khả năng sẽ cao hơn. Với FTSE, với những nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý cũng như thị trường Việt Nam. Ví dụ như thông tư mới với câu chuyện cung cấp thông tin bằng tiếng Anh, giải quyết được câu chuyện Prefunding…là những động thái tích cực hơn cho thị trường. Tôi rất lạc quan về câu chuyện tháng 9 này khi FTSE đánh giá lại các điều kiện của Việt Nam và có thể ích cực ủng hộ Việt Nam trong đợt xếp hạng vào tháng 9/2025.
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC)
Chúng ta đều biết rằng, FTSE Russell là một trong số ba tổ chức định hạng tín nhiệm thị trường lớn nhất toàn cầu và trong đó, hằng năm vào tháng 3 và tháng 9, họ đều đưa ra những mức độ công bố về phân loại các thị trường. Đặc biệt năm nay có một điểm rất khác với mọi năm, họ vừa có thông báo sẽ đưa thông tin định kỳ này vào đầu tháng 10, tức là sẽ chậm hơn so với thường lệ khoảng hai tuần. Điều này tôi nghĩ là một điểm tương đối thuận lợi cho Việt Nam, bởi chúng ta đang có cơ hội khá tốt khi có dự thảo của bốn thông tư, trong đó có hai điểm rất quan trọng liên quan đến những chính sách Prefunding cho nhà đầu tư nước ngoài. Và thứ hai là liên quan đến việc công bố thông tin song ngữ và sẽ công bằng hơn với nhà đầu tư nước ngoài khi họ được tiếp cận những thông tin như vậy bằng ngôn ngữ tiếng Anh và hai thông tư này cũng đang được kỳ vọng sẽ được thông qua trong thời gian sắp tới đây.
Với những phân tích ở trên theo ông, tháng 9 này có thể khởi đầu cho một chu kỳ mới ấn tượng hơn của thị trường chứng khoán hay không?
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC)
Trong suốt 7 tháng vừa rồi thị trường gần như chỉ đi trong vùng từ 1.200 – 1.300 và (+- 50 điểm) lên và xuống trong suốt khoảng thời gian đó, thanh khoản có suy giảm và gần như là thị trường đang đi ngang và tích lũy trong một biên độ 100 điểm kéo dài trong suốt thời gian vừa qua và điều này một phần đến từ các nguyên nhân. Thứ nhất, về mặt thị trường chúng ta thấy rằng nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng với một khối lượng lớn chưa từng có, xấp xỉ 2,2 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại. Thứ hai, nhìn sang thị trường quốc tế, thị trường chứng khoán của các quốc gia phát triển, đặc biệt dẫn đầu là Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Hàn Quốc đều có mức độ tăng trưởng rất nhanh. Do vậy, dòng tiền chuyển sang những quốc gia lớn này để đầu tư cũng là xu hướng chung trong suốt nhiều tháng vừa qua. Và để đảo ngược xu hướng này, không thể diễn ra trong một sớm, một chiều và ngay kể cả khi Fed cắt giảm lãi suất, lúc đấy cũng chỉ là một tín hiệu đầu tiên. Tuy nhiên, chúng tôi cũng theo dõi những phiên gần đây, diễn biến bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài ở các thị trường Châu Á nói chung cũng như Việt Nam nói riêng đang có sự suy giảm và một số thị trường thì bắt đầu chuyển sang mua ròng, đặc biệt là trong tuần đầu tháng 9 vừa qua.
PGS. TS Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp
Với thị trường thế giới vẫn luôn vẫn có hai nhóm rất rõ. Một nhóm lạc quan và một nhóm dè chừng với diễn biến của thị trường. Nhóm dè chừng thì họ lo ngại rằng nền kinh tế, đặc biệt thị trường chứng khoán của Mỹ quá nóng và quá tập trung vào trong một số nhóm doanh nghiệp có vốn hóa lớn. Và họ cũng lo ngại rằng vẫn còn khả năng kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh cứng. Trong khi đó, nhóm lạc quan thấy rằng nền kinh tế Mỹ nội tại vẫn mạnh. Nguồn lực kinh tế và các điều kiện kinh tế của thị trường Mỹ vẫn còn rất khỏe để hỗ trợ cho câu chuyện tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Từ đầu năm đến giờ, thị trường chứng khoán Mỹ cũng chỉ tăng ở mức khoảng 15% – 16%, so với lịch sử có những năm thị trường chứng khoán Mỹ tăng 20% – 30% là câu chuyện đã từng xảy ra, nên khả năng tăng vẫn có thể tiếp tục. Và người ta cũng kỳ vọng rất nhiều vào trong đợt bầu cử Mỹ sắp tới. Lịch sử cho thấy những năm trước bầu cử và một năm sau bầu cử thường là kinh tế sẽ khởi sắc.
Còn tại Việt Nam cũng đang có nhiều yếu tố thuận lợi, đặc biệt là xu hướng giảm lãi suất của Mỹ cũng như là các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, sức ép của USD cũng giảm đáng kể. Câu chuyện về tỷ giá không phải là lo ngại lớn nay đến cuối năm. Trong khi đó, câu chuyện thu hút vốn FDI, xuất khẩu, thặng dư xuất khẩu cũng có yếu tố tích cực. Và đặc biệt, tháng 9 năm nay lại có một quyết định quan trọng của FED, nên tôi nghĩ rằng những nhà đầu tư sẽ cân nhắc và thận trọng chờ các quyết định này.
Nhà đầu tư nên làm thế nào vào giai đoạn này khi thị trường vẫn đang kỳ vọng bứt phá với những thông tin đang được chờ đợi ở phía trước?
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC)
Trong những giai đoạn chuyển giao, thông thường về nguyên tắc, nhà đầu tư cũng không nên quá vội vã, vì khi thanh khoản thấp và đồng thời các thông tin liên quan đến thị trường không có thông tin thay đổi đột biến, nhà đầu tư nên duy trì một tâm thế cẩn trọng và bình tĩnh và theo dõi thị trường. Đồng thời theo dõi những diễn biến liên quan đến vĩ mô nếu vẫn vẫn theo hướng tích cực, chúng ta có sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục tích lũy cổ phiếu. Đồng thời, chúng ta cũng không nên duy trì tỉ lệ đòn bẩy quá cao trong giai đoạn hiện tại. Khi thị trường có những dấu hiệu khả quan trở lại chúng ta còn có sức mua để mua vào thời điểm đó.
Đối với cả những nhóm ngành, chúng ta cũng lưu ý khi thị trường đang tích lũy đi ngang, nhà đầu tư nên quan tâm nhiều hơn đến việc lựa chọn những nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng và có room tăng trưởng trong năm 2025 chứ không chỉ năm 2024.
Theo BSC dự báo một số nhóm đang tăng trưởng khá tốt về kết quả kinh doanh không chỉ của năm nay và thậm chí là sang năm sau như ngành công nghệ thông tin, ngành ngân hàng, ngành bán lẻ, những ngành liên quan đến xuất nhập khẩu và đặc biệt là thủy sản, dệt may hay là những ngành hỗ trợ cho nhóm xuất nhập khẩu, như logistics, cảng biển hay khu công nghiệp. Chúng tôi thấy những nhóm này đều đang có những chuyển biến tương đối tốt về mặt triển vọng kinh doanh cũng như là định giá còn ở mức phù hợp so với triển vọng đầu tư dài hạn. Nhà đầu tư có thể cân nhắc những mã top 3 trở lên trong những nhóm ngành này. Riêng với ngành chứng khoán thì sẽ luôn gắn với sự phát triển của thị trường, khi thị trường có xu hướng rõ ràng cũng như thanh khoản cao, thường là những doanh nghiệp chứng khoán sẽ được hưởng lợi và đặc biệt là những cổ phiếu đầu ngành hay những cổ phiếu có mức độ thanh khoản cao cũng sẽ được ưu tiên trong giai đoạn đó.
PGS. TS Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp
Nếu nói về tháng 9, quan điểm cá nhân tôi là nhà đầu tư nên chờ một chút. Vì có nhiều yếu tố bất định vào tháng 9, thị trường có biên độ dao động cao, có thể ngày hôm nay thị trường giảm 2% và ngày hôm sau lại tăng 2%, 2,5%…Trong một tuần, mình thấy không thay đổi, nhưng trong trong từng ngày lại lên xuống liên tục. Tôi nghĩ rằng với những nhà đầu tư thận trọng, giai đoạn này nên ưu tiên yếu tố phòng thủ nhiều hơn, chờ các tín hiệu rõ ràng hơn sau cuộc họp của FED sắp tới trong tháng 9. Còn đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp, khi thị trường có những biến động lớn thường là những cơ hội rất lớn cho họ. Đối với những nhà đầu tư không có đủ các điều kiện như những nhà đầu tư chuyên nghiệp nên thận trọng hơn trong tháng 9 này. Về nhóm ngành, những lĩnh vực mà tôi nghĩ vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng đó chính là ngân hàng, tài chính, chứng khoán và nhóm bán lẻ.
Happy Live team tổng hợp/Cafef
Dành cho nhà đầu tư thích đi theo xu hướng của thị trường để tận dụng cơ hội kiếm tiền