fbpx

Warren Buffett “thắng đậm” với cổ phiếu Ben Graham không khuyến khích mua (phần 2)

Công ty GEICO của Ben Graham là gì? Warren tò mò. Vì thế, vào một sáng thứ Bảy mùa đông lạnh giá , cậu nhảy chuyến xe lửa đầu tiên trong ngày đi Washington, D.C., và xuất hiện trước cửa GEICO.

GEICO

Không có ai ở đó ngoài một người gác cổng. Sau này khi nhớ lại, Warren đã hỏi một cách khiêm tốn nhất trong khả năng của mình rằng có ai có thể giải thích cho cậu đôi điều về GEICO hay không. Cậu nói thêm rằng mình là một sinh viên của Ben Graham.

Người gác cổng lập tức phóng lên tầng trên, nơi Lorimer Davidson, phó giám đốc phụ trách tài chính của GEICO, đang ngồi làm việc. Trước yêu cầu của Warren, Davidson thầm nói với mình: “À, nếu là học trò của Ben, mình sẽ cho cậu ấy 5 phút, rồi cảm ơn vì cậu ấy đã ghé thăm và lịch sự tìm cách mời cậu ấy ra về.” Với ý nghĩ như thế, Lorimer bảo người gác cổng cho Warren vào.

Warren tự giới thiệu một cách rành rọt với Davidson bằng tất cả sự chân thành pha chút tâng bốc: “Tôi là Warren Buffett, sinh viên Columbia. Ben Graham sẽ là, có lẽ thế, giáo sư của tôi. Tôi đã đọc sách của ông ấy và nghĩ rằng ông ấy quá tuyệt vời. Tôi cũng được biết ông ấy là chủ tịch của Công ty Bảo hiểm Công chức. Tôi không biết gì hơn, nhưng tôi muốn đến đây để học hỏi một vài điều.”

“Được khai sáng” với tiềm năng ngành bảo hiểm ô tô

Davidson giới thiệu với Warren về ngành kinh doanh bảo hiểm xe hơi mà trong lòng nghĩ rằng mình chỉ có thể dành vài phút quý báu cho cậu. Nhưng rồi, như sau này ông nhớ lại: “Sau 10 hay 12 phút trả lời các câu hỏi của cậu ấy, tôi nhận ra rằng tôi đang nói chuyện với với một chàng trai hết sức đặc biệt. Những câu hỏi cậu ấy đặt ra cho tôi là những câu mà chỉ các chuyên gia phân tích bảo hiểm chứng khoán dày dạn kinh nghiệm mới có thể nghĩ ra. Việc cậu ấy theo dõi các câu trả lời cũng rất chuyên nghiệp. Cậu ấy ít tuổi, và trông còn rất trẻ con. Cậu ấy bảo mình là sinh viên, nhưng cậu ấy ăn nói như một người trong nghề đã nhiều năm và biết rất nhiều thứ.

Khi suy nghĩ của tôi về cậu ấy thay đổi, tôi bắt đầu hỏi lại anh ta. Và, tôi mới biết rằng anh ta đã là một doanh nhân từ năm 16 tuổi. Rằng anh ta đóng thuế thu nhập cá nhân hằng năm kể từ khi 14 tuổi. Rằng anh ta từng sở hữu một vài doanh nghiệp nhỏ.”

Lorimer Davidson
Lorimer Davidson rất bất ngờ trước sự kiến thức và kinh nghiệm của Warren Buffett

Lorimer Davidson đã xuất sắc đạt được đỉnh cao nghề nghiệp của mình và khó ai có thể tạo ấn tượng với ông ấy. “Davy”, một cái tên được nhiều người biết đến, từng là một sinh viên tầm thường, nhưng ông nói: “Gần như từ năm mười tuổi, tôi đã biết rõ mình muốn gì trong đời. Tôi muốn mình giống hệt như cha tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ về một ngành nghề nào khác [ngoài việc trở thành một nhà kinh doanh chứng khoán].” Ông xem Wall Street là thánh địa Mecca của mình, “một nơi linh thiêng tối thượng.”

Năm 1924, Davidson kiếm được 1.800 đô la tiền hoa hồng trong tuần lễ đầu tiên hành nghề mua bán trái phiếu. Theo thời gian, ông bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán bằng các khoản tiền vay mượn. Ông mua bán cổ phiếu “Radio”, tức Công ty Truyền thanh Hoa Kỳ, (RCA – Radio Corporation of America). Tháng 7 năm 1929, ông bắt đầu mua bán “shorting” cổ phiếu “Radio”, vốn đang được giao dịch trên thị trường với một mức giá cao phi lý, nhưng ông dự đoán rằng nó sẽ giảm mạnh trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, mức giá phi lý đó thậm chí còn phi lý hơn nữa khi nó lên đến 150 điểm, và Davidson mất tất cả. Sau đó, khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào tháng 10 năm 1929, ông buộc phải tạm quên người vợ đang mang thai và sự trắng tay vừa đến để tìm đường thoát khỏi cơn “địa chấn” mà các khách hàng của ông đang đối mặt. Ông và các cộng sự của mình làm việc đến 5 giờ sáng để vay nợ. Hầu như không có một ngoại lệ nào, họ rất khó kinh doanh bằng số tiền vay mượn.

Tuy nhiên, mức giá phi lý đó thậm chí còn phi lý hơn nữa khi nó lên đến 150 điểm, và Davidson mất tất cả.
Tuy nhiên, mức giá phi lý đó thậm chí còn phi lý hơn nữa khi nó lên đến 150 điểm, và Davidson mất tất cả.

Nhờ công việc mua bán trái phiếu mà có một lần Davy ghé vào văn phòng của Công ty Bảo hiểm Công chức GEICO, nơi ông biết được cách làm việc của họ và hoàn toàn bị hấp dẫn.

GEICO tìm cách hạ phí bảo hiểm xe hơi bằng cách thực hiện một chiến dịch marketing và bán bảo hiểm qua đường bưu điện mà không cần một nhân viên đại lý nào. Đó là một ý tưởng đột phá vào thời điểm đó. Tuy nhiên, để biến ý tưởng này thành hiện thực, GEICO cần đặt ra một vài điều khoản cho phép họ tránh những gã lái xe quá tốc độ cho phép 50km/h vào lúc 3 giờ sáng sau khi nốc nửa chai tequila. Lấy ý tưởng từ một công ty tên là USAA vốn chỉ bán hàng cho các sĩ quan quân đội, hai nhà sáng lập của GEICO, Leo Goodwin và Cleves Rhea đã quyết định chỉ bán bảo hiểm cho các viên chức nhà nước. Bởi vì, cũng như các sĩ quan quân đội, họ là những người có trách nhiệm và có ý thức chấp hành luật pháp cao, hơn nữa, họ chiếm số lượng rất đông. Thế là, Công ty Bảo hiểm Công chức GEICO ra đời.

Về sau, gia đình Rhea đã thuê Davidson bán cổ phiếu cho họ vì họ đặt trụ sở ở Texas và không muốn đi lại nhiều. Trong khi gom nhiều khách hàng lại với nhau thành một nhóm, Davidson gặp Graham-Newman ở New York. Ben Graham rất thích nhưng cuối cùng lại chiều theo ý muốn của đối tác thô lỗ của mình, Jerry Newman. “Jerry bảo rằng việc mua một thứ gì đó theo giá cho không là bất hợp pháp. Ông ấy nói: “Tôi chưa bao giờ mua bất cứ thứ gì với giá vừa mua vừa biếu, và tôi cũng không muốn làm điều đó lúc này.”” Davidson kể lại.

Họ giằng co với nhau và cuối cùng Davidson cũng thuyết phục được Jerry Newman đầu tư một triệu đô la để sở hữu 55% GEICO.

Graham và Newman
Graham và Newman

Ben Graham trở thành Chủ tịch của GEICO và Newman trở thành thành viên hội đồng quản trị. Khoảng nửa năm sau, Lorimer Davidson nói với CEO Leo Goodwin của GEICO rằng ông muốn làm công ăn lương cho GEICO, phụ trách các hoạt động đầu tư. Goodwin hỏi ý kiến Graham và họ đồng ý nhận Lorimer.

Nghe câu chuyện của Davidson, Warren rất phấn khích. “Tôi liên tục đặt câu hỏi về hoạt động bảo hiểm và GEICO. Ông ấy không đi ăn trưa ngày hôm đó – Ông ấy nói chuyện với tôi trong 4 giờ liền như thể tôi là người quan trọng nhất hành tinh này vậy. Khi ông ấy mở cửa đón tôi vào cũng chính là lúc ông ấy đưa tôi bước qua ngưỡng cửa của ngành bảo hiểm.”

Nghiên cứu trong phút chốc

Lúc bấy giờ, cánh cửa dẫn vào thế giới bảo hiểm là cánh cửa mà hầu hết mọi người đều cương quyết giữ chặt không cho ai vào. Nhưng bảo hiểm đang được giảng dạy trong các trường kinh doanh và Warren đã học qua môn này tại Penn, và có một khía cạnh bên trong nó hơi giống trò cá cược. Điều này kích thích máu môi giới cá cược trong cậu. Cậu từng rất quan tâm đến một trò đóng góp tiền kiểu bảo hiểm là “chơi hụi” trong đó, mọi người hùn vốn với nhau lập thành một quỹ và lần lượt “hốt hụi”, người “hốt hụi chót” sẽ được hưởng toàn bộ số tiền các hụi viên đóng góp ban đầu. Ngày nay, các hình thức hụi hè đều bị cấm tại Mỹ.

Thậm chí Warren còn xem khoa học thống kê bảo hiểm – hay toán bảo hiểm – là một nghề nghiệp. Cậu sẵn sàng bỏ ra hàng thập kỷ cặm cụi nghiên cứu các biểu bảng thống kê tử suất hay tuổi thọ của những người khuyết tật. Những việc như thế phù hợp với tính cách của cậu, một người có khuynh hướng chuyên sâu tất cả mọi thứ cùng khả năng nhớ kỳ lạ; một nhà sưu tầm và một chuyên gia xử lý các con số; ngoài ra, cậu còn là một người yêu thích sự đơn độc. Khi là một người thống kê tuổi thọ, cậu hầu như dành hết thời gian của mình để suy nghĩ về một trong hai mối quan tâm hàng đầu của mình: tuổi thọ con người.

 Cậu sẵn sàng bỏ ra hàng thập kỷ cặm cụi nghiên cứu các biểu bảng thống kê tử suất hay tuổi thọ của những người khuyết tật.
Cậu sẵn sàng bỏ ra hàng thập kỷ cặm cụi nghiên cứu các biểu bảng thống kê tử suất hay tuổi thọ của những người khuyết tật.

Tuy nhiên, mối quan tâm thứ hai của cậu, tích cóp tiền bạc, tỏ ra nổi trội hơn. Warren bắt đầu vật lộn với các khái niệm cơ bản trong kinh doanh: Các công ty làm ra tiền như thế nào? Một công ty giống như một con người. Nó phải bước ra ngoài để kiếm tiền nuôi sống nhân viên và các cổ đông của nó.

Cậu hiểu được rằng GEICO bán bảo hiểm với mức phí thấp nhất, vì vậy cách duy nhất để họ có lợi nhuận là tối thiểu hóa chi phí. Cậu cũng biết rằng các công ty kinh doanh bảo hiểm dùng tiền đóng bảo hiểm của khách hàng để đầu tư và xoay vòng vốn rất nhiều lần trước khi thanh toán các quyền lợi cho họ. Việc các công ty bảo hiểm gần như sử dụng tiền của người khác mà không phải trả lãi là một khái niệm làm cậu rất thú vị.

Quyết định đầu tư

GEICO đối với Warren dường như là một quan hệ không-có-gì-để-mất. Sáng thứ Hai ngay sau đó, chưa đầy 48 giờ sau khi trở lại New York, Warren bán nhanh ¾ số cổ phiếu trong danh mục đầu tư của mình và mua 350 cổ phiếu của GEICO. Đó là một bước đi khó hiểu đối với một Warren trẻ tuổi có tính cẩn trọng cao.

Nghi ngại đó hoàn toàn đúng bởi vì theo thời giá, GEICO không phải là công ty mà Ben Graham đồng ý cho đầu tư vào, mặc dù Graham-Newman vừa mới trở thành cổ đông lớn nhất của họ. Graham chỉ thích mua các cổ phiếu đang được giao dịch dưới giá trị tài sản ròng của chúng, và không bao giờ tập trung vào chỉ một vài loại cổ phiếu.

Việc mua cổ phiếu GEICO là một bước đi khó hiểu của Warren Buffett
Việc mua cổ phiếu GEICO là một bước đi khó hiểu của Warren Buffett

Nhưng Warren ngạc nhiên vì những điều cậu nghe thấy từ Lorimer Davidson. GEICO đang phát triển nhanh đến mức cậu tự tin tiên đoán được mức tăng giá của nó trong vòng một vài năm tới. Xét trên quan điểm đó thì giá cổ phiếu này hiện đang rất rẻ. Cậu viết một phân tích gởi cho công ty môi giới chứng khoán của cha cậu nói rằng cổ phiếu của GEICO đang được giao dịch ở mức 42 đô la, tức gấp khoảng 8 lần cổ tức thu được trên mỗi cổ phiếu ở thời điểm hiện tại. Còn các công ty bảo hiểm khác đang bán cổ phiếu của mình với giá cao hơn rất nhiều so với thu nhập do chúng mang lại. Tuy nhiên, GEICO chỉ là một công ty nhỏ trong một ngành kinh doanh lớn, nơi có các “đại gia” mà “khả năng phát triển của các “đại gia” không còn nữa.” Sau đó Warren đặt ra một kế hoạch thận trọng tính toán giá trị của công ty trong vòng 5 năm kế tiếp. Cậu cho rằng cổ phiếu của họ sẽ tăng đến mức 80 – 90 đô la.

Một phân tích gần như trái ngược với quan điểm của Graham khó có ai dám nghĩ tới. Kinh nghiệm của Graham về nền kinh tế bong bóng và cuộc Đại Khủng hoảng làm ông nghi ngờ mọi kế hoạch thu lợi nhuận, nghi ngờ đến mức trong khi ông giảng dạy về phương pháp định giá, ông không bao giờ tự mình lấy đó làm ví dụ. Nhưng Warren đã quyết định đặt cược ¾ số tiền ky cóp được sau nhiều năm của mình vào các con số mà cậu đã tính toán ra.

Vào tháng Tư, cậu viết thư cho Geyer & Co., Blythe & Co., là hai trong số các công ty môi giới chứng khoán nổi bật nhất trong lĩnh vực kinh doanh cổ phiếu của các công ty bảo hiểm để hỏi về các nghiên cứu của họ. Sau đó cậu đến gặp họ và nói chuyện về GEICO. Sau khi nắm được quan điểm của họ, cậu mới trình bày và giải thích ý kiến của mình. Họ bảo rằng cậu là đồ dở hơi.

Họ nói, GEICO không thể thành công hơn các công ty bảo hiểm lớn có sử dụng nhân viên đại lý. Đó chỉ là một công ty nhỏ có thị phần chưa đầy 1%. Những hãng bảo hiểm lớn với hàng ngàn đại lý đang làm chủ ngành này, vì thế điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, vào tháng Sáu, GEICO bỗng lớn nhanh như một cây bồ công anh và bắt đầu “in” tiền một cách ào ạt như thể họ là Sở Đúc tiền Hoa Kỳ vậy.

tốc độ tăng trưởng GEICO

Warren không tài nào hiểu được vì sao họ lại không nhìn thấy một sự việc rõ như ban ngày như thế.

Xem lại phần 1: Warren Buffett: Tôi mua cổ phiếu vì Ben Graham cũng mua nó!

Theo sách Hoàn tuyết lăn 

Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town

(đầu tư theo phong cách Warren Buffett, Charlie Munger)

sach-Payback-Time-ngay-doi-no-phil-town

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề