Thành công của Mark Zuckerberg “sa thải càng nhiều, cổ phiếu càng tăng” – Công thức đang được nhân bản tại các doanh nghiệp?
Việc Meta hay Salesforce tăng trưởng tốt sau khi sa thải hàng loạt đang trở thành bài học khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp ở khắp mọi ngành noi theo trong năm 2024.
Hãng tin CNBC cho hay thị trường chứng khoán công nghệ đang bùng nổ chưa từng thấy nhưng người lao động trong ngành thì lại đang lao đao vì hàng loạt đợt sa thải trong bối cảnh cổ đông chỉ quan tâm đến lợi nhuận.
Chỉ số S&P 500 của Mỹ đang ở mức cao nhất trong lịch sử còn chỉ số Nasdaq của ngành công nghệ cũng cao nhất 2 năm qua. Cổ phiếu của hàng loạt Big Tech như Alphabet (Google) hay Meta (Facebook) hay Microsoft đều tăng mạnh.
Thậm chí tổng vốn hóa của Microsoft đã vượt ngưỡng 3 nghìn tỷ USD sau khi công ty sa thải 10.000 lao động trong năm 2023.
Điều trớ trêu hơn là bài học Meta hay Salesforce vẫn tăng trưởng tốt khi sa thải nhân viên để đổ tiền cho trí thông minh nhân tạo (AI) càng khiến nhiều hãng học tập.
Hãng Salesforce đã cắt giảm 10% nhân sự vào tháng 1/2023 để rồi cổ phiếu tăng gần gấp đôi vào cuối năm, tương đương mức tăng trưởng tốt nhất kể từ năm 2009.
Tương tự, cổ phiếu của Meta (Facebook) đã lên mức cao nhất kể từ khi lên sàn Nasdaq vào năm 2012 đến nay nhờ chiến lược sa thải hàng loạt của Mark Zuckerberg.
“Meta và Salesforce là những minh chứng tạo động lực cho các doanh nghiệp sa thải lao động. Ngay khi chứng kiến thành công của các tập đoàn trên, nhiều doanh nghiệp sẽ tích cực cắt giảm nhân sự hơn”, CEO Nigel Vaz của hãng tư vấn Publicis Sapient cảnh báo.
Kẻ khóc người cười
Theo CNBC, trong khi cổ đông ngành công nghệ ăn mừng vì giá cổ phiếu tăng thì 23.670 lao động trong ngành đã bị sa thải bởi 85 doanh nghiệp riêng trong tháng 1/2024. Đây là con số nhiều nhất kể từ tháng 3/2023 khi 38.000 người bị mất việc.
Trong thời gian gần đây, hàng loạt thông tin cắt giảm nhân sự xuất hiện. Hãng SAP tuyên bố đuổi việc 8.000 lao động còn Microsoft sa thải 1.900 người. Phía Brex cho hay sẽ cắt giảm 20% lao động còn eBay thì cho biết sẽ đuổi việc 9% nhân sự.
“Chúng tôi cần tái cơ cấu để tinh gọn hơn nhằm ra quyết định nhanh hơn”, CEO Jamie Iannone của eBay thừa nhận.
Tương tự, Google cũng khẳng định sẽ cắt giảm hàng trăm lao động còn Amazon cho biết sẽ sa thải vài trăm nhân viên ở khắp các bộ phận.
Thương hiệu Unity cho hay sẽ cắt giảm 25% nhân viên còn Discord tuyên bố sẽ sa thải 17% lao động.
Hàng loạt những cái tên như Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft được cho là cũng sẽ có bước đi tương tự khi phải báo cáo kết quả kinh doanh trước cổ đông.
Động thái trên được cho là dễ hiểu khi các cổ đông ủng hộ việc doanh nghiệp sa thải lao động nhằm tiết kiệm chi phí trong bối cảnh lạm phát cùng lãi suất ở mức cao, nỗi lo về khủng hoảng cùng rủi ro sụp đổ thị trường.
Hãng tin CNBC cho hay ngay cả khi nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu sáng sủa hơn thì nỗi lo này của nhà đầu tư và cổ đông vẫn không chấm dứt, dẫn đến đà sa thải hàng loạt tiếp tục trong năm 2024.
Theo CNBC, số lao động công nghệ bị sa thải lên cao nhất là vào tháng 1/2023 khi 277 doanh nghiệp trong ngành cắt giảm gần 90.000 nhân sự. Đà sa thải hàng loạt này tiếp diễn cho đến tận tháng 9/2023 trước khi có một số dấu hiệu giảm nhiệt.
Thế nhưng bước sang đầu năm mới, tốc độ sa thải lao động lại tăng lên trong mùa báo cáo tài chính đầu năm.
Suy cho cùng, bài học Meta của Mark Zuckerberg tăng trưởng 200% giá cổ phiếu trong năm 2023 khi đuổi việc 20.000 lao động đã cho thấy các công ty sẽ được lợi gì khi chiều lòng cổ đông.
Tồi tệ hơn, sự trỗi dậy của AI càng khiến việc tái cơ cấu lao động trở thành điều cấp thiết cho những doanh nghiệp muốn tiết kiệm chi phí.
AI cướp việc của con người
Việc các tập đoàn công nghệ sa thải lao động để tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đổ hàng tỷ USD phát triển AI đang khiến nỗi lo robot cướp việc con người ngày một tăng.
Trong khi một số doanh nghiệp thẳng thắn thừa nhận sa thải lao động để thay thế bằng AI như Unity hay Duolingo thì đa phần các tập đoàn lớn đều viện dẫn các lý do khác nhau nhằm bảo vệ hình ảnh cũng như tránh lâm vào những vụ kiện tốn kém.
Giám đốc điều hành Phil Spencer của Microsoft Gaming cho hay việc sa thải 1.900 người nằm trong kế hoạch tổng thể lớn hơn nhằm cắt giảm các lĩnh vực chồng chéo sau khi mua lại Activision Blizzard.
Phía SAP thì cho hay họ đuổi việc nhân viên là để “tập trung hơn cho các lĩnh vực tăng trưởng chiến lược quan trọng”.
CEO Sundar Pichai của Google thì thừa nhận họ “phải đưa ra những quyết định khó khăn” để theo đuổi các mục tiêu đầy tham vọng.
Giám đốc Bob Carrigan của bộ phận Audible thuộc Amazon thì cho biết việc “tinh gọn bộ máy” là điều cần thiết để công ty vận hành trong tương lai gần.
Rất rõ ràng, thành công của Mark Zuckerberg với Meta khi sa thải hàng loạt để đổ tiền cho AI đã khiến nhiều doanh nghiệp bắt đầu mạnh tay cắt giảm nhân sự hơn.
Lan rộng
Điều trớ trêu là xu thế sa thải hàng loạt này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu khởi sắc. Nói đơn giản là nỗi lo suy thoái của nhà đầu tư đã không thành hiện thực, nhưng các doanh nghiệp thì vẫn cứ đuổi việc để chiều lòng cổ đông.
Bộ thương mại Mỹ cho biết kinh tế đang tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý IV/2023 còn lạm phát đã hạ nhiệt.
Tổng GDP của Mỹ đã tăng 3,3% trong quý IV so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự đoán 2% của Phố Wall.
Chỉ số giá tiêu dùng cũng chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với 5,9% cách đây 1 năm. Lạm phát đã suy giảm từ mức đỉnh giữa năm 2022.
Lãi suất cũng đang được kỳ vọng hạ nhiệt sau 2 năm chống lạm phát của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Thế nhưng như vậy vẫn chưa làm cổ đông bớt lo lắng và hậu quả là doanh nghiệp vẫn phải cắt giảm nhân sự để chiều lòng nhà đầu tư.
Thậm chí theo CNBC, đà sa thải trong ngành công nghệ đang lan rộng ra nhiều mảng khác khi các doanh nghiệp chứng kiến sự thành công của Meta cũng như sự hài lòng của cổ đông.
Mới đây, tập đoàn tài chính Citigroup đã tuyên bố cắt giảm 10% lao động trong khi thương hiệu thời trang Levi Strauss cũng sa thải với tỷ lệ tương tự.
Hãng phim Paramount thì cho biết sẽ sa thải hàng loạt để tinh gọn bộ máy và tiết kiệm chi phí.
Hàng loạt các công ty lớn nhỏ ở khắp các ngành nghề đều đang chứng kiến đà đuổi việc khi các Big Tech công nghệ cho thấy họ đạt hiệu quả thế nào khi tinh gọn bộ máy.
“Người lao động, nhất là những trường hợp làm thời vụ, freelancer hay lao động nhập cư là các đối tượng chịu tổn thương nặng nề nhất”, giám đốc nghiên cứu Tim Herbert của CompTIA nhận định.
Hoai An Le (Theo An ninh tiền tệ)