Thành đạt thì đã sao, khi chúng ta không còn nhà để về?
Khi còn trẻ, chúng ta đều mải mê làm giàu, vật lộn kiếm kế sinh nhai, gây dựng sự nghiệp. Đến khi quay đầu nhìn lại, đã không còn bóng dáng người yêu thương ta nhất trần đời.
Có nhiều người, ước mong cả đời của họ là xây được một ngôi nhà thật to, thật đẹp. Thậm chí có người còn vay nợ để mua nhà rồi ráng kiếm tiền trả nợ dần. Nhưng mà, ngôi nhà ấy có thực sự là “nhà”, là nơi chúng ta trở về bình yên sau những ngày dài mệt mỏi, là nơi có bàn tay ấm áp luôn sẵn sàng giang rộng để ôm ta vào lòng, che chở mọi bão giông.
Có người may mắn hơn, công danh thành đạt, ở tuổi trung niên đã có thể mua nhà, tậu xe, sở hữu biệt thự, căn hộ từ to đến nhỏ khắp thành phố. Nhưng mà, đến cuối cùng, một tổ ấm thực sự cũng trở nên xa xỉ lạ lùng.
Cứ bận rộn lo toan sự nghiệp hoài, không còn thời gian quan tâm đến người thân, đến khi công thành danh toại, mới nhận ra, vô tâm với cha mẹ mới là điều nặng lòng nhất của mọi đứa con. Có khi, chưa kịp nói ba tiếng “Con xin lỗi” thì cha mẹ đã mãi mãi ra đi.
Nuôi dạy con nên người mà không cần báo đáp
Khi con còn bé thơ, cha mẹ hết mực chở che, chăm sóc. Cha mẹ nhọc lòng lo cho con đến trường để bằng bạn bằng bè. Rồi con lớn lên, bộn bề vất vả lo toan sự nghiệp, con rong ruổi khắp nơi mà chẳng về nhà, tết cũng chẳng thấy mặt mũi đâu. Lúc nào cũng khiến hai thân già ngày đêm trông ngóng.
Khi con có được chút thành tựu cũng là lúc cha mẹ đã sương pha mái đầu, những ngày lành còn chưa kịp hưởng đã phải ra đi. Lúc này, con có muốn thế nào cũng chẳng còn nhà mà về nữa. Đây là đứa con bất hiếu của cha mẹ.
Gặp nhau rồi ly biệt mãi mãi
Khi con chào đời, khoảnh khắc cắt đứt cuống rốn máu thịt cho con chính là giây phút thiêng liêng nhất của sinh mệnh. Khi mẹ con âm dương cách biệt, khoảnh khắc cuống rốn tình cảm đứt lìa lại là giây phút bi ai nhất trong cuộc đời.
Đến khi cha mẹ mất rồi mới biết, con lạc lõng như kẻ không nhà để về. Đã không còn ai gọi con bằng những cái tên thuở nhỏ, không còn ai mắng con ham chơi, nghịch dại, không còn ai hối thúc về nhà nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ… Chẳng còn gì ngoài sự trống rỗng và cô đơn…
Ngày còn cha mẹ, quê hương là nhà con. Khi cha mẹ đi rồi, quê hương chỉ còn là cố hương để con nhớ tới. Nhớ ngày càng nhiều, nhưng trở về lại ngày càng ít…
Những đứa trẻ ham hư vinh
Nhớ ngày con còn bé xíu, cha mẹ chính là điểm tựa vững vàng nhất của con. Cha mẹ dạy con tập đứng, tập đi. Cha mẹ dạy con cất bước chạy, dìu con đi vững trên chiếc xe đạp. Nhưng mà, chúng con là những đứa trẻ ham hư vinh: vì gia đình không giàu có nên con chưa từng tự hào vì cha mẹ, vì cha mẹ không thành đạt nên con chưa từng vinh quang khi được làm con của cha mẹ.
Để rồi, khi đi qua cái si ngốc của tuổi trẻ, con mới nhận ra rằng, bờ vai của cha mẹ chính là chỗ dựa vững chắc nhất cho con trưởng thành từng chút một. Sự tận tâm của cha mẹ là điểm tựa kiên cố nhất cùng con đi qua mưa gió. Đến khi con về nhà, nụ cười của cha mẹ lại là niềm an ủi to lớn nhất trong con. Nhưng cha mẹ đi rồi, con biết tìm đâu chỗ dựa khác để ỷ lại cả đời này?
Mọi thứ đều không còn quan trọng nữa
Đã có lúc con tự hỏi mình, ngay cả vui cũng không còn cảm nhận được thì làm sao biết bản thân đang buồn? Con sinh ra từ máu thịt, lớn lên trong bao mồ hôi nước mắt, lo âu của cha mẹ. Nếu chữ “hiếu” to lớn đến mức báo đáp cả đời cũng không nổi, thì tiền bạc công danh liệu còn quan trọng không?
Nếu còn có cơ hội, hãy gọi cho cha mẹ và nói “Con yêu người!” ngay đi trước khi quá muộn. Đừng khó xử, đừng ngại ngùng, cha mẹ không đủ kiên nhẫn để chờ đợi chúng ta đâu. Cũng đừng cho rằng thời gian là vô tận và cha mẹ sẽ mãi bên mình. Đến một ngày nhận ra tóc cha đã thêm sợi bạc, mắt mẹ đang hằn in lo âu cả cuộc đời, bạn muốn quan tâm đến cha mẹ, cũng chẳng còn được bao nhiêu thời gian nữa.
Khó nhọc gì đâu một cái siết tay nhẹ nhàng với mẹ, một cái ôm ấm áp với cha? Nhiều người lạ lắm, họ có thể tụ tập với bạn bè thâu đêm suốt sáng nhưng lại không đủ thời gian trở về ăn một bữa cơm gia đình. Khi chúng ta càng lớn lên thì cha mẹ đang dần già đi thật nhiều…
Nguồn: www.dkn.tv