fbpx

Thị trường chứng khoán không chỉ có bò, gấu mà còn lợn, cừu, chó, đà điểu, …

Từ chỗ là những con vật trong nông trại, bò, gấu, lợn, cừu, chó, đà điểu đã trở thành những thuật ngữ hay dùng trên thị trường chứng khoán, tượng trưng cho những xu hướng thị trường và hình thái nhà đầu tư.

Truyện kể lại rằng Phố Wall (Wall Street) có tên như vậy là vì khu phố này trước kia là một vùng trang trại, chăn nuôi nhiều loài động vật như bò, gấu, lợn, cừu, … và do vậy cần được xây tường để ngăn các loài vật này đi lung tung (wall trong tiếng Anh nghĩa là tường).

Phố Wall bây giờ đã không còn là nơi thả rông gia súc
Phố Wall bây giờ đã không còn là nơi thả rông gia súc

Sau này, Phố Wall không còn là nơi chăn thả súc vật nữa mà trở thành trung tâm tài chính, chứng khoán của nước Mỹ cũng như cả thế giới. Tuy nhiên, cái tên Phố Wall vẫn được giữ nguyên và tên những con vật trước kia cũng được sử dụng làm “thuật ngữ” tài chính.

Bò và gấu: Những linh vật quen thuộc

Các nhà đầu tư cổ phiếu đều đã rất quen thuộc với hai con vật gấu (bear) và bò (bull), tượng trưng cho hai xu hướng chính của thị trường.

bò và gấu

Con bò thường tấn công bằng cách dùng sừng hất ngược lên, vì vậy hình ảnh con bò thường được dùng để chỉ những nhà đầu tư hưởng lợi khi giá tăng, hoặc để chỉ thị trường giá lên (bull market) với sự hưng phấn, lạc quan. Những người đầu tư theo kiểu “con bò” là những người mua, họ mong muốn mua thấp rồi bán cao để kiếm lời.

Thị trường giá lên hay thị trường bò thường được định nghĩa là thị trường mà chỉ số chính đã tăng trên 20% tính từ đáy 52 tuần.

Con gấu thì tấn công bằng cách dùng hai bàn chân trước đánh xuống, vì vậy mà hình ảnh con gấu được dùng để chỉ những nhà đầu tư hưởng lợi khi giá giảm, hoặc để chỉ thị trường giá xuống (bear market) với sự tuyệt vọng và nhiều thông tin xấu. Những người đầu tư theo kiểu “con gấu” là những người bán, họ đi vay chứng khoán để bán ở giá cao rồi đợi giá giảm để mua chứng khoán và trả lại (bán khống).

Thị trường giá xuống, hay thị trường gấu thường được định nghĩa là thị trường mà chỉ số chính đã giảm trên 20% tính từ đáy 52 tuần.

Thị trường chứng khoán cơ sở của Việt Nam hiện nay chỉ cho phép nhà đầu tư hưởng lợi khi giá lên, không cho phép bán khống để kiếm lời khi giá xuống.

Chim lợn và bìm bịp: Đặc sản của Việt Nam

chim lợn

Các nhà đầu tư Việt Nam hiểu rõ bò và gấu nghĩa là gì nhưng không hay sử dụng hình tượng hai con vật này. Thay vào đó, NĐT Việt Nam sử dụng những hình ảnh rất riêng là chim lợn và bìm bịp. Hai loài chim này không tượng trưng cho xu thế thị trường như bò, gấu mà chỉ diễn tả tâm lí và vị thế của nhà đầu tư.

Theo quan niệm dân gian, bìm bịp là loài chim báo điềm lành cho con người. Những người bị gọi là bìm bịp trên thị trường chứng khoán là những người liên tục tung ra tin tốt, hô hào cổ vũ thị trường, một doanh nghiệp hay cổ phiếu nào đó nhằm đẩy giá cổ phiếu đó lên để mình có thể bán ra với giá cao hơn.

Ngược lại, tiếng kêu “éc éc” của con chim lợn được cho là báo điểm gở sắp tới. Trên thị trường, chim lợn là những người phát tán các thông tin mang tính tiêu cực, đưa ra những nhận định tiêu cực về thị trường, doanh nghiệp, cổ phiếu với mục đích đẩy giá cổ phiếu xuống thấp để mình mua vào với giá thấp hơn.

Không ai mãi mãi là bìm bịp hoặc chim lợn mà mỗi người thường thay đổi quan điểm và vai trò của mình theo từng hoàn cảnh cụ thể. Khi một NĐT vừa mua vào cổ phiếu, NĐT này sẽ đóng vai bìm bịp đẩy giá cổ phiếu lên để có thể bán được giá hơn. Sau khi đã bán hết cổ phiếu, tài khoản đang “full tiền”, NĐT này sẽ lại đội lốt chim lợn để ghìm giá xuống hòng mua được cổ phiếu với giá rẻ. Chu kì chim lợn – bìm bịp cứ liên tục lặp lại như vậy.

Thế nên có người hôm nay là chim lợn, ngày mai là bìm bịp, và ngược lại.

Bò (bull) và gấu (bear) là những từ được dùng trên báo chí chính thống nước ngoài và được công nhận rộng rãi. Tuy nhiên “chim lợn” và “bìm bịp” chỉ được dùng tại một số diễn đàn chứng khoán trên mạng xã hội Việt Nam, không phải ngôn ngữ chính thống.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam còn dùng hình ảnh con cá mập (hoặc tay to) để chỉ những nhà đầu tư có vốn lớn, qui mô giao dịch khổng lồ, có tác động mạnh tới thị trường.

Lợn và cừu: Dễ bị giết thịt

cừu

Các nhà đầu tư trên Phố Wall thường nói: “Bulls make money, bears make money, but hogs get slaughtered.” Nghĩa là: “Bò kiếm được tiền, gấu cũng kiếm được tiền, nhưng lợn thì bị giết thịt”

Đại ý câu nói là là dù đầu cơ giá lên hay giá xuống cũng đều có thể kiếm ra tiền từ thị trường chứng khoán, tuy nhiên những người tham lam và thiếu kỉ luật giống như con lợn thì rất dễ khuynh gia bại sản vì thị trường.

Tại Mỹ, hình ảnh con lợn thường được dùng để chỉ những nhà đầu tư tham lam, thiếu tính kỉ luật, thể hiện qua hai kiểu hành vi là: 1) Đầu tư với qui mô quá lớn, cầm cố nhà cửa, vay “full margin” và rồi thị trường chỉ cần điều chỉnh nhẹ theo hướng bất lợi là những NĐT này cháy tài khoản; 2) Không chốt lời mà cứ đợi cho lợi nhuận tăng cao hơn nữa, kể cả sau khi xu hướng có lợi đã đảo chiều chuyển thành bất lợi.

Các nhà đầu tư Việt Nam không sử dụng hình ảnh con lợn như trên.

Còn cừu là những người đầu tư theo kiểu “ăn theo”. Họ không có một chiến lược riêng hay một trọng tâm đầu tư nào mà chỉ nghe theo lời khuyên hay lời hô hào của người khác. Có khi họ chạy theo đàn bò, khi lại ngả theo đàn gấu, khi khác lại nghe có người phím “hàng nóng” để giàu nhanh, … Các nhà đầu tư kiểu này thường thiếu kiên định và hay sợ hãi, không trụ vững được trên thị trường.

Mỗi khi thị trường mở cửa, bò (bull) thì mua, gấu (bear) thì bán, còn cừu và lợn thì bị giẫm bẹp dưới chân.

“Con chó có bọ chét”

Trong bộ phim “Wall Street” ra mắt năm 1987, sau khi nghe một khuyến nghị mua cổ phiếu từ tay môi giới tham vọng Bud Fox, nhân vật chính Gordon Gekko trả lời: “Đó là một con chó có bọ chét.”

Phim Wall Street
Nhân vật Gordon Gekko (ngồi, bên phải) và Bud Fox (đứng, bên trái).

Hình ảnh “con chó” thường được nhà đầu tư Mỹ sử dụng để nói về một cổ phiếu hay nhóm tài sản biến động tiêu cực hơn so với thị trường chung. Một số NĐT tỏ ra khá hứng thú với những cổ phiếu kiểu này. Có hẳn một trường phái đầu tư có tên gọi là “Những con chó của chỉ số Dow” (Dogs of the Dow) do Michael B. O’Higgins cổ súy từ năm 1991, theo đó NĐT nên mua 10 cổ phiếu có tỉ lệ cổ tức/giá thị trường cao nhất trong số 30 cổ phiếu thuộc bộ chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones. Nói cách khác, đây là 10 cổ phiếu có giá tương đối thấp nhất trong chỉ số Dow.

Michael B. O’Higgins đã kiểm tra chiến lược này dựa theo số liệu từ những năm 1920 trở về sau và phát hiện ra rằng đây là chiến lược đầu tư phù hợp trong dài hạn. Ví dụ trong thời gian 20 năm từ 1992 đến 2011, 10 cổ phiếu được coi là “Những con chó của chỉ số Dow” đem về suất sinh lợi trung bình ngang bằng với chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones (10,8%) và cao hơn suất sinh lợi trung bình của chỉ số S&P 500 (9,6%).

Cũng trong thời gian 20 năm nói trên, 5 cổ phiếu có tỉ lệ cổ tức/giá thị trường cao nhất (Những con chó nhỏ của chỉ số Dow) thì đem về suất sinh lợi 12,6% – vượt trội so với cả Dow Jones và S&P 500.

Tuy vậy trong từng năm riêng lẻ, chiến lược đầu tư này không mang lại thành quả quá nổi trội.

Đà điểu: Không nghe, không nói, không thấy

Thực ra con đà điểm cắm đầu xuống cát không phải để trốn tránh nguy hiểm mà là để đào tổ đẻ trứng và lật qua lật lại các quả trứng hàng ngyaf để nhiệt độ phân bố đều. Ảnh minh họa.
Thực ra con đà điểu cắm đầu xuống cát không phải để trốn tránh nguy hiểm mà là để đào tổ đẻ trứng và lật qua lật lại các quả trứng hàng ngày để nhiệt độ phân bố đều. Ảnh minh họa.

Hình ảnh con đà điểu thường được dùng để chỉ những nhà đầu tư không kịp thời phản ứng trước những biến cố quan trọng của thị trường có khả năng tác động lớn tới NĐT này.

Chẳng hạn, khi cơ quan chức năng đang điều tra hoạt động của một doanh nghiệp – một thông tin có ảnh hưởng rất lớn tới giá cổ phiếu của công ty, NĐT đà điểu sẽ phớt lờ thông tin này và coi như không có chuyện gì xảy ra, giống như con đà điểu vùi đầu xuống cát, đợi nguy hiểm qua đi.

Nhà đầu tư đà điểu xuất hiện nhiều nhất trong thị trường gấu (bear market) khi những thông tin xấu xuất hiện dồn dập nhất.

Thực ra con đà điểm cắm đầu xuống cát không phải để trốn tránh hay phớt lờ nguy hiểm mà là để đào tổ đẻ trứng và lật qua lật lại các quả trứng hàng ngày để nhiệt độ phân bố đều.

Nguồn: Kinh tế và tiêu dùng

Có thể bạn quan tâm: Bộ sách được chọn lọc tinh gọn dành riêng cho những F0 “chập chững”

gia nhập phương pháp đầu tư Kungfu Chứng Khoán

ĐẶT SÁCH NGAY

 

Các viết cùng chủ đề