Thu ngân sách hai tháng lấy lại đà tăng, ước đạt trên 360.000 tỷ đồng
Thu ngân sách nhà nước hai tháng đầu năm lấy lại đà tăng sau khi tháng 1 giảm nhẹ 0,5% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng, ngân sách nhà nước ước đạt 362,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ và thặng dư 120,3 nghìn tỷ đồng…
Thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước tháng 2, Bộ Tài chính cho biết lũy kế thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm ước đạt 362,3 nghìn tỷ đồng, bằng 22,4% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, thu nội địa đạt 23,6% dự toán, tăng 17%; thu từ dầu thô đạt 25,7% dự toán, tăng 13,2%. Trong khi đó, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 15% dự toán và giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2022.
THU NGÂN SÁCH TĂNG 10,6%, NHIỀU KHOẢN THU, SẮC THUẾ THU KHÁ
Nêu rõ một số khoản thu, sắc thuế có tiến độ thu đạt khá so dự toán, Bộ Tài chính cho biết chủ yếu là tập trung thu các khoản phát sinh quý 4/2022 như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân theo chế độ thực hiện kê khai nộp ngân sách trong quý 1/2023.
Theo đó, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 25,8% dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đạt 24,3% dự toán; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 26,1% dự toán; thuế thu nhập cá nhân đạt 23% dự toán.
Cùng với đó, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 24,3% dự toán; thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi Ngân hàng Nhà nước đạt 53,2% dự toán; thu khác ngân sách nhà nước đạt 49% dự toán.
Bên cạnh đó, có 3 khoản thu tiến độ thu đạt thấp so dự toán và giảm so cùng kỳ là thu thuế bảo vệ môi trường, chỉ đạt 7,2% dự toán, bằng 41% so với cùng kỳ do thực hiện giảm thuế bảo vệ mội trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Bộ Tài chính, có 3 khoản thu tiến độ thu đạt thấp so dự toán và giảm so cùng kỳ, đó là thu thuế bảo vệ môi trường; các khoản thu về nhà đất và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Cùng với đó, các khoản thu về nhà, đất đạt 10,4% dự toán, giảm sâu 53,9% so với cùng kỳ; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mới đạt 6,6% dự toán và bằng 66,3% so với cùng kỳ.
Về số thu trên địa bàn, ước tính có 36/63 địa phương thực hiện thu nội địa 2 tháng đạt trên 18% dự toán như: Hà Nội đạt 31,8%, Bắc Giang đạt 26,4%, Lạng Sơn đạt 25%, Kiên Giang đạt 24,8%, Bắc Ninh đạt 24,7%, Hải Dương đạt 24,2%, Bạc Liêu đạt 24%, Lâm Đồng đạt 23,9%, An Giang đạt 23,1%, Đồng Tháp đạt 23%, Vĩnh Phúc đạt 22,9%, Gia Lai đạt 22,7%, Sóc Trăng đạt 22,3%, Quảng Ngãi đạt 22,2%, TP Hồ Chí Minh đạt 22,2%…
Cùng với đó, 24/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, trong khi đó, 39 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Để tăng cường quản lý thu, Bộ Tài chính cho biết tiếp tục triển khai Cổng thông tin dữ liệu về sàn thương mại điện tử và hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai đề án xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử và các giải pháp, công cụ khai thác phân tích dữ liệu; tăng cường quản lý, thu nộp ngân sách nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, chứng khoán, giao dịch thương mại điện tử, thu từ các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Cũng theo Bộ Tài chính, trong 2 tháng đầu năm đã thu 1.855 tỷ đồng từ các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
CHI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐẠT THẤP
Về chi ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết luỹ kế chi 2 tháng ước đạt gần 242 nghìn tỷ đồng, bằng 11,7% dự toán và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 6,8% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi ước đạt 21% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 14,6% dự toán.
Cũng theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách trong 2 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đã thực hiện xuất cấp 18,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.
Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã giao 707,04 nghìn tỷ đồng.
“Tổng hợp đến thời điểm báo cáo, các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương tăng thêm từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương… khoảng 44,45 nghìn tỷ đồng so kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao”, Bộ Tài chính thông tin.
Như vậy, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến hết ngày 24/2 đã thực hiện phát hành 69,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,32 năm, lãi suất bình quân 4,37 %/năm. Tính hết tháng 2, ngân sách nhà nước thặng dư 120,3 nghìn tỷ đồng.
Đọc thêm những tin tức mới nhất trong ngày ở đây
Hà An