Thủ tướng: Có chính sách phù hợp giảm giá các mặt hàng thiết yếu, chiến lược
Giá xăng, dầu đã giảm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan chức năng rà soát, có chính sách, giải pháp phù hợp để giảm giá các hàng hóa, dịch vụ liên quan, góp phần giảm sức ép lạm phát.
Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 0,75% vào đêm qua, các ngân hàng trung ương châu Âu và nhiều nước khác đã nhiều đợt tăng lãi suất. Để ứng phó với lạm phát tăng mạnh gần đây, sáng 28/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với một số bộ trưởng và lãnh đạo các bộ, ngành tập trung bàn những giải pháp, đối sách phù hợp cả trước mắt và lâu dài để tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phục hồi, phát triển KTXH.
Theo báo cáo của các bộ, ngành và đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, trong bối cảnh quốc tế rất khó khăn, bất ổn, nhất là do xung đột tại Ukraine và dịch bệnh Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo điều hành vĩ mô đúng hướng, linh hoạt, hiệu quả. Việt Nam đang là một điểm sáng về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và kinh tế phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tình hình thế giới đang diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ; lạm phát tăng cao, đồng tiền của nhiều quốc gia mất giá; cạnh tranh chiến lược gay gắt. Việc thay đổi định hướng chính sách ở nhiều nước làm thu hẹp thị trường, tác động đến các chuỗi cung ứng đã tác động tiêu cực đến nước ta trên nhiều lĩnh vực, nhất là xuất, nhập khẩu, giá xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Thủ tướng lưu ý, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn, khả năng chống chịu thì có hạn, cho nên chỉ cần một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước.
Trước bối cảnh đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung theo dõi sát, nắm chắc tình hình, tuyệt đối không được chủ quan, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, chủ động có phản ứng chính sách nhanh và giải pháp phù hợp, kịp thời, linh hoạt, khoa học, hiệu quả cả trước mắt và lâu dài.
Thủ tướng nhấn mạnh: Nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số 1 hiện nay là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, chú trọng phòng chống dịch Covid 19, đẩy mạnh tiêm vaccine.
Về các giải pháp lâu dài, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.
Vừa qua giá xăng, dầu đã giảm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan chức năng rà soát, có chính sách, giải pháp phù hợp để giảm giá các hàng hóa, dịch vụ liên quan, góp phần giảm sức ép lạm phát.
Thủ tướng chỉ đạo: Tiếp tục phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chắc chắn, hiệu quả; điều hành tỷ giá, lãi suất ổn định phù hợp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục chống đô la hóa, vàng hóa hiệu quả; bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, tập trung vào sản xuất kinh doanh, phát triển bất động sản khu công nghiệp, nhà ở xã hội.
Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi; tiếp tục rà soát, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh và quyết liệt hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển, thu hút đầu tư tư nhân và nước ngoài. Triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển thị trường trong nước; đa dạng hóa các thị trường, thúc đẩy xuất khẩu; tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đảm bảo điện cho sản xuất, tiêu dùng, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm và nguồn cung lao động. Phát triển thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản lành mạnh, an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Kiểm soát chặt chẽ giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng chiến lược, thiết yếu cho sản xuất và đời sống. Tiếp tục xử lý hiệu quả những vấn đề tồn đọng, kéo dài, nhất là những dự án kém hiệu quả.
Vừa qua giá xăng, dầu đã giảm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan chức năng rà soát, có chính sách, giải pháp phù hợp để giảm giá các hàng hóa, dịch vụ liên quan, góp phần giảm sức ép lạm phát.
Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo điều hành vĩ mô phải bảo đảm tính tổng thể, bài bản, khoa học, hiệu quả, hợp lý cả trước mắt và lâu dài; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên tham vấn chuyên gia, nhà khoa học và phát huy vai trò của Tổ điều phối kinh tế vĩ mô trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế- xã hội.
Hoài An
Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU