Paul Allen và Bill Gates: tiếc cho tình bạn không trọn vẹn
Paul Allen – đồng sáng lập Microsoft cùng Bill Gates, ông còn được biết tới là nhà đầu tư, doanh nhân và nhà từ thiện có tầm ảnh hưởng lớn trong nhiều lĩnh vực, từ công nghệ, khoa học, thể thao đến âm nhạc. Allen qua đời vì bệnh ung thư hạch non-Hotinh-ban-paul-allen-va-bill-gates-happy-livedgkin ở tuổi 65 sau hai lần chiến thắng căn bệnh này.
Paul Allen được xếp hạng là một trong số người giàu có nhất thế giới. Tính đến ngày 16/10, ông được xếp hạng thứ 44 trong danh sách tỷ phú năm 2018 của Forbes với giá trị tài sản ước tính hơn 20 tỷ USD.
Lời tiễn biệt từ Bill Gates
Khi hay tin Paul Allen qua đời, Bill Gates đã vô cùng đau lòng: “Từ những ngày đầu của chúng tôi tại trường Lakeside, khi sáng tạo Microsoft cho đến các dự án từ thiện trong nhiều năm, Paul thực sự là một đồng nghiệp và người bạn tuyệt vời. Điện toán cá nhân không thể tồn tại nếu thiếu ông.
Dù vậy, ông ấy không thỏa mãn chỉ với việc khởi nghiệp. Ông đã đưa trí tuệ và lòng từ bi của mình vào việc nâng cao cuộc sống của mọi người và củng cố sức mạnh cộng đồng tại Seattle cũng như toàn thế giới. Ông hay nói rằng: “Nếu có khả năng làm việc tốt thì chúng ta nên làm”. Ông ấy là con người như thế đấy.
Paul yêu cuộc sống và những người quanh ông, chúng ta cũng vậy. Ông ấy xứng đáng có nhiều thời gian hơn nhưng những cống hiến của ông cho thế giới công nghệ và từ thiện sẽ sống mãi qua nhiều thế hệ. Tôi sẽ rất nhớ ông”.
Dù là bạn thân và cùng sát vai nhau thành lập nên công ty phần mềm Microsoft, nhưng việc Paul rời khỏi công ty từ năm 1983 và rút khỏi ban quản trị từ năm 2000 khiến mọi người cảm nhận được sự rạn nứt trong tình bạn giữa hai người và đặt ra câu hỏi: lí do nào khiến Allen không còn muốn tiếp tục đồng hành với bạn mình?
Ra mắt hồi ký “Idea Man” (Con người của ý tưởng)
Nói đến Microsoft thường mọi người sẽ liên hệ ngay đến Bill Gates, mọi sự thành công và tầm ảnh hưởng của công ty này đến toàn cầu gần như cũng chỉ đồng hành cùng Bill Gates mà thôi. Dường như ít ai biết tới cái tên Paul Allen và vị trí người đồng sáng lập Microsoft vốn bị chìm khuất sau cái bóng của Gates.
Mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như tình bạn có từ thời thơ ấu giữa Allen và Gates đã đứt đoạn nửa chừng vì những bất đồng trong kinh doanh và cuộc sống. Năm 1983 cũng là năm họ quyết định đường ai nấy đi. Và cuốn hồi ký có tên “Idea Man” (Con người của ý tưởng) của Allen vào năm 2011 thực sự chấn động dư luận. Không chỉ vì nội dung của nó hé lộ những chuyện không mấy hay ho về Gates. Mà còn bởi vì, một lần nữa người ta chứng kiến những người bạn từng được coi là thân thiết nhất giờ kết tội nhau.
Vào sinh nhật thứ 36 của Microsoft đặt dấu mốc cho sự rạn nứt. Người ta không còn thấy nụ cười và những lời chúc mừng giữa hai người đàn ông lẽ ra sẽ cùng nâng ly và thổi nến. Đó là Bill Gates và người bạn thời thơ ấu của ông, Paul Allen cũng là người đồng khai sinh ra Công ty Microsoft huyền thoại.
Như mọi người trong công ty, Bill Gates đón nhận món quà tặng đã thành truyền thống: thêm một nửa cân kẹo M&M cho thêm một năm làm việc. Nhưng sau lễ kỷ niệm chẳng bao lâu, người ta thấy câu chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” giữa hai người như vết dầu loang trên biển.
Trước khi Allen phát hành cuốn “Idea Man”, thiên hạ đã kháo nhau nội dung của nó. Rằng, Allen đã kể lại rất nhiều chuyện “không muốn nghe” về Gates, kể cả những chuyện ông bị bạn “chơi xấu” thế nào. Đúng sai, thực hư ra sao không rõ, nhưng mọi người đã tìm đọc một vài thông tin “giật mình” trong cuốn hồi ký được đăng một phần trên tạp chí Vanity Fair. Và hiển nhiên, người ta đổ xô đi mua “Idea Man” để thỏa mãn trí tò mò.
Người ẩn sau thành công của Bill Gates
Paul Gardner Allen sinh ngày 21/1/1953 tại Seatle, Washington. Cha ông là Kenneth S. Allen, Phó giám đốc Thư viện Trường đại học Washington và mẹ là Faye G. Allen cùng làm tại đó. Bởi thế cậu bé Paul ngay từ nhỏ đã là “mọt sách”. Thứ sách mà cậu mê đầu tiên là truyện khoa học viễn tưởng. Đến tuổi tới trường, ngoài đọc sách Paul còn rất mê ghita điện tử.
Thế rồi những chiếc máy tính xuất hiện. Chính những chiếc máy bí ẩn với quyền năng to lớn này đã dẫn dắt cậu bé Paul Allen, học trò lớp 9 Trường Lakeside kết thân với cậu học trò lớp 7 Bill Gates. Ít ai ngờ rằng, tình bạn thời trẻ con này là bước mở đầu để về sau hai con người tài năng cùng mở ra một thời đại công nghệ tin học cho nhân loại. Họ đã sử dụng máy điện báo của trường để phát triển kỹ năng lập trình. Những thử nghiệm đầu tiên khi đó là các chương trình để điều hành giao thông đường phố và để xả nước tự động trên các đập của bang Washington.
Sau một thời gian dài gắn bó cùng chung niềm đam mê, Allen tốt nghiệp và nhập học tại Trường đại học Tiểu bang Washington. Ít lâu sau, Gates cũng được nhận vào học ở Đại học Harvard. Học được 2 năm, Allen bỏ dở đại học để làm lập trình viên cho Hãng Honeywell ở Boston. Chính tại đây, Allen gặp lại người bạn cũ.
Lại cùng bị hút vào những đam mê và mày mò, cả hai đều quyết tâm làm một cái gì đó thật mới mẻ, đột phá. Chính Allen đã thuyết phục Gates bỏ học ở Trường đại học Harvard để thành lập một công ty riêng. Tháng 4/1975, công ty riêng do đôi bạn Paul Allen và Bill Gates được thành lập tại Albuquerque, New Mexico và tới tháng 11/1976, thương hiệu “Microsoft” chính thức được đăng ký.
Paul Allen – đồng sáng lập Microsoft
Hầu hết mọi người không hề biết, cái tên Tập đoàn Microsoft có thể coi như chính Paul nghĩ ra. Lần đầu từ này được nhắc đến trong một bức thư họ gửi cho nhau vào năm 1975. Khi ấy, nó được viết tách ra thành “Micro-soft” với nghĩa “vi tính” và “phần mềm”. Tuy nhiên sau đó với ý tưởng của Paul, dấu gạch ngang được bỏ đi, cái tên “Microsoft” chính thức được đăng ký vào tháng 11/1976 ở bang New Mexico. Cho đến năm 1986, Microsoft mới chuyển đến trụ sở hiện tại ở Redmond, Washington. Họ bắt đầu chiến dịch bán ngôn ngữ lập trình BASIC.
Năm 1980, Allen là người đầu tiên mở đầu cho sự đi lên khi quyết định mua lại hệ điều hành có tên là QDOS của IBM với giá 50.000 USD. Có QDOS với chức năng hoàn chỉnh họ sửa lại mã nguồn để phù hợp với yêu cầu của IBM. Microsoft đã thắng được hợp đồng cung cấp chương trình hoàn thiện để sử dụng làm hệ điều hành trong loạt máy để bàn mới của IBM. Đó là bước nền tảng cho sự phát triển của Microsoft.
Có lẽ xác định một cách rõ ràng đóng góp cụ thể của từng người trong cặp đôi Allen – Gates này cho mỗi sản phẩm của Microsoft là việc không thể. Tuy nhiên, hệ điều hành DOS 2.0 hoàn thành năm 1982 là thành tựu riêng của cá nhân Allen mà mọi người đều phải công nhận. Hệ điều hành này được cho là tối ưu nhất tại thời điểm ra đời, nó giúp máy tính cá nhân đặt bước nền móng đầu tiên cho sản phẩm hoàn hảo mà chúng ta đang biết như ngày nay. Có thể nói, linh hồn thực sự của Microsoft khi đó không phải là Bill Gates mà lại là Paul Allen.
Cuối những năm 70 thế kỷ XX, khi Jack Sams là người đại diện cho Hãng IBM tới thương thảo với Microsoft về việc chế tạo máy tính cá nhân, ông này đã tưởng Bill Gates chỉ là… một cậu loong toong trong văn phòng. Lúc đó uy tín và vị thế của Allen trong doanh nghiệp trẻ đầy triển vọng này đã là quá lớn. Chính Paul mới được mọi người phong cho danh hiệu “nhà tiên tri”, “cỗ máy ý tưởng”. Trong khi Gates, theo một cách nói nhẹ nhàng thì chỉ là “con người của hành động”, một nhà quản trị khéo léo biết biến những ý tưởng thành sản phẩm thị trường.
Nhưng trớ trêu thay, cũng chính thời điểm đạt những thành công rực rỡ ấy, Allen đã phải đối mặt với sự thật nghiệt ngã. Các bác sĩ chẩn đoán ông mắc bệnh ung thư. Tháng 3/1983, Allen quyết định rời khỏi Microsoft và không bao giờ quay lại.
Độc hành
Khi rời Microsoft Allen mới 30 tuổi. Những tưởng căn bệnh quái ác khuất phục được Paul. Nhưng không. Sau 22 tháng được xạ trị và chạy chữa, Allen đã khỏi bệnh như một phép mầu. Con người tài ba này lại khẳng định mình trên con đường riêng khi không còn người bạn thân bên cạnh nữa.
Chia tay Microsoft nhưng Allen vẫn nắm giữ một tỉ lệ cổ phiếu lớn trong công ty. Khi Microsoft chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán năm 1985, Allen nắm trong tay 28% cổ phần với giá trị 150 triệu USD, còn Gates là 49%. Chỉ trong một năm, giá cổ phiếu tăng mạnh và Gates trở thành tỉ phú còn Allen cũng theo sát Chủ tịch Microsoft trong danh sách những người giàu nhất của Forbes khi đó.
Đến tháng 11/2000, Allen rút khỏi Ban quản trị của Microsoft nhưng còn giữ vị trí cố vấn chiến lược cấp cao của Ban điều hành công ty. Ông nới rộng hơn khoảng cách giữa mình với Microsoft bằng việc bán 68 triệu cổ phiếu của Microsoft. Có người nói Paul hiện vẫn còn sở hữu khoảng 138 triệu cổ phiếu trị giá hơn 3 tỉ USD trong Microsoft. Giờ đây, Allen sở hữu 13,5 tỉ USD và là tỉ phú rất thành công trên nhiều lĩnh vực ông tham gia như bất động sản, thể thao, các ngành công nghiệp, thông tin…
Nhiều người không ngờ rằng Allen cũng hoạt động xã hội và từ thiện khá năng nổ. Phần lớn thành quả của Paul Allen đã được hiến cho các dịch vụ sức khỏe, dân sinh, cho sự tiến bộ của khoa học và công nghệ. Quỹ gia đình Paul G. Allen được thành lập vào năm 1986 và mỗi năm Allen đã tặng khoảng 30 triệu USD. Allen cũng đóng góp thông qua rất nhiều dự án từ thiện khác. Trường đại học Washington là nơi nhận được phần lớn tiền ủng hộ của Paul Allen. Cuối thập niên 80 thế kỷ XX, Allen đã tặng 18 triệu USD để xây thư viện mới của trường đặt tên theo tên cha của ông, Kenneth S. Allen.
Trước khi qua đời, Allen có thể không bằng đối tác cũ trong danh sách những người giàu có của Forbes. Tuy nhiên, Allen lại chi một số tiền lớn để tận hưởng một trong những lối sống xa hoa nhất. Allen còn có hàng loạt dinh thự ở Pháp, Cap Ferrrat, Holland Park – London và cả New York. Ông sống trong một dinh thự tuyệt đẹp nằm rìa thị trấn Seattle. Nơi đây có một phòng trưng bày nghệ thuật với những kiệt tác tuyệt mỹ, một sân bóng rổ lớn, một bãi xe ngầm và một bộ sưu tập xe hơi hoành tráng.
Allen có một sân bay riêng và ông có vài chiếc phản lực khác nhau, trong đó có cả Boeing 757 và Challenger 601… cùng bộ sưu tập những mô hình những chiến đấu cơ nổi tiếng ông thích từ nhỏ với 15 chiếc máy bay từ thời Thế chiến II. Ngoài ra, Allen còn sở hữu 1 studio, 2 chiếc trực thăng, một phương tiện điều khiển từ xa có thể đi trên đại dương, 1 tàu ngầm.
Chưa hết, nhà cửa, máy bay cũng chẳng là gì so với những chiếc du thuyền. Allen có 3 du thuyền, lừng danh nhất là Octopus có 8 tầng với một đội thủy thủ 60 người. Chỉ riêng Octopus đã ngốn 12 triệu bảng/năm tiền bảo dưỡng. Allen thường mời mọc các ngôi sao yêu thích như Mick Jagger, Brad Pitt, Angelina Jolie, Cameron Diaz và Paris Hilton để tiệc tùng linh đình trên khắp đại dương.
Tình bạn liệu có còn?
Thật ra, chuyện rạn nứt trong quan hệ giữa Paul Allen và Bill Gates có lẽ đã từ rất lâu. Mối quan hệ của họ vẫn chưa hề được hàn gắn kể từ khi Allen rời khỏi Microsoft năm 1983. Thực chất khi đó Paul rất ấm ức vì cho rằng Bill lấn át ông trong việc phân chia lại cổ phần của Microsoft. Ông chủ Microsoft lấy lý do mình đóng góp nhiều hơn vào việc thành lập công ty nên tự mình đã giành 64% cổ phần và chỉ để cho Paul 36%… Thế nhưng trong hơn 20 năm qua Paul chỉ lặng im.
Tuy nhiên, ngày 27/8/2010, Tòa án liên bang của bang Washington tại Seatle đã nhận được đơn kiện của công ty Interval Licensing thuộc quyền sở hữu của tỉ phú Paul Allen kiện 11 công ty “đại gia” trong giới kinh doanh công nghệ thông tin hiện đại như: Apple, AOL, Yahoo, Facebook, Google, eBay, YouTube, Netflix, Office Depot, OfficeMax và Staples… sử dụng trái phép những phát minh và công nghệ của Allen! Động thái này được giới quan sát đánh giá như một sự “chứng tỏ mình” của Allen với người đồng sự cũ. Kiên trì đi theo con đường riêng nhưng Allen như muốn ngấm ngầm cạnh tranh và tạo ra khoảng cách ngày một lớn giữa ông với Gates và Microsoft.
Bởi thế cuốn tự truyện của Allen ra mắt trong tuần này là một quả bom đối với công chúng và chính bản thân Bill Gates. Trong cuốn sách, Allen đã mô tả về người đồng sáng lập Microsoft là một người công khai coi thường đồng nghiệp. “Bất kỳ ai không đồng tình với anh ấy, anh ấy đều muốn phun ra những lời xúc phạm”. Chẳng hạn, Bill rất hay mỉa mai: “Đó đúng là một việc…. ngu ngốc mà tôi chưa từng nghe thấy!” – Allen viết trong hồi ký.
Theo ông, Bill Gates thường khó chịu và cười nhạo các đồng nghiệp chỉ vì những lý do vụn vặt. Paul cũng tuyên bố, Gates và các đồng nghiệp đã cố gắng kiếm cớ lừa ông, “hất cẳng” ông ra khỏi công ty để khỏi phải chia sẻ lợi nhuận.
Đáng chú ý nhất là sự kiện năm 1982 khi Allen bị ung thư. Trong một lần tới làm việc muộn giữa lúc bệnh tình đang hành hạ, từ ngoài hành lang, Allen tình cờ nghe được câu chuyện giữa Bill Gates với Steve Ballmer về việc sẽ làm gì với số cổ phiếu của Allen nếu ông mất. Cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm, từ đó Allen luôn tìm mọi cách để tách mình ra khỏi các bạn bè cũ và công ty.
Allen cũng đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng, những đòi hỏi khắt khe của Bill Gates và sự bất đồng ý kiến giữa họ đã “dần dần hủy hoại tình bạn của chúng tôi và khiến chúng tôi không còn có thể cộng tác cùng nhau được nữa”. Âm thầm từ ngày đó, Allen sẽ còn kể những câu chuyện gì khác nữa, chắc chắn người ta chỉ biết khi cuốn sách tới tay bạn đọc.
Còn Bill Gates nghĩ sao trước tất cả những thông tin về cuốn sách và người bạn một thời gắn bó của mình? Cho tới giờ, Bill Gates vẫn không bình luận gì. Ông chỉ nói vẫn quý trọng tình bạn giữa hai người và đánh giá cao công sức của Paul với công nghệ thông tin nói chung và Microsoft nói riêng. Và một cách khéo léo, Bill Gates nói: “Có thể ký ức của tôi về những sự kiện nêu trong cuốn sách khác với ký ức của Paul”
Happy Live tổng hợp từ Người Lao Động và Ictnews