Tony Robbins: Cuộc đời sẽ trả cho bạn bất cứ mức giá nào mà bạn yêu cầu
Trong một buổi nói chuyện của mình, Tony Robbins đã kể về cuộc gặp gỡ giữa ông và người đàn ông vô gia cư. Cuộc gặp gỡ này đã giúp ông rút ra nhiều bài học và là động lực để ông phát triển sự nghiệp của mình.
Khi mới bắt đầu sự nghiệp diễn thuyết của mình Tony Robbins chỉ mới 24 tuổi. Trong một lần tổ chức hội thảo tại Boston, dù chỉ với khoảng 125 người, nhưng trong ấn tượng của mình, đó là hội thảo lớn nhất ông từng tổ chức. Tony cùng những cộng sự của mình đã làm việc cả ngày lẫn đêm với mong muốn mang lại những thay đổi đặc biệt cho những người tham gia hội thảo. Và không ngoài mong đợi, hội thảo thành công mỹ mãn. Lúc đó, Tony Robbins đã tự nói với chính mình rằng: “Ôi chúa ơi, mình 24 tuổi và mình thật hạnh phúc bởi mình đã tìm được sứ mệnh của cuộc đời mình. Mình đang làm việc mình yêu thích, đó là tạo nên sự khác biệt trong cuộc đời những người khác. Điều này thật đặc biệt.”
Hội thảo chính thức kết thúc vào nửa đêm ngày chủ nhật. Do vẫn còn nhiều dư âm nên Tony Robbins quyết định đi dạo một vòng trước khi về khách sạn, đánh một giấc đến ngày hôm sau. Và ông bắt đầu đi qua quảng trường Copley. Đây là một nơi khá tuyệt vời. Tony cứ đi, tận hưởng cảm giác tuyệt vời sau những ngày cống hiến hết mình cho công việc, ngắm nhìn những tòa nhà chọc trời đang xây. Xung quanh vắng lặng, ông nhìn thấy từ xa có một người đàn ông đang loạng choạng đến gần.
Tony Robbins khi còn trẻ
Người đàn ông mặc một cái áo choàng, đầu cúi xuống và ôm một cái túi màu nâu. “Tôi có thể ngửi thấy mùi từ người ông ấy trước khi tôi đến gần hơn với kết luận rằng: “Gã này chắc chắn đang say xỉn.”” – Tony thuật lại.
Khi người đàn ông càng bước đến gần, Tony tin chắc rằng người đàn ông này sẽ dừng lại và xin tiền mình. Và thường thì khi chúng ta tập trung vào bất cứ điều gì trong cuộc sống thì việc đó sẽ xảy ra. Người đàn ông dừng lại trước Tony Robbins, ngẩng đầu và nói với chất giọng khàn khàn: “Thưa ông, ông có thể cho tôi vay một đồng xu không?”
Tony Robbins thầm nghĩ liệu ông có nên thưởng cho ông ta về cách xin xỏ văn minh này. Trên hết là Tonny thấy đây là một người đàn ông tội nghiệp. Chắc hẳn rất nhiều người trong chúng ta rất hay phân vân khi không biết có nên cho tiền một người ăn xin hoặc một người vô gia cư hay không. Và Tony Robbins cũng thế, giữa lòng thương hại và lo sợ phải thất vọng khi gặp phải kẻ lừa đảo. Nhưng Tony cho rằng nếu có khả năng, ông vẫn muốn cho đi và thầm nghĩ rằng: Liệu mình có thể dạy được cho người đàn ông đó điều gì không?
“Vậy là tôi đã hỏi ông ấy: “Đó là tất cả những gì ông cần, 1 đồng xu sao?” Ông trả lời: “Đúng thế, chỉ cần 1 đồng xu thôi. Một đồng xu sẽ thay đổi toàn bộ cuộc đời tôi!” Và tôi nói với ông ấy “Thật hả?” – “Đúng vậy, chỉ một đồng xu.” Thế là tôi lấy ra từ trong túi mình cái kẹp tiền.
Lúc đó tôi rất trẻ, chỉ mới bắt đầu thành công. Người cố vấn đầu tiên của tôi là Jim Rohn – một người đàn ông vĩ đại và Jim từng nói với tôi: “Tony, nghe này, con xuất thân từ gia cảnh nghèo khó, con sở hữu một tư duy tồi tệ và con phải thay đổi điều đó! Con không có tiền thì hãy giả vờ là con có. Hãy bắt đầu rèn luyện bộ não của mình, đặt điều kiện cho nó. Tiết kiệm tất cả số tiền của con, lấy ra 3 tờ 100$ và đặt chúng ra ngoài số tiền thực mà con có, ngay cả khi con biết rằng mình chỉ có 5$ ở giữa. Mỗi lần con lấy kẹp tiền của mình ra, con sẽ thấy bản thân hưng phấn hơn và con sẽ thấy tốt hơn.”
Và tôi đã làm thế, tôi lấy kẹp tiền của mình ra và đương nhiên rồi, tôi có 3 tờ 100$ ở đó và tôi chắc chắn rằng ông ấy cũng nhìn thấy chúng. Tôi lật từng tờ tiền, cố gắng tìm xem mình có đồng tiền lẻ nào không và tôi đảm bảo ông ấy nhìn thấy việc đó. Tất nhiên rồi, ông ấy nhìn những tờ 100$, xem xét chúng. Cuối cùng, tôi tìm thấy một đồng xu, tôi lấy nó ra và cất số tiền còn lại vào túi của mình.
Tôi để ý thấy ông ấy cứ nhìn tay tôi đưa vào túi quần, rồi tôi cầm đồng xu, nhìn ông ấy mà nói rằng. “Thưa ông, cuộc đời sẽ trả cho ông bất cứ giá nào mà ông yêu cầu” và đưa đồng xu cho ông ta.” – Tony Robbins bắt đầu hồi tưởng.
Thế rồi một việc vô cùng thú vị đã xảy ra, ông ấy cầm đồng xu, nhìn đồng xu, nhìn kẹp tiền đã được cất vào túi quần rồi lại nhìn Tony, vòng lặp cứ được lặp lại cho đến khi ông thốt lên: “Anh thật khó hiểu!” và bỏ đi.
Lúc đó Tony Robbins đã chợt nghĩ rằng không biết giữa mình (chàng trai 24 tuổi) và người đàn ông kia có gì khác biệt. Ở độ tuổi còn rất trẻ Tony đang theo đuổi công việc mình yêu thích, có sứ mệnh tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn bằng cách giúp mọi người hoàn thiện hơn. Còn đấy là một người đàn ông 60 tuổi, say xỉn trên đường, ngửa tay xin từng đồng xu sống qua ngày.
“Sự khác biệt là gì? Tôi đã nghĩ rằng: “Có lẽ chúa đã phù hộ cho mình bởi mình là một người tốt? Rồi tôi lại nghĩ: “Ồ, còn ông ấy là người xấu sao?” Điều đó thật ngu xuẩn và tôi chợt nhận ra: “Chà, có lẽ câu trả lời cho câu hỏi đó chính là điều mình nói với ông ấy?””
Bài học từ câu chuyện của Tony Robbins
Đây là một câu chuyện thú vị về sự đối lập giữa thanh niên đang ở độ tuổi lập nghiệp (24 tuổi) – vừa thành công với hội thảo đầu tiên, sung sướng vì được làm công việc mình thích và một người đàn ông đã hơn nửa đời người (60 tuổi) – vô gia cư, nghèo đói và say xỉn. Sự tương phản này cho chúng ta thấy rằng con người đều có quyền lựa chọn cho mình một cuộc sống như ý.
Nếu mục đích của chúng ta là muốn sống một cuộc đời an nhàn, không cần phải làm việc nặng nhọc luôn có đồng ra, đồng vào để uống rượu. Câu nói của chúng ta mỗi ngày là hôm nay tôi chỉ cần có một đồng xu thôi, một đồng xu có thể khiến chúng ta sống qua ngày hôm đó và chúng ta thấy hài lòng với những gì cuộc sống dành cho mình. Chúng ta sẽ dừng lại ở đó, không thể tiến xa hơn, không thể có những ước mơ to lớn hơn và số tiền chúng ta kiếm được sẽ ít hơn.
Nhưng nếu đổi lại, chúng ta say mê với công việc yêu thích, cống hiến hết sức mình cho những gì giúp nâng cao giá trị bản thân. Luôn đòi hỏi những phiên bản tốt hơn của mình và khát khao một cuộc sống giàu có, sung túc hơn: Cuộc đời sẽ trả cho bạn bất cứ giá nào mà bạn yêu cầu!
Bài viết: Happy.Live
Nguồn vietsub Sponsell Mark
Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU