fbpx

TOP 10 SỰ KIỆN NỔI BẬT TRÊN SÀN CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM 2020

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã gặp những cú sốc lớn ngay từ giai đoạn đầu năm 2020. Cái tên Covid-19 trở thành nỗi ám ảnh thường trực và làm xáo trộn mọi hoạt động của nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng. Điều đặc biệt là dù số lượng sự kiện tích cực không đóng vai trò chủ đạo, song niềm phấn khởi lại chính là cảm xúc đọng lại nhiều nhất trong lòng giới đầu tư chứng khoán năm vừa qua.

Nếu như 2019 là năm mà chiến tranh thương mại được nói nhiều nhất, thì sự kiện xuyên suốt năm 2020 chính là dịch Covid-19. Lần đầu tiên trong lịch sử có cảnh nhà đầu tư chứng khoán thường xuyên thấp thỏm, ngóng chờ thông tin về dịch bệnh – một khái niệm dường như chả liên quan tới thị trường của những con số tài chính.

Bên cạnh đó, năm vừa qua còn chứng kiến nhiều sự kiện cả tích cực lẫn tiêu cực đan xen, tạo nên một năm đầy cảm xúc cực kỳ khó quên với giới đầu tư. Cùng điểm lại 10 sự kiện nổi bật nhất TTCK Việt Nam năm 2020.

Dịch Covid-19

TOP 10 SỰ KIỆN NỔI BẬT TRÊN SÀN CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM 2020

Cú giáng đòn ập đến ngay giai đoạn đầu năm khi dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát. Nhà đầu tư “giẫm đạp lên nhau” bán tháo cổ phiếu, điều này khiến hàng loạt cổ phiếu bị giảm giá thê thảm, VN-Index rơi một mạch từ 900 về mức 660 điểm.

Song, như một phép màu xảy đến, hàng loạt cổ phiếu đã bất ngờ tăng giá và nhanh chóng lấy lại những gì đã mất; thậm chí khoảng 16% trong số đó còn tăng bằng lần kể từ đáy. Tính tới hết phiên 28/12, VN-Index vẫn đang neo trên mức 1,090 điểm.

Năm 2020 còn chứng kiến thêm 2 lần bùng phát lây nhiễm ngoài cộng đồng vào tháng 7 và tháng 11. TTCK nhiều phen chao đảo trước lo ngại về Covid. Song, có thể nói rằng, càng về sau thì niềm tin và sự kiên định của nhà đầu tư càng vững chắc hơn một cách rõ rệt.

Dịch Covid-19 còn làm ảnh hưởng đáng kể lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết. Theo dữ liệu của Vietstock, tổng lãi ròng quý 1/2020 của 759 doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng (tới 02/05, chưa tính khối ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm) ở mức hơn 19,288 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.

Họp đại hội cổ đông trục tuyến

TOP 10 SỰ KIỆN NỔI BẬT TRÊN SÀN CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM 2020

Dịch Covid-19 kéo dài đặt ra một bài toán hóc búa với các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán là làm sao để tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) vừa đáp ứng các yêu cầu của một cuộc đại hội, vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch tại thời điểm đó.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra công văn 1916 hướng dẫn doanh nghiệp có thể chọn cách thức tổ chức ĐHĐCĐ trực tuyến để các cổ đông tham dự và biểu quyết tại ĐHĐCĐ thông qua họp trực tuyến. Như vậy, phương thức tổ chức đại hội trực tuyến được xem là một giải pháp trong bối cảnh hiện tại.

Việc bỏ phiếu điện tử được đánh giá giúp tăng khả năng thành công của ĐHĐCĐ, giúp tiết kiệm chi phí tổ chức đại hội, chi phí quản lý, đi lại…, cũng như giúp tổ chức phát hành có được kết quả nhanh, chính xác và làm tăng vị thế của tổ chức phát hành, nhất là ở góc độ quản trị doanh nghiệp.

“Cuộc chiến vương quyền” ở Coteccons

TOP 10 SỰ KIỆN NỔI BẬT TRÊN SÀN CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM 2020

Đầu tháng 6/2020, Kusto – cổ đông ngoại lớn nhất của Coteccons (HOSE: CTD) bất ngờ triệu tập ĐHĐCĐ bất thường yêu cầu dàn lãnh đạo chủ chốt của CTD từ chức ngay lập tức. Sau đó là chuỗi ngày mà ban lãnh đạo Coteccons và nhóm cổ đông ngoại Kusto liên tục đưa ra những đòn phản pháo, công kích lẫn nhau.

Cho đến cuối tháng 6/2020, sau một tháng đỉnh điểm mâu thuẫn giữa Ban lãnh đạo Coteccons và nhóm cổ đông lớn, Chủ tịch Nguyễn Bá Dương đưa ra lời xin lỗi công khai tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên và sau đó nhanh chóng thực hiện một đợt mua cổ phiếu như lời đảm bảo với cổ đông về việc tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp.

Tuy vậy, chỉ trong vòng vài tháng, nhà thầu này chấp nhận sự rời đi lần lượt của Tổng Giám đốc Nguyễn Sỹ Công, Phó Tổng Giám đốc Trần Quang Quân và sau cùng là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương. Giới đầu tư bất ngờ nhận ra rằng Coteccons chưa từng thoát khỏi hố đen mâu thuẫn giữa các bên quyền lực.

Trong khi đó, trên hàng ngũ lãnh đạo cao nhất, những đại diện của nhóm cổ đông Kusto và The8th Pte Ltd (“The8th”) đã nắm 4 ghế trong một HĐQT 7 người (trong trường hợp Coteccons bổ nhiệm 1 nhân sự không liên quan nhóm Kusto vào HĐQT thay thế ông Dương). Giám đốc Kusto Việt Nam – ông Bolat Duisenov đã ngồi vào vị trí Chủ tịch HĐQT và Trưởng Tiểu ban Chiến lược, nhân sự mới cũng được bổ nhiệm vào vị trí trọng yếu như Kế toán trưởng.

Khối ngoại bán ròng kỷ lục bất chấp đánh giá tích cực

TOP 10 SỰ KIỆN NỔI BẬT TRÊN SÀN CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM 2020

Đại dịch bùng phát trong khi đó các thị trường cận biên và mới nổi như Việt Nam, vốn từ lâu được xem là rủi ro hơn so với các thị trường phát triển trong mắt giới đầu tư quốc tế. Theo đó, tính từ đầu năm đến hết phiên 28/12, khối ngoại đã bán ròng trên 16.45 ngàn tỷ đồng cổ phiếu niêm yết.

Xu hướng bán ròng diễn ra thường xuyên nhất từ sau Tết Âm lịch (đầu tháng 2) cho đến đầu tháng 5, cũng là giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát đợt đầu tiên và Việt Nam thực hiện cách ly xã hội. Nhìn lại năm vừa qua, những phiên khối ngoại bán ròng nhiều nhất có thể kể đến như phiên 06/05 (hơn 2.4 ngàn tỷ đồng), 28/08 (hơn 1.2 ngàn tỷ đồng), 02/12 (hơn 1 ngàn tỷ đồng).

Nhà đầu tư F0 “gánh” thị trường

TOP 10 SỰ KIỆN NỔI BẬT TRÊN SÀN CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM 2020

Làn sóng nhà đầu tư mới (F0) dâng trào trở thành tâm điểm của TTCK Việt Nam trong năm 2020. Sự gia nhập của lớp nhà đầu tư F0 thể hiện qua lượng tài khoản mở mới tăng kỷ lục. Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) lũy kế 11 tháng đầu năm 2020, số tài khoản mở mới trên thị trường Việt Nam đạt hơn 330,000 tài khoản, cao hơn gần 88% so với cùng kỳ năm trước.

Những diễn biến của thị trường trong năm qua phần nào sẽ lý giải cho hiện tượng này. Thị trường chứng khoán khởi đầu năm 2020 với diễn biến khá tiêu cực. Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh hồi đầu năm, những lo ngại về tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế thế giới đã giáng một đòn mạnh vào toàn bộ các thị trường tài chính. Chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài cục diện chung, chỉ số VN-Index có cú sụt giảm mạnh từ mức 966 điểm về còn hơn 660 điểm (cuối tháng 3/2020).

Tuy nhiên, những diễn biến sau đó lại không hề nhuốm màu bi quan. Việc thị trường giảm sâu đã kích hoạt dòng tiền “bắt đáy”, cùng với đó, một lớp nhà đầu tư mới được gọi là F0 cũng gia nhập thị trường trong bối cảnh giãn cách xã hội. Dòng tiền được đổ vào thị trường ngày càng tăng lên và trở thành động lực kéo chỉ số đi lên. Nhìn từ bên ngoài, cổ phiếu trở thành kênh đầu tư hấp dẫn và dễ kiếm lời trong giai đoạn này. Kết quả là VN-Index hồi phục nhanh chóng và chạm tới mốc 1,100 điểm vào tháng cuối năm.

Chứng khoán Việt Nam cán mốc 1 tỷ cổ phiếu

TOP 10 SỰ KIỆN NỔI BẬT TRÊN SÀN CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM 2020

Phiên 23/12, thị trường chứng khoán Việt Nam chốt phiên ở mức 1,078 điểm của VN-Index và 190.25 điểm của HNX-Index. Thanh khoản thị trường đạt mức cao trong phiên này. Khối lượng giao dịch toàn thị trường (3 sàn HOSE, HNX và UPCoM) đạt hơn 1.05 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch gần 17,900 tỷ đồng. Diễn biến giao dịch sôi động tiếp tục được duy trì trong phiên giao dịch 24/12. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt mức 972 triệu cp, tương ứng giá trị gần 17,000 tỷ đồng.

Giao dịch trên sàn HOSE vẫn chiếm tỷ trọng chủ đạo trong tổng giao dịch toàn thị trường. Trong hai phiên kể trên, gần 80% khối lượng giao dịch được thực hiện trên sàn HOSE. Nhưng đáng chú ý hơn, lượng giao dịch trên sàn HOSE chủ yếu chỉ phát sinh trong phiên sáng.

Có thể thấy càng về cuối năm, thanh khoản càng trở thành câu chuyện nóng trên thị trường chứng khoán. Khi thị trường trong đà tăng tích cực, thanh khoản thị trường bắt đầu đi lên mạnh mẽ. Bình quân thanh khoản 2 sàn niêm yết quý 4 (tính tới 24/12/2020) đạt mức 10,800 tỷ đồng.

Chạy đua phát hành trái phiếu doanh nghiệp trước khi có luật mới

TOP 10 SỰ KIỆN NỔI BẬT TRÊN SÀN CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM 2020

Nhìn lại, 2019 là năm tăng trưởng mạnh của trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Theo thống kê, có 211 doanh nghiệp thực hiện chào bán tổng cộng 300,588 tỷ đồng trái phiếu, chia làm 807 đợt phát hành. Tổng số trái phiếu phát hành cả năm là 280,141 tỷ đồng, tương đương 93.2% giá trị chào bán và tăng 25% so với năm 2018. Lượng phát hành lớn trong năm đã khiến quy mô thị trường TPDN tăng mạnh từ 9.01% GDP (2018) lên khoảng 11.3% GDP (2019), tổng lượng TPDN lưu hành đạt gần 670 ngàn tỷ đồng.

Tình hình còn bùng nổ hơn sang năm 2020. Chỉ tính đến hết tháng 8, tổng giá trị TPDN phát hành đạt 250,129 tỷ đồng, tăng 58.4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 237.729 tỷ đồng, tăng 50.5% so với cùng kỳ năm trước.

Song, việc tăng trưởng nóng cùng với nền tảng thể chế chưa hoàn thiện khiến thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Không ít trái phiếu với khẩu vị “lạ” đã ra đời. Điển hình như Công ty TNHH TM DV Xích Lô Đỏ huy động thành công 738 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 8, dù doanh thu cả năm chỉ khoảng vài chục triệu đồng, vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 20 tỷ đồng. Đáng nói khi Xích Lô Đỏ là doanh nghiệp chuyên về cắt tóc, làm đầu, gội đầu.

Bước ngoặt xảy đến, trong tháng 9, tổng giá trị TPDN được phát hành theo hình thức riêng lẻ là 10,905 tỷ đồng, giảm tới 75% so với tháng 8, với 27 đợt phát hành của 14 doanh nghiệp. Nghị định số 81/2020/NĐ-CP (hiệu lực từ 01/09/2020) được ban hành, qua đó đã nâng cao tiêu chuẩn, giới hạn về phát hành trái phiếu riêng lẻ nhằm hạn chế hoạt động phát hành quá mức để phân phối cho nhà đầu tư cá nhân; đồng thời tăng trách nhiệm của các tổ chức tư vấn, đại lý tham gia vào đợt phát hành.

Giải cứu Vietnam Airlines

TOP 10 SỰ KIỆN NỔI BẬT TRÊN SÀN CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM 2020

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) gặp muôn vàn khó khăn trước tác động của dịch Covid-19. Số lượt khách giảm sụt khiến doanh thu của hãng hàng không quốc gia đi xuống rõ rệt. Về con  số tài chính, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần 32,411 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lỗ ròng lên đến gần 10,472 tỷ đồng.

Trong tình cảnh đó, Quốc hội đã cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Quốc hội còn cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định của Luật Chứng khoán. Vietnam Airlines được miễn trừ điều kiện hoạt động kinh doanh phải có lãi năm liền trước khi chào bán.

Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh ngành hàng không quốc tế, hàng không Việt Nam chưa có dấu hiệu phục hồi cho đến hết năm 2021, thì với 12,000 tỷ đồng vốn Nhà nước bỏ ra, Vietnam Airlines sẽ phải sử dụng thế nào để đảm bảo hiệu quả sinh lời, ít nhất cũng thu hồi được khoản chi này trong tương lai?

Ngân hàng chạy đua trên sàn

TOP 10 SỰ KIỆN NỔI BẬT TRÊN SÀN CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM 2020

BVB (09/07) là ngân hàng đầu tiên giao dịch trên UPCoM trong năm 2020, sau đó là SGB (15/10) và NAB (09/10). Thế nhưng chỉ 2 tháng sau khi giao dịch trên UCoM, NAB đã nộp hồ sơ niêm yết lên sàn HOSE.

HOSE đã nhận hồ sơ niêm yết của OCB vào đầu tháng 10. Đến tháng 11/2020, LPB (09/11/2020) và VIB (10/11/2020) cũng chính thức góp mặt trên sàn HOSE. Hồi cuối tháng 11, SeABank cũng đã chốt danh sách cổ đông và nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HOSE. Ở một diễn biến khác, BAB lại nộp hồ sơ niêm yết lên sàn HNX.

Bên cạnh đó, ACB hoàn tất chuyển sàn và chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE vào ngày 09/12. Những cú chạy nước rút cuối cùng ghi nhận MSB chính thức niêm yết trên HOSE vào ngày 23/12, PGB và ABB được đưa vào giao dịch trên UPCoM lần lượt vào ngày 24/12 và 28/12.

Như vậy, hiện đã có 24 mã ngân hàng trên sàn (HOSE: 14, HNX: 2, UPCoM: 8). Vẫn còn một số nhà băng chưa có động thái về việc lên sàn như Viet A Bank, PVComBank, Bao Viet Bank,…

Nâng lô giao dịch tối thiểu, đánh thuế cổ tức cổ phiếu

TOP 10 SỰ KIỆN NỔI BẬT TRÊN SÀN CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM 2020

Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) đang lên kế hoạch nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu. Dự kiến áp dụng từ tháng 1/2021. Hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã chấp thuận phương án của Sở. Thông tin này lập tức khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí lo ngại điều đó sẽ kéo thanh khoản thị trường giảm xuống, hạn chế nhà đầu tư tham gia vào TTCK.

Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), việc tăng lô sẽ hạn chế mạnh sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư mới và nhà đầu tư nhỏ lẻ, đồng thời giảm mạnh dòng vốn từ nhà đầu tư F0 vào các cổ phiếu bluechip do những cổ phiếu này trở nên đắt đỏ. Do đó, VAFI đã có 2 văn bản gửi SSC và HOSE, thẳng thắn kiến nghị không thực hiện.

Cùng thời điểm cuối năm còn nhận thêm thông tin là từ ngày 05/12/2020, khi bán cổ phiếu được chia thưởng, được trả cổ tức sẽ bị tính 5% thuế thu nhập cá nhân. Điều đó nghĩa là khi nhà đầu tư bán lượng cổ phiếu (từ cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng) tương ứng tỷ lệ nhận được thì lập tức bị khấu trừ 5% thuế thu nhập cá nhân. Chính điều này khiến nhà đầu tư trăn trở rất nhiều, bởi khi doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu làm lượng cổ phiếu lưu hành tăng thêm nhưng giá trị thì giảm đi. Vào ngày chốt quyền hưởng cổ tức, giá tham chiếu cổ phiếu bị điều chỉnh giảm tương ứng, đồng nghĩa tài sản của nhà đầu tư không tăng.

Nguồn: Vietstock

Có thể bạn quan tâm

Tủ sách Tinh hoa chứng khoán toàn tập

Tủ sách Tinh hoa Chứng khoán toàn tập 2020

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề