fbpx

Chính sách tiền tệ (monetary policy) là gì? Các loại chính sách tiền tệ

Chính sách tiền tệ (monetary policy) hay chính sách lưu thông tiền tệ là một trong những chính sách có tác động đến sự phát triển của nền kinh tế. Những thay đổi của chính sách tiền tệ có thể gián tiếp hoặc trực tiếp dẫn đến những thay đổi của một số yếu tố trong nền kinh tế.

Lĩnh vực : Thuật ngữ

Định nghĩa

Chính sách tiền tệ (monetary policy) hay chính sách lưu thông tiền tệ là một trong những chính sách có tác động đến sự phát triển của nền kinh tế. Những thay đổi của chính sách tiền tệ có thể gián tiếp hoặc trực tiếp dẫn đến những thay đổi của một số yếu tố trong nền kinh tế.

Chính sách tiền tệ (monetary policy) là gì?

Chính sách tiền tệ (tiếng Anh là monetary policy) là chính sách sử dụng các công cụ của hoạt động tín dụng và ngoại hối để ổn định tiền tệ. Từ đó, ổn định nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển.

Hiểu đơn giản, chính sách tiền tệ là chính sách kinh tế vĩ mô do ngân hàng trung ương (hoặc cơ quan hữu trách về tiền tệ) thực hiện. Ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ để đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô của chính phủ như ổn định giá cả, tỷ lệ thất nghiệp, tăng trưởng kinh tế…

Phân loại chính sách tiền tệ (monetary policy)

Chính sách tiền tệ được chia làm 2 loại: Chính sách tiền tệ mở rộng và chính sách tiền tệ thắt chặt.

Chính sách tiền tệ (monetary policy) mở rộng

Chính sách tiền tệ mở rộng còn được gọi là chính sách tiền tệ nới lỏng, là chính sách mà Ngân hàng Trung ương mở rộng mức cung tiền lớn hơn mức bình thường cho nền kinh tế, làm cho lãi suất giảm xuống, qua đó làm tăng tổng cầu, sẽ tạo được công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Từ đó khiến quy mô của nền kinh tế được mở rộng, thu nhập tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm.

Để thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng, thông thường Ngân hàng Trung ương có thể thực hiện 1 trong 3 cách sau đây:

  • Mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán
  • Hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc
  • Hạ thấp mức lãi suất chiết khấu

Trong một số trường hợp có thể thực hiện đồng thời 2 hoặc 3 cách cùng một lúc.

Trong nền kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ nới lỏng được áp dụng trong điều kiện nền kinh tế bị suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Bởi vậy cho nên chính sách mở rộng tiền tệ đồng nghĩa với chính sách tiền tệ chống suy thoái.

Chính sách tiền tệ (monetary policy) thắt chặt

Chính sách tiền tệ thắt chặt hay còn gọi là chính sách tiền tệ thu hẹp, là chính sách mà Ngân hàng Trung ương tác động nhằm giảm bớt mức cung tiền trong nền kinh tế, qua đó làm cho lãi suất trên thị trường tăng lên. Từ đó thu hẹp tổng cầu, làm mức giá chung giảm xuống.

Thông thường chính sách tiền tệ thắt chặt được áp dụng khi nền kinh tế của một quốc gia đã có sự phát triển thái quá, lạm phát ngày càng gia tăng. Cho nên chính sách tiền tệ thắt chặt đồng nghĩa với chính sách tiền tệ chống lạm phát.

Để thực hiện chính sách tiền tệ này, Ngân hàng Trung ương thường sử dụng các biện pháp làm giảm mức cung tiền qua các cách như:

  • Bán ra trên thị trường chứng khoán
  • Tăng mức dự trữ bắt buộc
  • Tăng lãi suất chiết khấu, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng…

Tùy vào tình hình hoạt động của nền kinh tế, các mục tiêu kinh tế vĩ mô theo từng thời kỳ phát triển, Ngân hàng Trung ương có thể thực hiện một trong hai chính sách tệ tiền nói trên để mang đến sự ổn định cho nền kinh tế của đất nước.

Các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ (monetary policy)

Chính sách tiền tệ trong nền kinh tế vĩ mô sẽ chịu sự tác động của nhiều yếu tố liên quan. Dưới đây là một số yếu tố có ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ.

Tính cạnh tranh và đa dạng hóa của thị trường tài chính: Theo đó, nếu một thị trường tài chính ít sự cạnh tranh, thị phần chủ yếu tập trung ở một số ngân hàng lớn thì khả năng điều tiết của chính sách tiền tệ cũng sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định. Ngoài ra, sự phát triển của các thị trường khác như chứng khoán, bảo hiểm, các thị trường phái sinh… cũng tạo ra những ảnh hưởng đối với tác động từ chính sách tiền tệ. Khi càng có nhiều nhân tố tác động đến cung tiền nằm ngoài tín dụng ngân hàng thì càng hạn chế sự tác động của chính sách tiền tệ.

Tình trạng tài chính của các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp: Tình trạng tài chính của các cá nhân, hộ gia đình hay doanh nghiệp ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ theo 3 cách:

  • Tác động của chính sách tiền tệ đến hành vi tiêu dùng, đầu tư của cá nhân và doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào mức độ mà các chi phí này được tài trợ thông qua hệ thống tài chính (tức là khả năng tiếp cận vốn).
  • Tác động của chính sách tiền tệ đến giá tài sản như cổ phiếu, bất động sản… sẽ phụ thuộc vào cơ cấu của các danh mục đầu tư tài chính của cá nhân và doanh nghiệp.
  • Trạng thái tài chính ban đầu của cá nhân và doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến sự tác động của chính sách tiền tệ đối với các quyết định được đưa ra. Bởi vậy cho nên tại các nước có tiêu dùng và đầu tư chủ yếu dựa trên tiết kiệm hoặc tái đầu tư từ lợi nhuận, tác động của chính sách tiền tệ sẽ bị hạn chế hơn là ở những nước phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng.

Chính sách ngoại hối: Trong điều kiện tự do hóa các giao dịch vốn, hiệu quả của chính sách tiền tệ sẽ chịu ảnh hưởng bởi chính sách ngoại hối và khả năng thay thế giữa tài sản trong nước và tài sản nước ngoài. Bởi vậy, khi khả năng thay thế là ổn định, mọi hành động của chính sách tiền tệ sẽ bị trung hòa qua sự dịch chuyển của dòng vốn. Việc tăng khả năng tiếp cận dòng vốn từ nước ngoài cũng giúp các doanh nghiệp bớt phụ thuộc vào tín dụng trong nước, do đó sẽ làm giảm tác động của chính sách tiền tệ lên tổng cầu.

Tình trạng đô la hóa trên thị trường tài chính: Trên thị trường tài chính, tình trạng đô la hóa diễn ra phổ biến và nó đặt ra nhiều thách thức đối với việc xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ từ việc thống kê tổng lượng tiền, xác định các mục tiêu.. Tình trạng đô la hóa bằng tiền mặt sẽ làm hạn chế khả năng đo lường cung tiền trong nền kinh tế. Đặc biệt, khi tồn tại tình trạng đô la hóa cả bên tài sản có và tài sản nợ sẽ dẫn đến những rủi ro do mất cân đối kỳ hạn và chênh lệch loại tiền tệ

Nguồn: thebank

 

“Cuốn sách giúp thay đổi rất nhiều luận điểm còn đang mơ hồ và những lầm tưởng khi nghĩ về kinh tế học”.

Basic Economics

ĐẶT SÁCH NGAY

Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ bạn bằng cách Nhấn vào đây