Đầu tư quốc tế (Foreign Investment) là gì?
Đầu tư quốc tế (tiếng Anh: Foreign Investment) là một chiến lược đầu tư liên quan đến việc lựa chọn các công cụ đầu tư toàn cầu để đa dạng hóa và phân tán rủi ro đầu tư giữa các thị trường và công ty nước ngoài.
Định nghĩa
Đầu tư quốc tế (Foreign Investment)
Định nghĩa
Đầu tư quốc tế trong tiếng Anh là Foreign Investment. Đầu tư quốc tế là hình thức quan hệ kinh tế quốc tế, trong đó vốn được di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác nhằm đầu tư và đem lại lợi ích cho các bên tham gia.
Các thuật ngữ liên quan
Nước đầu tư (nước xuất khẩu vốn) là nước có dòng vốn đi ra.
Nước nhận đầu tư (nước nhập khẩu vốn) là nước có dòng vốn đi vào
Đặc điểm
– Phương tiện đầu tư quốc tế có thể là tiền tệ, tài sản hữu hình (thiết bị, vật tư) hoặc tài sản vô hình (bằng sáng chế, bi quyết kĩ thuật, nhãn hiệu hàng hóa…).
– Chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư quốc tế có thể là chính phủ, tổ chức quốc tế, công ty hoặc tập đoàn kinh tế (khu vực kinh tế tư nhân)
– Quá trình đầu tư luôn có hai bên khác quốc gia: Bên đầu tư vốn (còn gọi là bên chủ đầu tư) và bên nhận vốn (còn gọi là bên nhận đầu tư).
Trong quá trình đầu tư, quyền sở hữu vốn luôn thuộc về chủ đầu tư của nước đầu tư, nhưng vốn được sử dụng tại nước nhận đầu tư.
– Mục đích đầu tư nhằm mang lại những lợi ích kinh tế, hoặc thực hiện mục tiêu chính trị, xã hội. Mức độ trách nhiệm và quyền lợi của mỗi bên tùy thuộc vào các hình thức trao đổi do các bên lựa chọn. Mỗi một quá trình đầu tư quốc tế về vốn đều có thể được đánh giá trên các góc độ từ rộng đến hẹp: tác động đến nền kinh tế thế giới, tác động đến từng quốc gia, lợi ích của chủ sở hữu vốn.
Các hình thức đầu tư quốc tế
– Đầu tư trực tiếp nước ngoài
– Đầu tư gián tiếp nước ngoài
– Tín dụng thương mại quốc tế
– Hỗ trợ phát triển chính thức ODA
Nguyên nhân
Quá trình đầu tư quốc tế xuất phát từ các nguyên nhân cơ bản sau
– Thứ nhất, có sự khác nhau về lợi thế của các yếu tố sản xuất ở từng nước.
Chủ đầu tư di chuyển vốn ra nước ngoài để khai thác lợi thế tại các nước nhận đầu tư với mục đích có được tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với đầu tư trong nước. Đây là nguyên nhân quan trọng tác đông đến quyết định đầu tư của chủ đầu tư.
– Thứ hai, có sự phù hợp về lợi ích của các bên tham gia đầu tư.
Bên chủ đầu tư tìm kiếm môi trường đầu tư có lợi, tránh hàng rào bảo hộ thương mại của bên nhận đầu tư khi cần khuếch trương sản phẩm, nâng cao uy tín, tăng cường vị thế và mở rộng qui mô thị trường.
Bên nhận đầu tư cần vốn để đáp ứng quá trình phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm cho người lao động; đồng thời, mong muốn thu hút công nghệ mới, học tập kinh nghiệm quản lí kinh doanh tiên tiến thông qua đầu tư trực tiếp của các chủ đầu tư ở những nước có trình độ cao hơn.
– Thứ ba, do thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – chính trị – xã hội của các tổ chức quốc tế (khu vực toàn cầu).
Vốn được huy động từ một số quốc gia này và đưa vào một số quốc gia khác nhằm thực hiện mục tiêu chung của tổ chức như: xây dựng công trình tầm cỡ quốc tế, giúp các nước nghèo vượt qua khó khăn về kinh tế – xã hội, giúp bảo vệ môi trường sống.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế quốc tế, NXB Tài chính)
Nguồn: Minh Lan – Theo Dòng Vốn Kinh Doanh