fbpx

Điều chỉnh giá (Correction) trong chứng khoán là gì?

Điều chỉnh giá (Correction) trong chứng khoán là sự sụt giảm giá trị kéo dài của một tài sản tài chính hay một chỉ số thị trường. Không có một quy chuẩn nào cho sự điều chỉnh này, nhưng đa số đồng ý rằng điều chỉnh giá xảy ra khi giá giảm từ 10% - 20% so với mức đỉnh gần nhất.

Lĩnh vực : Thuật ngữ

Định nghĩa

Điều chỉnh giá trong chứng khoán xảy ra khi giá chứng khoán giảm từ 10% trở lên, diễn ra trong thời gian ngắn, là một thời điểm lý tưởng để đầu tư vào những cổ phiếu có giá trị cao với mức giá hời. Tuy nhiên đây cũng là một trải nghiệm khá khó chịu đối với một số nhà đầu tư.

Điều chỉnh giá trong chứng khoán là gì?

Điều chỉnh giá (Correction) trong chứng khoán là gì?

Điều chỉnh giá (Correction) trong chứng khoán là sự sụt giảm giá trị kéo dài của một tài sản tài chính hay một chỉ số thị trường. Không có một quy chuẩn nào cho sự điều chỉnh này, nhưng đa số đồng ý rằng điều chỉnh giá xảy ra khi giá giảm từ 10% – 20% so với mức đỉnh gần nhất.

Sự điều chỉnh giá trong chứng khoán có thể tác động đến hầu hết các cổ phiếu, nhưng đặc biệt các cổ phiếu vốn hoá nhỏ, tăng trưởng nhanh trong các lĩnh vực dễ biến động như công nghệ, có xu hướng phản ứng mạnh mẽ hơn.

Sự điều chỉnh giá trong chứng khoán khác với thị trường “gấu” (bear market). Thị trường gấu xảy ra với sự sụt giảm giá trị sâu hơn và kéo dài hơn so với sự điều chỉnh giá, giá trị có thể suy giảm hơn 20% trên một thị trường, kéo dài trung bình từ 14 – 16 tháng.

Thị trường gấu là kết quả của sự thay đổi đáng kể trong tâm lý nhà đầu tư, tác động mạnh và kéo dài dẫn tới khủng hoảng kinh tế, trong khi sự điều chỉnh giá thị trường chỉ thể hiện mức độ lo ngại vừa phải của họ đối với các sự kiện diễn ra trước mắt chẳng hạn như một số chỉ số dữ liệu kinh tế không như mong đợi.

Trong một đợt điều chỉnh giá, các nhà đầu tư vẫn có tinh thần lạc quan với thị trường và nền kinh tế, vì vậy, họ vẫn quay trở lại thị trường để mua cổ phiếu ở mức giá thấp, đẩy thị trường lên cao hơn. Nhưng thị trường gấu thì ngược lại, tâm lý nhà đầu tư tiêu cực hơn, họ e ngại đầu tư thêm không kết quả trong khi bối cảnh nền kinh tế có thể xuống dốc.

Nguyên nhân dẫn đến sự điều chỉnh

Điều chỉnh giá được xem như một quy luật tất yếu của thị trường, khi thị trưởng đã tăng trưởng quá ổn định trong một thời gian dài.

Sự điều chỉnh giá của thị trường cho thấy một thị trường chứng khoán lành mạnh vì sự gia tăng liên tục của thị trường chứng khoán có thể gây ra những tác động bất lợi cho nền kinh tế. Giá cổ phiếu tăng đồng nghĩa với sự bùng nổ kinh tế; do đó, sự gia tăng liên tục về giá trị của các tài sản hay chỉ số chứng khoán có thể dẫn đến mức lạm phát cao, ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt là các nhóm thu nhập thấp. Sự điều chỉnh giá của thị trường cũng hạn chế việc tài sản bị lạm phát quá mức, ngăn ngừa bong bóng tài sản xảy ra.

Rất khó dự đoán khi nào thì một sự điều chỉnh giá thị trường mới diễn ra, vì nhiều lý do đằng sau đó, có thể là từ những thay đổi kinh tế quy mô lớn, hoặc các chiến lược quản lý của một tổ chức phát sinh ra những vấn đề tài chính khác nhau.

Ưu và nhược điểm khi thị trường điều chỉnh

Ưu điểm 

– Tạo cơ hội cho các nhà đầu tư có thể mua các tài sản giá trị cao với mức giá thấp;

– Làm “dịu” thị trường khi nó đang “thịnh” quá mức, điều chỉnh giá kéo thị trường chứng khoán trở về mức cân bằng và hợp lý hơn.

Nhược điểm:

– Có thể gây hoảng loạn cho các nhà đầu tư khiến họ bán quá mức;

– Gây tổn thất lớn cho nhà đầu tư ngắn hạn và các nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy;

– Có khả năng chuyển sang suy thoái kéo dài.

Một số loại điều chỉnh trong chứng khoán

1. Giá cổ phiếu điều chỉnh

Giá cổ phiếu điều chỉnh là giá tham chiếu của mã cổ phiếu được điều chỉnh giảm tương ứng với tỷ lệ cổ tức tại ngày doanh nghiệp chốt quyền nhân cổ tức cho cổ đông hiện hữu.

Nguyên nhân có giá cổ phiếu điều chỉnh vì nếu sau khi chia cổ tức mà giá cổ phiếu không giảm xuống thì gần ngày chia cổ tức, các cổ đông sẽ không muốn bán cổ phần của mình, đồng thời, ngay sau khi được chia xong cổ tức, cổ đông nào cũng muốn bán cổ phần. Khi điều này xảy ra, phát sinh ra hai trường hợp: trước ngày chia cổ tức nhu cầu mua cổ phiếu tăng cao, sau ngày hưởng cổ tức nhu cầu bán cổ phiếu cũng tăng cao. Vì vậy, để cân bằng thị trường thì giá cổ phiếu điều chỉnh được thiết lập với tỷ lệ điều chỉnh giảm đúng bằng tỷ lệ cổ tức. Điều 4 Luật Chứng khoán có ghi nhận về nguyên tắc công bằng này.

2. Đợt điều chỉnh và nhịp điều chỉnh

Đợt điều chỉnh diễn ra khi giá cả của các cổ phiếu hoặc thị trường chứng khoán chung thay đổi đột ngột và mạnh mẽ, thường là theo một hướng giảm. Các đợt điều chỉnh có thể làm mất giá trị của các tài sản tài chính trong thời gian ngắn và gây ra hoang mang, lo lắng cho cộng đồng đầu tư. Tuy nhiên, cũng tạo cơ hội cho những ai có chiến lược đúng đắn, kịp thời tận dụng mua vào khi giá đang giảm.

Các đợt điều chỉnh xảy ra do nhiều nguyên nhân, có thể do sự thay đổi trong tâm lý thị trường, sự lo lắng, không chắc chắn về triển vọng kinh doanh hay tình hình kinh tế. Cũng có thể do các biến động về lãi suất, lạm phát, các biến động trên toàn cầu, hoặc do các tin tức sự kiện không tốt của công ty phát hành, cũng như các thay đổi trong chính sách và quy định của cơ quan Nhà nước, gây áp lực lên nền kinh tế và thị trường chứng khoán.

Nhịp điều chỉnh mô tả các đợt giảm giá nhẹ hoặc tăng giá nhẹ sau một giai đoạn biến động mạnh mẽ. Trên thị trường chứng khoán, giá cả biến động thường xuyên, có thể trải qua các giai đoạn điều chỉnh tăng giá mạnh và giảm giá mạnh. Nhịp điều chỉnh được coi là một phản ứng tự nhiên của thị trường nhằm ổn định lại giá sau các biến động mạnh mẽ đó.

Nhịp điều chỉnh thường được coi là một phần của quá trình giá cả và thị trường thực hiện để đạt được sự ổn định và cân bằng. Nó cung cấp cơ hội cho những nhà đầu tư có chiến lược linh hoạt để tham gia hoặc rút lui khỏi thị trường tùy thuộc vào tình hình cụ thể.

3. Thị trường điều chỉnh

Thị trường điều chỉnh là một giai đoạn trong chu kỳ kinh tế, xảy ra khi giá tài sản hay các chỉ số chứng khoán giảm xuống sau một thời gian tăng trưởng mạnh. Một số nguyên nhân dẫn tới việc thị trường điều chỉnh đoa là sự thay đổi về yếu tố cung cầu tỏng nền kinh tế làm thay đổi giá cả của các tài sản, hàng hoá hoặc tiền tệ; sự điều chỉnh dữ liệu tài chính như tỷ giá hối đoái, lãi suất, chỉ số kinh tế; biến động toàn cầu, sự thay đổi trong tâm lý thị trường toàn cầu, căng thẳng địa chính trị…

Thị trường điều chỉnh mang lại nhiều ưu điểm cho nền kinh tế và xã hội, như tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng của hàng hoá; thúc đẩy sự cạnh tranh và sáng tạo trên thị trường; phản ánh thực nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng. Tuy vậy, nó cũng đem lại một số bất ổn như sự bất ổn trong tâm lý giao dịch của nhà đầu tư, sự thiếu công bằng và bất bình đẳng trong xã hội, các hiện tượng tiêu cực như lạm phát, suy thoái, thất nghiệp gia tăng yêu cầu phải có sự can thiệp của Chính phủ để khắc phục…

4. Giá đóng cửa điều chỉnh

Giá đóng cửa điều chỉnh (Adjusted Closing Price) là giá cuối cùng của một cổ phiếu trong một ngày giao dịch, nhưng đã được điều chỉnh để phản ánh các biến động khác nhau có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu đó. Các yếu tố điều chỉnh có thể bao gồm cổ tức, phát hành mới, chia cổ tức, hay sự sáp nhập và mua lại. Chúng tác động đến số lượng cổ phiếu và giá trị của công ty phát hành.

Giá đóng cửa điều chỉnh phản ánh giá trị thực của cổ phiếu hơn sau khi trải qua các biến động trên. Đồng thời, cung cấp cho nhà đầu tư một phương pháp có thể đánh giá được giá cổ phiếu ở hiện tại và quá khứ thay đổi ra sao, từ đó nhận định về hiệu quả của các quyết định đầu tư đã đưa ra.

5. Điều chỉnh về vùng kháng cự

Vùng kháng cự là vùng giá mà tại đó xu hướng tăng, được kỳ vọng đảo chiều thành xu hướng giảm. Khi giá tiếp cận hoặc gần chạm đến vùng kháng cự, nhà đầu tư có thể đặt lệnh bán hoặc đóng lệnh mua để thu lợi nhuận, dẫn đến sự điều chỉnh giá. Điều này có thể tạo ra một áp lực bán mạnh hơn và đẩy giá cả xuống, tạo ra một đợt điều chỉnh giá.

Như vậy, điều chỉnh giá về vùng kháng cự là sự điều chỉnh giá của một tài sản như cổ phiếu, hàng hoá, tiền tệ khi giá cả chạm tới một vùng mà trước đó đã hoạt động như vùng kháng cự.

6. Điều chỉnh giá kỹ thuật

Điều chỉnh giá kỹ thuật (Technical Correction) là sự điều chỉnh giá cả tạm thời sau một giai đoạn tăng giá quá nhanh hoặc giảm giá quá nhanh, khi đó giá của một cổ phiếu hay một chỉ số giảm xuống hơn 10% nhưng không vượt quá 20%, tính từ mức đỉnh gần nhất.

Điều chỉnh giá kỹ thuật là một phản ứng tự nhiên của thị trường để điều chỉnh và cân bằng giá sau những biến động mạnh mẽ. Trong một đợt điều chỉnh giá kỹ thuật, giá cả thường đảo chiều một cách tạm thời sau giai đoạn tăng/giảm mạnh mẽ, do nhà đầu tư đã tiến hành chốt lời hoặc mua váo với số lượng lớn sau đợt giảm giá. Yếu tố quá mua, quá bán của một tài sản tài chính khiến việc điều chỉnh giá cần thiết để giữ cho xu hướng chính được bền vững.

Nhà đầu tư cần làm gì trong các phiên điều chỉnh

Điều quan trọng nhất trong đầu tư đó là bạn nên tiếp cận thị trường một cách đa dạng, có kỷ luật, giảm bớt cảm xúc, luôn đầu tư bằng khối óc chứ không phải bằng bản năng.

Một phần của việc đầu tư thành công trong các giai đoạn điều chỉnh giá thị trường đó là bạn có đủ tiền mặt để vượt qua được các đợt giảm giá ngắn hạn/dài hạn, bạn luôn sẵn sàng tiền để có thể mua vào lúc giá thấp. Bạn hoàn toàn có thể tích luỹ cổ phiếu dần trong các phiên điều chỉnh, chờ cơ hội để chúng tăng giá ở tương lai.

Trong thời gian điều chỉnh giá, các tài sản tài chính thường hoạt động kém do điều kiện thị trường bất lợi, nhà đầu tư lúc này có thể mua tài sản giá trị cao ở mức giá chiết khấu, nhưng, cần phải cân nhắc rủi ro giá của chúng có thể giảm hơn khi đợt điều chỉnh giá tiếp tục xảy ra.

Nói tóm lại, điều chỉnh giá là một phần không thể thiếu trong chu kỳ thị trường chứng khoán. Hãy bám sát kế hoạch đầu tư của mình và đừng để sự hoảng loạn khi thị trường điều chỉnh giá làm ảnh hưởng đến quyết định của bạn.

Nguồn: Topi

Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ bạn bằng cách Nhấn vào đây