fbpx

Lệnh điều kiện (Conditional Order) trong chứng khoán là gì?

Lệnh điều kiện (tiếng Anh: Conditional Order) giúp người đầu tư chứng khoán có thể đặt lệnh mua/bán với giá mục tiêu mong muốn khi giá cổ phiếu chạm một mức giá mục tiêu đã định trước.

Lĩnh vực : Thuật ngữ

Định nghĩa

Lệnh điều kiện (tiếng Anh: Conditional Order) giúp người đầu tư chứng khoán có thể đặt lệnh mua/bán với giá mục tiêu mong muốn khi giá cổ phiếu chạm một mức giá mục tiêu đã định trước.

Lệnh điều kiện trong chứng khoán (Conditional Order)

Khái niệm

Lệnh điều kiện trong chứng khoán trong tiếng Anh được gọi là Conditional Order.

Lệnh điều kiện giúp người đầu tư chứng khoán có thể đặt lệnh mua/bán với giá mục tiêu mong muốn khi giá cổ phiếu chạm một mức giá mục tiêu đã định trước. Lệnh này sẽ giúp người đầu tư có thể giảm thiểu các rủi ro và chớp cơ hội mua/bán trước sự biến động bất ngờ của thị trường.

Lệnh điều kiện là loại lệnh khi đặt có kèm điều kiện. Sau khi người đầu tư chứng khoán hoàn thành thao tác đặt lệnh, lệnh ở trạng thái chờ kích hoạt, chưa được đẩy vào danh sách lệnh chờ gửi vào sàn. Lệnh chỉ được kích hoạt và đẩy vào sàn khi đạt điều kiện đã đặt ra.

Phân loại

– Lệnh đặt trước ngày (TCO – Time Conditional Order)

Loại lệnh này giúp người đầu tư đặt lệnh trước phiên giao dịch từ 1 đến nhiều ngày với số lượng và giá được xác định trước.

– Lệnh tranh mua, tranh bán (PRO – Priority Order)

Loại lệnh này giúp người đầu tư có thể đặt lệnh mua bán chứng khoán với khả năng khớp lệnh cao nhất. Đến ngày hiệu lực, hệ thống sẽ tự động chuyển đổi giá của lệnh đặt giữa các phiên sao cho lệnh đặt của người đầu tư luôn có mức giá ưu tiên khớp cao nhất. 

Ví dụ: sàn HOSE (Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh), phiên 1, hệ thống tự động cập nhật giá của lệnh thành ATO (At the open order – là lệnh đặt mua hoặc đặt bán chứng khoán tại mức giá mở cửa), sang phiên 2, hệ thống tự động đổi giá của lệnh thành lệnh mua giá trần, lệnh bán giá sàn, phiên 3 giá tự động đổi thành ATC (At the close order – là lệnh đặt mua hoặc đặt bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa)…

– Lệnh dừng (Stop order)

Lệnh này cho phép khách hàng đặt bán chứng khoán tại một mức giá xác định trong tương lai.

– Lệnh xu hướng (TS – Trailing Stop Order)

Lệnh xu hướng là trợ giúp nhà đầu tư Bán với giá tối ưu nhất vùng đỉnh khi thị trường có xu hướng tăng và Mua với giá tối ưu nhất vùng đáy khi thị trường có xu hướng giảm. 

Với nguyên lí kích hoạt tự động của Lệnh xu hướng, nhà đầu tư không cần theo dõi diễn biễn thị trường mà vẫn có thể Mua đáy – Bán đỉnh.

Các loại giá trong lệnh xu hướng:

Giá thị trường (MP_ Market Price): là giá khớp cuối cùng của cổ phiếu hoặc chỉ số. Đầu ngày khi chưa có giá khớp gần nhất thì giá MP sẽ được xác định là giá tham chiếu.

Giá kích hoạt: (TP_ Trigger Price): là giá được sử dụng để so sánh với giá thị trường của cổ phiếu để xác định điều kiện về giá của lệnh điều kiện có thỏa mãn hay không.

Giá đặt lệnh: (OP_ Order Price): là giá của lệnh thật được phát sinh vào sàn khi lệnh thỏa mãn điều kiện về lệnh đặt.

+ Lệnh mua xu hướng

Giúp nhà đầu tư mua được cổ phiếu rẻ nhất có thể trong trường hợp dự đoán thị trường sẽ giảm nhằm thiểu hóa chi phí cho khách hàng. 

+ Lệnh bán xu hướng

Lệnh này giúp nhà đầu tư bảo vệ được lợi nhuận tiềm năng của mình khi xu hướng thị trường lên. 

Quản lí lệnh điều kiện (Conditional Order)

Lệnh điều kiện (Conditional Order) trong chứng khoán là gì?

Chức năng này giúp nhà đầu tư có thể kiểm tra và quản lí được thông tin trạng thái của lệnh điều kiện một cách đầy đủ nhất. Khách hàng có thể tra cứu thông tin lệnh điều kiện theo từng mã chứng khoán, loại lệnh, trạng thái lệnh, theo thời gian đặt lệnh.

– Trạng thái lệnh điều kiện

+ Đang chờ thỏa điều kiện: Lệnh của nhà đầu tư đã được đặt vào hệ thống, nhưng chưa được gửi vào sàn giao dịch, vì chưa thỏa mãn điều kiện lệnh như: chưa đến ngày hiệu lực, chưa đạt mức giá thỏa mãn,…). Khách hàng có thể hủy/sửa được lệnh điều kiện. 

+ Chờ gửi lệnh vào sàn: Lệnh của nhà đầu tư đã thỏa mãn các điều kiện lệnh, ngày hiệu lực và đang nằm trong hàng đợi điều kiện để chuẩn bị gửi vào sàn giao dịch khi các điều kiện khác về lệnh (như giá trần sàn, đủ số dư tiền/chứng khoán,…) và các điều kiện về giá được thỏa mãn. Khách hàng có thể hủy lệnh điều kiện.

+ Đã gửi lệnh vào sàn: Lệnh điều kiện của nhà đầu tư đã được kích hoạt để gửi vào sàn giao dịch. Trong trường hợp lệnh này chưa khớp khách hàng có thể hủy được.

+ Khớp 1 phần/hủy 1 phần: Khi lệnh điều kiện đã khớp 1 phần và yêu cầu hủy số lượng còn lại của nhà đầu tư đã thành công.

+ Khớp 1 phần/chờ khớp đủ: lệnh điều kiện đã khớp 1 phần. Nhà đầu tư có thể hủy phần còn lại chưa khớp.

+ Đã khớp: Lệnh điều kiện của nhà đầu tư đã khớp đủ khối lượng đã đặt. Khách hàng không thể hủy lệnh.

+ Đã hủy: Lệnh điều kiện của nhà đầu tư đã được hủy thành công.

– Trạng thái lệnh thật phát sinh

Lệnh thật phát sinh là khi lệnh điều kiện thỏa mãn các điều kiện (giá, ngày hiệu lực,…) sẽ phát sinh ra lệnh thật để đưa vào sàn giao dịch HNX và HOSE. Bản chất lệnh phát sinh giống như 1 lệnh thông thường trong ngày giao dịch.

– Các trạng thái lệnh thật phát sinh

+ Đang chờ khớp: Lệnh phát sinh đã được gửi vào sàn giao dịch nhưng chưa khớp. Nhà đầu tư có thể hủy được lệnh này.

+ Khớp 1 phần: Lệnh phát sinh đã khớp 1 phần, đang chờ khớp phần còn lại. Nhà đầu tư có thể hủy phần còn lại này.

+ Khớp 1 phần/hủy 1 phần: Khi lệnh phát sinh đã khớp 1 phần và hủy phần còn lại thành công.

+ Đã hủy: Lệnh phát sinh chưa khớp đã hủy thành công.

+ Đã khớp hoàn toàn: Lệnh phát sinh đã khớp hết.

Nguồn: VN Direct. Chứng khoán MB. Công ty cổ phần chứng khoán SSI

Các bạn có thể tham khảo thêm về các thuật ngữ khác tại đây

Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ bạn bằng cách Nhấn vào đây