Mô hình nêm là gì? Chiến lược giao dịch với mô hình nêm
Mô hình nêm trong phong cách giao dịch Price Action tuy là một mô hình đơn giản khi dễ dàng nhận diện và cho ra những điểm mua bán nhưng vẫn vô cùng hiệu quả giúp cho các nhà giao dịch đạt được những khoản lợi nhuận kỳ vọng.
Định nghĩa
Mô hình nêm trong phong cách giao dịch Price Action tuy là một mô hình đơn giản khi dễ dàng nhận diện và cho ra những điểm mua bán nhưng vẫn vô cùng hiệu quả giúp cho các nhà giao dịch đạt được những khoản lợi nhuận kỳ vọng.
Mô hình nêm là gì?
Được gọi là mô hình nêm (Wedge Pattern) do hình dáng mô hình có hình dạng thu hẹp dần về sau theo thời gian giống như hình dạng của cái nêm.
Mô hình nêm được hình thành bởi 2 đường hỗ trợ bên dưới và kháng cự bên trên cùng dốc lên hoặc dốc xuống, hai đường này sẽ hội tụ với nhau tại một điểm tạo thành hình cái nêm. Đây cũng là sự khác biệt dễ nhìn thấy nhất giữa mô hình cái nêm và mô hình tam giác được đề cập trong bài viết khác.
Sự hình thành và ý nghĩa mô hình nêm
Mô hình nêm được hình thành sau một xu hướng tăng hoặc giảm của cổ phiếu. Việc hình thành mô hình này thể hiện giai đoạn tích lũy của giá trước khi xác định xu hướng tiếp theo.
Mô hình nêm cho thấy động lực tăng hoặc giảm giá tiếp diễn, tuy nhiên có dấu hiệu giảm dần thể hiện qua việc thu hẹp đà tăng hoặc giảm về phía cuối nêm. Từ đó cho khả năng đảo chiều mạnh khi có một lực bán hoặc mua đủ lớn phá vỡ mô hình.
Tính chất mô hình nêm:
– Đối với mô hình nêm tăng, hỗ trợ và kháng cự sẽ cùng dốc lên. Trong đó, đường hỗ trợ sẽ dốc hơn đường kháng cự. Khi mô hình bị phá vỡ sẽ cho ra tín hiệu đảo chiều giảm, nhà đầu tư có thể dựa vào đó để tìm kiếm cơ hội bán.
– Đối với mô hình nêm giảm, hỗ trợ và kháng cự sẽ cùng dốc xuống. Trong đó, đường kháng cự sẽ dốc hơn đường hỗ trợ. Khi mô hình bị phá vỡ sẽ cho ra tín hiệu đảo chiều tăng, nhà đầu tư có thể dựa vào đó để tìm kiếm cơ hội mua.
– Đỉnh đáy được tạo thành phải nằm trên 2 đường hỗ trợ và kháng cự này. Và có ít nhất 3 lần chạm ở kháng cự và hỗ trợ.
– Thời gian hình thành mô hình càng lâu thì cú phá vỡ và hỗ trợ càng có giá trị.
Cách giao dịch với mô hình nêm
Điều quan trọng nhất khi giao dịch với mô hình cái nêm là nhà đầu tư cần vẽ được hai đường kháng cự và hỗ trợ trong mô hình. Việc xác định 2 đường này cũng đơn giản khi chỉ cần kéo dài đoạn thẳng nối các đỉnh với nhau và đoạn thẳng nối các đáy với nhau, hai đường này cắt nhau tại 1 điểm hội tụ để tạo thành mô hình cái nêm.
Như đã trình bày ở trên, mô hình nêm sẽ cho ra tín hiệu đảo chiều và điểm mua hoặc bán khi hỗ trợ hoặc kháng cự bị phá vỡ. Từ đó, chúng ta có các chiến lược giao dịch sau:
Chiến lược 1: Giao dịch đảo chiều xu hướng
Đầu tiên, ta xét với nêm tăng. Ở cuối xu hướng tăng, việc giá hình thành nêm tăng cho tín hiệu giá sắp đảo chiều giảm, chúng ta chú ý chờ đợi nến giảm phá vỡ đường hỗ trợ để tìm kiếm cơ hội bán.
Nhiều nhà đầu tư quyết định thực hiện lệnh bán ngay khi nến đóng cửa phá vỡ đường hỗ trợ, tuy nhiên điều này khá rủi ro khi có thể đó chỉ là một tín hiệu giả. Để chắc chắn và an toàn hơn, nhà đầu tư có thể chờ đợi nhịp hồi test lại hỗ trợ vừa đánh mất, kết hợp thêm các dấu hiệu đảo chiều khác từ nến hoặc các chỉ báo xu hướng để cho ra điểm bán an toàn và tối ưu hơn.
Giá mục tiêu sẽ là các vùng đáy cũ trong nêm.
Lệnh dừng lỗ nên được đặt ở đỉnh cũ gần nhất của mẫu hình nêm.
Tương tự, ở cuối xu hướng giảm, việc giá hình thành nêm giảm cho tín hiệu giá sắp đảo chiều tăng, chúng ta chú ý chờ đợi nến tăng phá vỡ đường kháng cự để tìm kiếm cơ hội mua.
Lệnh mua có thể được thực hiện khi nến phá vỡ kháng cự phía trên hoặc để chắc chắn hơn, nhà đầu tư có thể đợi pha retest và các tín hiệu đảo chiều từ nến hoặc các chỉ báo xu hướng khác.
Giá mục tiêu sẽ được chọn ở vùng giá tại các đỉnh cũ trong nêm.
Giá dừng lỗ được chọn tại vùng giá đáy cũ gần nhất.
Chiến lược 2: Tiếp nối xu hướng
Chiến lược này xuất hiện mô hình nêm trong những nhịp hồi của xu hướng giảm hoặc nhịp điều chỉnh trong xu hướng tăng. Tương tự như chiến lược đảo chiều xu hướng, điểm mua hoặc bán xuất hiện khi các hỗ trợ và kháng cự bị phá vỡ, chiến lược tiếp nối xu hướng này thường ít được sử dụng hơn.
Tổng kết:
Mô hình nêm là một mô hình đơn giản và hiệu quả khi cho nhà đầu tư xu hướng, điểm vào lệnh, giá cắt lỗ và giá mục tiêu ngay trong mô hình.
Các lưu ý khi sử dụng mô hình nêm:
– Vẽ đúng hỗ trợ và kháng cự
– Điểm mua/bán xuất hiện khi retest lại kháng cự hoặc hỗ trợ, có thể kết hợp các mẫu hình nến đảo chiều xu hướng
– Dừng lỗ tại vùng đỉnh hoặc đáy gần nhất
– Giá mục tiêu tại các đỉnh hoặc đáy trong nêm
Happy Live Team Sưu tầm
Có thể bạn quan tâm: Tuyệt kỹ giao dịch bằng đồ thị nến Nhật
Những góc nhìn độc nhất về sức khỏe thị trường và những tín hiệu đảo chiều sớm