Mô hình Ponzi là gì? Dấu hiệu nhận biết mô hình đa cấp Ponzi
Mô hình Ponzi hay còn gọi là mô hình đa cấp kim tự tháp. Đây là hình thức lừa đảo, hoạt động bằng cách lấy tiền của người đến sau trả cho người đến trước. Và đặc biệt, những người đến sau thường sẽ không nhận được gì cả.
Định nghĩa
Có những mô hình kinh tế được tạo ra với mục đích vì lợi nhuận cá nhân của một hoặc một số người. Điều này gây ra nhiều tổn thất cho những người bị lừa tham gia vào mô hình lừa đảo đó. Một trong những mô hình đa cấp lừa đảo “khét tiếng” trên thị trường là mô hình Ponzi. Vậy Ponzi là gì? Đặc điểm và phương thức hoạt động cụ thể thế nào?
Mô hình Ponzi là gì? Dấu hiệu nhận biết mô hình đa cấp Ponzi
Ponzi là gì?
Mô hình Ponzi hay còn gọi là mô hình đa cấp kim tự tháp. Đây là hình thức lừa đảo, hoạt động bằng cách lấy tiền của người đến sau trả cho người đến trước. Và đặc biệt, những người đến sau thường sẽ không nhận được gì cả.
Điểm độc đáo của mô hình này chính là tác động trực tiếp đến tâm lý của nhà đầu tư. Người đứng đầu mô hình sẽ hiểu rõ và lợi dụng nhu cầu của người giao dịch để kéo họ vào mô hình Ponzi.
Rất nhiều trường hợp nhà đầu tư tham gia Ponzi nhưng không hề nhận ra dấu hiệu lừa đảo vì mức ROI (Return Of Investment) quá hấp dẫn, khiến người tham gia bỏ qua đi rủi ro có thể gặp phải.
Cha đẻ của mô hình Ponzi là ai?
Ponzi được đặt tên theo tên cha đẻ của mô hình này Charles Ponzi (sinh năm 1882) – trùm lừa đảo người Ý. Ông đã áp dụng mô hình Ponzi và lừa được 15 triệu USD từ hàng vạn khách hàng, khiến cho 6 ngân hàng phá sản. Charles Ponzi chính thức trở thành “ông tổ” của ngành tín dụng đa cấp lừa đảo với mô hình Ponzi nổi tiếng.
Tại sao gọi là mô hình đa cấp Ponzi?
Người ta sẽ dùng thuật ngữ “đa cấp” khi nhắc đến mô hình Ponzi. Đơn giản là bởi người tham gia bị thu hút bởi số tiền được hứa hẹn quá hấp dẫn, họ tìm cách mời những người khác tham gia cùng, tiền của người đi sau lại được dùng để trả cho người đi trước và kẻ cầm đầu, số tiền ngụy trang thành “lợi nhuận” mà ai cũng kỳ vọng.
Nhìn tổng quan người ta sẽ cảm thấy mô hình này hoạt động có vẻ giống một doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp. Nhưng thực chất khoản “lợi nhuận” dùng để chi trả cho nhà đầu tư bị giới hạn, đòi hỏi phải có một dòng tiền đổ vào ngày càng tăng mới có thể duy trì mô hình. Đến một thời điểm nào đó, lượng tiền đổ vào không đủ để trả cho tất cả người tham gia, mô hình sẽ sụp đổ.
Trong mô hình Ponzi, hầu hết người ta bị mờ mắt trước lợi nhuận khi mà tỷ lệ ROI được hứa hẹn quá hấp dẫn. Trong khi tỷ lệ rủi ro trong Ponzi cao hơn rất nhiều so với các khoản đầu tư khác, nguy cơ mất một phần hoặc toàn bộ khoản đầu tư nếu ROI âm.
Các thành viên của mô hình đa cấp Ponzi
Mô hình Ponzi sẽ có các thành viên với nhiều chức năng cụ thể:
– Schemer: Kẻ chủ mưu thiết lập hệ thống và kêu gọi nhà đầu tư góp vốn. Họ xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá nhân là doanh nhân thành đạt, có kỹ năng ăn nói tốt, thuyết phục người nghe.
– Investor: Những “chú gà” được chính các Schemer “chăn dắt”. Họ sẵn sàng bỏ tiền tỷ tham gia vào hệ thống với mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn từ những khoản lãi suất cao ngất ngưởng. Đặc biệt, họ sẽ không cần phải làm gì cả mà chỉ cần nhận hoa hồng từ người đến sau.
– Ponzi Introducing Investor: Họ là những người chỉ bỏ ra ít tiền hoặc không bỏ ra đồng nào khi tham gia vào mô hình. Cách thức hoạt động của đối tượng này là kiếm lợi nhuận từ việc giới thiệu thật nhiều người đầu tư gia nhập. Và chính các “Schemer” sẽ trả tiền cho người giới thiệu, khoản tiền đó được lấy từ các Investor mà họ đang “chăn dắt”.
Đặc điểm của mô hình Ponzi
Mô hình Ponzi yêu cầu khoản đầu tư ban đầu và đưa ra hứa hẹn lợi nhuận trên mức trung bình. Các Schemer hay sử dụng chiêu bài ngôn từ mơ hồ khi mô tả về chiến lược đầu tư của họ. Đặc biệt, người nghe sẽ được hứa hẹn về mức lợi nhuận hấp dẫn, lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất thông thường.
Mô hình Ponzi đã tồn tại gần 100 năm, và mỗi năm tại nhiều nơi trên thế giới, không ít nhà đầu tư đã trở thành nạn nhân của mô hình này. Đánh vào tâm lý của hầu hết các nhà đầu tư tại nước ta, mô hình này đang phát triển rất mạnh tại Việt Nam. Không những thế, chiêu lừa đảo này càng ngày càng biến tướng thành các hình thức tinh vi và thủ đoạn hơn. May thay, dù có thiên biến vạn hóa đến đâu, thì các Ponzier này vẫn có những đặc điểm nhất định.
Với một người mới có ít kinh nghiệm hay ngay cả những người có tuổi đời trên thị trường tài chính cũng dễ bị qua mắt, bị thu hút bởi mức lợi nhuận “khủng” và dần tin tưởng, đặt hy vọng về chiến lược này.
Các nhà điều hành lợi dụng sự thiếu kiến thức và năng lực của người giao dịch, đôi khi họ tuyên bố sử dụng chiến lược độc quyền, bí mật để tránh công khai thông tin mô hình nhằm qua mắt nhà đầu tư.
Dưới đây là một số đặc điểm cơ bản sau bạn có thể nhận biết mô hình Ponzi nếu được “mời gọi”:
– Nhà điều hành (schemer) chi trả lợi nhuận cao để thu hút nhà đầu tư mới, lôi kéo nhà đầu tư hiện tại đổ thêm tiền vào. Lâu dần việc này sẽ hình thành hiệu ứng “thác”. Lúc đó schemer lấy chính số tiền của người mới để trả cho nhà đầu tư ban đầu và ngụy trang đây là lợi nhuận.
– Khi lợi nhuận càng cao, xu hướng nhà đầu tư để tiền của họ vào mô hình càng nhiều, họ sẽ không thật sự cần nhận lại lợi nhuận và rút ra mà lựa chọn tiếp tục để tiền ở đó để tích lũy tiền lãi. Cho nên schemer không thực sự trả tiền mà chỉ cần gửi báo cáo cho nhà đầu tư biết đã kiếm được bao nhiêu.
– Sau đó nhà đầu tư có thể không rút được tiền dù mô hình chưa sụp đổ. Các Schemer cố gắng giảm thiểu việc rút tiền bằng cách ra một kế hoạch mới với nội dung là nơi không thể rút tiền trong một khoảng thời gian nhất định sẽ đổi lấy mức lợi nhuận cao hơn.
– Một trường hợp ngược lại, nhà đầu tư dễ dàng rút được tiền khi làm theo các quy định, điều khoản được đưa ra, giao dịch xử lý nhanh chóng. Người giao dịch dễ ảo tưởng rằng nơi này có khả năng thanh toán và tài chính ổn định, từ đó yên tâm khi đổ tiền của mình vào.
Thực tế mô hình Ponzi còn được áp dụng ngụy tạo thành phương tiện đầu tư hợp pháp. Xét trường hợp của các quỹ đầu cơ, khi họ bị mất tiền bất ngờ hoặc không kiếm được lợi nhuận, nhà điều hành sẽ ngụy tạo lợi nhuận hoặc tạo ra báo cáo tài chính gian lận, thay vì thừa nhận rằng không đáp ứng được kỳ vọng đầu tư. Một thời gian dài sau đó cách hoạt động này sẽ biến chất và dần trở thành mô hình Ponzi.
Phương thức hoạt động mô hình Ponzi
Để hiểu rõ về mô hình Ponzi, nhà đầu tư cần nắm rõ cách thức hoạt động của nó:
– Có một thành viên đầu tiên khởi xướng, quảng cáo về một cơ hội đầu tư nào đó, người tham gia phải góp vốn trước. Người này hứa hẹn sẽ trả lại toàn bộ vốn cùng với % lợi nhuận trong thời gian cụ thể.
– Nếu kêu gọi được nhiều nhà đầu tư, giả sử được thêm hai người khác, người khởi xướng sẽ trích phần tiền từ hai người sau trả cho người đầu tiên.
– Người đầu tiên bị hấp dẫn bởi mức lợi nhuận cao ngất ngưởng nên quyết định tái đầu tư. Bằng cách lấy tiền từ người mới, kẻ khởi xướng có đủ tài chính để trả cho người đến sớm và thuyết phục họ tái đầu tư cũng như khuyến khích kêu gọi thêm người khác tham gia.
– Khi hệ thống đã dần ổn định và phát triển, kẻ khởi xướng bắt buộc phải tìm thêm nhà đầu tư mới gia nhập để duy trì khả năng trải lãi đã hứa. Và đến lúc hệ thống không duy trì được nữa, kẻ khởi xướng bị bắt hoặc biến mất cùng số tiền thu được từ nhà đầu tư.
Những nguyên nhân khiến nhà đầu tư dễ rơi vào bẫy Ponzi
Nguyên nhân lớn nhất khiến nhà đầu tư dễ rơi vào bẫy Ponzi chính là do thiếu kiến thức và kinh nghiệm khi tham gia thị trường. Bạn dễ dàng bị qua mắt bởi những ngôn từ hoa mỹ, dễ bị tác động tâm lý, bị cuốn hút bởi mức lợi nhuận quá hấp dẫn.
Tiếp theo là do bí quyết “mồi chài” quá chuyên nghiệp của Schemer, không chỉ một người mà nhiều người cùng hợp tác, lúc đó bạn chỉ biết đi theo đường mà họ vẽ ra.
Ai cũng biết lợi nhuận đi kèm với rủi ro, trong thị trường Crypto thì ROI và tỷ lệ rủi ro luôn được quan tâm hàng đầu. Với mô hình Ponzi dù tỷ lệ rủi ro rất cao nhưng ROI lại được cam kết từ ban đầu, hứa hẹn quá hấp dẫn nên nhà đầu tư dễ rơi vào bẫy.
Là một nhà giao dịch thông thái, bạn cần đặt ra các nghi vấn đề cơ hội lợi nhuận, rủi ro, chi phí. Hiểu rõ bản chất của khoản đầu tư không bao giờ là dư thừa để bạn đưa ra quyết định đúng đắn cho tài chính của mình.
Nguồn: Finhay