fbpx

Phân tích ngành (Industry analysis) là gì? Cách phân loại ngành

Phân tích ngành (tiếng Anh: Industry analysis) là việc phân tích một ngành cụ thể (sản xuất, dịch vụ, thương mại) để giúp doanh nghiệp và các nhà phân tích hiểu được động lực cạnh tranh của ngành đó.

Lĩnh vực : Thuật ngữ

Định nghĩa

Phân tích ngành (tiếng Anh: Industry analysis) là việc phân tích một ngành cụ thể (sản xuất, dịch vụ, thương mại) để giúp doanh nghiệp và các nhà phân tích hiểu được động lực cạnh tranh của ngành đó.

Phân tích ngành (Industry analysis)

Khái niệm

Phân tích ngành trong tiếng Anh là Industry analysis.

Phân tích ngành là việc phân tích một ngành cụ thể (sản xuất, dịch vụ, thương mại) để giúp doanh nghiệp và các nhà phân tích hiểu được động lực cạnh tranh của ngành đó, bao gồm: thống kê cung cầu, mức độ cạnh tranh trong ngành và với các ngành mới nổi khác, triển vọng tương lai và ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài đến ngành. (Theo: Corporate Finance Institute)

Vai trò của phân tích ngành trong đầu tư chứng khoán (Industry analysis)

Phân tích ngành (Industry analysis) là có vai trò quan trọng trong phương pháp đầu tư cơ bản:

– Hiểu về mô hình và môi trường kinh doanh của công ty: Phân tích ngành thường là bước đầu tiên quan trọng trong việc lựa chọn và định giá cổ phiếu vì nó cung cấp cái nhìn sâu sắc về cơ hội tăng trưởng, lợi thế cạnh tranh và rủi ro kinh doanh của công ty.

Đối với một nhà phân tích tín dụng, phân tích ngành giúp đánh giá về khả năng trả nợ của công ty sử dụng nợ vay.

– Xác định các cơ hội đầu một cách hiệu quả: Các nhà đầu tư thực hiện phương pháp đầu tư từ trên xuống (top-down) sử dụng phân tích ngành để xác định triển vọng về lợi nhuận và sự tăng trưởng (tích cực, trung lập hay tiêu cực) của các ngành.

Dựa vào những đánh giá đó, các nhà đầu tư sẽ thay đổi tỉ trọng cổ phiếu nếu họ cho rằng thị trường đang định giá không đúng so với triển vọng của ngành.

– Phân bổ danh mục đầu tư: Việc phân tích ngành giúp nhà quản lí danh mục lựa chọn được những ngành và lĩnh vực trong từng giai đoạn để tối đa hóa hiệu quả đầu tư.

Phân tích ngành (Industry analysis) là gì? Cách phân loại ngành

Các yếu tố trong phân tích ngành 

1. Xem xét lịch sử hình thành và chu kỳ sống của ngành

Các ngành kinh doanh cũng như các doanh nghiệp, thường trải qua một loạt các giai đoạn, từ hình thành rồi tăng trưởng đến bão hòa và cuối cùng là suy thoái. Việc xác định được ngành kinh doanh đang ở giai đoạn nào của chu kỳ sống giúp chúng ta thấy được mức độ cạnh tranh cũng như triển vọng về doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

Mô hình chu kỳ sống của ngành là một công cụ hữu ích để xác định giai đoạn hiện tại của ngành cũng như phân tích tác động của sự tiến triển ngành đến các lực lượng cạnh tranh. Với mô hình này chu kỳ sống của một ngành kinh doanh được chia ra năm giai đoạn, bao gồm: [1] thời kỳ hình thành (development); [2] giai đoạn tăng trưởng (growth) ; [3] giai đoạn tái tổ chức (shake-out); [4]  thời kỳ bão hòa (mature) ; [5] giai đoạn ngành suy thoái (decline). Cụ thể các giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn hình thành có đặc điểm là tăng trưởng ở mức thấp và giá sản phẩm cao do ngành kinh doanh còn mới và khách hàng vẫn còn đang làm quen với sản phẩm.
  • Giai đoạn tái tổ chức: cầu sản phẩm dần đạt đến bão hòa, cạnh tranh gay gắt giữa các công ty để giành thị phần khiến cho lợi nhuận sụt giảm. Giai đoạn này các doanh nghiệp thường có các động thái tái cơ cấu, mua bán, sáp nhập để có được cơ cấu chi phí hiệu quả hơn.
  • Giai đoạn bão hòa: cầu sản phẩm đã bão hòa khiến cho tăng trưởng ở mức thấp hoặc không có tăng trưởng. Một số ít doanh nghiệp còn tồn tại thường có cơ cấu chi phí hiệu quả hoặc có nhiều khách hàng trung thành khiến cho rào cản gia nhập ngành rất cao.
  • Giai đoạn suy thoái: lúc này tăng trưởng sản lượng ở mức âm, công suất dư thừa cao khiến cho cạnh tranh giữa các đơn vị tăng lên đặc biệt là cạnh tranh về giá.

2. Phân tích môi trường cạnh tranh trong ngành

Môi trường cạnh tranh ngành là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng tạo ra doanh thu, lợi nhuận, chiến lược cũng như cấu trúc hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, đây là một nội dung không thể thiếu trong phân tích ngành.

Trong đánh giá môi trường cạnh tranh của ngành, mô hình Năm áp lực cạnh tranh của Michael Porter (Michael Porter’s “five forces” framework) thường được áp dụng. Với mô hình này, mức độ cạnh tranh trong ngành được quyết định bởi năm nhân tố sau:

  • Nguy cơ đối thủ mới gia nhập: thể hiện ở mức độ rào cản gia nhập ngành, nếu các đối thủ mới có thể dễ dàng gia nhập thì ngành đó có rảo cản thấp, dẫn đến mức độ cạnh tranh cao trong nội bộ ngành.
  • Sức mạnh mặc cả của nhà cung cấp: thể hiện khả năng quyết định các điều kiện giao dịch của họ đối với doanh nghiệp như nâng giá hoặc hạn chế nguồn cung.
  • Sức mạnh mặc cả của khách hàng: nếu khách hàng mạnh, họ có thể buộc giá hàng phải giảm xuống, khiến tỷ lệ lợi nhuận của ngành giảm, điều này được thể hiện rõ trong các ngành mang tính độc quyền mua khi có nhiều nhà cung cấp trong khi lại có rất ít người mua.
  • Nguy cơ từ sản phẩm thay thế: có thể ảnh hưởng mạnh đến cầu sản phẩm nếu như khách hàng chuyển sang lựa chọn sản phẩm thay thế đến từ các ngành khác.
  • Sự cạnh tranh giữa các đối thủ hiện tại: đây kết quả của sự tổng hợp các yếu tố cạnh tranh ở trên. Một ngành có sự cạnh tranh gay gắt thương có các đặc điểm như: thị trường phân mảnh với rất nhiều đối thủ, chi phí cố định cao, sản phẩm mang tính tương đồng, chi phí để rút khỏi ngành cao.

3. Phân tích cung, cầu thị trường

Mối tương quan cung-cầu thị trường cũng là một nội dung quan trọng trong phân tích ngành. Ảnh hưởng của yếu tố này đến triển vọng phát triển của các doanh nghiệp trong ngành là rất rõ ràng: hệ quả của dư thừa nguồn cung sản phẩm đó là sự cạnh tranh ngày càng tăng lên đặc biệt là cạnh tranh về giá, dẫn đến sụt giảm về doanh thu cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

4. Phân tích ảnh hưởng của các yếu tố môi trường kinh doanh khác

Các yếu tố môi trường khác có thể ảnh hưởng đến đến tăng trưởng, lợi nhuận và rủi ro của ngành kinh doanh bao gồm: tình hình kinh tế vĩ mô, chính sách của nhà nước, thay đổi về công nghệ và các yếu tố xã hội khác.

Tình hình kinh tế vĩ mô

Xu hướng và tình hình phát triển chung của nền kinh tế của ảnh hưởng lớn đến nhu cầu sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Một vài biến số kinh tế vĩ mô thường có ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của các ngành kinh tế như: tăng trưởng GPD, lạm phát, lãi suất, khả năng tiếp cận vốn tín dụng…

Chính sách của Nhà nước với các ngành

Quan điểm của Nhà nước khuyến khích mở rộng hay hạn chế và thu hẹp có ảnh hưởng rất lớn nếu không muốn nói là quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các ngành kinh doanh trong một quốc gia. Các công cụ để Nhà nước điều tiết hoạt động của các ngành bao gồm đưa ra các quy định pháp luật về hoạt động của ngành nghề, các chính sách về thuế, ưu đãi, hỗ trợ hoặc các chính sách bảo hộ nhập khẩu.

Ảnh hưởng của các thay đổi về công nghệ

Sự thay đổi về công nghệ dẫn đến sự cải tiến sản phẩm hay thậm chí là ra đời các sản hàng hóa thay thế hoàn toàn mới có thể đổi toàn diện một ngành kinh doanh, bắt buộc các doanh nghiệp phải thay đổi để bắt kịp xu thế mới nếu muốn tồn tại và phát triển.

Nguồn: Giáo trình CFA level I năm 2019 và knowledge.sapp.edu.vn (link)

Các bạn có thể tham khảo thêm về các thuật ngữ khác tại đây

Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ bạn bằng cách Nhấn vào đây