Vốn điều lệ (Charter capital) là gì? Bổ sung vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước
Vốn điều lệ (tiếng Anh: Charter capital) là 1 thuật ngữ chuyên môn kinh tế chỉ số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết đóng góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ công ty để công bố cho các cổ đông.
Định nghĩa
Vốn điều lệ (Charter capital)
Vốn điều lệ – danh từ, trong tiếng Anh được gọi là Charter capital.
“Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng kí mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.” (Theo Luật doanh nghiệp năm 2014)
Vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và vốn do doanh nghiệp huy động. (Theo Luật quản lí, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014)
Bổ sung ngân sách nhà nước vào vốn điều lệ của doanh nghiệp
Nguyên tắc xác định vốn điều lệ (Charter capital)
– Không thấp hơn mức vốn pháp định của ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật;
– Căn cứ qui mô, công suất thiết kế đối với ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
– Phù hợp với chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển của doanh nghiệp, phù hợp với ngành, nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
– Phù hợp với phương án sản xuất, kinh doanh.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm phê duyệt vốn điều lệ và đầu tư đủ vốn điều lệ cho doanh nghiệp theo qui định.
Nguồn đầu tư vốn điều lệ để thành lập doanh nghiệp và bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp đang hoạt động từ các nguồn hình thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phạm vi đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp đang hoạt động
Việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp thuộc phạm vi pháp luật qui định.
Trường hợp được đầu tư bổ sung vốn điều lệ:
– Doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả nhưng vốn điều lệ không bảo đảm thực hiện ngành, nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
– Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh nhưng vốn điều lệ không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao.
Thẩm quyền quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp đang hoạt động
– Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập.
– Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lí theo qui định.
– Trường hợp đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp đang hoạt động có mức vốn bổ sung tương đương với mức vốn của dự án quan trọng quốc gia, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư bổ sung sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Trình tự, thủ tục đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp đang hoạt động
Doanh nghiệp lập phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ. Phương án phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
– Đánh giá thực trạng tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
– Mục tiêu, sự cần thiết, hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội của việc bổ sung vốn điều lệ;
– Xác định vốn điều lệ sau khi được bổ sung.
Doanh nghiệp trình cơ quan đại diện chủ sở hữu phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ.
Đối với việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ theo qui định:
– Cơ quan đại diện chủ sở hữu trình Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ;
– Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ;
– Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ.
Chính phủ qui định chi tiết tiêu chí đánh giá hiệu quả, trình tự, thủ tục đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp đang hoạt động.
Các bạn có thể tham khảo thêm về các thuật ngữ khác tại đây