fbpx

Trần Thành – Tỷ phú bột ngọt chợ Lớn

Không ai có thể biết được chính xác tài sản của Trần Thành là bao nhiêu, nhưng người Sài Gòn – Chợ Lớn gọi ông là “tỉ phú của tỉ phú”. Thời đó, có nhà báo hỏi ông bí quyết để thành công trong kinh doanh? Trần Thành nói, đó là điều mà người Á Đông đã biết từ ngàn xưa. Chữ Tín, lòng trung thực và sự kiên trì. Làm ăn mà không giữ được chữ tín và sự trung thực thì suốt đời chỉ là “tả cống chảy” (người làm công), chẳng bao giờ có thể trở thành “tài xì thẩu” (ông chủ lớn). Của cải mất đi còn có thể gây dựng lại được, nhưng uy tín không còn thì coi như trắng tay.

Thuở cơ hàn kiếm cơm từng bữa

Trước chiến tranh thế giới lần thứ 2, làn sóng di cư của người Trung Hoa nghèo khó đổ sang các nước láng giềng. Cả nhà cậu bé Trần Thành cũng như nhiều gia đình người Trung Hoa khác đã chạy sang Việt Nam, hy vọng sẽ có cuộc sống bình yên hơn là rơi vào nạn đói và cuộc nội chiến dai dẳng. Và cậu bé Trần Thành lớn lên trong nghèo khó, thất học phải bươn chải kiếm sống trong cộng đồng người Hoa Chợ Lớn và xã hội miền Nam đang còn nhiều khó khăn, phức tạp.

Do không được học hành đầy đủ, thiếu kiến thức và từng trải nghề nghiệp nên Trần Thành chỉ còn cách đi làm thuê, làm mướn. Được một cơ sở sản xuất dầu thực vật thuê vào làm việc cọ rửa các thùng dầu, dù lương thấp nhưng nhờ làm việc chăm chỉ, thật thà nên Trần Thành dần được chủ giao cho việc cai quản việc vệ sinh nhà xưởng, rồi từ đó tiếp tục được tin tưởng giao cho việc thu mua nguyên liệu.

tran-thanh-ty-phu-bot-ngot-cho-lon

Cột mốc quan trọng

Trần Thành sau này từng tâm sự, đây là giai đoạn vô cùng quan trọng, đã làm thay đổi cuộc đời ông ta. Từ một người lao động chân tay, suốt ngày ru rú ở một góc tối tăm trong xưởng, ông bước ra xã hội rộng lớn bên ngoài và ngỡ ngàng làm quen với việc kinh doanh. Điều này đã mở rộng tầm mắt cho ông, để ông quyết tâm học hỏi ở trường đời và tích lũy vốn sống vô cùng quý báu cho sự nghiệp làm ăn.

Chẳng nề hà gian khổ, Trần Thành lặn lội đến tận những vùng sâu, vùng xa để thu mua đậu phộng, đậu nành. Ông tỏ ra giản dị, chân thật và rất hòa đồng với người nông dân. Không bao giờ lợi dụng tình trạng trồi sụt của thị trường để ép giá. Ông cũng chẳng bao giờ sai hẹn và hứa hẹn những gì mà không làm. Mua rẻ, thì Trần Thành ghi vào sổ sách là rẻ. Mua cao, thì ông ghi cao. Trần Thành tuyệt nhiên không bao giờ kê giá lên để hưởng lợi. Phương cách mua bán lấy chữ Tín làm đầu trên đây đã tạo được niềm tin với nhà nông, và họ rỉ tai nhau giành ưu tiên bán sản phẩm cho Trần Thành. Để tưởng thưởng, ông chủ Trịnh thường xuyên cho trích hoa hồng và ban tiền thưởng hậu hĩnh.

Nhưng phần thưởng lớn nhất mà Trần Thành được hưởng, là ông đã trở thành người đứng đầu toàn bộ khâu thu mua của xưởng. Thế là ông có dịp đi khắp nước, từ miền Đông ra tới miền Trung và chính ông đã mở rộng việc thu mua sang tận Campuchia, biến địa bàn này thành nơi cung cấp lớn nhất. Từ khi Trần Thành góp sức, xưởng của ông chủ Trịnh không còn tình trạng thiếu nguyên liệu để sản xuất.

Lúc này Trần Thành đã lập gia đình và đã tích lũy được một số vốn. Nhận thấy Trần Thành có nhiều đức tính tốt, và khả năng đặc biệt trong kinh doanh, nhất là rất có chí tiến thân. Hơn nữa, Trần Thành đã đóng góp phần công sức to lớn cho hãng, nên bằng tất cả lòng yêu thương, họ Trịnh quyết định cho Trần Thành được độc lập gây dựng cơ nghiệp. Tin tưởng vào sự thành công của Trần Thành, ông chủ Trịnh không những khuyến khích mà còn cho Trần Thành vay một số vốn lớn để đầu tư. Trước mắt, ông cho Trần Thành độc quyền cung cấp nguyên liệu sản xuất cho hãng của ông ta. Chẳng bao lâu, Trần Thành trở thành nhà cung cấp các loại hạt có dầu cho hầu hết các hãng xưởng ở khắp miền Nam.

Tạo nên thương hiệu Việt nổi tiếng

Sự nghiệp và tài sản của Trần Thành tăng nhanh theo tốc độ phi mã, khiến người ta kinh ngạc. Không những đã hoàn lại vốn cho ông chủ Trịnh, Trần Thành còn đủ khả năng thâu tóm mọi nguồn hàng của ngành nghề này. Khi đã gây dựng được một cơ nghiệp khá vững chắc, Trần Thành xoay ra đầu tư vào các hướng kinh doanh và sản xuất khác. Với nhãn quan kinh doanh xa rộng, ông còn cất công đến Nhật Bản, Đài Loan, Singapore… tham quan các xí nghiệp lớn để học hỏi cách tổ chức và điều hành của họ, đồng thời tìm hiểu thị trường.

Trên thế giới, có nhiều ngành sản xuất nổi tiếng, lợi nhuận cao. Nhưng Trần Thành lại rất say mê ngành công nghiệp thực phẩm. Ông suy nghĩ, ăn uống là nhu cầu hàng đầu của con người. Đầu óc nhạy bén của Trần Thành đã nghĩ ngay đến bột ngọt. Đây là một loại gia vị cần thiết cho bữa ăn của mọi gia đình, vì thế, nhu cầu của sản phẩm này trên thị trường to lớn biết chừng nào. Vào thời điểm đó, ở miền Nam còn phải dùng bột ngọt của Nhật Bản và Đài Loan, với số lượng nhập có hạn.

Trần Thành tính toán: Nếu như có một nhà máy sản xuất bột ngọt trong nội địa, bước đầu, chất lượng sản phẩm do mình làm ra có thể chưa bằng người ta, do khâu kỹ thuật còn yếu kém. Nhưng, nếu có một nhà máy với trang thiết bị hiện đại, công nghệ chế biến tiên tiến, thì việc đạt được 80% chất lượng của họ là điều nắm chắc trong tay. Từ đó, ưu điểm giá rẻ sẽ chiếm dần thị phần và đánh bạt được hàng ngoại nhập.

Với lập luận hợp lý đó, năm 1960, Trần Thành đã cho ra đời Nhà máy sản xuất bột ngọt Vị Hương Tố, có công suất lớn, với trang thiết bị nhập từ Nhật Bản, được đánh giá là hiện đại nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Công việc sản xuất và kinh doanh của nhà máy sớm đi vào ổn định. Ngay bước đầu, nhờ chất lượng sản phẩm chẳng thua kém gì của Nhật Bản và Đài Loan, mà giá cả lại rẻ hơn. Vì thế, bột ngọt Vị Hương Tố sớm được các bà nội trợ ủng hộ nhiệt tình.

Mở rộng thêm nhiều mảng kinh doanh khác

Số lượng xuất xưởng ngày càng tăng cao. Nhà máy đã chạy hết công suất vẫn không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đến nỗi, chỉ khi nào không mua được bột ngọt Vị Hương Tố, người tiêu dùng mới hỏi đến bột ngọt ngoại nhập. Thừa thắng xông lên, Nhà máy bột ngọt Vị Hương Tố còn sản xuất thêm các mặt hàng mì gói, mì chay, nước tương, tàu vị yểu và đều rất thành công.

Suốt thập niên 60 của thế kỷ trước là thời gian cực thịnh của Trần Thành. Từ lợi nhuận kếch xù của Nhà máy bột ngọt Vị Hương Tố, ông tiếp tục đầu tư vào nhiều ngành nghề khác như: Ngũ cốc, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, và trường học, mà lĩnh vực nào cũng đạt thắng lợi một cách mỹ mãn. Không dừng lại ở đó, Trần Thành còn mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như bất động sản, khách sạn, nhà hàng. Tuy không biết số vốn mà Trần Thành đầu tư ở Singapore, Đài Loan, Hồng Kông là bao nhiêu, nhưng các nhà tài phiệt Chợ Lớn nói rằng, nó còn lớn hơn tài sản của Trần Thành ở Việt Nam.

Sự hòa nhã hiếm hoi ở một ông chủ

Do xuất thân từ công nhân nghèo khó, nên khi trở thành ông chủ, ông đặc biệt quan tâm đến đời sống của công nhân một cách thiết thực. Nếu ai có tang cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, Trần Thành sẽ tặng một quan tài và biếu thêm một tháng lương để lo việc ma chay. Ông sống gần gũi và hòa đồng với mọi người. Bất cứ công nhân nào cũng có thể gõ cửa phòng ông chủ để trình bày nguyện vọng, hoặc xin giúp đỡ những lúc gặp khó khăn. Trần Thành luôn chịu khó lắng nghe, tùy theo hoàn cảnh và trường hợp của mỗi người mà giúp đỡ.

Cách đối nhân xử thế như thế đã giúp cho Trần Thành có được một đội ngũ công nhân luôn làm việc nhiệt tình và hết sức trung thành với ông. Uy tín ngày càng lớn, mới 40 tuổi, Trần Thành đã được bầu làm Bang trưởng Triều Châu và là một trong những nhân vật không chỉ được cộng đồng người Hoa tại miền Nam Việt Nam, mà cả chính quyền Sài Gòn kiêng nể.

Thất bại rồi đứng lên bằng uy tín

Trần Thành kể, thời kỳ mới khởi nghiệp, có một lần ông đã gom hết vốn liếng có được đánh một chuyến hàng thật lớn từ Nam Vang (Campuchia) về. Chẳng may, toàn bộ chuyến hàng đó bị thất lạc, mất trắng. Coi như ông hoàn toàn bị phá sản, nợ nần ngày càng chồng chất. Trần Thành tưởng chừng như không còn có thể gượng dậy nổi.

Một thời gian ngắn sau, khi cơn sốc đã tạm lắng, Trần Thành nghe ngóng dư luận trong số những người quen thân, thử coi uy tín của mình còn hay không? Biết chắc niềm tin của họ đối với ông không những chẳng chút suy chuyển, mà còn tỏ ra rất cảm thông. Trần Thành yên tâm đứng dậy, làm lại từ đầu. Ông ta vay mượn vốn liếng, và chí cốt làm ăn với sự thận trọng hơn trước. Chỉ một thời gian ngắn, Trần Thành lại vươn lên, trả hết nợ nần, ơn nghĩa, và bước vào hàng những ông chủ lớn.

Nguồn: Happy Live tồng hợp từ ANTG, Vietnew, Vietnamnet

Các viết cùng chủ đề