Trao đổi thương mại Nga-Trung bùng nổ giữa lệnh trừng phạt của phương Tây
Trong tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp mặt lần đầu tiên kể từ sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào 24/2 năm nay.
Trong lần gặp trước vào đầu tháng 2 nhân dịp khai mạc Thế vận hội Olympic mùa Đông tại Bắc Kinh, hai nhà lãnh đạo đã khẳng định về tình bạn “không giới hạn”.
Sau đó, quan hệ hợp tác song phương đã trở nên khăng khít hơn giữa bối cảnh châu Âu và Mỹ liên tiếp đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Nga do vấn đề Ukraine.
Trao đổi thương mại kỷ lục
Theo tổng cục hải quan tại Bắc Kinh, trong tháng 8, Trung Quốc chi 11,2 tỷ USD để mua hàng hóa Nga, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng tương ứng 49% trong tháng 7. Ở chiều ngược lại kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng 26% lên 8 tỷ USD trong tháng 8, cũng cao hơn tháng trước đó.
Trong 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa song phương đã tăng 31% lên 117,2 tỷ USD, tương đương 80% tổng kim ngạch kỷ lục của năm ngoái (147 tỷ USD).
Trong khi Trung Quốc thu mua dầu và than để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, Nga đã trở thành thị trường hàng đầu cho đồng nhân dân tệ (NDT). Bên cạnh đó, doanh nghiệp Trung Quốc cũng nhanh chóng thế chân các thương hiệu phương Tây rời bỏ Nga.
Trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, Trung Quốc đã là đối tác thương mại đơn lẻ lớn nhất của Nga và đóng góp 16% tổng kim ngạch thương mại của nước này.
Ngân hàng Trung ương Nga đã ngừng công bố số liệu thương mại chi tiết sau xung đột tại Ukraine. Song, tổ chức tư vấn kinh tế châu Âu, Bruegel, đã phân tích số liệu thống kê từ 34 đối tác thương mại hàng đầu của Nga thời gian gần đây và ước tính rằng Trung Quốc chiếm khoảng 24% kim ngạch xuất khẩu của Nga trong tháng 6.
Ông Neil Thomas, nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc tại Eurasia Group, nhận định trao đổi thương mại Trung – Nga đang bùng nổ khi Trung Quốc tận dụng xung đột tại Ukraine để mua nhiên liệu Nga với mức giá chiết khấu và thế chân các doanh nghiệp phương Tây tại thị trường Nga.
Theo số liệu từ hải quan Trung Quốc, vào tháng 5, Nga đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Trung Quốc và Moscow đã duy trì vị trí dẫn đầu trong ba tháng liên tiếp cho đến hết tháng 7. Nhập khẩu than của Trung Quốc từ Nga trong tháng 7 đạt 7,42 triệu tấn, mức cao nhất trong 5 năm.
Nhân dân tệ – “đồng USD” mới tại Nga
Cuộc chiến tại Ukraine đã khiến nhu cầu đối với đồng NDT tăng vọt tại Nga, sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đẩy Nga ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu và hạn chế quyền tiếp cận của nước này với đồng USD và euro.
Theo hãng tin Kommersant (Nga), giao dịch NDT trên sàn giao dịch chứng khoán Moscow đã chiếm 20% tổng khối lượng giao dịch của các đồng tiền lớn trong tháng 7, tăng vọt so với tỷ lệ chỉ 0,5% trong tháng 1.
Hãng truyền thông nhà nước RT (Nga) cũng cho biết khối lượng giao dịch hàng ngày theo tỷ giá giữa đồng NDT và ruble cũng lập kỷ lục mới vào tháng trước, vượt qua giao dịch giữa đồng USD và ruble lần đầu tiên trong lịch sử.
Theo thống kê của SWIFT (hệ thống nhắn tin được các định chế tài chính toàn cầu sử dụng để trao đổi các thông tin, hướng dẫn liên quan đến hàng chục triệu giao dịch mỗi ngày), Nga là thị trường lớn thứ ba thế giới cho những khoản thanh toán bằng NDT bên ngoài Đại lục trong tháng 7, sau Hong Kong và Anh.
Hồi tháng 2, Nga thậm chí còn không có tên trong danh sách 15 thị trường trao đổi NDT hàng đầu của SWIFT.
Nhiều công ty và ngân hàng của Nga cũng có xu hướng chuyển sang sử dụng NDT để thanh toán quốc tế. Mới đây, tập đoàn dầu khí Gazprom cho biết sẽ bắt đầu thanh toán cho Trung Quốc bằng NDT và ruble đối với các hóa đơn khí đốt tự nhiên, trong khi ngân hàng VTB của Nga cho biết họ đang triển khai chuyển tiền sang Trung Quốc bằng đồng NDT.
Đối với Bắc Kinh, diễn biến trên sẽ giúp nước này thực hiện tham vọng quốc tế hóa đồng NDT.
Các công ty Trung Quốc lấp chỗ trống
Các công ty Trung Quốc cũng đang tận dụng sự ra đi của doanh nghiệp phương Tây tại thị trường Nga.
Hãng tin Reuters trích dẫn số liệu từ nhà bán lẻ điện tử hàng đầu nước Nga, M.Video-Eldorado, cho biết điện thoại thông minh Trung Quốc chiếm 66% tổng doanh số bán điện thoại mới tại Nga trong quý II/2022. Tổng thị phần của các hãng điện thoại Trung Quốc tại Nga đã tăng đều đặn từ 50% trong quý I/2022 lên 60% trong tháng 4 và tiếp tục tăng lên hơn 70% vào tháng 6.
Theo tờ Kommersant, Xiaomi là nhà sản xuất điện thoại thông minh bán chạy nhất tại Nga trong tháng 7, khi nắm giữ 42% thị phần. Trong khi đó, thị phần của Samsung và Apple giảm xuống còn lần lượt 8,5% và 7%. Hai công ty này từng chiếm gần một nửa thị trường Nga trước khi xung đột tại Ukraine bùng phát.
Không chỉ điện thoại, ô tô Trung Quốc cũng đang tràn vào nước Nga. Theo cơ quan phân tích Autostat của Nga, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chiếm gần 26% thị trường Nga trong tháng 8, mức cao kỷ lục và tăng vọt so với tỷ lệ 9,5% trong quý I/2022.
Đánh giá của phương Tây về quan hệ Nga-Trung
Ông Keith Krach, cựu quan chức phụ trách vấn đề tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng Nga cần Trung Quốc hơn Trung Quốc cần Nga. Theo ông Krach, khi cuộc chiến tại Ukraine kéo dài, ông Putin có thể mất bạn và nước Nga ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc, Nga hiện đóng góp 2,8% tổng kim ngạch thương mại của nước này, cao hơn một chút so với mức 2,5% vào cuối năm ngoái, trong khi Liên minh châu Âu và Mỹ vẫn có tỷ lệ tương ứng cao hơn nhiều.
Thực tế cho thấy Bắc Kinh đã cẩn thận tránh vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây và không cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Moscow. Theo giới phân tích, động thái này là một dấu hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình sẽ không hy sinh lợi ích kinh tế của Trung Quốc để “giải cứu” ông Putin, bất chấp tình bạn “không giới hạn” đã từng cam kết.
Nguồn: Trà My – Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Đầu tư giá trị từ A đến Z