Triết lý bóng đá của người Đức và bài học về tinh thần kỷ luật thép
Một trong những điều được nhắc đầu tiên về bóng đá Đức là tinh thần kỷ luật. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng để họ có thể trở thành đội bóng đáng gờm ở các giải đấu lớn, dù thời thế có thể thay đổi với việc cạn kiệt nhân tài hay có nhiều ngôi sao lớn trong đội hình của “cỗ xe tăng” Đức.
Người Đức có thể không sở hữu một ngôi sao hay nhất thế giới nhưng ĐTQG luôn là tập thể đáng để nhiều nước trên thế giới phải học hỏi.
Các cầu thủ Đức được uốn nắn từ rất nhỏ với việc chú trọng về tính kỷ luật, nề nếp sinh hoạt và cách ứng xử với đồng đội hay những người xung quanh. Thế nên, bóng đá Đức rất hiếm xảy ra những scandal lớn.
Ngôi sao trẻ Leroy Sane vừa bị gạch tên khỏi thành tuyển Đức dự World Cup 2018 là ví dụ. Sane là một trong những nhân tố quan trọng nhất để Man City vô địch Premier League, với 2.423 thi đấu, 10 bàn thắng và 15 lần kiến tạo. Những con số ấy quá ấn tượng để tin rằng Sane có suất đi World Cup 2018.
HLV Joachim Low giải thích ngắn gọn về việc loại Sane là chưa phù hợp để cống hiến cho tuyển Đức. Một lý do nghe có vẻ khó hiểu, bởi Sane đang có phong độ cực cao, không có cầu thủ nào của tuyển Đức ấn tượng bằng Sane ở mùa này. Vậy tại sao Sane không phù hợp?
Tờ The Sun đưa ra đáp án là Sane mắc bệnh “sao” và HLV Low không thích điều này. Sane ở tuyển Đức ra vẻ tự cao so với các đồng đội và không có được sự hòa đồng cao nhất. Đây mới là lý do để ông Low gạch tên Sane.
Thực ra, Sane chỉ là ví dụ điển hình. Stefan Kiessling – một trong những chân sút trứ danh ở Bundesliga, từng sớm được gọi vào tuyển Đức ở World Cup 2010 nhưng mãi mãi “đóng cửa” lên ĐTQG dưới thời HLV Low vì hành động nông nổi ở trận đấu với Áo vào tháng 9/2012.
Hôm đó, Stefan Kiessling bỏ về sau khi hiệp 1 kết thúc. Từ đó, HLV Low không bao giờ cho Kiessling lên tuyển, dù anh có thời điểm đạt phong độ cao hơn cả Klose lẫn Gomez.
Kể ra những ví dụ về Stefan Kiessling và Sane để thấy rằng, người Đức đặt tính kỷ luật lên hàng đầu. Tuyển Đức không có ai là ngôi sao số 1, chỉ có 4 ngôi sao trên ngực mới là quan trọng nhất. Tất cả phải vì tập thể, những cầu thủ giỏi mà không vì tập thể sẽ bị loại, thậm chí hết đường trở lại ĐTQG.
Bóng đá không chỉ đá bóng. Người Đức thành công chính là nhờ sự kỷ luật, lối chơi tập thể và ý thức của từng cá nhân. Một bài học lớn không chỉ cho các đội tuyển khác trên thế giới, bao gồm Việt Nam, mà còn cho cả mỗi người trong chúng ta.
Bởi phải chăng, khi đạt đến một cấp độ nhất định nào đó, con người chúng ta thường có xu hướng “ảo tưởng” về bản thân, từ đó tạo ra nhiều rào cản cho sự phát triển của chính mình và cho cả những người xung quanh. Cách ứng xử của HLV Low cùng đặc trưng kỷ luật của “cỗ xe tăng” Đức đã khẳng định rằng: Kỷ luật, chứ không phải tài năng, là yếu tố quan trọng nhất của cầu thủ nói riêng và tất cả mọi người nói chung, để có thể vươn lên tầm cao thật sự và gắn kết với tập thể bền vững nhất.
Nguồn: Văn Nhân – saostar.vn
Biên tập: Happy.live
Thiết Kế Cuộc Đời Thịnh Vượng – Thái Phạm
Hướng dẫn chi tiết cách xây dựng cuộc đời đáng mơ ước của bạn