Trồng giấy báo ra hoa tại Nhật
Người Nhật Bản vốn nổi tiếng với những phát minh độc đáo và nhiều giải pháp thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, một tờ báo có thể trồng cây xanh thì quả là sáng tạo ít người có thể nghĩ tới.
Với các quốc gia có thói quen đọc báo nhiều như Nhật Bản, người ta sẽ làm gì sau khi đọc xong báo? gói xôi ư? Được bao nhiêu tờ đâu; hay là đem bán giấy vụn? Phải đến hàng trăm tờ may ra mới được vài cân!
Nhưng sẽ ra sao nếu những tờ báo đó đều có thể được sử dụng để… trồng cây xanh? và hàng triệu tờ báo có thể trở thành cả một vườn hoa? Nghe có vẻ không tưởng nhưng đây chính là cách mà tờ báo Mainichi của Nhật Bản đang hướng tới người dân: sử dụng giấy báo để trồng cây xanh.
Báo Mainichi của Nhật Bản đã phát hành những tờ báo đặc biệt có thể trồng ra cây xanh. Đây là một phần trong những dự án xanh của Nhật Bản, nhằm giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu và giáo dục người dân về tầm quan trọng của việc tái chế, xử lý rác thải. Nhiều người gọi Mainichi là tờ báo xanh cũng vì lẽ đó.
Như những tờ báo bình thường khác, người dân có thể Mainichi mỗi tuần. Tuy nhiên sau đó, thay vì vứt đi hay bán giấy vụn, bạn có thể xé các mảnh giấy báo ra, đặt vào chậu cây và tưới nước đều đặn. Chỉ sau vài ngày, nó sẽ trở thành một vườn cây xanh nho nhỏ cho căn phòng hay khu vườn của bạn. Điều kỳ diệu này xảy ra vì trong giấy báo có các hạt mầm mà chỉ cần khi gặp điều kiện phù hợp, nó sẽ nảy mầm ra và phát triển thành cả vườn cây.
Trên thực tế, ý tưởng dùng giấy để trồng cây không phải quá mới mẻ. Tuy nhiên, sử dụng những tờ giấy như vậy để in báo và giáo dục người dân trên quy mô lớn như vậy thì lần đầu tiên xuất hiện tại Nhật Bản cũng như trên toàn thế giới.
Ý tưởng được khởi xướng bởi công ty Dentsu Inc, một công ty quảng cáo lớn hàng đầu Nhật Bản, hợp tác cùng báo Mainichi để cho ra đời loại báo đặc biệt này. Mỗi ngày, tờ báo Mainichi bán ra được hơn 4 triệu bản với doanh thu khoảng 700,000 USD (khoảng 15 tỷ).
Giải pháp này đã được đưa vào nhiều chương trình giáo dục trong nhà trường, nhằm giúp trẻ em hiểu hơn về vấn đề biến đổi khí hậu và tầm quan trọng của việc tái chế.
Nguồn: Tri thức trẻ