fbpx

Trồng rau như kiểu cây mọc hoang

Tiếp theo, chúng ta hãy nói về chuyện trồng rau. Người ta có thể hoặc là dùng vườn sau nhà để cung cấp rau ăn hàng ngày cho cả gia đình hoặc là trồng rau trên đất trống, không ai sử dụng tới.

Đối với vườn nhà, ta nên trồng đúng loại rau vào đúng thời điểm, với đất trồng được chuẩn bị sẵn với phân trộn hữu cơ và phân chuồng, thế là đủ. Phương pháp trồng rau để sử dụng tại gia thời Nhật xưa rất hòa hợp với ‘kiểu cách tự nhiên của đời sống’. Trẻ con nô đùa dưới tán cây ăn quả ở sân sau nhà. Lũ lợn ăn đồ thừa từ nhà bếp và rễ củ ủi được đâu đó trong đất. Chó sủa và đùa giỡn còn người nông dân thì gieo hạt trên đất màu mỡ. Sâu và côn trùng sinh trưởng cùng với đám rau; bọn gà mổ sâu và đẻ ra những cái trứng cho trẻ con ăn.

Ngày nay, người ta muốn rau “sạch,” vậy nên nông dân trồng rau trong các nhà kính hoàn toàn không dùng tới đất. Thật lạ là người ta nghĩ rau trồng kiểu hoá học này là “sạch” và an toàn để ăn vào người.

Một gia đình nông thôn Nhật điển hình trồng rau theo cách đó cho tới thời điểm cách đây chưa đến hai mươi năm. Bệnh trên cây được ngăn ngừa bằng việc trồng loại cây truyền thống vào đúng thời điểm, giữ cho đất khỏe mạnh bằng cách trả lại nó tất cả những chất hữu cơ dư thừa và luân canh cây trồng. Lũ côn trùng gây hại thì được bắt bằng tay, hoặc bị lũ gà xơi. Ở miền nam Shikoku có một giống gà ăn sâu bọ trên rau mà không bới rễ hoặc làm nát cây rau.

Một số người lúc đầu có thể hoài nghi về việc dùng phân chuồng và phân bắc, họ nghĩ như thế là cổ lỗ và bẩn thỉu. Ngày nay, người ta muốn rau “sạch,” vậy nên nông dân trồng rau trong các nhà kính hoàn toàn không dùng tới đất. Trồng trên sỏi, trồng trên cát và thủy canh đang trở nên ngày càng thông dụng hơn. Rau được trồng với các dưỡng chất hoá học và bằng ánh sáng được lọc qua lớp che bằng nhựa vinyl. Thật lạ là người ta nghĩ rau trồng kiểu hoá học này là “sạch” và an toàn để ăn vào người. Những thực phẩm được trồng trong đất, cân bằng nhờ vào hoạt động của giun, các vi sinh vật và phân chuồng phân hủy mới là sạch nhất và lành mạnh nhất trong tất cả các loại.

Trong việc trồng rau theo cách “bán hoang dã”(1), tận dụng khoảnh đất trống, bờ sông hoặc bãi đất bỏ không, ý tưởng của tôi là chỉ vãi hạt giống ra rồi để rau mọc lên cùng với cỏ dại. Tôi đã trồng rau trên sườn núi, tận dụng các khoảng trống giữa những cây cam quýt.
Điều quan trọng là biết trồng rau đúng thời điểm. Với các loại rau vụ xuân, thời điểm tốt nhất là khi cỏ dại mùa đông đang úa dần và ngay trước khi cỏ dại mùa hè kịp nảy mầm . Đối với vụ thu, hạt giống cần phải vãi ra khi cỏ mùa hè đang lụi tàn và lũ cỏ dại mùa đông còn chưa xuất đầu lộ diện.

Tốt nhất là chờ cho mưa rơi xuống, nó có khả năng kéo dài vài ngày. Cắt một vạt cỏ đang phủ kín mặt đất rồi rắc hạt giống rau lên. Không cần phải lấy đất phủ lên; chỉ cần đặt lớp cỏ vừa cắt phủ lên hạt giống để che chắn và để lũ chim gà khỏi ăn, cho tới khi chúng có thể nảy mầm. Thông thường, cỏ dại phải được cắt đi hai hoặc ba lần để cho những cây rau con có một khởi đầu vững chắc đã, nhưng đôi khi chỉ cần một lần cắt cỏ là đủ.

Ở những nơi cỏ dại và cỏ ba lá không quá dày, ta có thể đơn giản vãi hạt ra là được. Lũ gà sẽ xơi một ít, nhưng nhiều hạt khác sẽ nảy mầm. Nếu ta trồng theo hàng hoặc theo rãnh, có khả năng bọn bọ cánh cứng hay những con côn trùng khác sẽ xơi tái mất nhiều hạt giống. Chúng đi theo đường thẳng. Lũ gà cũng sẽ nhìn thấy chỗ đất quang và tới bới tìm. Theo kinh nghiệm của tôi tốt nhất là hãy rải hạt mỗi chỗ một ít.

Rau được trồng theo cách này mạnh mẽ hơn phần đông chúng ta tưởng. Nếu mọc trước cỏ dại, chúng sẽ không bị lấn át về sau. Có một số loại rau như rau chân vịt và cà rốt không dễ nảy mầm. Ngâm những hạt giống này trong nước một đến hai ngày, rồi bọc chúng trong viên đất sét nhỏ là vấn đề được giải quyết.

Nếu gieo hơi dày một chút, củ cải Nhật, củ cải thường và nhiều loại rau ăn lá mùa thu sẽ đủ mạnh để chống chọi lại với cỏ dại mùa đông và cỏ dại đầu mùa xuân. Luôn có một số cây rau không bị thu hoạch, hạt của chúng tự mọc lên hết năm này qua năm khác. Chúng có một hương vị đặc biệt và ăn sẽ rất thú vị.

Thật là cảnh tượng kỳ diệu khi thấy nhiều loại rau lạ sinh sôi nảy nở đây đó ở trên núi. Các loại củ cải thường sinh trưởng nửa trong đất, nửa trên mặt đất. Cà rốt và ngưu bàng thường mọc thấp và mập với nhiều rễ con. Tôi tin rằng vị chát hơi hăng của những giống cây này là thừa hưởng từ tổ tiên hoang dã ban đầu của chúng. Tỏi, hành Nhật và tỏi Tàu một khi được trồng sẽ tự mọc lên năm này qua năm khác.

Thời điểm gieo trồng những cây họ đậu tốt nhất là vào mùa xuân. Đậu đũa và đậu thận thì dễ trồng và cho sản lượng cao. Trong việc trồng đậu Hà Lan, đậu đỏ azuki, đậu nành, đậu pinto và đậu thận thì việc cho hạt nảy mầm trước là yếu tố quyết định. Chúng sẽ rất khó mà nảy mầm nếu không có đủ mưa, và ta còn phải trông chừng lũ chim và bọn côn trùng nữa.

Cà chua và cà tím khi còn non không đủ mạnh để cạnh tranh với cỏ dại, vì thế cần phải trồng ở vườn ươm trước rồi mới bứng đi trồng. Thay vì cắm cọc đỡ cây thẳng lên, cứ để cho cà chua bò trên mặt đất. Rễ cây sẽ đâm xuống từ các đốt trên thân chính, những chồi mới sẽ nhú lên và cho trái.

Đối với dưa chuột, giống bò-trên-mặt-đất là tốt hơn cả. Ta sẽ phải chăm lo cho những cây non, thi thoảng cắt cỏ dại, nhưng sau đó chúng sẽ mọc khỏe. Đặt tre hoặc các cành cây trên đất, bọn dưa chuột sẽ leo bám phủ kín chúng. Những cành cây đó sẽ giữ cho quả dưa chuột không chạm mặt đất, tránh cho nó không bị thối.
Phương pháp trồng dưa chuột này cũng dùng được cho các loại dưa và bí.

Khoai tây và khoai sọ là những loại cây rất khỏe. Một khi đã trồng, năm nào chúng cũng sẽ lên đúng chỗ đó và không bao giờ bị cỏ dại lấn át. Chỉ việc bỏ lại một vài củ trong đất khi ta thu hoạch. Nếu đất cứng thì hãy trồng củ cải Nhật trước. Khi rễ cây phát triển, chúng sẽ làm đất xốp và mềm, và sau ít mùa thì có thể trồng khoai tây ở chỗ đó.

Tôi phát hiện thấy cỏ ba lá hoa trắng có lợi trong việc ngăn chặn cỏ dại. Chúng mọc ken dày và có thể bóp chết những thứ cỏ dại khỏe như ngải cứu và cỏ mần trầu. Nếu cỏ ba lá được gieo trộn lẫn với hạt giống rau, nó sẽ có tác dụng như một lớp che phủ sống, làm màu mỡ cho đất, giữ đất ẩm và tơi xốp.

Cũng như với các loại rau, điều quan trọng là chọn đúng thời điểm để gieo hạt cỏ ba lá. Cuối hè hoặc vào mùa thu là thời điểm tốt nhất; bộ rễ của chúng sẽ phát triển trong suốt những tháng lạnh lẽo, tạo đà cho cỏ ba lá vượt qua được các loại cỏ mùa xuân. Cỏ ba lá cũng mọc tốt nếu gieo sớm vào mùa xuân. Vãi hạt hoặc trồng thành hàng cách nhau khoảng tầm 3 tấc là ổn. Một khi cỏ ba lá đã trụ vững được, ta sẽ không cần gieo lại nó trong vòng năm hay sáu năm.

Mục đích chính của việc trồng rau “bán hoang dã” này là để trồng hoa màu càng tự nhiên càng tốt trên đất mà nếu không canh tác thì sẽ bị bỏ không. Nếu ta cố tình sử dụng các kỹ thuật tiên tiến hoặc cố để có được sản lượng lớn hơn, những nỗ lực ấy sẽ kết thúc trong thất bại. Trong hầu hết các trường hợp, thất bại này sẽ có nguyên nhân do sâu bệnh. Nếu các loại thảo dược và rau được trộn lẫn với nhau và trồng cùng đám cây cối tự nhiên, thiệt hại do sâu bệnh sẽ được giảm thiểu mà không cần sử dụng tới thuốc phun xịt hoặc phải bắt sâu bằng tay nữa.

Ta có thể trồng rau ở bất kỳ nơi nào có cỏ dại mọc khỏe và đa dạng. Quan trọng là phải quen thuộc với chu kỳ hàng năm và kiểu sinh trưởng của các loại cỏ dại đó. Bằng cách quan sát chủng loại và kích cỡ của cỏ dại ở một vùng, ta có thể biết kiểu đất ở đó là gì và liệu có thiếu hụt một loại dưỡng chất nào không.

Trong vườn cây ăn trái, tôi trồng ngưu bàng, bắp cải, cà chua, cà rốt, mù tạt, các loại đậu, củ cải, nhiều loại thảo dược và rau củ khác cũng bằng phương pháp bán hoang dã này.

(1) Phương pháp trồng rau này được ông Fukuoka phát triển bằng phương pháp thử sai, tương thích với điều kiện địa phương. Nơi ông sống có mưa ổn định vào mùa xuân, với khí hậu ấm vừa đủ để trồng rau tất cả các mùa. Qua nhiều năm, ông đã đi đến chỗ biết được rau nào có thể trồng giữa những loại cỏ nào và cách chăm sóc từng loại.
Ở phần lớn vùng Bắc Mỹ, phương pháp trồng rau cụ thể mà ông Fukuoka sử dụng có thể không áp dụng được. Mỗi người nông dân khi trồng rau theo kiểu “bán hoang dã” sẽ phát triển một kỹ thuật phù hợp với vùng đất và cây cỏ tự nhiên nơi đó.

Xem đầy đủ series “Cạnh tranh bằng nông nghiệp” tại: http://bit.ly/canh-tranh-bang-nong-nghiep

Các viết cùng chủ đề