fbpx

Từ 0 tới 3 tỷ USD: Hành trình 3 năm “chớp mắt thành kỳ lân” của Sky Mavis và founder U30 Nguyễn Thành Trung

Sau khi nhận 125 triệu USD ở vòng gọi vốn Series B, định giá của Sky Mavis với game Axie Infinity được đồn đoán lên tới 3 tỷ USD. Vậy đâu là những cột mốc, để biến 1 dự án nhỏ ‘làm chơi’ cho vui – phục vụ sở thích cá nhân của Founder kiêm CEO Nguyễn Thành Trung năm 2018, thành một startup đáng giá vài tỷ đô năm 2021?

Từ 0 tới 3 tỷ USD: Hành trình 3 năm “chớp mắt thành kỳ lân” của Sky Mavis và founder U30 Nguyễn Thành Trung

Ý TƯỞNG TỶ ĐÔ BẮT ĐẦU TỪ SỰ TÒ MÒ MUỐN THỬ CÁI MỚI CỦA FOUNDER

Từng chia sẻ trong rất nhiều hội thảo, thanh xuân của Founder – CEO Nguyễn Thành Trung không hề bằng phẳng dễ chịu như nhiều bạn bè đồng trang lứa.

Khi đang học ở Đại học FPT, thì Trung bỏ ngang để cùng vài chiến hữu ra startup dự án về ẩm thực là Lozi (Loship bây giờ). Sau thời gian phát triển, định hướng phát triển của Trung bắt đầu khác các Nhà sáng lập khác, Trung rời Lozi về nhà ở ẩn một thời gian, rồi mới quay trở lại hoàn thành nốt những năm còn lại ở bậc đại học.

Theo lời chia sẻ của Trung, ban đầu anh không thích blockchain vì nghe mọi người nói về nó quá nhiều và xem blockchain là “cái gì đó vô cùng huyền diệu”. Sau khi tốt nghiệp đại học FPT và vẫn đang tìm kiếm mục tiêu tiếp theo của cuộc đời mình, rảnh rỗi và thấy người ta ngày càng sùng bái nó, mang tâm trạng ‘xem thử nó ghê gớm’ như thế nào, chàng trai sinh năm 1992 bắt đầu tò mò khám phá blockchain.

Trung tự nhận mình nghiện game và từng khá bức xúc với những bất cập trong mô hình hoạt động của game truyền thống. Vào một ngày đẹp trời năm 2017, Trung chợt nghĩ có lẽ mình nên thử kết hợp game với blockchain lại với nhau xem có thể giải quyết những ‘uẩn ức’ của bấy lâu của một game thủ như mình không, và Axie Infinity ra đời.

Ban đầu, anh chỉ định “làm cho vui để phục vụ sở thích cá nhân”, nhưng khi thấy giới chơi game đón nhận rất nhiệt tình, Trung liền nghĩ đến việc thương mại hóa vào năm 2018. Lúc này, mọi người chỉ đơn giản gọi Axie Infinity là game ứng dụng blockchain, chứ chưa có cái tên game NFT.

Từ 0 tới 3 tỷ USD: Hành trình 3 năm “chớp mắt thành kỳ lân” của Sky Mavis và founder U30 Nguyễn Thành Trung
Hình dạng game Axie Infinity của ngày hôm nay.

“Tôi gặp 2 co-founder của mình trên internet bởi có cùng sở thích và quan tâm đến game blockchain. Trong thời gian đầu tiên gầy dựng đội ngũ, 2 đứa ở 3 nước, tôi ở Việt Nam – Aleksander Larsen (COO) ở Na Uy và Jeffrey Zirlin (Growth Lead) đang ở Mỹ.

Đồng ý là chúng ta có thể làm việc và giải quyết vấn đề cùng nhau qua online, nhưng để xây dựng một đội ngũ tốt thì không thể. Theo quan điểm của tôi, chỉ sau những cuộc cãi vả thì mọi người trong team mới hiểu nhau hơn và tôi muốn team của mình phải mặt đối mặt cãi nhau – chửi nhau chứ không phải qua màn hình máy tính.

Bởi, nhiều lúc chưa gõ xong câu thì cơn tức giận đã chìm xuống, dĩ hòa vi quý thì không thể giải quyết vấn đề và không thể hiểu nhau hơn.

Thế nên, khi bắt đầu chính thức lập nghiệp, tôi đã dụ dỗ – thuyết phục – bắt ép 2 co-founder chuyển hẳn đến sinh sống tại Việt Nam. Hơn nữa, chỉ khi sống trong một môi trường cùng với doanh nghiệp và nhân viên, mình mới biết làm như thế nào là tốt nhất cho tất cả.

‘Nhập gia tùy tục’, bây giờ họ đã biết mặc cả và biết tiết kiệm cho công ty, ví dụ như khi đặt các dịch vụ khác nhau, đã không vung tiền xông xênh theo cách ở Na Uy hay Mỹ – những nước phát triển”, Trung Nguyễn kể về quá trình hình thành ‘xương sống’ của team Sky Mavis.

LỌT VÀO MẮT XANH CỦA QUỸ 500 STARTUPS VÀ BẮT ĐẦU HÀNH TRÌNH GỌI VỐN SIÊU TỐC

Vào tháng 9/2019, lần đầu báo giới và đông đảo công chúng biết đến Sky Mavis – Axie Infinity sau khi team được chọn tham gia chương trình tăng tốc khởi nghiệp kéo dài 3 tháng của quỹ 500 Startups Vietnam – Saola Accelerator.

“Điểm khác biệt nữa giữa Saola và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp khác, theo quan điểm của tôi: chúng tôi như có người ‘thúc sau lưng’, bắt buộc mình phải suy nghĩ kỹ hơn, suy nghĩ nhiều hơn – mình là ai, mình đang giải bài toán gì và mình phải là gì để phát triển được công ty.

Làm kinh doanh là phải nghĩ tới sự phát triển, nhưng áp lực khi tham gia Saola không chỉ là phát triển mà còn phải hiểu mình, hiểu thị trường, mình phải đi lục lại bài toán mình đang giải.

Bây giờ, sau khi được đào luyện trong Saola Accelerator, làm bất cứ việc gì, tôi luôn luôn có sự nghĩ lại để biết việc mình làm có ý nghĩa hay không và nó có thực sự mang lại nhiều giá trị hay không. Tôi đã hạ cái tôi của mình xuống 1 chút xíu trong việc giải quyết vấn đề. Hay trước khi quyết định đi con đường nào mình phải nhìn xem đích đến đó có đúng hay không?”, Trung bày tỏ.

Từ 0 tới 3 tỷ USD: Hành trình 3 năm “chớp mắt thành kỳ lân” của Sky Mavis và founder U30 Nguyễn Thành Trung
Team của Axie Infinity tham gia ngày hội Demo của Saola Accelerator năm 2019

Vậy nên, dù 500 Startups là quỹ đầu tư ở giai đoạn sớm, nhưng chúng ta có thể thấy tên họ theo suốt Axie Infinity từ những vòng gọi vốn đầu tiên đến Series B.

Chỉ 3 tháng sau khi tốt nghiệp Saola Accelerator, tên Axie Infinity bắt đầu nổi tiếng ra thế giới. Sau 18 tháng ra mắt, họ trở thành startup trong lĩnh vực game blockchain lập kỉ lục mới về doanh thu: 1,1 triệu USD từ việc bán vật phẩm điện tử và 1,8 triệu USD cho tổng khối lượng giao dịch mua bán trong hệ thống.

Sky Mavis đã thành công gọi vốn từ nhà đầu tư chính là Animoca Brands cùng các nhà đầu tư phụ như Hashed, Pangea Blockchain Fund, ConsenSys và 500 Startups với số tiền khoảng 1,5 triệu USD.

“Tôi rất tự hào về đội ngũ và cộng đồng của Axie Infinity. Đây chính là điều thú vị của việc phát triển công nghệ trên blockchain, khi mà một đội ngũ nhỏ đến từ Việt Nam có thể thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư hàng đầu thế giới.

Với nguồn vốn mới này, chúng tôi sẽ có thêm nguồn lực để đưa tầm nhìn của Axie đến với nhiều người hơn nữa. Đội ngũ của chúng tôi đang rất tập trung vào việc ra mắt phiên bản ứng dụng di động của trò chơi – nhờ điều kiện công nghệ đã chín muồi, cũng như nóng lòng chờ đến ngày được giới thiệu với mọi người”, Trung hồ hởi chia sẻ.

XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ TỐT VÀ CỘNG ĐỒNG TỐT TRONG NĂM 2020

Năm 2020 là một năm tương đối im ắng với Axie Infinity, vì không có bất cứ thông tin gì về hoạt động hoặc thành tích của họ trên truyền thông tại Việt Nam. Tuy nhiên, không nói gì không đồng nghĩa với chẳng làm gì.

Đây là năm họ dùng để xây dựng đội ngũ và cộng đồng tốt, 2 thứ quan trọng nhất, mà theo Nguyễn Thành Trung, đã tạo nên thành công ngày hôm nay của startup. Ta có thể gọi đây là năm ‘thủ thế’ nhằm chuẩn bị cho sự bùng nổ trong năm tiếp theo.

“Tôi là một người khá kỹ tính trong mọi chuyện, nên trong giai đoạn đầu ra mắt Axie Infinity, không phải khách hàng – người chơi nào đến chúng tôi cũng hoan nghênh. Và với những thành tựu như hôm nay, tôi nghĩ quyết định ban đầu của mình là chính xác, bởi cộng đồng đang là một trong những điểm mạnh nhất của tựa game này”, Trung chia sẻ.

Có thâm niên “cày game” từ những năm học phổ thông, Trung Nguyễn hiểu rõ vai trò quan trọng của thành tố cộng đồng với 1 tựa game. Đã là một thành tố quan trọng thì không thể cẩu thả! Văn hóa một công ty sẽ được định hình từ tính cách của những founder và ‘công thần’, văn hóa của một cộng đồng game cũng thế.

Từ 0 tới 3 tỷ USD: Hành trình 3 năm “chớp mắt thành kỳ lân” của Sky Mavis và founder U30 Nguyễn Thành Trung
Cộng đồng game Axie Infinity – niềm tự hào của Sky Mavis.

Cụ thể hơn, theo lý giải của Trung Nguyễn, những người chơi đầu tiên sẽ đặt nền móng văn hóa cho cả cộng đồng game sau này; nếu những người chơi đầu tiên lành tính, thì họ sẽ là team tạo nên cốt lõi tính cách cộng đồng sau này và chúng ta sẽ có một cộng đồng lành tính. Có thể sau này khi cộng đồng lớn lên, có người gần và xa nhóm người chơi đầu tiên, nhưng văn hóa cộng đồng vẫn giữ được những điều cốt lõi.

Team Sky Mavis luôn cho rằng, giao tiếp với game thủ Axie Infinity càng gần càng tốt. Trong thời gian đầu, startup này luôn tự tay trả lời từng câu hỏi của người chơi, nhờ thế họ càng thấu hiểu nhu cầu của game thủ, để không rơi vào tình cảnh tạo ra một cái gì đó mà thị tường không cần.

Bằng cách này, Sky Mavis còn muốn lan toả sự thân thiện của team cho cộng đồng, để cộng đồng biết mình đang chơi game của một team có tính cách như thế nào.

‘CÚ NỔ’ TRONG NĂM 2021 VÀ CHỚP MẮT TRỞ THÀNH ‘KỲ LÂN’ THỨ 3 CỦA VIỆT NAM

Năm 2021, Sky Mavis quay lại khá hoành tráng với thông tin đã kêu gọi được 7,5 triệu USD ở vòng gọi vốn Series A. Theo đó, vòng rót vốn này được dẫn dắt bởi Libertus Capital, một quỹ đầu tư mạo hiểm của Anh. Một số tổ chức khác cũng tham gia vào vòng rót vốn này là 500 Startups, Collab+Currency, DeFi Alliance, CoinGecko Ventures và Animoca Brands.

Về việc rót vốn dưới tư cách cá nhân, ngoài tỷ phú Mark Cuban, vị cá mập trong gameshow Shark Tank của Mỹ, còn có Alexis Ohanian – Đồng sáng lập Reddit và John Robinson – Giám đốc điều hành 100 Thieves, một trong những công ty thể thao điện tử giá trị nhất thế giới.

Shark Mark Cuban chia sẻ về quyết định đầu tư vào Sky Mavis như sau: “Tôi nghĩ Axie là một tựa game tuyệt vời, rất thú vị và hấp dẫn. Đó là game bạn có thể chơi hàng giờ liền không chán. Tôi rất hào hứng khi tham gia đầu tư vào đây”.

Từ 0 tới 3 tỷ USD: Hành trình 3 năm “chớp mắt thành kỳ lân” của Sky Mavis và founder U30 Nguyễn Thành Trung
Axie Infinity lên đỉnh vào tháng 6/2021.

Đến tháng 6/2021, nhiều trang tin trên thế giới đưa tin: không ít game thủ của Axie Infinity trở thành triệu phú nhờ “cày” game NFT này. Ví dụ: thanh niên John Aaron Ramos đến từ Manila, Philippines thông báo rằng anh đã mua hai ngôi nhà cùng lúc nhờ tiền kiếm được từ việc chơi Axie Infinity. Ramos chỉ mới bắt đầu chơi trò này từ cuối năm ngoái. Khi mới ra đời, 1 coin SLP có giá 0,035 USD nhưng đến tháng 5 năm nay, nó tăng vọt lên 0,364 USD.

Và cơn cuồng Axie Infinity, game NFT bắt đầu từ đó và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại tính cho đến thời điểm này.

Tháng 5/2021, họ có 39.000 người chơi hoạt động hàng ngày và khối lượng giao dịch NFT theo tháng chạm mốc 12 triệu USD. Bắt đầu từ tháng 7/2021, giá đồng coin AXS của Axie Infinity bắt đầu tăng tốc theo tốc độ tên lửa, đạt giá trị vốn hóa trên 2 tỷ USD trên sàn tiền điện tử vào cuối tháng, gây xôn xao giới khởi nghiệp game Việt Nam lẫn thế giới.

Cụ thể: giá của đồng AXS cũng tăng chóng mặt lên tới 600% trong vòng 1 tháng; kể từ ngày 7/7 đến 23/7, vốn hóa của đồng AXS tăng từ 0,6 tỷ USD lên 2,44 tỷ USD. Qua đó, Axie Infinity chính thức trở thành dự án “tiền ảo” Việt Nam có tổng vốn hóa lớn nhất từ trước tới nay.

“Thành quả này không phải sau 1 đêm tự dưng nó đến. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị tương ứng trước đó trong một thời gian dài, từ nền tảng công nghệ – hạ tầng cơ sở và cả con người. Chúng tôi đã chuẩn bị điều kiện cần để sẵn sàng cho điều kiện đủ sẽ xuất hiện trên thị trường.

Chúng tôi đã có sự thúc đẩy để cột mốc 1 triệu USD xảy đến, tất nhiên may mắn ở đây là điều kiện đủ đã đến đúng lúc và tăng trưởng liên tục trong thời gian ngắn”, Trung nói về thành quả của doanh nghiệp mình.

Từ 0 tới 3 tỷ USD: Hành trình 3 năm “chớp mắt thành kỳ lân” của Sky Mavis và founder U30 Nguyễn Thành Trung
Axie là dự án NFT lớn nhất mọi thời đại. Nguồn: DappRadar

Chỉ trong khoảng 2 tháng, số người chơi thường xuyên hàng ngày tăng từ 350.000 lên 1.000.000 người vào giữa tháng 8/2021. Axie Infinity tạo ra 488 triệu USD doanh thu trong từ tháng 6/2021 đến tháng 8/2021, giá đồng AXS tăng vọt giúp Đội ngũ sáng lập Sky Mavis sở hữu gần 1 tỷ USD.

Từ một tựa game online bình thường, Axie Infinity đang trở thành cơn sốt khi dựa vào mô hình Play-to-Earn, tức người chơi có thể kiếm được tiền thực thay vì chỉ biết nạp tiền vào và chơi giống như các tựa game online khác.

Qua tháng 9, Axie Infinity vẫn tiếp tục leo dốc: vào ngày 5/9, AXS có giá trị 80 USD, giúp vốn hóa của doanh nghiệp tăng lên 4,8 tỷ USD trong khi đó Ethereum có giá 3.885 USD. Đầu tháng 10, sau vài bước loạng choạng ở tháng 9, đồng AXS trở lại ngoạn mục, thậm chí còn bật tăng tới 50% để lập đỉnh mới 120 USD, tương ứng vốn hóa đạt 7,3 tỷ USD.

Hôm 5/10, Sky Mavis tuyên bố đã kêu gọi thành công 125 triệu USD ở vòng Series B và chính thức trở thành kỳ lân thứ 3 của Việt Nam. Đây là một vòng gọi vốn quy mô rất lớn – nếu so trong vài năm gần đây, giá trị chỉ thấp hơn VNPay (kỳ lân thứ 2 của Việt Nam) là 250 triệu USD. Vòng gọi vốn Series B của Momo có 28 triệu USD, Kiot Viet 45 triệu USD hay ELSA 15 triệu USD.

Nguồn: Doanh nghiệp & Tiếp thị

Có thể bạn quan tâm:
AIRBNB – CÂU CHUYỆN VỀ SIÊU KỲ LÂN TRỊ GIÁ 100 TỶ ĐÔ LA

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

 

Các viết cùng chủ đề