Từ nhân viên nhà nước thành tỷ phú tuổi 59 nhờ khởi nghiệp với Vàng
Từng là nhân viên nhà nước, ông Xu Gaoming đã táo bạo khởi nghiệp với vàng và gặt hái thành công vang dội. Ở tuổi 59, ông sở hữu 33 chi nhánh, công ty và vừa IPO thành công, trở thành tỷ phú trong ngành vàng.
Xu Gaoming từng làm nhân viên một cơ quan thủy sản ở Hồ Nam (Trung Quốc), trước khi thành tỷ phú nhờ hãng trang sức Laopu Gold. Theo ước tính của Forbes, vị doanh nhân 59 tuổi hiện nắm giữ khối tài sản trị giá hơn 1 tỷ USD. Phần lớn trong số chúng đến từ cổ phần trong Laopu Gold – công ty được mệnh danh là “Hermes của trang sức vàng”.
Sản phẩm của Laopu được đánh giá cao nhờ thiết kế tinh xảo, từ hoa tai, vòng tay đến vòng cổ. Nhiều chi tiết được làm thủ công độc đáo với các họa tiết mô phỏng văn hóa Trung Quốc như hồ lô – biểu tượng cho tiền tài và bình an. Một chiếc vòng có họa tiết hồ lô sẽ được bán với giá lên tới 44.680 nhân dân tệ (6.145 USD).
Xu thành tỷ phú nhờ đà tăng cổ phiếu Laopu Gold sau khi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong tuần trước. Khi đó, hãng này đã phát hành 19,5 triệu cổ phiếu, huy động 787 triệu đôla Hong Kong (100 triệu USD).
Xu sinh năm 1964 tại Hồ Nam (Trung Quốc). Theo truyền thông địa phương, năm 20 tuổi, ông làm việc tại một cơ quan quản lý thủy sản ở thành phố Nhạc Dương (Hồ Nam). Sau này, Xu đăng ký học từ xa tại Đại học Nông nghiệp Hoa Trung và lấy bằng năm 1988.
Trong suốt 10 năm, người đàn ông này tiếp tục làm việc cho chính quyền thành phố. Năm 1995, Xu lập một startup bán quà lưu niệm cho du khách và các sản phẩm khác liên quan đến văn hóa. Mãi đến năm 2016, Laopu chuyên tập trung vào các “di sản trang sức vàng” mới ra đời.
Hai người họ hàng của Xu nằm trong HĐQT. Con trai ông – Xu Dongbo – cũng là cổ đông, nhưng dường như không tham gia vào vai trò quản lý. Trước đó, công ty có ý định làm IPO tại Trung Quốc đại lục, nhưng không thành công.
Đợt IPO của Laopu tại Hong Kong đã thu hút được các nhà đầu tư có tiếng như Tencent và quỹ China Southern Asset Management. Công ty này cho biết sẽ dùng số tiền thu được để mở rộng ra thị trường quốc tế và tăng độ hiện diện thương hiệu.
Các sản phẩm của Laopu có mặt trên Alibaba và JD.com – hai sàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc. Tuy nhiên, phần lớn được bán tại 33 cửa hàng ở 14 tỉnh thành Trung Quốc.
Khi giá vàng tăng vọt gần đây, một số khách hàng giàu có coi sản phẩm của Laopu là khoản đầu tư. Doanh thu năm 2023 tăng hơn gấp đôi so với 2022 lên 3,2 tỷ nhân dân tệ (437 triệu USD). Lợi nhuận cũng tăng gần 5 lần lên 416,3 triệu nhân dân tệ, theo Forbes.
“Laopu Gold định vị là thương hiệu tham gia thị trường ngách trong ngành trang sức Trung Quốc”, Blair Zhang – chuyên gia thời trang và hàng xa xỉ tại hãng nghiên cứu Mintel cho biết. “Công ty này hiểu rõ tầm quan trọng của việc duy trì hình ảnh cao cấp. Họ tập trung phát triển các kỹ thuật thủ công phức tạp, để theo đuổi chiến lược khác biệt về sản phẩm”.
Dù vậy, cạnh tranh xoay quanh Laopu Gold vô cùng khốc liệt. Chow Tai Fook – thương hiệu trang sức do tỷ phú Hong Kong Henry Cheng điều hành – hiện dẫn đầu thị trường Trung Quốc. Hãng này tham gia tất cả phân khúc thị trường và đang nỗ lực giành khách hàng trẻ.
Ngoài ra, theo Zhang Yi – nhà sáng lập hãng tư vấn iiMedia Research, Laopu còn phải đối mặt với tình trạng chi phí nguyên vật liệu và mặt bằng gia tăng. Nếu giá vàng giảm trong tương lai, người tiêu dùng sau này cũng có thể không coi trang sức là công cụ đầu tư nữa.
Khi đó, Zhang cho biết Laopu sẽ phải dựa vào thiết kế độc đáo để duy trì thị hiếu người dùng. Ông ví các sản phẩm của Laopu như đồ cổ nhờ mang yếu tố văn hóa, bởi vậy có thể kéo giá trị lên trong tương lai.
“Về phương diện di sản văn hóa, tôi cho rằng Laopu Gold đang làm tốt. Đến nay, hãng vẫn khá thành công trong việc đi theo chiến lược sản phẩm khác biệt”, Zhang nói.
Hoai An Le (Theo An ninh tiền tệ)
Có thể bạn quan tâm